Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và các nghị viện trên thế giới
Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki, Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Gabriela Cuevas Barron và Chủ tịch Nghị viện Qatar Ahmad Bin Abdullah Al Mahmoud, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Vương quốc Maroc, thăm chính thức Cộng hòa Pháp, thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu và tham dự Đại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện Thế giới và các hội nghị liên quan tại Doha, Qatar từ ngày 28-3-2019 đến 08-4-2019. Đây là chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 11 năm, thăm chính thức Maroc sau 14 năm, thăm Nghị viện châu Âu sau 8 năm.
Nỗ lực làm một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
Liên minh Nghị viện Thế giới (tiếng Anh: Inter-Parliamentary Union - IPU) là một tổ chức liên nghị viện toàn cầu được thành lập vào năm 1889. Đây là diễn đàn thường trực đầu tiên cho các cuộc đàm phán đa phương về chính trị. Ban đầu, tổ chức đã cho các nghị sĩ với tư cách cá nhân, nhưng sau này đã chuyển đổi thành một tổ chức quốc tế của các nghị viện của các quốc gia có chủ quyền. Các nghị viện quốc gia của 178 quốc gia là thành viên của IPU, và 12 thành viên liên kết. Liên minh Nghị viện Thế giới có tư cách quan sát viên thường trực tại Liên hợp quốc và tư cách tham vấn chung với Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc.
IPU là một tổ chức quốc tế tập hợp đại diện của Nghị viện các quốc gia có chủ quyền, hoạt động nhằm mục đích vì hoà bình, hợp tác giữa các dân tộc và Nghị viện các nước. Thông qua hợp tác với các tổ chức Liên nghị viện khu vực, các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, IPU ngày càng đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống quốc tế, từ các vấn đề chính trị, an ninh, đến văn hóa, khoa học, giáo dục.
Việt Nam là thành viên chính thức của IPU từ năm 1979. Kể từ đó đến nay, Quốc hội Việt Nam thường xuyên có những đóng góp tích cực, có trách nhiệm tại IPU, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội Việt Nam nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Từ 28-3 đến 01-4-2015, Đại hội đồng IPU 132 tổ chức tại Việt Nam. Sau 5 ngày làm việc tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đồng IPU 132đã thành công tốt đẹp. Đại hội đồng đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của nghị viện, đặc biệt là chủ đề chung “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Kết quả quan trọng nhất của Đại hội đồng đã được thể hiện qua Tuyên bố Hà Nội. Đây là văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU cùng các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc đang xây dựng cho đến năm 2030. Tuyên bố Hà Nội được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2015. Kết quả của Đại hội đồng IPU-132 đã nói lên tiếng nói chung của nghị viện các nước, góp phần vào việc bảo vệ hòa bình, tăng cường hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia, giữa các nghị viện và thúc đẩy bước phát triển mới của cộng đồng quốc tế giai đoạn sau 2015.
Các Ủy ban chuyên trách của Đại hội đồng cũng đã thảo luận và IPU đã ra nghị quyết về các vấn đề quan trọng như chiến tranh mạng, quản trị nước, luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ và nhân quyền.
Các nội dung khác liên quan đến vấn đề của Liên hợp quốc, nghị sỹ trẻ, quyền của phụ nữ, Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện, bảo vệ quyền của nghị sỹ, HIV-AIDS, trẻ em, dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, báo cáo nghị viện toàn cầu, loại bỏ nguy cơ về chiến tranh hạt nhân... cũng đã được thảo luận tại các Ủy ban chuyên trách và các diễn đàn của Đại hội đồng. Đại hội đồng cũng đã tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị nữ nghị sỹ IPU và 20 năm Tuyên bố Bắc Kinh về quyền của Phụ nữ.
Việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự IPU-140 và các hội nghị liên quan trong bối cảnh Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch IPU nhiệm kỳ 2018-2019 là sự khẳng định rằng, Việt Nam luôn nỗ lực làm một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của IPU nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Thúc đẩy quan hệ với Nghị viện châu Âu
Ngày 28-11-1990, Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1996, Liên minh châu Âu mở Phái đoàn Đại diện của Ủy ban châu Âu (EC) tại Hà Nội. Hai bên duy trì các cơ chế hợp tác: Tham vấn chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao; Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Liên minh châu Âu: Cơ chế đối thoại về nhân quyền Việt Nam - Liên minh châu Âu… Việt Nam và Liên minh châu Âu phối hợp tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Liên minh châu Âu, ASEM và Liên hợp quốc, trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, an ninh năng lượng, chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, di cư bất hợp pháp...
Năm 2017, Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn ba (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam. Các nước Đức, Anh, Hà Lan, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Áo và Bỉ là 8 thị trường lớn nhất thuộc Liên minh châu Âu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, hàng năm đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng dệt may, giày dép, cà phê, hải sản, máy vi tính, linh kiện điện thoại… Hai bên đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu không ngừng được thúc đẩy và phát triển tốt đẹp, trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu. Các hoạt động trao đổi đoàn thường xuyên và đối thoại định kỳ, tiếp xúc giữa các Nghị sĩ tại các Diễn đàn nghị viện đa phương đã đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu nói chung và quan hệ nghị viện nói riêng. Hai bên đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị song phương.
Chuyến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần này nhằm trao đổi về quan hệ hợp tác nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước thành viên Liên minh châu Âu, Nghị viện châu Âu, thúc đẩy quan hệ ASEAN với Liên minh châu Âu... Chuyến thăm cũng nhằm trao đổi về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Tăng cường hợp tác nhiều mặt với Maroc
Việt Nam và Maroc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 27-3-1961. Hai nước Việt Nam và Maroc dù ở hai châu lục cách xa nhau, nhưng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam và Maroc không ngừng nỗ lực vun đắp và phát triển quan hệ giữa hai nước trong những năm qua. Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội hai nước đã thăm nhau và hai nước thường xuyên có trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng. Quan hệ ngoại giao song phương đã ở mức cao nhất - cấp Đại sứ quán thường trú. Quan hệ giữa hai nước hiện đang phát triển tốt. Hai bên thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Tháng 12-2014, Maroc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Maroc có nền an ninh chính trị và xã hội ổn định vào bậc nhất của khu vực châu Phi. Với vị trí địa lý thuận lợi, quốc gia Bắc Phi này có khả năng trở thành cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường các nước châu Phi và Trung Đông. Kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 212.7 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu 200 triệu USD.
Không chỉ xuất khẩu hàng hóa đơn thuần, một số lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tại Maroc nhờ vào thế mạnh sẵn có và phù hợp với chính sách thu hút của phía bạn như: hợp tác trong lĩnh vực nông thủy sản, dịch vụ du lịch và lữ hành, đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng, hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, hợp tác sản xuất phân bón các loại, trao đổi thương mại các sản phẩm thực phẩm chế biến, tham gia kinh doanh hoặc cung ứng các dịch vụ logistic tại các khu công nghiệp...
Quan hệ nghị viện song phương giữa hai nước thời gian qua được thúc đẩy mạnh mẽ. Hoạt động trao đổi đoàn song phương được duy trì với nhiều Đoàn của Lãnh đạo cấp cao của Quốc hội và một số ủy ban chuyên môn của Quốc hội. Các Nghị sỹ Quốc hội hai nước thường xuyên gặp gỡ, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn Nghị viện đa phương, đặc biệt là tại Liên minh Nghị viện thế giới… Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Maroc đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác liên nghị viện, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Hạ viện Maroc (tháng 12-2017) làm cơ sở pháp lý tăng cường và làm sâu sắc hơn hoạt động hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp. Hai bên đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị song phương.
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Maroc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Maroc; trong đó trọng tâm là hợp tác thương mại-đầu tư, du lịch, ngân hàng, năng lượng, hợp tác giữa các địa phương, hợp tác ba bên giữa Việt Nam, Maroc và một nước châu phi khác; trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác nghị viện song phương nhằm triển khai hiệu quả các Thỏa thuận hợp tác đã ký.
Đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào thực chất
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 4-1973. Nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2013, hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, nổi bật gần đây là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp François Hollande năm 2016 và chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3-2018. Hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác, nổi bật có Ðối thoại chiến lược an ninh quốc phòng và Ðối thoại cấp cao hằng năm về kinh tế.
Quan hệ hợp tác nghị viện giữa hai nước cũng được duy trì và phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi Đoàn và hợp tác tại các diễn đàn nghị viện đa phương, đặc biệt là Liên minh Nghị viện thế giới… Quốc hội Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác với cả Thượng viện và Hạ viện Pháp làm cơ sở để thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nghị viện. Quốc hội hai nước đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị song phương.
Quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đang phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. Pháp là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại châu Âu, sau Đức, Anh, Hà Lan. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 5,1 tỷ USD, đứng thứ ba trong các nước châu Âu và thứ 16/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt gần 2,8 tỷ USD, là nhà tài trợ ODA song phương hàng đầu cho Việt Nam tại châu Âu với tổng vốn cam kết 3 tỷ euro.
Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục - đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới. Hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, an ninh - quốc phòng, hợp tác địa phương, y tế có nhiều dấu ấn. Ðều là thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, hai nước có nhiều hoạt động hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Pháp ngữ. Hợp tác giữa các địa phương (hợp tác phi tập trung) là nét đặc thù trong quan hệ Việt Nam-Pháp cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân diễn ra trong bối cảnh năm 2019 hai nước tổ chức Kỳ họp lần thứ 11 Hội nghị hợp tác giữa các địa phương và kỷ niệm 100 năm ngày Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đưa ra bản yêu sách của người dân An Nam trước Hội nghị Versailles. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước có ý nghĩa then chốt, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp đi vào thực chất. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, nhằm củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Pháp, triển khai kết quả chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cụ thể hóa tuyên bố chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước về hợp tác liên nghị viện./.
Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ  (26/03/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 18 đến 24-3-2019  (26/03/2019)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 18 đến ngày 24-3-2019)  (26/03/2019)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên