Hà Nội xây dựng các điểm đến an toàn, đẩy mạnh quảng bá điểm đến nhằm khôi phục hoạt động du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát
TCCS - Những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến ngành du lịch rất nặng nề. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng gợi mở nhiều cơ hội để ngành du lịch Hà Nội vượt qua thách thức, xây dựng các điểm đến an toàn, hấp dẫn.
Thay đổi về quan điểm và hành vi du lịch
Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch của Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các lệnh cấm bay, hạn chế đi lại và sự e ngại của du khách do lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng khách, doanh thu ngành du lịch sụt giảm mạnh. Đến cuối năm 2020, số lượng khách du lịch đến Hà Nội chỉ bằng 30% so với năm 2019 (đạt 8,65 triệu lượt khách). Từ cuối tháng 1-2021 đến nay, do sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19, hoạt động du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quý I-2021, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội vào khoảng 1,93 triệu lượt, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch (chỉ bao gồm khách du lịch nội địa) ước đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trải qua các đợt dịch bệnh COVID-19, nhu cầu du lịch của du khách có sự thay đổi. Theo đó, khách du lịch có xu hướng chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, tránh tiếp xúc đông người, đặc biệt nhu cầu đối với các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở, biệt lập gia tăng. Việc lựa chọn các điểm du lịch gần, rút ngắn thời gian các kỳ nghỉ trở nên phổ biến hơn. Kế hoạch đi du lịch được xây dựng sát với thời điểm chuyến đi và có thể thay đổi linh hoạt hơn trước. Thay vì ưu tiên giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên sự an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao.
Vì lẽ đó, các điểm đến cũng có sự chuyển đổi trong cách tiếp cận khách hàng. Nếu trước kia đến với Hà Nội, khách du lịch thường chọn tham quan những địa điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa hiện hữu như Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, Hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò…, nay vẫn những sản phẩm du lịch đó, các doanh nghiệp lữ hành và điểm đến xây dựng các sản phẩm mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, tạo ra sản phẩm mới “kể” những câu chuyện để du khách hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của di tích. Ðối với khu phố cổ Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đang xúc tiến triển khai Đề án Phát triển kinh tế ban đêm, theo đó, các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đều nỗ lực đổi mới cách tiếp cận. Cùng với cả nước, Hà Nội phát động các đợt kích cầu du lịch nội địa nhằm khuyến khích người dân đi du lịch trong nước nhiều hơn. Đầu năm 2021, ngành du lịch Thủ đô chuẩn bị các chương trình kích cầu nhằm thu hút khách trong mùa cao điểm. Nhiều doanh nghiệp lữ hành như Vietravel, FlamingoRedtours, VietSense, Hanoi Tourism, Hanoitourist, Golden Tours,... đưa ra nhiều gói sản phẩm hấp dẫn nhằm hưởng ứng Chương trình kích cầu du lịch nội địa của Tổng cục Du lịch và Chương trình “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” của thành phố Hà Nội. Thực tế, Chương trình kích cầu du lịch nội địa mang lại tín hiệu vui khi du khách bắt đầu đi du lịch trở lại. Tuy nhiên, thành phố Hà Nội xác định luôn chuẩn bị các phương án ứng phó trong trường hợp dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, tránh gây tâm lý hoang mang cho du khách dẫn đến việc hủy tour. Bên cạnh đó, các địa phương, điểm đến cần quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch một cách phù hợp, tránh tình trạng quá tải...
Tập trung kích cầu du lịch nội địa và nâng cấp các điểm đến du lịch
Trong thời gian này, Hà Nội xác định đầu tư xây dựng, nâng cấp các điểm đến du lịch chất lượng cao để nhân rộng mô hình hoạt động, sẵn sàng đón khách trở lại ngay sau khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành du lịch Thủ đô đặt ra với kỳ vọng thu hút khách nội địa đến với Hà Nội nhiều hơn trong thời gian tới. Xuất phát từ quan điểm đó, tháng 7-2021, Sở Du lịch Hà Nội ban hành Văn bản số 486/SDL-QHPTTNDL về việc “Xây dựng các điểm đến an toàn phòng, chống dịch và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ” gửi đến các tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn với yêu cầu chuẩn bị kế hoạch tái khởi động hoạt động du lịch nhằm đón, phục vụ du khách trong thời gian tới. Theo đó, Sở Du lịch Hà Nội đề nghị các tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm tham quan trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế. Các đơn vị lữ hành cần thường xuyên kiểm tra hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển phục vụ khách; hoàn thiện đăng ký và đăng nhập hệ thống để thực hiện các bước đánh giá an toàn về dịch bệnh trên hệ thống safe.tourism.com.vn. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần nghiên cứu, tìm hiểu, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, kích cầu du lịch nội địa bằng các chương trình tour, gói combo để giúp du khách những lựa chọn đa dạng. Đặc biệt, cần chủ động liên kết với các cơ quản quản lý phát triển sản phẩm du lịch gắn với di sản, di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo sự trải nghiệm mới đối với khách du lịch. Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh các kế hoạch tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch thông qua các trang thông tin điện tử của Sở Du lịch trong thời gian tới.
Để thu hút khách du lịch lưu trú dài ngày hơn, ngành du lịch Thủ đô sẽ tập trung khai thác các sản phẩm du lịch về đêm. Thời gian qua, các hoạt động du lịch đêm tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trải nghiệm chương trình du lịch đêm tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò và Hoàng thành Thăng Long đã đem lại hiệu quả tích cực, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Do đó, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đầu tư nâng cấp các điểm đến du lịch trên, đồng thời triển khai một số điểm đến mới như phố đi bộ tại khu vực Thành cổ Sơn Tây.
Hà Nội luôn coi công tác quảng bá, liên kết xúc tiến du lịch là nhiệm vụ trọng tâm giúp thu hút khách du lịch đến với Thủ đô. Công tác tuyên truyền quảng bá trên hệ thống báo chí, cổng thông tin điện tử được chú trọng. Sở Du lịch tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch Thủ đô trên kênh truyền hình quốc gia VTV (VTV Travel, S-Việt Nam; Ẩm thực đường phố; V-Việt Nam; Chuyển động 24h) giúp lan tỏa hình ảnh đẹp, đặc trưng của Thủ đô đến cả nước, trong đó có chính những người đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội; tham mưu triển khai quảng bá hình ảnh Hà Nội, hợp tác với kênh truyền hình quốc tế CNN vào nửa cuối năm nay nhằm đón làn sóng du khách quốc tế từ năm 2022.
Về lâu dài, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ mang tính đột phá, đó là: Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng đưa vào hoạt động các dự án đầu tư có quy mô lớn, như: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (huyện Sóc Sơn); tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ (quận Tây Hồ)... Đẩy nhanh thủ tục đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử khu di tích Hoàng thành Thăng Long; dự án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và tại làng dệt lụa Vạn Phúc; dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm… Thu hút đầu tư dự án theo mô hình khách sạn - trường học để tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tăng trưởng lĩnh vực lưu trú du lịch trên địa bàn Thủ đô; dự án Trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch; dự án điểm trung chuyển khách phục vụ du lịch..., tổ chức triển khai hiệu quả các tuyến xe buýt kết nối từ trung tâm thành phố tới các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn.
Hà Nội sẽ tập trung xây dựng khu, điểm du lịch chất lượng cao như khu vực trung tâm chính trị Ba Đình gắn với khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ, Hồ Hoàn Kiếm; khu vực Hồ Tây và phụ cận; khu di tích Cổ Loa, múa rối nước Đào Thục; di tích đền Hai Bà Trưng; khu du lịch núi Sóc; chùa Hương, khu vực Ba Vì, làng cổ ở Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương…; làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái;… gắn du lịch cộng đồng, du lịch kết nối giữa phố nghề, làng nghề truyền thống với các điểm tham quan du lịch khác. Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới như du lịch y tế chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch giáo dục, trải nghiệm dành cho học sinh. Triển khai dự án Phát triển du lịch thông minh, phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông tại các điểm đến du lịch để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong quảng bá, xúc tiến và kinh doanh du lịch./.
Tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch ngay từ cơ sở  (26/10/2021)
Vai trò của du lịch trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội  (25/10/2021)
Hà Nội đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo  (25/10/2021)
Hà Nội xác định hội nhập quốc tế là động lực của sự phát triển bền vững  (23/10/2021)
Hà Nội xây dựng nông thôn mới thực chất, vững bền, theo tiêu chí đô thị  (21/10/2021)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay