TCCSĐT - Không còn là vấn đề mới, nhưng cũng không bao giờ cũ khi tính dân chủ trong trường học trên văn bản, nghị quyết xa vời với thực tiễn.

Để phát huy đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cán bộ giáo viên, công nhân viên trong nhà trường, từ năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định 04/2000/QĐ-BGD ĐT, ngày 01-03-2000, ban hành quy chế Dân chủ trong các hoạt động nhà trường. Văn bản có 4 chương 19 điều để hướng tới mục tiêu: Thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm phát huy quyền làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của hiệu trưởng, nhà giáo, người học, đội ngũ cán bộ, công chức trong nhà trường theo luật định, góp phần xây dựng nền nếp, trật tự, kỷ cương trong mọi hoạt động của nhà trường, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước.

Có thể khẳng định rằng, văn bản đã đáp ứng được luật giáo dục, lấy con người - cụ thể hơn là người thầy được tôn trọng, được khuyến khích cống hiến, bồi đắp sự tự tin, lòng tự trọng, tự chủ trong mọi việc làm của mình. Đó là nền giáo dục có chất lượng! Tuy nhiên không phải cứ đề ra, hô khẩu hiệu là thành hiện thực. Bởi ở đâu đó, dân chủ trong trường học vẫn là điều mà giáo viên cảm thấy dường như “xa vời”.

Mới đây, tôi có dịp gặp lại người thầy giáo cũ mới về hưu, thầy trò tay bắt mặt mừng, nhưng đến khi hỏi về chuyện nghề, thầy như lạc giọng khi trò nhắc tới cụm từ “dân chủ”. Như gặp được tri âm để trút hết “gan ruột” của mình, thầy trầm ngâm.

- Em ạ, lý thuyết và thực tế là hai khách thể hoàn toàn khác nhau. Nói thế nhưng chưa hẳn là thế. Ai, ở đâu, làm gì cũng mong muốn được nói lên tiếng nói của mình, không phải để tự kiêu, tự đại mà để dựng xây. Trường học cũng vậy, người giáo viên luôn khao khát được cống hiến và thể hiện bản thân bằng những bài giảng, sáng kiến kinh nghiệm và cả những chính kiến về các việc mình được giao. Song, hiện thực lại không được như vậy.

Đầu tiên, phải kể đến là phân công nhiệm vụ. Trong công tác quản lý, việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong nhà trường hằng năm do hiệu trưởng quyết định. Đúng quy trình thì phải căn cứ vào trình độ chuyên môn, sở trường của từng giáo viên. Tiếp theo là tổ chức cuộc họp liên tịch, họp chi bộ để chi bộ có hướng chỉ đạo và thăm dò lắng nghe ý kiến phản biện của các đảng viên để làm cơ sở. Bên cạnh đó, xem xét quyết định phân công chuyên môn của tất cả các năm học trước, kết quả xét thi đua, xét công chức, kết quả công tác trong suốt quá trình, đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của từng cá nhân, xem xét hoàn cảnh gia đình, tình hình sức khỏe… Các đối tượng không được phân công theo nguyện vọng sẽ được mời trao đổi, phân tích, giải thích, đồng thời có hướng động viên, khích lệ, lưu ý đến việc biểu dương thành tích của họ… Cuối cùng là tổ chức cuộc họp hội đồng sư phạm để công bố quyết định phân công chuyên môn đầu năm học và lắng nghe ý kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên, đồng thời phân công nhiệm vụ, sắp xếp buổi dạy, thời khóa biểu một cách khoa học.

Nhưng trong thực tiễn, chỉ có trường hợp “quen, thân với lãnh đạo” mới có thể “rỉ tai” “nhờ thầy (cô) cho em ...”, còn lại thì mọi sự đã rồi khi tổ trưởng chuyên môn xin ý kiến tham mưu, một mình sếp “gật” hay “lắc” là đủ. Nếu giáo viên có ý kiến, trình bày nguyện vọng lý do “nhà xa, mong lãnh đạo phân bổ tiết dạy cho phù hợp” vì: thứ hai dạy tiết 1, 5 (tức là phải đi từ sáng sớm, đợi ê chề đến tiết cuối mới được dạy); thứ 4 lại là buổi sáng 1 tiết, chiều thêm 2 tiết... hay phải kiêm nhiệm quá nhiều... Không đợi lãnh đạo trả lời, những đồng nghiệp kế bên đã giật áo, kéo tay nói nhỏ “ai bảo không đi sếp trước, giờ thay đổi được gì”. Mà đúng thật, không thay đổi được gì mà còn được nghe thuyết pháp, rằng: thầy cô thông cảm, do đặc thù bộ môn, do trường mình học cả ngày, do có nhiều giáo viên khác cũng được sắp như thế... Thôi thì, có muôn vàn lý do để rồi được an ủi kiểu “dụ dỗ”: Lần sau sẽ ưu ái, để tâm hơn.

Thứ hai, phải kể tới thiếu dân chủ trong hội họp. Thông thường, lãnh đạo sẽ nhận xét ưu khuyết điểm của tuần, tháng của các bộ phận, tổ. Nếu như thay vì để tổ, hay các thành viên tự nhận xét về mình, thì đây là dịp người chủ trì được thể hiện màn “độc thoại”. Do vậy, đi họp mà biến thành đi “hành” khi giáo viên hay tổ nào mắc thiếu sót, khuyết điểm. Cha ông ta có câu “nhân vô thập toàn”, phàm là người không ai không thiếu sót, nhưng cách góp ý làm sao để cấp dưới “tâm phục khẩu phục” mới là điều đáng bàn. Không ít lãnh đạo coi ngày họp hội đồng hay họp tổ là ngày xả “stress”, nhắc lui, nhắc tới sai phạm của một vài cá nhân, để cả hội đồng được phen ê ẩm, ngó lui, ngó tới cũng đã hết hai tiếng đồng hồ. Thời gian còn lại là lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho thời gian tới. Khi đã vãn trưa hay vãn chiều mới là “xin ý kiến đóng góp của các thầy cô”. Người lớn tuổi, có dũng khí thì ít mà người trẻ “non gan” thì nhiều. Vì ý kiến đóng góp mà sếp đợi nhất là “tôi hoàn toàn ủng hộ về nhận xét và phân công nhiệm vụ”, còn nếu thắc mắc hay không đồng tình thì mặt, giọng nói của sếp sẽ biến sắc, và không sớm thì muộn cũng bị “vạch lá tìm sâu” trong chuyên môn, hay giảng dạy, thậm chí cái áo, cái quần. Thôi thì, đấu tranh chỉ có là “đánh trâu”. Cả hội đồng giơ tay đồng ý để được... về.

Thứ ba, trong bình bầu danh hiệu thì cứ là “sếp chủ”. Dân chủ đâu chẳng thấy, chỉ thấy năm nào, kỳ nào vẫn là ban giám hiệu điểm danh. Khi đội ngũ cốt cán đã “hòm hòm”, lúc này mới tới tổ trưởng, cán bộ giáo viên, nhân viên. Chính vì “chạy trời không khỏi nắng”, mà lâu dần hình thành ở giáo viên tâm lý: thôi thì cứ “lờ đờ tờ tờ” (tức là lao động tiên tiến) cho nó chắc.

Chính sự thiếu dân chủ trong công tác thi đua đã dẫn tới tâm lý ù lì, thiếu phấn đấu và an phận. Họ chỉ cố gắng đừng để sai sót trong chuyên môn, còn lại thì “bon chen chi danh hiệu” vì “con sãi ở chùa cũng quét lá đa” mà thôi.

Thứ tư, thiếu dân chủ về tài chính. Dẫu biết rằng, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy, nhưng họ cũng là một phần chủ thể của trường học, có lợi ích gắn bó trực tiếp tại cơ sở. Tuy nhiên một thực tế là, thu như thế nào, chi ra làm sao, chỉ có kế toán và lãnh đạo biết. Giáo viên, nhân viên trong trường học chỉ được biết khi tổng kết năm học hoặc trong phiên hội nghị công chức đầu năm học sau.

Tính giám sát và công khai trong tài chính ở trường học dường như lâu nay đã bị vô hiệu hóa. Giáo viên chỉ biết ký khi nhận một vài khoản tiền thưởng hay bồi dưỡng hội họp hoặc nhân ngày lễ tết. Thậm chí, nhiều khi ký mà không được nhận vì lý do “hợp thức hóa” khoản A, khoản B nào đấy. Đó là chưa kể thanh toán tiền tăng tiết hay thừa giờ, giáo viên cũng chỉ biết “tính sao, nhận vậy”.

Những trăn trở của thầy tôi về nghề có lẽ cũng là nỗi niềm của biết bao người cầm phấn. Bởi lẽ “dân chủ” được coi là sự giải phóng về mặt tư tưởng, tình cảm và nhận thức. Thời kỳ nào, xã hội nào, vùng, miền nào hay ngành, nghề gì cũng rất cần dân chủ. Giáo dục cũng vậy, chính vì thế mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Chế độ ta phải là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Sự cởi trói về nhận thức sẽ thay đổi hành động và hiệu quả lao động. Ở môi trường giàu tính nhân văn và giáo dục như trường học, không thể không có tính dân chủ. Nhưng dân chủ thực chất hay dân chủ hình thức vẫn là câu hỏi lớn mà chưa có lời đáp. Thiết nghĩ, chừng nào người đứng đầu trường học vẫn tồn tại hình thức bổ nhiệm thì “quyền sinh, quyền sát” vẫn còn. Chừng nào, trường học, sở, phòng giáo dục chưa có những trang mạng đóng góp ý kiến công khai hay những đường dây nóng phản ánh thông tin thì chừng đó, chuyện dân chủ trong giáo dục vẫn mãi là vấn đề “nguội”, cũng như sự vô cảm dần của người thầy với những tiếng nói đấu tranh, góp ý vì một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại./.