Việt Nam quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế mới
TCCS - Xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường là khát vọng mãnh liệt của nhân dân ta sau khi đất nước giành được độc lập. Việt Nam đang bước trên con đường phát triển với một nội lực mạnh mẽ chưa từng có. Việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 vào ngày 7-6-2019, với số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) là sự khẳng định rõ ràng về điều đó. Với kết quả này, Việt Nam - đại diện cho khối nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng với các đại diện Đông Âu, Nam Mỹ, châu Phi, sẽ chính thức đảm nhiệm công việc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kể từ ngày 1-1-2020.
Nâng tầm vị thế trên trường quốc tế
Một thập niên trước, trong nhiệm kỳ 2008 - 2009, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (E10), Việt Nam đã chứng tỏ là một quốc gia có trách nhiệm, có năng lực vươn lên để đóng góp vào Hội đồng Bảo an - một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc được giao trọng trách hàng đầu trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Năng lực và uy tín ấy tiếp tục được củng cố khi ngày 7-6-2019, một lần nữa Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc tín nhiệm bầu vào vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ phản ánh sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của một Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp đầy trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới. Việc các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương lựa chọn Việt Nam là ứng viên duy nhất của khu vực vào vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021 cũng cho thấy:
Thứ nhất, sự ủng hộ và tín nhiệm cao của các nước trong khu vực đối với Việt Nam - quốc gia có đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, thúc đẩy vai trò của Liên hợp quốc cũng như các thể chế đa phương, đặc biệt trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Điều này không những khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà còn thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của nước ta trên trường quốc tế, giúp Việt Nam có thêm thuận lợi để phát huy vai trò tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, nhằm thực hiện nhiệm vụ đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước.
Thứ hai, vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trên mặt trận thương mại, ngoại giao quốc tế cũng như an ninh khu vực. Từ chỗ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện đã có quan hệ tốt với cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5), nòng cốt trong các tổ chức và diễn đàn khu vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Tổ chức quốc tế của các quốc gia nói tiếng Pháp (Francophonie), gắn bó với châu Phi, khu vực Mỹ La-tinh. Việt Nam cũng trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học (năm 1998); một trong những nước đầu tiên ký kết Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (năm 1996); thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị (năm 1996); tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Xu-đăng (năm 2014)... Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thành công trong việc tổ chức, chủ trì nhiều sự kiện khu vực và quốc tế quan trọng, như Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC, năm 2017), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN, năm 2018), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai (tháng 3-2019)... Điều đó cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm và khả năng chủ động tham gia dẫn dắt, định hình các cơ chế quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Thứ ba, Việt Nam là một quốc gia được tin cậy khi luôn tôn trọng luật pháp quốc tế nói chung, trong đó có Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước. Trước khi UNCLOS 1982 ra đời, Việt Nam đã tích cực vận dụng những quy định liên quan của luật pháp quốc tế để xây dựng các văn bản pháp luật trong nước về biển. Năm 1977, Việt Nam đã ban hành “Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam”, trong đó xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, không chỉ giới hạn trong quyền đánh bắt cá mà còn bao gồm các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác. Tuyên bố này được đưa ra khi UNCLOS 1982 đang được xây dựng, phản ánh xu thế được đa số các nước ủng hộ tại Hội nghị Luật Biển lần thứ ba của Liên hợp quốc kéo dài từ năm 1973 đến 1982, thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào quá trình pháp điển hóa tiến bộ luật biển quốc tế. Với Tuyên bố này, Việt Nam cùng với các quốc gia khác, như Kê-ni-a, Mi-an-ma, Cu-ba, Y-ê-men, Đô-mi-ni-ca, Goa-tê-ma-la, Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Mê-hi-cô, Xây-sen được coi là những quốc gia tiên phong trong việc đưa khái niệm vùng đặc quyền kinh tế trở thành khái niệm có giá trị tập quán và sau này trở thành một nội dung quan trọng của UNCLOS 1982. Việt Nam luôn coi trọng và kỳ vọng vào một trật tự pháp lý mới về biển và đại dương(1). Tham gia E10 là cơ hội tốt để Việt Nam lên tiếng, bày tỏ những quan ngại của mình đối với các vấn đề liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông và luật hàng hải quốc tế; thể hiện khả năng cũng như đóng góp của mình đối với an ninh hàng hải và sự ổn định trong khu vực vì hòa bình, an ninh và phát triển.
Bên cạnh những thuận lợi trên, khi đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức, như cục diện thế giới thay đổi khá nhiều so với 10 năm trước đây; khối lượng công việc của Hội đồng Bảo an gia tăng đáng kể; chương trình nghị sự ngày càng dày đặc; các cuộc họp tham vấn và công khai cũng kéo dài hơn so với trước đây, cùng với việc các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có nhiều nhân lực và kinh nghiệm hơn... Đây sẽ là những thách thức đối với Việt Nam về việc chuẩn bị trước nội dung đối với các vấn đề dự kiến sẽ họp trong giai đoạn 2020 - 2021. Hơn nữa, việc các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an sử dụng quyền phủ quyết cũng có thể làm cản trở tiến trình đạt được kết quả chung về một vấn đề nào đó. Sự bất đồng giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ là một thách thức đối với các nước E10 nói chung và Việt Nam nói riêng khi tham gia Hội đồng Bảo an và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch khi phải chủ trì hoặc bày tỏ lập trường về các vấn đề bị chia rẽ giữa các nước P5, trong đó có các nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam.
Có thể nói, giai đoạn 2020 - 2021 là khoảng thời gian quan trọng nhưng cũng đầy áp lực đối với Việt Nam khi ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu đều tồn tại nhiều vấn đề khó khăn. Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đồng thời sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Do đó, Việt Nam sẽ có trách nhiệm hết sức nặng nề, không những phải thể hiện được vai trò, năng lực trên trường quốc tế mà còn ở cả khu vực, đóng góp vào việc giải quyết những thách thức chung của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, những thách thức đó cũng chính là cơ hội giúp Việt Nam có thể phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa Liên hợp quốc với các cơ chế khu vực tại châu Á - Thái Bình Dương, cũng như thể hiện sức bật mới trong vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước.
Sự chuẩn bị của Việt Nam với vai trò mới
Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 là một dấu mốc có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, định hướng công tác đối ngoại đa phương là “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc” và Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư về đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó đề ra những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong hơn 10 năm tới trên tất các lĩnh vực(2).
Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo nhưng thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức về hòa bình và an ninh. Chiến tranh, xung đột, khủng bố, đói nghèo và chậm phát triển vẫn là những mối đe dọa thường trực ở nhiều khu vực. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, dân túy, cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước lớn... đang tác động tiêu cực đến môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia. Từng trải qua những năm dài chiến tranh, Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình. Việt Nam có kinh nghiệm, khả năng và đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Từ năm 2010, ngay sau khi kết thúc và đảm nhiệm thành công vai trò E10 nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam đã nộp đơn ứng cử vào vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 - 2021. Để đạt được số phiếu ủng hộ cao nhất, trong suốt 10 năm qua, Việt Nam đã tích cực triển khai kế hoạch vận động rộng khắp dưới nhiều hình thức, đặc biệt là việc đưa kế hoạch vận động vào nội dung trao đổi, làm việc của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta với lãnh đạo cấp cao các nước trong những cuộc tiếp xúc, chuyến thăm, tham dự hội nghị quốc tế... Việt Nam cũng tích cực vận động, duy trì trao đổi, tham vấn thường xuyên với các nước thành viên Hội đồng Bảo an ở các cấp, tại Niu Oóc và thủ đô các nước (đặc biệt với Nga, Trung Quốc), tạo được mối quan hệ hợp tác tin cậy, thẳng thắn (với Mỹ, Anh, Pháp...).
Trong 10 năm qua, thông qua Liên hợp quốc, Việt Nam đã giới thiệu một cách có hiệu quả để các nước hiểu rõ hơn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; là bạn và đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như những thành tựu toàn diện trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tháng 10-2018, lần đầu tiên Việt Nam cử 63 sĩ quan tham gia Bệnh viện dã chiến cấp II ở Nam Xu-đăng; đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ tiếp tục tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam cũng tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2016. Cuối năm 2018, Việt Nam trúng cử vào Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL). Vai trò mới này của Việt Nam là minh chứng rõ nét cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập với cộng đồng quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực thương mại. Tất cả những điều này đã giúp các nước có cái nhìn toàn diện về một Việt Nam tích cực, chủ động, có trách nhiệm và khả năng tham gia đóng góp vào công việc chung của Liên hợp quốc.
Trên cơ sở những kinh nghiệm tích lũy được trong hoạt động ngoại giao đa phương nhiều năm qua, nhất là những bài học kinh nghiệm trên các phương diện có được từ quá trình tham gia vị trí E10 (nhiệm kỳ 2008 - 2009), Việt Nam đã sớm có các bước chuẩn bị cần thiết để có thể hoàn thành trọng trách, tham gia đóng góp tích cực, chủ động, toàn diện hơn nữa trên các vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an, nhiệm kỳ 2020 - 2021:
Một là, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ hồ sơ về chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là những vấn đề phức tạp; thường xuyên cập nhật những diễn biến mới của tình hình thế giới, cũng như chủ trương, quan điểm của Việt Nam trên các vấn đề đó; nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các sáng kiến mà Việt Nam có thể thúc đẩy hoặc tăng cường sự tham gia trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Hai là, triển khai các công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao đa phương, giúp Việt Nam có đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương chuyên nghiệp, trưởng thành về bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, thành thạo ngoại ngữ, tác chiến hiệu quả, chuyên nghiệp trên các diễn đàn, có kỹ năng soạn thảo và chủ trì thương lượng các nghị quyết, các cuộc tham vấn, hội nghị quốc tế...
Ba là, triển khai xây dựng cơ chế thông tin, phối hợp liên ngành có hiệu quả; phân cấp quyết định, bảo đảm sự chỉ đạo của lãnh đạo đối với các hoạt động của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc - đơn vị “tiền tiêu” trực tiếp tham gia các hoạt động của Hội đồng Bảo an; theo sát tình hình và bảo đảm duy trì trao đổi thông tin thường xuyên với các nước sở tại; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của Liên hợp quốc cũng như các tổ chức nghiên cứu quốc tế.
Các ưu tiên cần được triển khai
Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thúc đẩy đối thoại nhằm góp phần tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột, đưa tiếng nói của các nước nhỏ vào hoạt động của cơ quan này, các ưu tiên được Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh trong lần thứ hai trúng cử vào E10, bao gồm:
Thứ nhất, ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy thực hiện Chương VI của Hiến chương Liên hợp quốc; cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực.
Thứ hai, đề xuất, thúc đẩy những sáng kiến nhằm đóng góp vào việc ra quyết định về các vấn đề quan trọng của thế giới. Tăng cường hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương, mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết những vấn đề toàn cầu, vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh. Ưu tiên bảo vệ thường dân, các kết cấu hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang. Một nội dung khác mà Việt Nam cam kết ưu tiên là giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Việt Nam cũng dành ưu tiên cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Thứ ba, theo sát Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và các Mục tiêu phát triển bền vững, như xử lý các vấn đề môi trường, đề cao tiếng nói của người nông dân và ngư dân; cam kết thúc đẩy đối thoại và hợp tác, nhằm phòng ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế.
Thứ tư, phát huy vai trò của Việt Nam với cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, đồng thời là Chủ tịch ASEAN năm 2020 trong việc thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, bao gồm ASEAN. Thế giới cũng kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề cộng đồng người tị nạn ở Mi-an-ma trong khuôn khổ diễn đàn khu vực cũng như quốc tế.
Thứ năm, đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia các hoạt động quốc tế đa phương, Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, tổ chức, nhân lực và điều kiện vật chất để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ngay từ năm 2014, Việt Nam đã thành lập Trung tâm huấn luyện gìn giữ hòa bình của Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) có nhiệm vụ “nghiên cứu, tham mưu, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị và triển khai lực lượng, chỉ huy và điều hành toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Việt Nam cũng đã liên kết với nhiều quốc gia trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình nhằm hợp tác, trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm, mở lớp tập huấn... Thông qua hoạt động đa phương này, Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về trang thiết bị, kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực... đối với hoạt động gìn giữ hòa bình. Đây cũng là những hoạt động hợp tác rất thiết thực, bổ ích nhằm chia sẻ những kinh nghiệm góp phần trang bị cho những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam kiến thức, kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ tại Phái bộ Liên hợp quốc. Năm 2015, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã khẳng định: “Đối với kết quả mà sĩ quan Việt Nam đã làm trong lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tôi chỉ có một từ để nói, đó là “Tuyệt vời!”.
Mặc dù đây là thời điểm để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế, nhưng Việt Nam cần luôn giữ cho mình một tư thế rộng mở, sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong khu vực cũng như trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam phải có sự phối hợp tốt với các nước thường trực và không thường trực khác của Hội đồng Bảo an để tạo sự đồng thuận tốt nhất, bên cạnh đó cũng cần thể hiện quan điểm của mình trong các vấn đề mà Hội đồng Bảo an bàn thảo như tất cả các nước thành viên khác. Giải quyết các vấn đề về an ninh phải tôn trọng luật pháp quốc tế, đó là mục đích cao nhất mà Việt Nam muốn đóng góp vào Hội đồng Bảo an.
Có thể nói, cơ hội đưa Việt Nam lên một vị thế mới, tầm cao mới đang trải rộng phía trước, dù thách thức vẫn còn nhiều. Với những kinh nghiệm đã có từ nhiệm kỳ 2008 - 2009, cộng với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và quyết tâm của mình, Việt Nam với cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020 - 2021, hoàn toàn có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế mới, đáp ứng sự tin tưởng và kỳ vọng của tất cả các nước đã ủng hộ và bỏ phiếu cho mình./.
-------------
(1) Xem: https://baoquocte.vn/25-nam-unclos-viet-nam-luon-tich-cuc-dau-tranh-bao-ve-luat-phap-quoc-te-98311.html
(2) Xem: http://baoquocte.vn/doi-ngoai-da-phuong-gop-phan-day-manh-hoi-nhap-tang-cuong-suc-manh-dat-nuoc-85683.html, ngày 18-1 -2019
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển