TCCS – Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái - tự nhiên, văn hóa và đặc biệt có vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch vùng nông thôn gắn liền với thúc đẩy du lịch nông nghiệp sinh thái là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân tại khu vực nông thôn, hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Bàn tay tài hoa của nghệ nhân xã Hồng Vân cho ra đời nhiều sản phẩm cây mang tính nghệ thuật cao_Nguồn: sodulich.hanoi.gov.vn

Phát triển du lịch nông nghiệp hướng đến xây dựng nông thôn bền vững

Xây dựng các điểm du lịch nông nghiệp, phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương, thu hút sự tham gia tích cực của người dân trong phát triển du lịch nông nghiệp được xem là điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Hà Nội. Ngành du lịch Hà Nội chú trọng khai thác tiềm năng về sinh thái, văn hóa, làng nghề truyền thống nhằm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách. Nhiều mô hình được hình thành và phát triển, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, Hà Nội có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm, bốn hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu, như công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ)…

Xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh là địa phương nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái. Mô hình trồng nho hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại địa phương là một trong những mô hình thành công trong thời gian qua. Tận dụng các lợi thế về nông nghiệp, giao thông và du lịch, Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng nho gồm năm thành viên với quy mô gần 5ha. Du khách đến đây được trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch nho với quy trình sản xuất an toàn. Với hai vụ thu hoạch trong năm, dự kiến sản lượng nho đạt từ 50 đến 60 tấn/năm, giá bán 200.000/kg sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân. Mô hình vừa tạo phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, vừa tạo được không gian sinh thái giữa các đô thị.

Nằm trên địa bàn huyện Thường Tín, Hồng Vân từ một xã nông nghiệp, đến nay đã phát triển theo hướng làng nghề sinh vật cảnh kết hợp với khai thác dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm. Với cách làm sáng tạo, mỗi năm xã Hồng Vân đón gần 6 vạn lượt khách đến du lịch trải nghiệm, thu nhập ước tính đạt trên 6 tỷ đồng/năm. Năm 2018, xã Hồng Vân được thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh thái. Đây là dấu mốc quan trọng để chính quyền và nhân dân xã Hồng Vân tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hồng Vân lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định xây dựng xã trở thành xã “du lịch - sinh thái - làng nghề”, phấn đấu đến năm 2025 Hồng Vân trở thành một trung tâm kết nối vùng trọng điểm và là một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, Hà Nội xác định phát triển du lịch nông nghiệp hướng đến xây dựng nông thôn bền vững, đi vào chiều sâu là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh: “Hà Nội sẽ ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân làm du lịch... Qua đó, tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển, trở thành sản phẩm OCOP (Mỗi xã, phường một sản phẩm) của thành phố”. Sở Du lịch Hà Nội cũng xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế du lịch nông nghiệp phát triển.

Thành phố Hà Nội xác định rõ việc xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch vùng, doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch. Bảo đảm tính liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch nông nghiệp văn minh, thân thiện và hiện đại. Phát huy vai trò của hiệp hội du lịch và các tổ chức nghề nghiệp du lịch.

Các giải pháp phát triển bền vững

Để phát triển những tiềm năng, lợi thế của Thủ đô trong du lịch nông nghiệp, Hà Nội cần chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn gắn liền với cảnh quan du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch nông nghiệp sinh thái hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, toàn diện.

Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nông thôn. Theo đó, hoàn thiện các cơ chế quy hoạch tổng thể và xây dựng hành lang pháp lý tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn liền với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Công tác quy hoạch cần tính đến việc khai thác, sử dụng và phát triển các nguồn tài nguyên du lịch một cách hợp lý, bảo đảm sự phát triển mang tính bền vững đối với hệ sinh thái. Đặc biệt, trong quá trình quy hoạch cần bảo đảm cấu trúc của môi trường tự nhiên, điều kiện phát triển của các ngành kinh tế khác đồng thời không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Chú trọng đầu tư, phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp chuyên biệt, như mô hình du lịch trang trại, mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái, mô hình du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Để phát huy tối đa tiềm năng của du lịch nông nghiệp sinh thái, ngành du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ, tạo ra bước đột phá dựa trên những giá trị tương đương để tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và hấp dẫn. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý của địa phương và ngành, các sở, ban ngành phối hợp hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, vệ sinh môi trường nhằm xây dựng lối sống văn minh, lành mạnh.

Thứ hai, nghiên cứu thị trường, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn, xúc tiến quảng bá du lịch nông nghiệp sinh thái. Việc nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch là điều kiện cần để du lịch nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, công tác quảng bá thương hiệu du lịch cũng đóng vai trò quan trọng, là chìa khóa để du khách biết đến các sản phẩm du lịch của địa phương, bảo đảm sự thu hút khách và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch địa phương. Việc liên kết hợp tác phát triển xúc tiến quảng bá du lịch nông nghiệp sinh thái, nâng cao hình ảnh của các điểm du lịch nông nghiệp là nhiệm vụ cần thiết để thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển. Mở rộng đa dạng hóa hình thức quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông. Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp bằng cách kết hợp nhiều hình thức trải nghiệm, xây dựng nội dung thuyết minh, giá cả, dịch vụ tại các điểm du lịch theo chủ đề phù hợp.

Thứ ba, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số theo hướng đồng bộ để hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái ngày càng được nâng cao về chất lượng. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như giao thông, đặc biệt hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm thành phố đến các khu du lịch nông nghiệp ở ngoại thành, hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch. Để nâng cao chất lượng tại các điểm du lịch, cần tăng cường nâng cao hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ ăn uống, hệ thống khu vui chơi giải trí. Ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái, hướng đến xây dựng du lịch thông minh dựa trên các nền tảng ứng dụng công nghệ.

Thứ tư, liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Du lịch nông nghiệp phát triển đòi hỏi trình độ nghiệp vụ, quản lý ngày càng cao, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cao, đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động tại các địa phương có mô hình du lịch nông nghiệp. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về văn hóa du lịch, nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ cán bộ, nhân viên. Tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên ngành du lịch dưới nhiều hình thức khác nhau, như cử cán bộ đi học tại các trường dạy nghề, các khóa học nghiệp vụ ngắn hạn, các hội thảo chuyên môn về du lịch, tận dụng nguồn hướng dẫn viên du lịch tại địa phương. Đặc biệt, cần chú trọng đến chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kế cận.

Thứ năm, tăng cường liên kết địa phương, liên kết vùng trong phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái. Liên kết địa phương, liên kết vùng sẽ khai thác hiệu quả thế mạnh về vị trí địa lý, các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng, phát huy lợi ích của cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế nhằm tạo chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh và tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước sẽ thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch vùng. Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khai thác tính độc đáo của mỗi vùng, nâng cao vị thế cạnh tranh điểm đến cho toàn vùng. Chú trọng hợp tác, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia và khu vực./.

Phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái là chủ trương đúng đắn, nhằm nâng cao giá trị của nông nghiệp và nông thôn, góp phần phát triển các sản phẩm nông nghiệp thông qua chương trình OCOP, phát huy giá trị văn hóa của các địa phương, góp phần hoàn thành các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp thật sự khởi sắc cần sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các cơ quan chủ quản về văn hóa, du lịch và nông nghiệp cho đến mỗi người dân Thủ đô.