ASEAN: Chặng đường 50 năm của một tổ chức hợp tác khu vực thành công*

Nguyễn Vũ Tùng**, Trần Đặng Tú Nhi ** PGS, TS, Giám đốc Học viện Ngoại giao
21:57, ngày 23-11-2017

TCCS - Cách đây 50 năm, ngày 8-8-1967, Tuyên bố Băng Cốc đã được ký kết, đưa đến sự ra đời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong lịch sử quan hệ quốc tế nói chung và ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của ASEAN trong nửa thế kỷ qua là minh chứng của một mô hình hợp tác khu vực thành công trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để tiếp tục thành công và phát huy vai trò, vị trí của mình ở khu vực và trên thế giới, ASEAN sẽ phải vượt qua nhiều thách thức cả từ bên trong lẫn bên ngoài.


Những thành tựu chủ yếu của ASEAN trong 50 năm qua

Chặng đường nửa thế kỷ qua được đánh dấu bằng những thành tựu lớn và toàn diện của ASEAN. Trước hết, ASEAN trở thành nhân tố chính đóng góp cho hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á. ASEAN ra đời trong một bối cảnh phức tạp: Chiến tranh lạnh và cạnh tranh nước lớn lan rộng, quan hệ giữa các nước thành viên còn nhiều căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ; sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực còn hạn chế bởi những rào cản chính trị và ngoại giao cũng như di sản của chế độ thực dân. Sự ra đời của ASEAN do đó đã đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á, thể hiện nỗ lực của các nước thành viên tìm ra “công thức chung sống” giữa các nước láng giềng với nhau. Những nguyên tắc mà Tuyên bố Băng Cốc nhấn mạnh, như tôn trọng độc lập chủ quyền, không sử dụng vụ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình/hòa giải, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đưa ra quyết sách dựa trên đồng thuận và nhất trí, đối thoại dựa trên lòng tin, giữ thể diện cho nhau, duy trì sự thống nhất trong đa dạng, đã trở thành “bộ luật ứng xử” của ASEAN. Việc ASEAN kiên trì áp dụng các nguyên tắc này đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong quan hệ giữa các nước thành viên, từ đó tạo cơ sở vững chắc để củng cố nền độc lập và tạo điều kiện tiên quyết cho các nước này tập trung phát triển kinh tế - xã hội(1).

Trong cục diện đối đầu và cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn thời kỳ Chiến tranh lạnh, việc các nước thành viên ASEAN điều hòa được quan hệ với nhau đã hạn chế khả năng các nước lớn can thiệp vào khu vực Đông Nam Á thông qua chính sách “lôi kéo” hay “chia để trị”. Nói cách khác, sự ra đời của ASEAN còn thể hiện ý chí và nguyện vọng của các nước thành viên về quyền tự quyết của khu vực, nhất là sự độc lập tương đối của Đông Nam Á trong cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn.

Đáng chú ý là, ngay từ những ngày đầu thành lập, không một nước lớn nào ủng hộ sự ra đời của ASEAN. Ngoài ra, một số nước Đông Nam Á không phải thành viên sáng lập ASEAN cũng hoài nghi về bản chất của ASEAN khi tổ chức này được thành lập. Chỉ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các rào cản nhận thức mới thực sự được dỡ bỏ để các nước trong khu vực hiểu biết và nhận thức đầy đủ hơn về sự tương đồng trong mục tiêu chính sách đối nội và đối ngoại giữa các thành viên ASEAN và các nước khác ở Đông Nam Á. Theo đó, ASEAN đã được nhìn nhận rộng rãi như một phương thức hữu hiệu để các nước thành viên theo đuổi quyền lợi quốc gia dân tộc của mình. Giữ vững độc lập tự cường, phát triển kinh tế - xã hội, duy trì chế độ chính trị và giữ vững bản sắc quốc gia dân tộc đã trở thành “mẫu số chung” để các nước trong khu vực Đông Nam Á tập hợp với nhau trong tổ chức ASEAN. Chính vì lý do đó, ASEAN đã có điều kiện mở rộng ra toàn bộ khu vực Đông Nam Á vào năm 1999 khi tất cả các nước trong khu vực đều trở thành thành viên của Hiệp hội. Từ một tổ chức ban đầu chỉ gồm 5 quốc gia, ASEAN đã phát triển, mở rộng thành viên và chính thức trở thành một Cộng đồng vào ngày 31-12-2015, với sự gắn kết của 10 quốc gia Đông Nam Á. Từ một khu vực nhiều xung đột, căng thẳng, Đông Nam Á đã trở thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển với vai trò kết nối và thúc đẩy hợp tác của ASEAN. Từ các quốc gia đa dạng và khác biệt về nhiều mặt, 10 nước Đông Nam Á đã ngày càng thống nhất và đoàn kết, cùng nhau củng cố phương thức đối thoại, xây dựng sự đồng thuận, tăng cường hợp tác để xử lý các vấn đề chung của khu vực.

ASEAN đã có đóng góp to lớn vào sự vững mạnh của các nước thành viên. Trong môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực, các nước thành viên có điều kiện thuận lợi hơn để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế khu vực, còn các nước đối tác có thêm cơ hội tăng cường thương mại và đầu tư với các nền kinh tế ASEAN. Kết quả là, các nước ASEAN đều đã đạt nhiều thành tích đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm tình trạng đói nghèo, vươn lên thành những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao trong số các nước đang phát triển. Sự thống nhất và đoàn kết nội khối đã giúp nâng cao vị thế khu vực và quốc tế của từng thành viên trong chiến lược của các nước đối tác đối thoại của ASEAN.

Tính tổng thể, ASEAN đã trở thành một thực thể kinh tế mạnh. Quy mô kinh tế của ASEAN hiện đứng thứ bảy thế giới, với GDP đạt 2.400 tỷ USD. Dự báo, nền kinh tế ASEAN sẽ đạt 4.700 tỷ USD vào năm 2020 và ASEAN có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030(2). Các dự án hợp tác kinh tế khu vực mà ASEAN theo đuổi đã và đang hướng tới việc hình thành một thị trường thống nhất ở Đông Nam Á trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Ngoài ra, ASEAN cũng đã thiết lập các khu vực tự do thương mại với các đối tác, bao gồm Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Niu Di-lân và Hàn Quốc, đồng thời tham gia cơ chế Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nếu thành công, các quốc gia tham gia RCEP có thể tạo thành một khối thương mại khổng lồ với hơn 3 tỷ dân và GDP đạt 21.000 tỷ USD, chiếm khoảng 30% thương mại toàn cầu(3).

Cùng với những thành tựu về tăng trưởng và phát triển kinh tế, thành tựu chính trị - ngoại giao cũng là khía cạnh nổi trội và tạo cho ASEAN thế mạnh đặc biệt. Đến nay, ASEAN đã thiết lập quan hệ đối tác đối thoại với 11 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, các nước chủ chốt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Liên minh châu Âu (EU). Hiện có tổng số 86 nước cử đại sứ tại ASEAN, có 9/11 đối tác đối thoại đã lập phái đoàn riêng tại ASEAN và 50 ủy ban ASEAN tại nước thứ ba hoặc tổ chức quốc tế được thiết lập. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) được ký kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất ở Thủ đô Ba-li (In-đô-nê-xi-a, năm 1976) nhằm thúc đẩy hòa bình, thân thiện và hợp tác giữa các thành viên, hiện đã trở thành cơ chế quan trọng điều phối các hoạt động của ASEAN trong quan hệ với các đối tác. Việc có tới 35 nước tham gia hiệp ước này cho thấy mong muốn của ASEAN mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài, đồng thời cũng thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN.

Từ một cơ cấu hợp tác có tính tiểu khu vực của Đông Nam Á, ASEAN đã trở thành “hạt nhân” đóng vai trò “trung tâm” trong các cơ chế hợp tác và cấu trúc khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương, quy tụ được tất cả các nước lớn và các nước khác cũng như nhiều tổ chức khu vực và toàn cầu can dự cũng như cam kết cao đối với hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các cơ chế hợp tác khu vực, như Diễn đàn An ninh khu vực (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị cấp cao ASEAN (ASEAN Summit) với sự tham gia của các nguyên thủ các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN với các nước đối tác (ADMM+) diễn ra hằng năm đã trở thành các diễn đàn quan trọng để các nước ngoài khu vực Đông Nam Á khẳng định cam kết và sự ủng hộ đối với hòa bình, ổn định, hợp tác ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương cũng như đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế hợp tác và cấu trúc khu vực.

ASEAN cũng đã thành công trong việc điều hòa mối quan hệ với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới. ASEAN đã trở thành một “hiện tượng đặc biệt” trong quan hệ quốc tế hiện đại, theo đó một tập thể gồm 10 nước vừa và nhỏ đã có thể thu hút các nước lớn vào một mạng lưới các khuôn khổ đối thoại để quản lý xung đột, đồng thời đẩy mạnh hội nhập kinh tế, chính trị và văn hóa - xã hội ở châu Á - Thái Bình Dương(4).

Sau 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế mạnh và gắn kết, có vai trò trung tâm đối với hòa bình, an ninh ở Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Đây là những thành tựu không thể phủ nhận, đưa ASEAN trở thành một tổ chức khu vực thành công nhất. Trong bối cảnh hiện nay khi các tổ chức khu vực ở Tây Âu, Nam Á, Trung Đông và Mỹ La-tinh đều đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thì thành công và sức sống của ASEAN càng được thể hiện rõ nét(5). Tại phiên họp lần thứ 92 (tháng 8-2017), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN. Đây là lần đầu tiên Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết kỷ niệm ngày thành lập một tổ chức khu vực, điều đó cho thấy sự công nhận của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh đối với vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN.

Các thách thức đối với ASEAN và con đường phía trước

Tuy nhiên, trên chặng đường sắp tới, cùng với những cơ hội đang rộng mở, ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức để duy trì và phát huy những thành tựu ấn tượng của 50 năm qua. Các thách thức này chủ yếu liên quan tới sự đa dạng về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích quốc gia giữa các thành viên. Chẳng hạn, thu nhập bình quân đầu người của Xin-ga-po cao gấp hơn 40 lần so với thu nhập bình quân đầu người của Cam-pu-chia và gấp hơn 50 lần của Mi-an-ma. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2016 - 2017, năng lực cạnh tranh của các quốc gia ASEAN trên thế giới rất khác nhau (Xin-ga-po xếp thứ 2, In-đô-nê-xi-a: 41, Việt Nam: 60, Cam-pu-chia: 89)(6). Theo số liệu do Ban Thư ký ASEAN công bố, tổng thương mại nội khối của ASEAN chỉ chiếm khoảng 25% tổng ngoại thương của ASEAN, trong khi thương mại với 4 đối tác hàng đầu ngoài ASEAN là 40,7%(7). Xuất phát từ ưu tiên lợi ích quốc gia dân tộc, các nước thành viên ASEAN theo đuổi các ưu tiên khác nhau trong chính sách đối nội và đối ngoại. Điều này làm giảm sự cố kết, đồng thuận về chính trị và tính kết nối về kinh tế trong ASEAN, từ đó có thể làm suy yếu vị thế quốc tế của ASEAN.

Để tiếp tục thành công, ASEAN cần phải xử lý tốt hơn các thách thức xuất phát từ cả bên trong và bên ngoài.

Thứ nhất, tình hình nội trị các nước thành viên diễn biến phức tạp. Dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, các trào lưu tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa dân túy và khủng bố, nhiều nước ASEAN đã có xu hướng quay về bên trong, ưu tiên lợi ích quốc gia và giảm bớt cam kết đối với các ưu tiên của khu vực. Các nước có vai trò dẫn dắt, như In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a đều có biểu hiện giảm cam kết đối với Cộng đồng ASEAN (AC).

Thứ hai, nội bộ ASEAN bị chia rẽ do lợi ích khác biệt và cạnh tranh địa - chính trị giữa các nước lớn (hệ quả của thách thức thứ nhất). Các nước thành viên vẫn theo đuổi những lợi ích quốc gia, ưu tiên và tính toán chiến lược phức tạp, khác nhau, do vậy việc tạo đồng thuận trở nên khó khăn và kéo dài hơn. Quan hệ song phương giữa một số nước thành viên còn những vấn đề tồn tại, chưa thực sự tin cậy lẫn nhau. Thêm vào đó, các nước lớn và các đối tác tuy đều công khai tuyên bố ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng thường tìm cách, ở các mức độ khác nhau, tác động, lôi kéo và chia rẽ ASEAN nhằm phục vụ việc triển khai những chính sách riêng của họ tại khu vực. Đoàn kết của ASEAN trong việc duy trì lập trường và hành động chung trên nhiều vấn đề “nóng” của khu vực đã bị ảnh hưởng, từ đó làm giảm vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN.

Thứ ba, ASEAN còn nhiều hạn chế về nguồn lực, mô hình và nguyên tắc hoạt động, nhất là trong việc thực hiện các cam kết liên quan đến xây dựng AC. Nhiều ý kiến cho rằng ASEAN thiếu tiến bộ thực chất trong các vấn đề quan trọng, như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên, tăng thương mại nội khối của ASEAN (hiện mới chỉ vào khoảng 25% so với 63% của EU và 50% của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ - NAFTA), hay trong việc chứng tỏ rằng ASEAN thực sự mang lại lợi ích đối với người dân trong khu vực Đông Nam Á. ASEAN ngày càng trở nên dễ tổn thương trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng. Do có lợi thế về giá nhân công lao động thấp, Đông Nam Á vẫn sẽ thu hút được đầu tư và dịch chuyển sản xuất, các ngành chế tạo vào khu vực. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ (rô-bốt, tự động hóa,…) đang và sẽ làm mất dần ý nghĩa của lợi thế này, tác động tới việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các thách thức phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, buôn bán người, bệnh dịch, tội phạm xuyên quốc gia,… cũng ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi ASEAN phải phân bổ lại nguồn lực và có các chính sách ứng phó, phối hợp hiệu quả.

Các nước ASEAN đã nhận thức và đang nỗ lực vượt qua những thách thức trên. Mục tiêu chính sách đối ngoại của ASEAN từ nay tới năm 2030 là tiếp tục giữ và tận dụng vị trí địa - chiến lược của mình trong chiến lược đối ngoại của các nước lớn, bảo đảm khả năng thích ứng và tự chủ trong quá trình các nước lớn đấu tranh và hợp tác với nhau, đồng thời quản trị tốt mối quan hệ giữa các thành viên. Để đạt được mục tiêu trên, chính sách của ASEAN trong thời gian tới tiếp tục ưu tiên việc triển khai Tầm nhìn 2025 và các kế hoạch hợp tác trên ba trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường kết nối ASEAN; duy trì đoàn kết nội khối; củng cố bộ máy tổ chức; tăng cường quan hệ đối ngoại với tất cả các đối tác ngoài khu vực; từ đó phát huy vai trò trung tâm, chứng tỏ sức hấp dẫn của ASEAN tại các diễn đàn khu vực do chính ASEAN khởi xướng.

Một số đề xuất cụ thể đã được đưa ra. Ví dụ, để giải quyết hạn chế về nguyên tắc hoạt động của ASEAN, có đề xuất cho rằng, ASEAN có thể nghiên cứu một cơ chế linh hoạt để duy trì được vai trò trung tâm mà không nhất thiết phải có sự thống nhất và đồng thuận(8). Để thúc đẩy hợp tác thực chất, ASEAN cần tập trung vào xử lý tốt hơn các vấn đề an ninh phi truyền thống xuyên biên giới, khắc phục tình trạng thiếu hụt lòng tin chiến lược giữa các nước thành viên và đẩy mạnh hội nhập toàn diện, nhất là hội nhập kinh tế trong khu vực(9). Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của người dân Đông Nam Á về ASEAN. Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Ma-lai-xi-a Khai-ry Gia-ma-lu-đin (Khairy Jamaluddin) cho rằng, nếu người dân ở Đông Nam Á, đặc biệt là thanh niên, cảm thấy có lợi từ tiến trình hội nhập ASEAN, thì tương lai của ASEAN mới được bảo đảm. Ở tầm khu vực, để củng cố vai trò trung tâm, trong thời gian tới, ASEAN cần tăng cường sử dụng các cơ chế hợp tác khu vực để thúc đẩy những biện pháp quản lý khủng hoảng, xây dựng lòng tin, hợp tác chống các thách thức an ninh phi truyền thống.

Việt Nam - thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của ASEAN

Sau hơn hai thập niên từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995,Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp vào sự vững mạnh của ASEAN, trở thành thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Hiệp hội. Việt Nam đã tham gia các quyết định lớn của ASEAN liên quan đến việc mở rộng thành viên để Lào, Cam-pu-chia và Mi-an-ma có thể gia nhập ASEAN; Nga và Mỹ tham gia EAS. Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành AC vào năm 2015 và là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu của AC với những sáng kiến cụ thể trên cả ba trụ cột Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. Chỉ ba năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN (năm 1998) và tiếp tục tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ chủ tịch năm 2010 với Chương trình hành động Hà Nội.

Trên lĩnh vực quan hệ đối ngoại của ASEAN, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò điều phối quan hệ giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, như Trung Quốc và Ấn Độ; đóng vai trò tích cực trong việc hình thành Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM). Đặc biệt, Việt Nam đã cùng các thành viên khác trong ASEAN tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước ngoài khu vực Đông Nam Á, củng cố các cơ chế hợp tác khu vực, như ARF, Diễn đàn an ninh biển ASEAN mở rộng, EAS, ADMM+, qua đó khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm các nước thành viên ASEAN tích cực đấu tranh về vấn đề Biển Đông, kêu gọi các nước thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), từ đó đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực(10).

Trong thời gian tới, Việt Nam chủ trương tiếp tục nâng cao vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã long trọng tuyên bố: “Việt Nam cam kết sẽ cùng các nước thành viên quyết tâm xây dựng một Cộng đồng đoàn kết, tự cường; thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, phát triển hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển; hợp tác thiết thực phục vụ người dân, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, khơi gợi lòng tự hào về Cộng đồng; xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, nhất là luật pháp và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế; nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác, giữ vai trò chủ đạo ở khu vực, có lập trường chung về các vấn đề quốc tế và khu vực”(11).

Thành công lớn nhất của ASEAN trong 50 năm qua là đã chứng tỏ khả năng thích nghi tốt với môi trường bên trong và bên ngoài luôn thay đổi nhanh chóng, phức tạp. Đó là cơ sở để hy vọng rằng ASEAN - với những nỗ lực tập thể, trong thời gian tới sẽ vượt qua thách thức, khai thác tốt cơ hội để tiếp tục phát triển. Đáng chú ý, cơ chế hợp tác linh hoạt của ASEAN cho phép các nước thành viên vừa duy trì được sự nhất trí chung, vừa có dư địa hành động để theo đuổi lợi ích quốc gia dân tộc riêng. Do vậy, trên lĩnh vực đối ngoại, về cơ bản, các nước trong khu vực vẫn sẽ áp dụng chính sách đối ngoại linh hoạt, theo đó, một mặt các nước ASEAN kiên quyết bảo vệ nền độc lập tự chủ của mình; mặt khác, tích cực điều chỉnh chính sách thích ứng với sự vận động của quan hệ giữa các nước lớn. Nói cách khác, mặc dù gặp nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài, cơ chế hợp tác linh hoạt dựa trên nguyên tắc đồng thuận và không sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các thành viên và thái độ cởi mở đối với sự can dự của các cường quốc bên ngoài khu vực vào Đông Nam Á vẫn tạo ra thế mạnh cho ASEAN trong quan hệ quốc tế, qua đó tiếp tục khẳng định ASEAN là một trong những mô hình hợp tác khu vực thành công nhất trên thế giới.

Với vai trò như vậy, ASEAN ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam. Các chủ trương lớn về đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là hội nhập quốc tế, đưa quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu vì lợi ích quốc gia dân tộc, xây dựng môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định và hợp tác chỉ có thể thành công với điều kiện ASEAN tiếp tục đoàn kết và vững mạnh. Chính vì thế, đẩy mạnh hợp tác ASEAN và chung tay xây dựng AC vẫn tiếp tục là một trong những trọng tâm của công tác đối ngoại Việt Nam thời gian tới. Nói cách khác, ASEAN tiếp tục là “trụ cột” và “ưu tiên chiến lược” của Việt Nam(12)./.

------------------------------------------------------------------------------

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả

(1) Tan See Seng: “Rescuing Constructivism from the Constructivists: A Critical Reading of Constructivist Intervention in Southeast Asian Security”, The Pacific Review, 19 (2), 2006, tr. 239 - 260 và Ralf Emmer: ASEAN Regional Forum: Time to move towards prevention diplomacy, RSIS Commentaries 112, Singapore: S.Rajaratnam School of International Studies, 2007

(2) Xem: http://nhipcaudautu.vn/kinh-te/gdp-cua-cong-dong-asean-se-dat-4700-ty-usd-vao-nam-2020-3293187/

(3) Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Asia Integration Center, 2016

(4) Phát biểu của Tiến sĩ Suchit Bunbongkarn - nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (ISIS) Thái Lan tại Hội thảo quốc tế “Chuyển biến địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương và chặng đường nửa thế kỷ của ASEAN”, được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9-6-2017

(5) Phạm Bình Minh: “Hướng tới Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và rộng mở,” Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3 (90), 2012

(6) Xem: https://www.weforum.org/reports/the-global-competitiveness-report-2016-2017-1

(7) Xem: http://asean.org/asean/asean-secretariat/

(8) Tiến sĩ Phi-líp Vơ-nông (Philips Vermonte) (In-đô-nê-xi-a) phát biểu tại Hội thảo Bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a), ngày 24 và 25-5-2017

(9) Tiến sĩ A-ri-ét A-ru-gay (Aries Arugay) (Phi-lip-pin) phát biểu tại Hội thảo nói trên

(10) Xem: Phạm Bình Minh: “ASEAN tạo được vị thế quan trọng sau 50 năm”, http://www.baomoi.com/pho-thu-tuong-pham-binh-minh-asean-tao-duoc-vi-the-quan-trong-sau-50-nam/c/22909416.epi

(11), (12) Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN (8-8-1967 - 8-8-2017)