Từ “Phụ nữ trong phát triển” đến “Giới và phát triển” với vấn đề tham gia chính trị của phụ nữ ở Việt Nam
TCCSĐT - Cách tiếp cận Phụ nữ trong phát triển (WID) xuất hiện vào đầu những năm 70, cách tiếp cận Phụ nữ và phát triển (WAD) ra đời vào cuối những năm 70 và cách tiếp cận Giới và phát triển (GAD) xuất hiện vào những năm 90 của thế kỷ XX. Cho dù có sự phê phán của các phương pháp tiếp cận sau đối với các phương pháp tiếp cận xuất hiện trước đó, tuy nhiên, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng và những đóng góp tích cực của cả ba phương pháp tiếp cận đối với sự phát triển không chỉ của phụ nữ mà của toàn xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Dưới ảnh hưởng của các cách tiếp cận WID, WAD và GAD, các nghiên cứu về phụ nữ bắt đầu được xem xét với tư cách như một ngành khoa học độc lập, các dự án phát triển đã tập trung và hướng vào đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng là phụ nữ, đồng thời các mối quan tâm, các nhu cầu, kỳ vọng của phụ nữ cũng đã được xem xét, quan tâm trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách.
Thông qua việc tổng hợp những điểm chính của WID, WAD và GAD, bài viết phân tích về ảnh hưởng của nó đối với vấn đề phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị ở Việt Nam.
Phương pháp tiếp cận “Phụ nữ trong phát triển”
Phụ nữ trong phát triển (Women in development - WID) là một phương pháp tiếp cận xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ XX, sau khi cuốn sách “Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế” của E. Bô-sơ-ấp được xuất bản. Cuốn sách tập trung phân tích ảnh hưởng của các dự án phát triển đối với phụ nữ ở các nước đang phát triển. Một phát hiện quan trọng của E. Bô-sơ-ấp là hầu hết các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án về kỹ thuật tinh xảo đều bỏ qua vai trò của người phụ nữ, hạn chế các cơ hội và sự tự chủ về kinh tế của phụ nữ. Các dự án này hầu như chỉ cải thiện cơ hội và kiến thức cho nam giới và làm giảm sự tiếp cận của phụ nữ tới kỹ thuật hiện đại và cơ hội việc làm. Các kết quả này đã đi ngược lại với quan điểm trước đó cho rằng, những lợi ích từ các dự án phát triển sẽ tự động mang lại lợi ích cho phụ nữ và làm tăng cường bình đẳng giới ở các quốc gia phát triển. Sau đó, thuật ngữ “Phụ nữ trong phát triển” được Ủy ban phụ nữ của Mỹ sử dụng nhằm kêu gọi sự chú ý của các nhà làm chính sách Mỹ đối với khái niệm này và vận động hành lang đối với Chính phủ Mỹ trong việc gây ảnh hưởng tới các tổ chức chính sách phát triển kinh tế.
Phương pháp tiếp cận WID bao gồm các biện pháp xây dựng các dự án tín dụng và đào tạo dành riêng cho phụ nữ. WID chú trọng vào phụ nữ, vào các vấn đề của phụ nữ nảy sinh trong quá trình phát triển như: cơ hội có việc làm, được học hành, bình đẳng tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội và được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đời sống. WID đã tập trung vào việc làm thế nào để phụ nữ có thể được tham gia tốt hơn vào các sáng kiến phát triển hiện có. WID nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đề cao vai trò của phụ nữ trong việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, coi đó như là một cách thức quan trọng để giúp họ có thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào nam giới, cải thiện vị trí của mình trong xã hội. Tuy nhiên, WID chủ yếu thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ với tư cách là người thụ hưởng chứ chưa phải là tác nhân của công cuộc phát triển, là một chủ thể của công cuộc phát triển, vì vậy, hạn chế khả năng phát huy tính chủ động, sáng tạo của phụ nữ. WID mới chỉ tập trung vào phụ nữ, còn những vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa lại được xem xét một cách độc lập hoặc tách biệt. Do đó, vô hình chung đã tách phụ nữ ra khỏi quá trình ra quyết định của chính quyền.
Một số nội dung chủ yếu của WID bao gồm: Tuyệt đại đa số các dự án đều có sự kỳ thị đối với phụ nữ, sự tham gia của phụ nữ vào trong lĩnh vực kinh tế và sự hưởng thụ lợi ích của phụ nữ rất hạn chế; Các vai trò thực tế của phụ nữ hầu như không nhận được sự đánh giá cao của các quá trình chính sách; Phụ nữ bị nghèo đói hóa và “ngoài lề hóa”. WID nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, nhưng không tán đồng việc theo đuổi các lợi ích một cách đơn thuần, vì như thế đồng nghĩa với việc tạo thêm gánh nặng công việc cho phụ nữ.
WID đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong thời kỳ đầu của công cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng nam nữ của toàn nhân loại. Nhờ có WID mà các vấn đề về giới thu hút được sự quan tâm của cả các nhà chính trị và các nhà khoa học. WID thúc đẩy các cơ quan phát triển và chính phủ các nước đưa phụ nữ hòa nhập vào quá trình phát triển.
Trong những năm qua, ở Việt Nam xuất hiện nhiều dự án phát triển xã hội có mục tiêu hướng tới việc tăng cường khả năng tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực của phụ nữ. Các dự án này bao gồm việc cung cấp các gói tín dụng cho phụ nữ, trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật, trang bị kỹ năng nghề nghiệp… nhằm giúp cho phụ nữ có thể độc lập và tự chủ về mặt kinh tế, thoát khỏi sự lệ thuộc vào nam giới. Các dự án này ban đầu được thực hiện bởi các tổ chức quốc tế tại Việt Nam dưới ảnh hưởng của cách tiếp cận WID và cho đến nay vẫn tiếp tục được thực hiện.
Các dự án hỗ trợ phụ nữ hiện nay không đơn giản chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, trong lĩnh vực chính trị, nhiều dự án nâng cao năng lực dành riêng cho nữ ứng cử viên Quốc hội, nữ ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nữ cán bộ, công chức cũng đã được triển khai thực hiện nhằm nâng cao tỷ lệ và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong chính trị.
Phương pháp tiếp cận “Phụ nữ và phát triển”
Vào nửa sau những năm 70, khái niệm “Phụ nữ và phát triển” (Women and development) nổi lên từ một bài phê bình lý thuyết hiện đại hóa và phương pháp tiếp cận WID. Khái niệm này dựa trên nhận định rằng, phụ nữ luôn là một phần của các quá trình phát triển. Phụ nữ và tiến trình phát triển có mối liên hệ với nhau và trên thực tế, không phải là không có biện pháp để đưa phụ nữ vào trong chiến lược của quá trình phát triển.
Chương pháp tiếp cận này cho rằng phụ nữ luôn là một tác nhân kinh tế quan trọng trong xã hội, công việc mà phụ nữ thực hiện cả trong gia đình và ngoài gia đình đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì xã hội, nhưng sự hòa nhập này chỉ góp phần duy trì cơ cấu của sự bất bình đẳng hiện nay trên bình diện quốc tế. Tình trạng bất bình đẳng của phụ nữ hiện nay ở cấp độ quốc tế. Nếu như trên bình diện quốc tế, vấn đề bình đẳng được cải thiện thì địa vị của phụ nữ sẽ được nâng lên. Trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và kết cấu xã hội đều thiếu hụt sự đại diện của phụ nữ, con đường để giải quyết vấn đề này, đó là thông qua việc xây dựng các chiến lược có sự tham dự của phụ nữ, chứ không phải là thông qua biện pháp biến đổi căn bản các quan hệ giới.
Cũng giống như WID, WAD đã quá chú trọng vào lĩnh vực sản xuất, chú trọng vào chiến lược tham dự và việc triển khai các hoạt động tạo thu nhập mà không xem xét đến việc thực hiện các chiến lược này sẽ tạo thêm áp lực và gánh nặng cho phụ nữ. Các quan điểm của WAD bị phê phán là đã không coi lao động gia đình như một giá trị kinh tế và WAD đã áp dụng các thành kiến và các giả định của phương Tây vào các nước đang phát triển.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, mặc dù bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ đã đạt được những thành tựu to lớn, tuy nhiên trong hầu hết các lĩnh vực, phụ nữ vẫn chưa có được địa vị tương xứng với tiềm năng và đóng góp thực tế của họ. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia các cấp ủy đảng còn thấp (ở nhiệm kỳ khóa XII, tỷ lệ này ở cấp Trung ương là 10%, cấp tỉnh là 13,3%, cấp huyện là 14,3% và cấp xã là 19,69%. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng không cao, ở nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 26,72%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cụ thể như sau: cấp tỉnh là 26,4%, cấp huyện là 27,5%, cấp xã là 26,7%).
Phương pháp tiếp cận “Giới và phát triển”
Theo kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm từ các phương pháp tiếp cận WID và WAD, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người ta ngày càng nhận thấy rằng, rào cản đối với sự bình đẳng chủ yếu do các yếu tố xã hội tạo nên và tồn tại bởi một loạt những di chứng lịch sử, tư tưởng, văn hóa, kinh tế và tôn giáo. Những rào cản này ăn sâu và khó thay đổi. Song, một số bằng chứng lại cho thấy, những ảnh hưởng này có thể thay đổi được. Sự bất bình đẳng của phụ nữ thường do nhiều yếu tố kết hợp lại (xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa), tác động tới đời sống của phụ nữ và nam giới một cách khác nhau. Do đó, cần phải hệ thống và lý giải mối quan hệ giữa phụ nữ và nam giới trong các bối cảnh xã hội khác nhau và xây dựng các chiến lược thay đổi có tính đến các mối quan hệ này.
GAD quan niệm, phụ nữ và nam giới cùng có vai trò trong xây dựng và duy trì xã hội, cùng quyết định phân công lao động xã hội. Tuy nhiên, họ lại không bình đẳng trong việc hưởng thụ lợi ích và trong việc đối mặt với những khó khăn, điều này là do phụ nữ là nhóm yếu thế, vì vậy, cần phải tập trung sự quan tâm dành cho phụ nữ. Mặc dù giữa phụ nữ và nam giới có mối quan hệ nương tựa vào nhau, tuy nhiên phương thức và phạm vi hoạt động của họ trong xã hội lại không giống nhau, có những vai trò khác nhau trong những lĩnh vực xã hội khác nhau. Vì vậy, mỗi giới đều có những vấn đề ưu tiên riêng, có cách nhìn nhận sự vật riêng. Trong quan hệ vai trò giới, nam giới có thể hạn chế hoặc mở rộng những khó khăn của phụ nữ. Phát triển có ảnh hưởng khác nhau tới phụ nữ và nam giới, đồng thời, nam giới và phụ nữ cũng có những ảnh hưởng khác nhau đối với các dự án sản xuất, để thúc đẩy lợi ích và phúc lợi của xã hội, phụ nữ và nam giới phải có cùng cách nhìn nhận về các vấn đề và cùng tìm ra phương thức để giải quyết các vấn đề đó.
Phương pháp tiếp cận GAD cung cấp cơ sở lý luận cho việc xem xét vai trò của phụ nữ trong mối tương quan với vai trò của nam giới trong phát triển cộng đồng trên các lĩnh vực hoạt động khác nhau. GAD xem phụ nữ như là chủ thể của quá trình biến đổi chứ không coi phụ nữ như nhóm đối tượng thụ hưởng bị động. Phương thức thực hiện là thông qua trao quyền, tăng cường sức mạnh nội tại của phụ nữ, thực hiện năng lực cải tạo xã hội của phụ nữ. Để thực hiện trao quyền, nội dung căn bản nhất là lập kế hoạch giới, GAD nhấn mạnh trong thực hiện các dự án phát triển quốc tế, phát triển đất nước, phát triển khu vực cần phải thực hiện tổng hợp yếu tố giới. Vấn đề công bằng phải được thể hiện trong thực tiễn chứ không phải chỉ trên khẩu hiệu.
GAD đã phát triển một số khái niệm cơ bản như: lập kế hoạch giới, lợi ích giới, nhu cầu giới (bao gồm nhu cầu giới chiến lược và nhu cầu giới thực tiễn).
Trong công trình “Sự lệ thuộc dai dẳng của phụ nữ trong tiến trình phát triển” (năm 1978), Whitehead chỉ ra rằng, nghiên cứu phụ nữ và phát triển không thể chỉ đứng trên quan điểm xem xét các vấn đề của phụ nữ, mà phải xem xét cả phụ nữ và nam giới, đặc biệt phải chú trọng xem xét mối quan hệ giữa hai giới.
Một đại biểu tiêu biểu khác của GAD là K. Young, đã tổng kết các vấn đề lý luận của GAD trên sáu phương diện:
Một là, lý luận của GAD là khi các vấn đề liên quan đến phụ nữ xuất hiện, chúng ta không phải bàn đến các vấn đề của phụ nữ mà phải quan tâm đến mối quan hệ giới. Mối quan hệ này luôn bị các nhà xã hội học gọi là mối quan hệ phụ thuộc, vị trí quan hệ này được quyết định trong gia đình hoặc trong hệ thống xã hội phụ hệ (như quan hệ cha con hoặc quan hệ hôn nhân), cũng có một số quan hệ được hình thành từ trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Hai loại quan hệ này có mối liên hệ lẫn nhau dưới ảnh hưởng của các yếu tố như giai cấp, chủng tộc, dân tộc và tôn giáo.
Hai là, lý luận của GAD không coi phụ nữ như những đối tượng thụ hưởng một cách bị động mà coi phụ nữ như là những thành phần chủ động tham gia vào quá trình phát triển, nhưng không giả định rằng, phụ nữ hiểu biết một cách đầy đủ và toàn diện về địa vị xã hội của họ. Lý luận của GAD giả định, phụ nữ hoàn toàn biết được địa vị phụ thuộc của họ nhưng không giải thích được căn nguyên của sự kì thị và phụ thuộc. Lý luận của GAD cũng cho rằng, nam giới biết được vị trí chủ đạo của họ trong xã hội, nhưng không phải tất cả nam giới đều cố gắng nỗ lực để dành và giữ lấy vị trí chủ đạo đó. Không phải tất cả hành vi và mục tiêu của phụ nữ đều là đúng đắn, không nghi ngờ, cũng không phải tất cả nam giới đều là những người “gian ác”. Nhưng GAD cho rằng, nếu như không có sự nỗ lực tuyên truyền, vận động, nam giới sẽ không sẵn sàng ủng hộ sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ,
Ba là, lý luận của GAD có được cái nhìn toàn diện. GAD đã đứng trên tổng thể kinh tế, chính trị, tổ chức của xã hội để giải thích từng phương diện, từng vấn đề của xã hội. Ví dụ, để tìm hiểu mô hình đời sống của phụ nữ, GAD không chỉ quan tâm đến vai trò sinh sản của phụ nữ (vai trò làm mẹ, chăm sóc con cái của phụ nữ). Hay khi phân tích đời sống kinh tế - xã hội, GAD không chỉ đơn giản quan tâm đến từng công việc, như trao đổi và sản xuất các sản phẩm, các loại dịch vụ của các công xưởng hay các bệnh viện. Mà GAD đã quan tâm đến mối quan hệ giữa gia đình, các công việc gia đình và các hình thức tổ chức kinh tế… Nói một cách cụ thể hơn, đứng dưới góc độ giới, chỉ khi thấu hiểu các lĩnh vực, các vấn đề trong gia đình mới có thể giải thích được cơ chế cơ bản để các công việc hằng ngày của lĩnh vực sản xuất có thể hoàn thành.
Bốn là, GAD nhìn nhận phát triển như là một quá trình phức tạp của tiến bộ văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của cá nhân và xã hội. Ở đây tiến bộ để chỉ trong mỗi bối cảnh lịch sử nhất định, các thành viên được thỏa mãn đầy đủ về nhu cầu vật chất, tình cảm và năng lực sáng tạo. Để kiểm chứng ảnh hưởng của phát triển kinh tế đối với mỗi xã hội, GAD sẽ quan tâm đến các vấn đề: Ai là người được hưởng lợi ích? Ai là người phải chịu ảnh hưởng, thiệt thòi? Tiến hành giao dịch như thế nào? Quyền lợi và nghĩa vụ của phụ nữ và nam giới và sự cân bằng giữa các nhóm xã hội đặc thù như thế nào?
Năm là, lý luận của GAD cho rằng, phúc lợi, chống nghèo đói và bình đẳng không phải là ba vấn đề đối lập, không thể đồng thời lựa chọn. Mà ngược lại, phúc lợi và chống nghèo đói chính là tiền đề của bình đẳng. Điều then chốt của cách tư duy này là làm thế nào để các cách thức thực hiện phúc lợi có thể phục vụ được cho mục tiêu bình đẳng. Cách tư duy này đã tiến thêm một bước: thông qua cải cách để có thể đạt được mục đích, hoặc tất yếu phải thông qua biến đổi xã hội một cách cấp tiến mới có thể đạt được mục đích trên. Bất luận lựa chọn cách nào ở trên đều phải tiến hành một loạt các lựa chọn và quyết sách, mà những lựa chọn và quyết sách này đều gặp phải những ảnh hưởng từ những bối cảnh chính trị, lịch sử nhất định.
Sáu là, về mặt chiến lược, GAD tập trung quan tâm đến việc phụ nữ trở thành những cá thể hay những nhóm có thu nhập. GAD có thái độ không tích cực đối với vai trò phân phối lợi ích của thị trường. GAD nhấn mạnh, phụ nữ cần được liên kết thành các tổ chức nhằm tăng cường năng lực thương thuyết của mình trong hệ thống kinh tế. Cụ thể hơn, việc liên kết thành các tổ chức sẽ giúp cho phụ nữ tăng cường uy tín. GAD nhấn mạnh vai trò của tổ chức, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các tổ chức của riêng phụ nữ nhằm nâng cao quyền lực chính trị cho phụ nữ trong các hệ thống kinh tế.
Có thể nói, trong các nghiên cứu về phụ nữ ở Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây, phương pháp tiếp cận GAD có những ảnh hưởng tới nhiều tác giả và nhiều công trình nghiên cứu. Các nghiên cứu về phụ nữ không chỉ đơn thuần là mô tả các vấn đề của phụ nữ mà thường xuyên đặt các vấn đề của phụ nữ trong mối tương quan với các vấn đề của nam giới để thấy được sự khác biệt và chỉ ra những vấn đề, những bất bình đẳng, những thiệt thòi và cả những áp lực mà phụ nữ đang thật sự phải đối mặt. Từ kết quả của các công trình nghiên cứu này và dưới tác động của các nhà nghiên cứu về phụ nữ, các nhà nghiên cứu giới, nội dung của GAD đã hiện diện trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, chẳng hạn như lĩnh vực ban hành và thực thi chính sách xã hội… Các khái niệm trao quyền cho phụ nữ, lập kế hoạch giới và lồng ghép giới hiện nay đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam. Trong quá trình xây dựng chính sách, luật pháp và xây dựng các dự án đều phải xem xét yếu tố giới. Về mặt nguyên tắc, việc lồng ghép giới, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho cả phụ nữ và nam giới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trở thành yếu tố bắt buộc trong quy trình xây dựng và thực thi chính sách ở Việt Nam. Nghị quyết 23-NQ/TW về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, ngày 12-03-2003, của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: “tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác phụ nữ và vấn đề bất bình đẳng giới, khẩn trương cụ thể hóa các chủ trương của Đảng thành luật pháp, chính sách, lồng ghép giới trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các chương trình, kế hoạch chung… Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp”.
Để cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, năm 2006, Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực. Việc ra đời của Luật Bình đẳng giới là một dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Đảng và Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phụ nữ được tham gia và phát huy năng lực của mình trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị.
Mặc dù đã đạt được những bước tiến dài trong lĩnh vực bình đẳng giới, tuy nhiên do tác động của nhiều nguyên nhân, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Để phụ nữ có thể khẳng định được vai trò, vị trí và phát huy hết tiềm năng của mình cho xã hội, xóa bỏ hoàn toàn khoảng cách giới đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn xã hội trong thời gian tiếp theo./.
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017 - 2022  (07/03/2017)
Đại hội Phụ nữ XII: Những tiếng nói từ cơ sở  (07/03/2017)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thăm và làm việc tại Slovakia  (07/03/2017)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên