Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tác động đến kinh tế Việt Nam
Bất chấp các nỗ lực đàm phán, căng thẳng vẫn leo thang
Từ khi lên nắm quyền, thực hiện khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Donald Trump lần lượt xem xét lại các thỏa thuận thương mại của chính quyền tiền nhiệm. Trước hết là rút khỏi thỏa thuận TPP mà nước Mỹ cùng với 11 nước đối tác đạt được sau nhiều năm đàm phán cam go. Tiếp đó, tiến hành đàm phán lại thỏa thuận Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với những bạn hàng truyền thống, láng giềng là Mê-hi-cô và Ca-na-da. Với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, Mỹ áp thuế mới đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, gây nên phản ứng gay gắt của nhiều nước, trong đó có các nước đối tác gần gũi của Mỹ như Ca-na-da, EU.
Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phát triển mạnh, ngày càng thách thức vị trí số một của Mỹ, ngày 22-3-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn với lý do đòi lại sự công bằng trong hoạt động thương mại giữa hai nước. Washington cho rằng mình đang chịu thua thiệt do Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty và doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù khẳng định không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc. Ngày 05-4, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung. Còn Trung Quốc, đã quyết định áp đặt các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ, sau khi xác định mặt hàng nông sản nhập khẩu này gây tổn hại hoạt động sản xuất và buôn bán trong nước.
Nhằm giải quyết căng thẳng thương mại, những nỗ lực ngoại giao đã được xúc tiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai nước đã tổ chức ba vòng đàm phán tại Bắc Kinh và Washington về vấn đề này. Tại các cuộc đàm phán, hai bên đã ra tuyên bố chung cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, không đẩy căng thẳng đi xa thành một cuộc chiến thương mại. Sau khi kết thúc vòng đàm phán thứ hai, hai bên đã ra tuyên bố: Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí từ bỏ chiến tranh thương mại và rút lại các lời đe dọa áp thuế.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người đứng đầu phái đoàn cấp cao Trung Quốc, sau đàm phán, cho biết: "Hai bên đã đạt đồng thuận, sẽ không tiến hành một cuộc chiến thương mại, và sẽ ngừng tăng thuế lẫn nhau."
Tuyên bố chung của hai nước cho biết Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Mỹ nhằm giảm khoản thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ lên tới hơn 370 tỷ USD; nêu rõ “Hai bên đã đạt được sự đồng thuận đối với các biện pháp hiệu quả nhằm giảm đáng kể thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ với Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Trung Quốc cũng như nhu cầu phát triển kinh tế chất lượng cao, Trung Quốc sẽ tăng cường đáng kể việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng và việc làm tại Mỹ." Theo tuyên bố chung, hai nước sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang liên quan tới mức thuế quan và nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động."
Tưởng như các nỗ lực ngoại giao đã có kết quả và hai bên đã có những nhượng bộ để giải tỏa được căng thẳng. Tuy nhiên, trái với những dự đoán về tinh thần hòa dịu, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29-5 vẫn đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và có những bước đi khác nữa để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái này đi ngược lại sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được sau các vòng tham vấn mới đây, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ngày 15-6, Mỹ tuyên bố áp mức thuế mới đối với khoảng 1.100 sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó đợt đầu là 818 sản phẩm, trị giá gần 34 tỷ USD, với mức thuế 25%. Mức thuế mới chính thức có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút ngày 06-7-2018. Trung Quốc ngay lập tức thông báo các biện pháp áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu có hiệu lực sau quyết định của Washington áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Đây mới chỉ là những bước đầu tiên của một cuộc chiến thương mại có thể còn kéo dài. Tổng thống Trump xác nhận ông sẵn sàng leo thang mạnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Theo Tổng thống Trump, Mỹ dự kiến tiếp tục áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD. Ông Trump cũng cảnh báo Washington sẵn sàng áp thêm mức thuế 10% nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200-300 tỷ USD nếu Bắc Kinh từ chối nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ và tiếp tục trả đũa. Nếu cảnh báo này được hiện thực hóa, tổng số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thuế có thể lên tới hơn 550 tỷ USD, cao hơn cả mức 506 tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2017.
Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Washington đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế; nêu rõ mức thuế quan nói trên vi phạm các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời làm tổn hại đà phục hồi kinh tế toàn cầu và gây rối loạn thị trường thế giới cũng như gây tổn hại đối với chính kinh tế nước này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thì khẳng định "Trung Quốc sẽ không bao giờ khơi mào chiến tranh thương mại, nhưng nếu bất cứ bên nào thực hiện tăng thuế, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích phát triển, cũng như hệ thống và các quy định thương mại đa phương".
Qua những phát ngôn của hai bên thì thấy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu dừng lại và sẽ còn tiếp tục leo thang.
Tác động của cuộc chiến thương mại
Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cả hai cường quốc đều chịu thiệt hại, ngoài ra, cũng sẽ tác động lớn đến các nền kinh tế khác.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra 2,6 triệu việc làm cho nước Mỹ. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ làm cho nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp gia tăng và giá cả tăng vọt. Khi Trung Quốc có các biện pháp trả đũa, người tiêu dùng Mỹ có thể trở thành đối tượng chịu thiệt thòi do giá cả các hàng hóa nhập khẩu tăng lên. Về du lịch, Trung Quốc có thể khuyến cáo người dân ngừng các chuyến du lịch tới Mỹ, gây thiệt hại nặng cho ngành du lịch của Mỹ.
Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đa phần là các mặt hàng có giá trị thặng dư cao, mang lại lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp Mỹ. Khi chiến tranh thương mại bùng nổ, những doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu hàng tỷ USD vào thị trường Trung Quốc như Apple, Boeing - sẽ chịu thiệt hại lớn bởi các đối thủ cạnh tranh sẽ chiếm lĩnh thị phần tại Trung Quốc.
Trung Quốc cũng chịu không ít rủi ro bởi lẽ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn được hỗ trợ bởi sự phát triển của hoạt động thương mại. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc có nhiều thứ để mất hơn Mỹ trong cuộc chiến này, vì nhu cầu trong nước của Trung Quốc đã suy giảm khi chính phủ nước này đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản phát triển quá nóng và bảo vệ môi trường, trong khi kinh tế Mỹ lại đang phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu trong nước tăng lên. Dù các chuyên gia Trung Quốc khẳng định rằng căng thẳng thương mại với Mỹ chỉ tác động hạn chế tới nền kinh tế nước này, song các phân tích đánh giá một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm mất đi 0,25% tổng sản phẩm nội địa của cả hai nền kinh tế trong năm 2018, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới, khi mà cả hai nước đều phải chứng kiến độ sụt giảm về tăng trưởng kinh tế khoảng 0,5% hoặc cao hơn nữa.
Theo nhận định của WTO, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên ảm đạm hơn và có thể châm ngòi cho cuộc chiến thương mại toàn cầu. Vấn đề áp thuế nhập khẩu và một cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ tạo một cú sốc và có thể khiến tăng trưởng GDP của thế giới giảm từ 1% đến 3% trong vài năm tới.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của nhiều nước. Các chuyên gia kinh tế cho rằng bên cạnh Nhật Bản thì Đông Nam Á cũng là nạn nhân của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thuế tăng sẽ đẩy giá các sản phẩm Trung Quốc lên cao hơn, khiến doanh số bán các mặt hàng này tại Mỹ, một trong những thị trường lớn trên thế giới, trở nên sa sút, từ đó tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các nước mới nổi cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà sản xuất Trung Quốc, trong đó có các nước ASEAN.
Về lâu dài, tác động sẽ rất khó đoán định, nếu cuộc chiến tiếp tục leo thang và diện sản phẩm bị trừng phạt hay quy mô gia tăng.
Tác động đến kinh tế Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP, vì vậy, một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hay cuộc chiến thương mại toàn cầu có tác động lớn đến kinh tế nước ta. Hơn thế nữa, các Trung Quốc và Mỹ đều là các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.
Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa nước ta và Trung Quốc, quốc gia đứng thứ 2 về kinh tế trên thế giới đạt 93,69 tỷ USD, tăng thêm đến 21,79 tỷ USD tỷ USD so với năm 2016, và chiếm đến 22% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 35,463 tỷ USD, với con số tăng trưởng ở mức rất cao, lên đến gần 61,5% so với năm 2016, tương đương con số tăng thêm 13,503 tỷ USD. Mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm ngoái gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước (tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 là 21,2%). Thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 22,765 tỷ USD trong năm 2017.
Năm 2017, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ đạt 50,811 tỷ USD, chiếm 11,95% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó nước ta vẫn duy trì mức xuất siêu 32,405 tỷ USD. Trị giá kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Hoa Kỳ đạt 41,608 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2016, nhập khẩu đạt 9,203 tỷ USD, tăng gần 5,7%.
Tính chung, cả Trung Quốc và Mỹ đã chiến hơn 1/3 (33,95%) tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, vì vậy, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này tất yếu tác động đến thương mại nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung, bao gồm cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi chúng ta phải có các giải pháp chính sách phù hợp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức.
Là một nền kinh tế nhỏ, trước cuộc chiến thương mại, mà một bên là thị trường xuất khẩu lớn nhất (Mỹ) và một bên là thị trường nhập khẩu lớn nhất (Trung Quốc), Việt Nam sẽ phải chịu những tác động không nhỏ. Ở khía cạnh tích cực thì doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội tại thị trường Mỹ, khi hàng hóa cùng loại của Trung Quốc bị áp thuế cao. Còn ở thị trường Trung Quốc, một số hàng hóa mà Trung Quốc có thể áp thuế cao đối với Mỹ và hàng hóa của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội cạnh tranh ở thị trường này.
Từ góc độ tiêu cực, hàng hóa Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác và Việt Nam là một hướng thuận lợi cho xu hướng đó. Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc. Ở thị trường nội địa của Việt Nam, hàng hóa trong nước sẽ chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, một phần hàng hóa của Trung Quốc lẽ ra để xuất khẩu, trước áp lực về thuế của Mỹ, sẽ buộc phải tiêu dùng trong nội địa Trung Quốc, nên xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này cũng có thể sẽ gặp khó khăn hơn. Đà tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc của Việt Nam thời gian qua (tăng 61,5% năm 2017 so với 2016 và tăng 30% so với cùng kỳ 2017) có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Để có đối sách phù hợp, ở tầm vĩ mô, cần theo dõi sát sao diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dự báo các kịch bản có thể xảy ra để có các phản ứng chính sách phù hợp. Chú trọng thúc đẩy phát triển thị trường trong nước thông qua triển khai các chương trình, hoạt động để xúc tiến thương mại trong nước, như các chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", “Tự hào hàng Việt Nam”. Đây cũng là xu hướng mà đa phần các quốc gia trên thế giới đang thực hiện.
Từ khía cạnh doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, cần theo dõi sát sao tình hình thị trường, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng việc điều chỉnh sản xuất, kinh doanh, nguồn cung và thị trường một cách linh hoạt. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm những con đường xuất khẩu khác, ổn định và thuận lợi hơn; tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã và sẽ có với các thị trường tiềm năng khác ngoài Mỹ và Trung Quốc.
Đối với các doanh nghiệp bán hàng trong nước, cần chú trọng nhiều hơn tới thị trường trong nước; giành thị phần và niềm tin yêu, ưa chuộng của người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, cũng cần nghĩ đến việc liên kết lại, thông tin lẫn nhau và cùng hành động khi cần thiết. Ví dụ, sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hợp pháp như kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài.
Về lâu dài, các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ, đầu tư vảo công nghệ sản xuất, quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo được nội lực, sức mạnh giúp doanh nghiệp tồn tại và vượt qua mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong thời đại khoa công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay./.
Thành phố Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển  (27/07/2018)
Thành phố Hồ Chí Minh: Tìm giải pháp phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển  (27/07/2018)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chung tay cứu trợ đồng bào lũ lụt tỉnh Yên Bái  (27/07/2018)
Trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân, gia đình 442 liệt sỹ  (26/07/2018)
Hoạt động trong ngày của các Phó Thủ tướng Chính phủ  (26/07/2018)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay