Công an nhân dân thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

PGS, TS. VŨ TRỌNG LÂM
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
00:08, ngày 31-01-2021

TCCS - Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân. Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, nặng nề, song hết sức vẻ vang đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô, tết Quý Mão, năm 1963_Ảnh: TTXVN

1- Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người không chỉ vạch đường, chỉ lối, thiết kế và tổ chức con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, mà còn là người thầy trực tiếp tuyển lựa, huấn luyện, đào tạo nhiều thế hệ cán bộ cách mạng xuất sắc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người chỉ rõ, để làm tròn sứ mệnh của mình, Đảng không chỉ có lý luận tiên phong dẫn đường là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà Đảng còn phải tiêu biểu cho đạo đức và văn hóa. Đạo đức cách mạng là nền tảng, gốc rễ làm cho bản chất Đảng được giữ vững và phát huy, quyền lực không bị tha hóa, nhân cách đảng viên không bị suy thoái, hư hỏng; bảo đảm cho Đảng làm tròn sứ mệnh của đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc. Người chỉ rõ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). Đạo đức giúp người cán bộ, đảng viên luôn tiền phong, gương mẫu trước mọi nhiệm vụ, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”. Người khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó, để tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân, vận động quần chúng; được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng thì người cán bộ, đảng viên của Đảng phải tiêu biểu về đạo đức cách mạng. Cách mạng “là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(2).

Tấm gương đạo đức của Người là sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương về đạo đức, giữa tư tưởng về đạo đức và thực hành đạo đức. Được khích lệ bởi tấm gương đạo đức của Người, lớp lớp cán bộ, đảng viên của Đảng đã chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và góp phần làm nên những chiến công hiển hách, thành tựu vẻ vang của đất nước, của Đảng ta.

2- Ra đời trong khí thế vang dội thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, ngày 19-8-1945, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam luôn kề vai sát cánh cùng các lực lượng cách mạng và nhân dân cả nước kiên cường, mưu trí, dũng cảm đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm; bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ thành quả cách mạng của đất nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Là lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, vì vậy, Công an nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương, chăm lo, giáo dục và rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Người chỉ ra, đây là lực lượng phải được tổ chức, xây dựng vững mạnh toàn diện, xứng đáng với trọng trách được Đảng và Nhà nước giao phó là bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ nhân dân. Không chỉ khi đất nước có chiến tranh, mà cả trong hòa bình, lực lượng Công an nhân dân vẫn luôn luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, gian khổ, hy sinh.

Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, nặng nề, song hết sức vẻ vang đó, Người yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải không ngừng trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng. Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân ngay trong khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra gay go, ác liệt, không chỉ trở thành lời huấn thị đối với lực lượng Công an nhân dân, là di sản tinh thần vô giá, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua gian khổ, hy sinh, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, mà còn thể hiện sự yêu thương, quan tâm đặc biệt, sự thấu hiểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - những người trong thời chiến hay thời bình, đều tiên phong trước những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, thầm lặng nhưng hết sức vẻ vang.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự công an nhân dân_Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, tựu trung lại gồm những phẩm chất sau:

Trước hết là, trung với nước, hiếu với dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đây là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất và chi phối các phẩm chất khác. Đối với lực lượng Công an nhân dân, trung với nước là yêu cầu hàng đầu, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải có lòng yêu nước nồng nàn, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; suốt đời phấn đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh, trật tự của đất nước; kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiếu với dân là phải tận trung, tận hiếu với nhân dân; kính trọng, lễ phép với nhân dân; tận tụy phục vụ nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ chính trị nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân: “Làm công an để giữ trật tự an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”(3). “Công an nhân dân hoàn toàn khác công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức nhân dânCông an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân(4), “Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”(5). Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân”, “nhiệm vụ của công an thì nhiều, nhưng nói tóm tắt là bảo vệ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa”(6).

Từ những định hướng quan trọng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã luôn quan tâm xây dựng lực lượng Công an nhân dân “có tinh thần phục vụ nhân dân” và xứng đáng là “bạn dân”(7). Để hoàn thành nhiệm vụ “giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ cho nhân dân ta an cư lạc nghiệp”(8), góp phần “xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù việc lớn hay nhỏ, lực lượng Công an cách mạng cũng đều phải biết “dựa vào nhân dân mà làm việc”, phải “thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”(9). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh điều này không chỉ vì lực lượng Công an là con đẻ của nhân dân, sinh ra và lớn lên trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân, mà còn vì mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn hiểu và nhớ rằng, trong mọi thời kỳ cách mạng, “dân như nước, mình như cá”, bao nhiêu lực lượng “đều ở nơi dân”(10), vì so với nhân dân, Công an “dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay”. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, “phải làm sao có được hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai” ấy. Muốn được như vậy thì trong mọi hoàn cảnh, dù ở đâu, làm gì, Công an cũng cần phải làm thế nào cho được lòng dân và “phải dựa vào dân, không được xa rời dân”(11), “có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình”, phải biết “đoàn kết nhân dân, tổ chức và giáo dục nhân dân”(12), mới xứng đáng là “người công an nhân dân của một nước dân chủ nhân dân”(13).

Thứ hai, yêu thương con người

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của người Việt Nam, trong đó có những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ Công an nhân dân.

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu thương đồng bào, đồng chí của Người bao la, rộng lớn, bao dung cả với những người phạm sai lầm, khuyết điểm. Người căn dặn: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”(14). Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho muôn đời sau, Người căn dặn, trong Đảng “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, mỗi cán bộ, đảng viên luôn luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người.

Phẩm chất này yêu cầu lực lượng Công an nhân dân phải “trọng dân”, “tin dân”, “gần dân”, sẵn lòng giúp đỡ nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ Công an phải kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, thông cảm và giúp đỡ người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn; khoan dung, độ lượng với người mắc sai lầm, khuyết điểm và vi phạm pháp luật, kiên trì giáo dục, thuyết phục, giúp họ khắc phục sai lầm, khuyết điểm, trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Đối với đồng chí, đồng đội, cán bộ, chiến sĩ công an phải có tình đồng chí, đồng đội, yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, công tác, chiến đấu.

Thứ ba, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Lễ xuất quân của lực lượng Công an nhân dân diễn tập phương án bảo vệ Đại hội XIII của Đảng_Ảnh: TTXVN

Người cho rằng, mỗi người, nhất là những người có vị trí ảnh hưởng đối với xã hội, đối với cộng đồng, phải luôn phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành theo bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính. Theo Người, cán bộ, đảng viên không phải là thần thánh, họ là con người, có hai mặt tốt - xấu, thiện - ác thường xuyên đấu tranh với nhau. Trong môi trường có điều kiện tốt, cán bộ, đảng viên nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện thì mặt tốt, mặt thiện sẽ đẩy lùi mặt xấu, mặt ác. Từ đó, họ sẽ trở thành người tốt, làm gương cho quần chúng nhân dân, đóng góp nhiều cho Đảng, cho cách mạng. Ngược lại, trong một môi trường xã hội nhiều cái xấu, không lành mạnh, cán bộ, đảng viên buông thả, thiếu ý chí phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thì mặt ác, mặt xấu sẽ chi phối, kiềm chế mặt tốt, mặt thiện và lúc đó, họ trở thành người bị tha hóa, biến chất, có hại cho Đảng, cho dân, thậm chí trở thành tội phạm.

Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải luôn trau dồi đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong công tác, chiến đấu, học tập, tu dưỡng, rèn luyện cũng như trong cuộc sống, cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tiết kiệm sức lao động, thời gian, tài sản của Nhà nước, của nhân dân và của bản thân, có cuộc sống giản dị; nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, thấy sai phải đấu tranh, thấy đúng phải bảo vệ; nêu cao tinh thần chí công vô tư, khách quan, trung thực, liêm chính, không làm hại người tốt, không bao che kẻ xấu, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm.

Thứ tư, tinh thần quốc tế trong sáng

Đó là tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản: “Bốn phương vô sản đều là anh em”(15), là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp bằng hoạt động cách mạng thực tiễn của bản thân mình và bằng sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc; là tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam với tất cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội, vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là tinh thần hợp tác và hữu nghị.

Đối với lực lượng Công an nhân dân, chuẩn mực tinh thần quốc tế trong sáng được thể hiện bằng tính chủ động, tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế về an ninh, trật tự, giữ vững nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục đích cao nhất để điều chỉnh sách lược một cách linh hoạt, kịp thời và phù hợp với những đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Nữ cảnh sát nhân dân hướng dẫn du khách quốc tế tại Hà Nội_Ảnh: Tư liệu

3- Bối cảnh, tình hình mới đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn, nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó dự đoán. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra phức tạp và gay gắt hơn. Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu tối thượng đối với mọi quốc gia, song đang đứng trước những thách thức mới trong xử lý mối quan hệ hài hòa với lợi ích toàn cầu. 

Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Những thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã góp phần tăng thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt xây dựng và phát triển con người Việt Nam toàn diện, trong đó có lực lượng Công an nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn nhiều thách thức đan xen: Nền kinh tế phát triển chưa bền vững. Tình hình đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1-1994) vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ còn cam go, phức tạp, lâu dài. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp. Trong khi đó, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình” hòng chống phá cách mạng Việt Nam. Cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố đe dọa đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tội phạm luôn tìm mọi cách để tác động, lôi kéo, mua chuộc, hòng khống chế, lung lạc ý chí, làm tha hóa phẩm chất, làm phai nhạt lý tưởng của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân…

Tình hình thế giới và trong nước có cả những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân, đòi hỏi toàn lực lượng phải nâng cao quyết tâm chính trị, dự báo chính xác tình hình, chủ động thích ứng với mọi tình huống, tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, từng cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân cần không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tích cực trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chuẩn mực cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, trong đó, việc cấp thiết là xây dựng đạo đức hành động, hướng tới nhân dân và vì nhân dân. Thực tiễn đã chứng minh rằng, ở đâu tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong hành động theo phương châm “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(16) thì ở đó tổ chức đảng mạnh, phong trào quần chúng lên cao. Ngược lại, ở đâu chủ trương, nghị quyết một đằng, thực hiện một nẻo, nói hay nhưng làm dở thì ở đó tổ chức đảng yếu kém; tình trạng tham nhũng, lãng phí và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống còn tồn tại thì niềm tin của quần chúng nhân dân với tổ chức đảng bị xói mòn. 

Tích cực đấu tranh với những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh phòng, chống loại tội phạm và tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa kịp thời các luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, kích động làm giảm uy tín lực lượng Công an nhân dân - lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân.

Công an chính quy và công an viên của xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến biên giới Tây Bắc giáp với Campuchia. Ảnh:  TTXVN

Thứ hai, thường xuyên quan tâm tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn liền với triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các cuộc vận động, phong trào thi đua trong lực lượng Công an nhân dân.

Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng và người đứng đầu đơn vị. Triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 01-QĐi/ĐUCA-X03, ngày 28-1-2019, của Đảng ủy Công an Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ và người đứng đầu Công an các đơn vị, địa phương… Chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy trình, quy chế và tiêu chí trong nêu gương, đề cao trách nhiệm, tính tự giác của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác tổ chức, cán bộ và thực thi công vụ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện gắn với thực hiện “tự soi, tự sửa”, tự phê bình và phê bình trong Đảng bộ Công an nhân dân. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động, đẩy mạnh phân công, phân cấp, giao quyền cụ thể gắn với trách nhiệm rõ ràng đối với từng cấp Công an và từng cá nhân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng nghiêm minh trong toàn lực lượng Công an./.

------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 292
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 601
(3),(4),(5),(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 269
(7),(8),(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 312
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 270
(12),(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 83
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
(15),(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 670