Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-6 đến ngày 03-7-2016
Ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp
Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu; trong đó Chính phủ yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, gỡ bỏ các rào cản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo động lực mạnh mẽ giải phóng các nguồn lực để phát triển đất nước.
Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh gắn với bảo đảm chất lượng và khả thi; kiên quyết không để khoảng trống pháp lý; đối thoại, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến phản biện, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia; kiên quyết cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, loại bỏ các giấy phép con; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện; khắc phục tình trạng không minh bạch, chồng chéo, trùng lắp, lợi ích cục bộ; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm; đồng thời, gắn hoàn thiện pháp luật với nâng cao hiệu lực hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong toàn xã hội, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước.
Thời gian qua, các bộ, ngành đã nỗ lực tập trung soạn thảo, trình ban hành số lượng rất lớn các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01-7-2016, đặc biệt là các nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng.
Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2016 đã ban hành tổng số 91/101 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; đặc biệt các bộ, ngành đã tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành 50/50 nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 01-7-2016. Các văn bản này đã được nghiên cứu, soạn thảo đúng trình tự, thủ tục quy định; không nâng cơ học các điều kiện đầu tư kinh doanh từ thông tư lên nghị định; tập trung quán triệt và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch và có sự tham gia tích cực, có chất lượng trong việc góp ý kiến, phản biện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Những kết quả quan trọng này là bước đột phá chưa từng có từ trước đến nay trong xây dựng và hoàn thiện thể chế của Chính phủ. Tuy nhiên, hoàn thiện pháp luật là một quá trình liên tục, cần tiếp tục rà soát, đánh giá, kịp thời phát hiện và sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ các quy định bất hợp lý, kể cả những quy định trong các luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trong 6 tháng cuối năm 2016, nhiệm vụ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản còn rất nặng nề với 59 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 98 thông tư cần phải ban hành.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tiếp tục quan tâm đặc biệt, tập trung chỉ đạo quyết liệt; ưu tiên các nguồn lực; cải tiến thủ tục, cho phép áp dụng thủ tục rút gọn, rút ngắn thời gian soạn thảo, thẩm định, thẩm tra; đổi mới cách thức phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp với các cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc theo dõi, đôn đốc, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, phấn đấu đến cuối năm không còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Muốn người dân hài lòng, phải “lọc” cán bộ hành chính từ “đầu vào”
Đó là đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Báo cáo chuyên đề thực hiện Chương trình phối hợp xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2015.
Nghị quyết 30c/NQ-CP phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 xác định mục tiêu “bảo đảm sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80%”. Hiện có 8/30 bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ và 30/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự triển khai đo lường, công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, kết quả điều tra đã bước đầu góp phần thúc đẩy các cơ quan chức năng của chính quyền các địa phương có những quyết sách và chấn chỉnh kịp thời nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức. Qua thực hiện Chương trình, người dân cơ bản hài lòng đối với 6 thủ tục dịch vụ hành chính, trong đó thủ tục cấp Giấy đăng ký kết hôn được người dân hài lòng nhất; thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhận được sự hài lòng ít nhất.
Trong thời gian tới, cụ thể là quý IV, 3 cơ quan (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Bộ Nội vụ) sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chương trình phối hợp triển khai xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2020.
Đặc biệt, sẽ đề xuất phương thức điều tra xã hội học, tham vấn hỏi ý kiến người dân và doanh nghiệp qua hệ thống mạng điện tử, theo phương pháp thuận tiện, đơn giản, thực chất, hiệu quả, tiết kiệm; tăng nhóm dịch vụ đánh giá chỉ số hài lòng đối với người dân và doanh nghiệp; tập trung vào nhóm dịch vụ người dân và doanh nghiệp quan tâm.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề xuất tới các bộ, ngành đẩy mạnh hình thức tiếp cận thông tin qua mạng internet cho người dân, nâng cao hơn nữa chất lượng các website, cập nhật thường xuyên và đầy đủ các thông tin.
“Các bộ, ngành rà soát hệ thống văn bản pháp luật để sớm có đề xuất cắt giảm một số thủ tục hành chính không cần thiết có lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng quy chế thi tuyển kết hợp với tuyển chọn cán bộ, công chức nhằm sàng lọc cán bộ, công chức ngay từ đầu vào. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thái độ hách dịch, thờ ơ, cửa quyền, gây khó dễ cho người dân, tổ chức” - Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị.
Ngân hàng Nhà nước ban hành 14 thông tư trong 2 ngày
Trong 2 ngày 29 và 30-6, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 14 thông tư. Để có thể ban hành đồng loạt 14 thông tư trong 2 ngày cuối tháng 6, Ngân hàng Nhà nước đã phải triển khai nhiều hành động ngay từ đầu năm. Trong đó, chỉ một vài thông tư có liên quan đến Luật Đầu tư, còn đa số là do Ngân hàng Nhà nước chủ động tự rà soát, bỏ những thông tư nhận thấy không cần thiết hoặc sửa một số thông tư có từ ngữ, nội dung không chính xác về điều kiện kinh doanh.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước luôn “mạnh tay” trong việc cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, ngày 21-7-2015, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của tổ chức tín dụng đối với người dân và doanh nghiệp. Theo đó, định kỳ hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều ban hành các kế hoạch cải cách hành chính trên cơ sở cụ thể hóa các nhiệm vụ theo kế hoạch giai đoạn 2012 - 2015 và có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai việc thực hiện.
Ngày 22-6 vừa qua tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp về rà soát quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước. Báo cáo rà soát được trình bày tại cuộc họp cho thấy, công tác cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là triển khai Quy chế làm việc của Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2014, thay thế Quy chế năm 2008. Những điểm mới bao gồm: bổ sung quy định về phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước; bổ sung quy định về thủ tục gửi văn bản, trình giải quyết công việc… Đồng thời, Quy chế làm việc đã quy định cụ thể về thời hạn ban hành văn bản; cách thức, thời hạn phối hợp trong xử lý công việc.
Lãnh đạo Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước cho biết: Các thông tư vừa được ban hành không làm theo phong trào và thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động rà soát, loại bỏ nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Để làm được điều này, ngay trong nội bộ Ngân hàng Nhà nước cũng phải có những “tranh đấu”.
Hơn 8.400 hồ sơ lĩnh vực nông nghiệp thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia
Trong nửa đầu năm, bộ phận một cửa tại các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp nhận, xử lý 82.092 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có 8.435 hồ sơ thực hiện theo Cơ chế một cửa Quốc gia.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, suốt thời gian qua, Bộ đã nỗ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các thủ tục hành chính được công khai hóa và đang tiếp tục được điều chỉnh theo hướng ngày càng đơn giản, dễ tiếp cận và không phân biệt đối xử đối với các thành phần kinh tế.
Hiện, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công khai 622 thủ tục hành chính công của Bộ, ngành. Trong đó, có 609 dịch vụ công mức độ 2, 4 dịch vụ mức độ 3, đã triển khai 9 thủ tục hành chính thực hiện theo Cơ chế một cửa Quốc gia tham gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Tính chung sáu tháng đầu năm, bộ phận một cửa tại các đơn vị đã tiếp nhận, xử lý 82.092 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó có 8.435 hồ sơ thực hiện theo Cơ chế một cửa Quốc gia.
Bên cạnh đó, các quy định quản lý xuất, nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành cũng đang được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo hướng minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh và phù hợp với cam kết quốc tế, tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông, lâm, thủy, sản.
Ngành Hải quan hành động, hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 35
Tổng cục Hải quan vừa có Quyết định số 1907/QĐ-TCHQ ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Theo đó, ngành Hải quan tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về hải quan, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP cần bảo đảm cụ thể, khả thi và có kết quả rõ ràng…
Theo kế hoạch, ngành Hải quan tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định về hải quan theo hướng liên thông giữa các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, thời gian và chi phí thực hiện; trình Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa giai đoạn 2016-2020; củng cố và triển khai mở rộng ra toàn quốc với các thủ tục hành chính đã kết nối chính thức thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia; tham mưu cho Bộ Tài chính chủ động, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
Triển khai thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, tham mưu cho Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu cho Bộ đôn đốc các bộ, ngành ban hành đầy đủ danh mục các mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành theo hướng thu hẹp diện kiểm tra chuyên ngành; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đổi với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các quy định về các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định những những hành vi được coi là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để thực hiện Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai đúng các nội dung được giao tại Kế hoạch và Phụ lục; thực hiện chế độ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện khi có yêu cầu.
Cải thiện môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh
Những con số được đưa ra tại buổi hội thảo chủ đề “Hướng đi nào để cải thiện môi trường đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh” diễn ra vào sáng 20-6 vừa qua đã khiến nhiều người tỏ ra lo ngại. Chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh năm 2015 của Thành phố xếp thứ 47/63, còn chỉ số về tính minh bạch sụt giảm từ thứ 4 vào năm ngoái xuống thứ hạng 17. Hầu hết những chỉ số về sự tham gia của người dân, tính công khai minh bạch, giải trình cho người dân, giải quyết tham nhũng… đều bị sụt giảm. Một trong những ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhà đầu tư mà hội thảo nhắc đến nhiều lần là vụ việc liên quan đến quán cà phê Xin Chào (quận Bình Chánh) bị khởi tố hình sự vì chậm đăng ký giấy phép kinh doanh.
Để khắc phục tình trạng đó, dự kiến trong tháng 7 này, 7 chương trình đột phá nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu khởi động, bao gồm: chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chương trình cải cách hành chính; chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế; chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; chương trình giảm ô nhiễm môi trường và chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Với chương trình cải cách hành chính, đại diện các doanh nghiệp cho rằng Thành phố cần ban hành các biện pháp chế tài mạnh mẽ chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, nhận phí bôi trơn, đồng thời việc tuyển dụng công chức phải công khai, minh bạch, tránh gian lận, tránh ưu tiên, quan hệ, tiền lệ trong tuyển dụng công chức.
Ngoài ra, Thành phố cần chú trọng về các giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng cường nâng cao năng lực các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Thành phố bằng cách mở rộng hệ thống bán lẻ trên phạm vi toàn địa bàn, mở rộng đầu mối phân phối.
Hội thảo cũng kỳ vọng các buổi gặp gỡ doanh nghiệp không chỉ mang tính hình thức, không phải là nơi “kể khổ” mà đến để đưa ra những kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cụ thể. Thông qua các nhóm vấn đề cần giải quyết được đưa ra, lãnh đạo Thành phố sẽ biết được vấn đề, khó khăn đầu tư ở đâu để có giải pháp xác đáng và có trọng tâm./.
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay tập trận trên Biển Đông  (05/07/2016)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam  (05/07/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ 27-6 đến 03-7-2016)  (05/07/2016)
Ngày làm việc đầu tiên Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng  (04/07/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên