Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã hiện nay

Hà Quang Trường - Nguyễn Thị Thu Hương
17:22, ngày 21-08-2010

TCCS - Từ thực trạng của công tác đào tạo cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn (trong bài xin gọi ngắn gọn là công chức cấp xã), bước đầu xin nêu lên một số suy nghĩ để nâng cao chất lượng của đội ngũ này trong thời gian tới.

Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 17/NQ -TW, ngày 18-3- 2002, về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”, đặt ra yêu cầu: Từ nay đến năm 2005 có khoảng 70%-80% số cán bộ chuyên trách giữ chức vụ qua bầu cử được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn quy định; khoảng 80% số cán bộ, công chức chuyên môn có trình độ trung cấp trở lên đối với đồng bằng, sơ cấp trở lên đối với miền núi.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định số 03/2004/QĐ-TTg, ngày 7-1-2004, phê duyệt định hướng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đến năm 2010; Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg, ngày 15-02-2006, phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006-2010.

Các quyết định trên đều nêu rõ các chỉ tiêu về số lượng, trình độ đạt được của mỗi loại cán bộ, công chức cấp xã, theo đó đến năm 2010, cán bộ chuyên trách cấp xã phải có trình độ trung cấp về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ đảng, đoàn thể và trình độ trung cấp về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước đối với cán bộ chính quyền.

Công chức cấp xã ở các đô thị, đồng bằng phải được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ hệ trung cấp, kiến thức cơ bản về tin học văn phòng trở lên, công chức ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, hải đảo được đào tạo, bồi dưỡng học vấn kết hợp chuyên môn, nghiệp vụ và tiếng dân tộc(1); đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh cho chủ tịch hội đồng nhân dân và chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, phấn đấu đến năm 2010, 100% số công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó số công chức có trình độ trung cấp trở lên tại các đô thị, đồng bằng, vùng núi có tỷ lệ tương ứng là 95%, 80% và 70% (2)

Thực hiện các nghị quyết và kế hoạch nêu trên, công tác đào tạo cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian qua đã có những bước tiến. Trong 5 năm (2001-2005), tổng số lượt cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trong cả nước đạt 976.000 lượt người.

Năm 2006 đã đào tạo, bồi dưỡng cho gần 137.000 lượt, năm 2007 cho khoảng 183.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Tính tổng cộng từ năm 2006 đến 2008 đã có tới gần 450.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, các kỹ năng nghiệp vụ, lãnh đạo quản lý, ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc ở các trình độ khác nhau.

Trong những năm gần đây, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã theo hướng chuyên sâu và theo chức danh như bồi dưỡng kỹ năng cho chủ tịch ủy ban nhân dân xã, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyên môn, tin học, tiếng dân tộc thiểu số..., cho cán bộ, công chức cấp xã được đẩy mạnh.

So sánh với số lượt cán bộ, công chức cấp xã được cử đi học trong những năm vừa qua với tổng số cán bộ, công chức cấp xã vào khoảng trên 250.000 người (đến thời điểm hiện nay tổng số đơn vị hành chính cấp xã vào khoảng 11.500, trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp xã khoảng 23 cán bộ, công chức) thì tỷ lệ cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đạt tỷ lệ thấp.

Hơn nữa, nếu phân tích kỹ và chia theo các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng thì số lượng cán bộ, công chức cấp xã đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, là rất hạn chế, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có bằng cấp được tiêu chuẩn hóa đối chiếu theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX và các quyết định được nêu, đối với mỗi loại cán bộ, công chức và với từng vùng miền cho đến nay vẫn chưa đạt.

Tỷ lệ cán bộ, công chức có bằng cấp về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, tin học, những nội dung kiến thức rất cần đối với cán bộ, công chức cấp xã trong việc thực thi nhiệm vụ trong tình hình hiện nay là không cao. Số có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo vẫn còn khá nhiều.

Bên cạnh số lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu, những kiến thức trang bị cho người đi học cũng còn hạn chế chưa sát với đối tượng, nhiều thông tin kiến thức cũ, lạc hậu. Do vậy hiệu quả, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã không cao. Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới.

Tình trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Trước hết, số lượng cán bộ, công chức cấp xã có yêu cầu cần phải được đào tạo, bồi dưỡng lớn, trong khi cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hạn chế, thời gian thực hiện ngắn.

Hơn nữa, cán bộ, công chức cấp xã có sự biến động thường xuyên. Mặc dù đã được xác định theo vị trí công việc - cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn, trong đó công chức chuyên môn được xác định là làm việc ổn định, lâu dài, nhưng trên thực tế qua mỗi nhiệm kỳ việc điều động luân chuyển từ công chức chuyên môn sang đảm nhiệm các chức danh cán bộ chuyên trách vẫn diễn ra khá phổ biến.

Mặt khác, việc chia tách các đơn vị hành chính cấp xã trong thời gian vừa qua tương đối lớn, trung bình mỗi năm thêm khoảng 100 đơn vị hành chính cấp xã (hiện nay tình trạng này đã được khắc phục do sự chỉ đạo kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ). Số cán bộ, công chức mới được bổ sung hằng năm là khá nhiều, đa số cán bộ, công chức mới cần phải qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng ban đầu.

Thứ hai, trình độ kiến thức xuất phát của cán bộ, công chức cấp xã, trừ cán bộ, công chức phường của các thị xã, thành phố lớn và số ít các xã đồng bằng ven đô, nhìn chung là thấp nên quá trình đào tạo, bồi dưỡng phải kéo dài mới có thể đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp, trình độ. Trong khi đó, như đã nêu ở trên cán bộ, công chức cấp xã biến động theo nhiệm kỳ và bổ sung mới liên tục, nên để đào tạo bồi dưỡng đạt quy chuẩn là rất khó khăn, lâu dài.

Thứ ba, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã chậm được đổi mới. Công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, nhất là những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa. Việc đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế.

Chế độ, chính sách cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã chưa thật hợp lý. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thực hiện quá trình đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở cái mình có nhiều hơn là căn cứ vào yêu cầu của người học. Chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng có nhiều trùng lặp, nặng về lý thuyết, nhiều kiến thức cũ, thiếu sự cập nhật, không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, của người học. Chính vì vậy mà số lượt đào tạo, bồi dưỡng không nhỏ nhưng hiệu quả, chất lượng đào tạo không cao, chất lượng, trình độ cán bộ, công chức cấp xã vẫn rất hạn chế.

Thứ tư, nhận thức về công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức cấp xã của cấp ủy và cơ quan quản lý ở nhiều địa phương còn chưa đúng mức. Nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc học tập, nâng cao trình độ của nhiều cán bộ, công chức cấp xã chưa đúng. Nhiều cán bộ, công chức cấp xã tham gia học tập không phải để hướng tới việc thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, công việc được giao mà chủ yếu là để có bằng cấp đủ điều kiện cho việc nâng lương, chuyển ngạch. Vì vậy trong quá trình tham gia đào tạo, bồi dưỡng không thực sự tích cực học tập, nên bằng cấp nhiều nhưng kiến thức, năng lực thực tế không có sự tăng lên tương ứng.

Từ yêu cầu của nhiệm vụ, từ thực trạng cũng như nguyên nhân của những hạn chế trong thời gian vừa qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới cần làm tốt một số các nội dung sau:

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng về cán bộ, công chức cấp xã và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã được nhấn mạnh trong các nghị quyết và quyết định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Những kinh nghiệm thực tiễn cho thấy ở địa phương nào cấp ủy, lãnh đạo quan tâm thì mọi việc đều được triển khai thực hiện có kết quả, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã cũng như vậy.

- Tổ chức tổng kết việc triển khai thực hiện các quyết định số 03/2004/QĐ-TTg và 40/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức và cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, qua đó tìm ra những nguyên nhân, khó khăn hạn chế ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và việc nâng cao trình độ cán bộ, công chức cấp xã.

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã nói riêng phù hợp với yêu cầu, tình hình mới, trong đó chú trọng đến các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nhất là các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn.

- Đẩy mạnh việc quy hoạch cán bộ, công chức cấp xã, gắn việc quy hoạch với công tác đào tạo, bồi dưỡng. Xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức cấp xã làm căn cứ để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã sát với tình hình thực tiễn.

- Đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng, từ đào tạo, bồi dưỡng theo chỉ tiêu sang đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu, đào tạo, bồi dưỡng theo đơn đặt hàng; gắn việc đào tạo với việc sử dụng để sớm nâng được tỷ lệ đạt chuẩn cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới.

- Nghiên cứu, hệ thống hóa, thực hiện đổi mới, cải tiến các chương trình, tài liệu, nâng cao chất lượng, nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo hướng bám sát thực tiễn, nhu cầu của người học, khắc phục tình trạng lý thuyết, trùng lặp.

- Tăng cường việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ về số lượng, có kiến thức chuyên môn sâu, kiến thức thực tiễn phong phú và phương pháp sư phạm làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã. Tiếp tục củng cố hoàn thiện và tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; đầu tư trang thiết bị dạy và học đáp ứng yêu cầu dạy, học theo phương pháp tiên tiến./.