Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
TCCSĐT - Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định trong 5 năm tới bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển hài hoà giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững hoà bình, ổn định để xây dựng đất nước.
Đây là phương hướng phát triển nhanh và bền vững phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”(2016 - 2030) được khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70 (ngày 25-9-2015) thông qua. Chương trình gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) với 169 chỉ tiêu cụ thể như: kết thúc đói nghèo, cải thiện sức khỏe và giáo dục, bình đẳng giới, trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, làm cho các thành phố bền vững hơn, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương và rừng với lộ trình thực hiện tới năm 2030(1). Đây là chương trình tiếp nối Chương trình phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc giai đoạn 2001 - 2015 gồm 8 mục tiêu(2) mà Việt Nam là một trong những nước đã thực hiện khá thành công.
Mục tiêu phát triển nhanh và bền vững là để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa, được thể hiện ở dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó, chú trọng bảo đảm thực hiện những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế (GDP bình quân đầu người, tỷ trọng giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa,...); những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội (chỉ số phát triển con người, tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo,...) và những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về môi trường (tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm mức phát thải khí nhà kính,...).
Yêu cầu đặt ra trên cơ sở tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan hệ lớn (quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa;...) cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; xây dựng cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hợp lý, phát huy lợi thế so sánh, có năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Thông qua đó, xác lập mô hình tăng trưởng có thể kết hợp hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế; giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Các nhiệm vụ để thực hiện phương hướng phát triển nhanh và bền vững
Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cơ bản theo hướng chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu và vốn đầu tư sang phát triển dựa cả vào vốn đầu tư, xuất khẩu và dựa vào cả thị trường trong nước. Ba trọng tâm bảo đảm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được sự phát triển nhanh và bền vững ở nước ta là:
- Phát huy vai trò quyết định của nội lực, đồng thời thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài: phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và khu vực sản xuất nông nghiệp. Cách thức cơ bản là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D), nhập khẩu công nghệ mới; thực hiện phương thức quản lý, quản trị hiện đại; phát huy tiềm năng con người và khuyến khích tinh thần sản xuất - kinh doanh của mọi người để chủ động khai thác triệt để lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Phát triển kinh tế vùng, liên vùng: Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác; quan tâm xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; phát triển kinh tế rừng. Đồng thời, đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, gắn với phân định và nâng cao trách nhiệm của Trung ương và địa phương; thực hiện quy hoạch vùng, chính sách vùng; sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng, để khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp.
- Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo. Do đó, cần có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững. Tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển.
Hai là, tiếp tục phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng: xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, văn minh, ngay từ đầu và trong suốt quá trình, từng bước thực hiện việc bảo đảm lợi ích của đại đa số nhân dân; đồng thời phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương, tính công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế, năng lực quản lý của Nhà nước và năng lực quản trị doanh nghiệp.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng phục vụ và kiến tạo phát triển. Ba trọng tâm trong quá trình tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là:
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm 2013; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý kinh tế và xã hội.
- Thúc đẩy việc chuyển mạnh sang Nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển, theo hướng: Nhà nước tập trung vào tạo lập kết cấu hạ tầng xã hội đầy đủ và thuận lợi để phục vụ nhu cầu của người dân và yêu cầu phát triển của xã hội. Hiện nay cả hạ tầng “cứng” (hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và đô thị) lẫn hạ tầng “mềm” (hệ thống thể chế, hạ tầng thông tin) đều phải được phát triển. Nhà nước phải nắm được xu hướng phát triển, đề xuất tầm nhìn, chiến lược, nhất là một vài chương trình phát triển có tính nền tảng, có khả năng kết nối được các “kế hoạch phát triển” ngắn hạn, dài hạn của các khu vực kinh tế, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân, với yêu cầu phát triển của đất nước. Đặc biệt, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, Nhà nước phải tập trung nguồn lực phục vụ, hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ trong khuôn khổ pháp luật.
- Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tội phạm: Kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm quy định về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức và trách nhiệm công vụ; đề cao trách nhiệm của tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng, lãng phí và tội phạm; tăng cường giám sát và phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Phát huy vai trò và trách nhiệm của cơ quan thông tin truyền thông và vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; và nghiêm trị những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.
Bốn là, hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt trong việc thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực nhà nước một cách hiệu quả. Đồng thời, không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội trên cơ sở tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Năm là, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam theo hướng văn hóa gắn với phát triển con người, nhằm tái sản sinh văn hóa và con người Việt Nam một cách bền vững. Từ đó tạo lập nền tảng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sáu là, bảo vệ môi trường với ba trọng tâm là:
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên. Hạn chế tiến tới khắc phục căn bản tình trạng ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, làng nghề, các lưu vực sông, không để phát sinh thêm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đẩy mạnh xã hội hóa cùng với việc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các công trình trọng điểm phục hồi môi trường dân sinh.
- Quản lý tài nguyên: Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển. Từng bước xác định, đánh giá các giá trị, thiết lập tài khoản, hạch toán trong nền kinh tế đối với các loại tài nguyên quốc gia. Quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia. Hạn chế tối đa, từng bước tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô và chỉ qua chế biến sơ, thúc đẩy chế biến sâu. Đối với loại khoáng sản chiến lược đặc thù như than, dầu khí,... cần có chính sách cụ thể, cân đối giữa nhập khẩu và xuất khẩu. Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; thúc đẩy sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả; kết hợp bảo vệ diện tích, độ phì nhiêu của đất canh tác nông nghiệp. Quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; chủ động hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia. Kiểm soát các hoạt động khai thác; đấu tranh, ngăn chặn tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là vùng gần bờ. Thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống.
- Phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu: Chủ động xây dựng, triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai cho từng giai đoạn; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Đầu tư thích đáng cho các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển, nhất là vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng, duyên hải miền Trung, trước hết là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Cà Mau và các thành phố ven biển khác; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm mức phát thải khí nhà kính./.
-------------------------------------------------------
(1) Cụ thể 17 mục tiêu phát triển bền vững gồm: 1/về xóa nghèo; 2/ về xóa đói; 3/ về đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi; 4/ về đảm bảo giáo dục chất lượng; 5/ về đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái; 6/ về đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người; 7/ về đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy; 8/ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm và công việc tốt cho tất cả mọi người; 9/ về xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa và bền vững, khuyến khích đổi mới; 10/ về giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia; 11/ về các thành phố trở nên an toàn, vững chắc và bền vững; 12/ về hướng tới các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững; 13/ về ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của nó; 14/ về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển; 15/ về quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học; 16/ về thúc đẩy xã hội hòa bình; 17/ về việc đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.
(2) Cụ thể gồm:1/xóa cực nghèo và đói; 2/ Đạt phổ cập giáo dục tiểu học; 3/ Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền của phụ nữ; 4/ Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; 5/ Nâng cao sức khỏe cho bà mẹ; 6/ Chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; 7/ Đảm bảo sự bền vững về môi trường; 8/ Phát triển mối quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.
Nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển trên cơ sở cách tiếp cận dựa trên quyền con người ở Việt Nam hiện nay  (03/06/2016)
Nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển trên cơ sở cách tiếp cận dựa trên quyền con người ở Việt Nam hiện nay  (03/06/2016)
Nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển trên cơ sở cách tiếp cận dựa trên quyền con người ở Việt Nam hiện nay  (03/06/2016)
Lãnh đạo Campuchia tiếp Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng  (02/06/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên