Công tác dân vận của các đơn vị quân đội ở vùng đồng bào theo đạo trên địa bàn Tây Nguyên
TCCS - Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của cả nước, đồng thời là nơi có nhiều tôn giáo. Công tác dân vận của các đơn vị quân đội trên địa bàn Tây Nguyên giai đoạn hiện nay, vì thế có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Những đóng góp tích cực trong công tác dân vận của các đơn vị quân đội
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng) với 62 đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố, 722 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, 7.616 thôn, buôn, bon, tổ dân phố; địa hình bị chia cắt với nhiều đồi núi, đường sá, nhiều đèo dốc, nhiều sông suối; khí hậu khắc nghiệt chia thành hai mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa, thường chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, dịch bệnh,... Hiện nay, ở địa bàn Tây Nguyên có 13 tôn giáo chính thống đang hoạt động, trong đó có các tôn giáo lớn, như đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, đạo Cao Đài, đạo Hồi với khoảng 2.059.325 tín đồ các tôn giáo (chiếm 34% dân số toàn vùng); số tín đồ là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (41%).
Những năm qua, công tác dân vận (CTDV) ở vùng đồng bào theo đạo đã được các đơn vị quân đội tham gia, tổ chức thực hiện và thu được thành tựu đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương; đồng thời, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa quân đội với nhân dân, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện...
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động:
Từ năm 2003 đến 2016, các đơn vị quân đội đã tổ chức 15 lớp tập huấn nghiệp vụ CTDV cho 1.347 lượt cán bộ; 12 lớp học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) với 645 lượt cán bộ tham gia; 67 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho 4.863 lượt già làng, trưởng thôn, chức sắc, chức việc các tôn giáo. Tổ chức thi nói, viết, tuyên truyền tiếng DTTS cho 736 cán bộ, đội viên Đội công tác 123(1) (nay đổi tên là Đội công tác tuyên truyền văn hóa cơ sở). Phát hành 6.000 quyển sổ tay tự học tiếng DTTS. Từ năm 2011 đến năm 2016, các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền 343 buổi cho 36.558 lượt người; giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao 652 buổi cho 9.120 lượt người; tổ chức 31 lần cho cán bộ thôn, buôn, già làng về thăm đơn vị với 892 người; bộ đội về ăn tết với đồng bào DTTS 50 lần với 2.196 người.
Từ khi bắt đầu hoạt động (2002) đến nay, các đội công tác đã phối hợp tổ chức 12.236 buổi tuyên truyền trong nhân dân, tuyên truyền cá biệt cho 18.829 đối tượng; vận động giải tán 492 vụ truyền đạo trái pháp luật, vận động 772 đối tượng cốt cán ra đầu thú, 6.751 đối tượng bỏ tà đạo; tham gia hòa giải 2.270 hộ dân.
Công tác tuyên truyền trên tuyến biên giới được các cấp ủy, chỉ huy đơn vị triển khai tích cực. Đã tập trung tuyên truyền về quy chế biên giới quốc gia, các hiệp định, hiệp ước bổ sung về cắm mốc biên giới đất liền; đường lối chủ trương chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; tình hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia, Việt Nam - Lào,...
Trong xây dựng cơ sở chính trị địa phương:
Công tác dân vận giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn 701 cấp ủy, chi bộ; 1.279 ban điều hành cấp thôn, buôn; 6.206 lượt các tổ chức đoàn thể; xây dựng 1.739 chi bộ quân sự, 1.770 chi đoàn dân quân. Đặc biệt, công tác tạo nguồn cán bộ người DTTS được triển khai tích cực. Đến nay, cơ bản chấm dứt tình trạng thôn, buôn “trắng” đảng viên; hoạt động của chính quyền cơ sở có nhiều tiến bộ, các tổ chức chính trị - xã hội được kiện toàn và hoạt động nền nếp, chất lượng hơn trước. Đồng thời, góp phần kiện toàn lực lượng dân quân tự vệ bảo đảm số lượng, chất lượng, độ tin cậy cao.
Từ năm 2002 đến nay, các đội công tác đã đến 336 xã, thị trấn, tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương kết nạp 2.954 đảng viên (trong đó có 644 đảng viên là người DTTS); xóa 364 thôn, buôn, bon “trắng” đảng viên, 349 thôn, buôn không có chi bộ; xây dựng, củng cố 405 chi bộ thôn, buôn. Phối hợp củng cố 778 tổ chức chính quyền xã, thôn; 1.723 tổ chức đoàn thể; phát triển 332.058 đoàn viên, hội viên; xây dựng 165 bản hương ước, quy ước thôn, buôn; kiện toàn 326 tổ hòa giải, 177 ban thanh tra nhân dân; phát huy tốt vai trò trách nhiệm 296 già làng, thôn trưởng có uy tín hoạt động tích cực, góp phần củng cố 569 thôn, làng vững mạnh.
Công tác tạo nguồn cán bộ người DTTS được quan tâm đúng mức. Từ năm 2012 đến nay, đã tuyển chọn 1.312 con em người DTTS ở các địa phương về học tại Trường Thiếu sinh quân dân tộc Quân khu. Hiện nay, tỉ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 20% tổng số cán bộ trong các đơn vị.
Trong phát triển kinh tế - xã hội:
Thực hiện Nghị quyết số 150-NQ/ĐUQSTW, ngày 10-8-1998, của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Quân đội tham gia phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược”, các đơn vị quân đội trên địa bàn Tây Nguyên đã chủ động triển khai nhiều chương trình, dự án, tích cực tham gia có hiệu quả các chương trình kinh tế - xã hội, kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh. Các đoàn kinh tế quốc phòng đã bám sát địa bàn chiến lược, chủ động triển khai các dự án kinh tế kết hợp quốc phòng đạt kết quả tốt.
Giai đoạn 2011 - 2016, các đơn vị quân đội đã giúp đỡ bà con phát triển kinh tế với tổng số tiền gần 36 tỷ đồng; làm mới 1.286km đường giao thông nông thôn, 975km kênh, mương thủy lợi; sửa chữa, làm mới 1.982 ngôi nhà, 125 cầu, cống các loại, 279 giếng nước, khai hoang 3.510ha lúa nước; xây dựng và sửa chữa 971 phòng học; khám bệnh, cấp thuốc và thực hiện chương trình quân, dân y cho 20.929 lượt người; xây dựng mới 6 bệnh xá quân dân y kết hợp, hỗ trợ thiết bị y tế cho 71 trạm xá xã. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tham gia các cuộc vận động cách mạng, các phong trào, chương trình ở địa phương, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các chương trình 134, 135; chương trình “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - quốc phòng ở vùng chiến lược”, “các đơn vị chung sức xây dựng nông thôn mới”; xây dựng “Hũ gạo vì người nghèo”, thực hiện cuộc vận động quyên góp quỹ “Ngày vì người nghèo”, quỹ “Cứu trợ thiên tai”, tổ chức xây dựng và sửa chữa “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Nhà mái ấm công đoàn”, “Nhà nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Nhà hữu nghị quân đội Việt Nam - Lào”...
Trong xây dựng nông thôn mới, các đơn vị quân đội tích cực giúp địa phương đào, múc, san lấp mặt bằng trên 16.200m3 đất đá, sửa chữa, nâng cấp và làm mới 9.073km đường, trong đó có 422km đường bê-tông nông thôn; nạo vét, củng cố, xây dựng 8.300km kênh mương nội đồng, hệ thống thoát nước thải; đào, vét 120 giếng nước sinh hoạt cho nhân dân; tham gia hàng ngàn ngày công lao động làm chuồng trại, hỗ trợ vốn chăn nuôi gia súc, gia cầm; giúp các hộ gia đình được 202 con bò, 452 con heo, hàng ngàn con gia súc, gia cầm; hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi giống cây trồng được 16.000 cây keo, 400 cây cà phê, 500 cây bời lời, 6.400 cây mít cao sản...; tặng 294 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, với số tiền là 477,9 triệu đồng; tặng 14.808 suất quà cho các gia đình chính sách và học sinh nghèo vượt khó trị giá 4,8 tỷ đồng. Các đơn vị quân đội tham gia xây dựng nông thôn mới với tổng giá trị gần 32 tỷ đồng.
Một số bài học kinh nghiệm và yêu cầu đặt ra
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, CTDV của các đơn vị quân đội ở vùng đồng bào theo đạo trên địa bàn Tây Nguyên còn bộc lộ một số hạn chế: một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của CTDV; ở một số cơ quan, đơn vị nội dung, hình thức tiến hành CTDV còn đơn điệu, chậm đổi mới, hiệu quả thấp; sự phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thường xuyên, thiếu chủ động; chưa phát huy được sức mạnh của các tổ chức, các lực lượng trong và ngoài đơn vị tham gia...
Hiện nay, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”; sự phát triển nhiệm vụ của các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi quân đội phải làm tốt hơn nữa CTDV, nhất là trên địa bàn những vùng có đông đồng bào theo đạo, đồng bào DTTS. Từ những kết quả đã đạt được và qua nghiên cứu, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm, cùng với đó là những điều chỉnh, bổ sung để các đơn vị quân đội thực hiện tốt CTDV:
Thứ nhất, quan tâm giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực tiến hành CTDV cho cán bộ, chiến sĩ.
Bồi dưỡng phẩm chất, năng lực CTDV cho cán bộ, chiến sĩ là tổng hợp các cách thức, biện pháp của lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chính trị cấp trên nhằm bổ sung, phát triển, nâng cao ý thức chính trị, trình độ thực tế và khả năng công tác để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao. Thực tế các đơn vị quân đội đã coi trọng giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực CTDV ở vùng đồng bào theo đạo trên địa bàn Tây Nguyên nên tạo được những chuyển biến tiến bộ, góp phần quan trọng vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ dân vận của đơn vị. Tuy nhiên, thời gian tới nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực CTDV cho cán bộ, chiến sĩ cần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ dân vận trong tình hình mới; khắc phục tình trạng, một bộ phận cán bộ chuyên trách chưa tích cực học tập, rèn luyện nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ năng lực CTDV ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ dân vận của đơn vị; đồng thời, phải lưu ý những yếu tố ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của đồng bào theo đạo, nhất là đồng bào DTTS,...
Thứ hai, nắm chắc tình hình thực tiễn ở địa phương, kịp thời xây dựng kế hoạch, thực hiện đúng và sáng tạo các nội dung, hình thức dân vận.
Công tác dân vận của các đơn vị quân đội bao giờ cũng diễn ra trên một địa bàn cụ thể, gắn với đối tượng cụ thể. Chỉ có coi trọng bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình mọi mặt ở địa bàn được phân công, nhất là ở các khu vực trọng điểm, phức tạp, các thời điểm có nhiệm vụ chính trị quan trọng, sự kiện chính trị lớn... mới giúp cho các đơn vị đạt được kết quả cao trong CTDV.
Quán triệt và vận dụng yêu cầu này trong thực hiện CTDV ở vùng đồng bào theo đạo trên địa bàn Tây Nguyên đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải khảo sát, nắm chắc đặc điểm địa bàn, tình hình tôn giáo và âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo của các thế lực thù địch, nhất là đặc điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, dân cư, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn đóng quân; hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, tình hình đời sống và sinh hoạt của chức sắc, chức việc tôn giáo cũng như mọi hoạt động của nhân dân ở vùng đồng bào theo đạo.
Thứ ba, nắm vững và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn.
Đây là bài học kinh nghiệm quý được rút ra từ thực tiễn tiến hành CTDV trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, do có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị quân đội với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng trên địa bàn nên CTDV của các đơn vị quân đội ở vùng đồng bào theo đạo trên địa bàn Tây Nguyên đã thu được kết quả khá toàn diện; ngược lại, nếu đơn vị nào không coi trọng việc phối, kết hợp này thì khó tránh khỏi những vướng mắc, bị động, chồng chéo hoặc bỏ sót địa bàn quan trọng và kết quả CTDV sẽ không cao.
Tiến hành tốt CTDV ở vùng đồng bào theo đạo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, đơn vị trong và ngoài quân đội. Hoạt động CTDV các đơn vị quân đội phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể ở địa phương. Phát huy vai trò cơ quan quân sự địa phương vừa làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, vừa là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân và đến công tác trên địa bàn Tây Nguyên cùng tiến hành CTDV.
Thứ tư, thường xuyên coi trọng và làm tốt việc phát huy vai trò của người có uy tín trong nhân dân và đội ngũ chức sắc, chức việc tôn giáo.
Các lão thành cách mạng, cựu chiến binh, người có công với nước, những nhà khoa học đầu ngành,... tuy chiếm tỉ lệ không nhiều, nhưng tiếng nói và việc làm của họ có ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng dân cư. Đội ngũ chức sắc, chức việc là những tín đồ có chức vụ, phẩm sắc trong các tôn giáo, chiếm hơn 4% tổng số quần chúng tín đồ theo đạo, là bộ phận giữ vai trò quan trọng trong hoạt động tôn giáo và có ảnh hưởng lớn tới tín đồ.
Thực hiện CTDV của các đơn vị quân đội ở vùng đồng bào theo đạo trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay cần coi trọng vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư và thực hiện phương châm “tôn trọng giáo chủ, tranh thủ giáo sĩ, thực lòng quan tâm đến giáo dân”. Phải chủ động đến với họ, vừa vận động vừa tranh thủ vai trò, uy tín của họ trong tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng và phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo trong tham gia xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở. Khi tiến hành CTDV ở vùng đồng bào theo đạo, cần coi trọng việc phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, tín đồ tôn giáo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, trong tham gia giám sát hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị... để mọi người làm tròn bổn phận của một công dân, một tín đồ chân chính, sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Thứ năm, thường xuyên kết hợp chặt chẽ giữa tiến hành CTDV với xây dựng các đơn vị quân đội vững mạnh toàn diện (VMTD), lấy xây dựng đơn vị VMTD làm cơ sở, tiền đề cho tiến hành CTDV.
Muốn đẩy mạnh hoạt động CTDV, trước hết các đơn vị phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Xây dựng các đơn vị quân đội VMTD là điều kiện, tiền đề để làm tốt CTDV ở vùng đồng bào theo đạo. Thực tế minh chứng: đơn vị nào được xây dựng VMTD, đời sống bộ đội được bảo đảm; lãnh đạo, chỉ huy không có tiêu cực thì sẽ gắn bó với nhân dân, chính quyền địa phương và được quan tâm chăm lo giúp đỡ. Nói cách khác, một đơn vị VMTD đã chứa đựng nhiều nội dung và mục tiêu của CTDV. Những đơn vị như vậy sẽ là trường học lớn cho thanh niên, góp phần trực tiếp đào tạo lớp trẻ cho xã hội về lâu dài, cũng như đào tạo lực lượng kế tục trực tiếp cho các cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh về mọi mặt... Xác định rõ, làm tốt CTDV là tiêu chí đánh giá chất lượng xây dựng các cơ quan, đơn vị quân đội VMTD; là cơ sở để giáo dục, rèn luyện bộ đội, góp phần xây dựng các đơn vị quân đội VMTD và nâng cao bản lĩnh chính trị cách mạng của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở và làm tốt công tác quần chúng trong đơn vị. Tạo ra bầu không khí dân chủ, đoàn kết để khơi dậy và phát huy trí tuệ của mọi quân nhân, đồng thời coi trọng và phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng nòng cốt, hướng mọi hoạt động của các tổ chức vào hoàn thành nhiệm vụ chung của đơn vị. Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần vào xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức đảng, đội ngũ chỉ huy và tổ chức quần chúng; giáo dục, rèn luyện bộ đội có ý thức tự giác và chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật quân đội và kỷ luật quan hệ quân – dân./.
----------------------------------------------------------
(1) Đội được thành lập với phương châm “4 cùng” và “4 bám”. Trong đó, “4 cùng” là: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc; “4 bám” là: bám cơ sở, bám cấp ủy, chính quyền địa phương, bám nhân dân, bám đối tượng. Đội có các nhiệm vụ: 1- Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương...; 2- Tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội...; 3- Hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân sản xuất; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới...; 4- Tuyên truyền, vận động mọi cấp, mọi ngành, mọi đối tượng làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; giúp đỡ những gia đình chính sách và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đại sứ Australia  (22/11/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển  (22/11/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nguyên Thủ tướng Lào  (22/11/2017)
- Các quốc gia tầm trung trong bối cảnh mới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam đến năm 2030
- Vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa
- Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nền kinh tế tự chủ trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay và một số gợi ý cho Việt Nam
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay