TCCS - Nhu cầu về nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay là rất lớn. An cư mới lạc nghiệp, mặc dù vậy, đòi hỏi chính đáng này của người lao động mới chỉ được đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Chính sách về nhà ở cho công nhân

Sự chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đã nhanh chóng hình thành và phát triển các đô thị, khu công nghiệp, dẫn đến chuyển dịch lớn về cơ cấu lao động, khiến nhu cầu nhà ở tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, khu chế xuất tăng mạnh.

Chính sách nhà ở trong thời gian qua đã liên tục được đổi mới và ngày càng hoàn thiện, theo hướng đưa tiền nhà vào tiền lương, xóa bỏ bao cấp về nhà ở, khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động tự cải thiện nhà ở.

Luật Nhà ở đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2006, là một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong lĩnh vực nhà ở. Theo luật này, Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở để bán, cho thuê, nhằm đáp ứng nhu cầu thuê, thuê mua đối với các đối tượng có thu nhập thấp, như: cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Để tạo ra bước đột phá trong việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, ngày 20-04-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/2009/NQ-CP về một số cơ chế chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở cho các đối tượng nêu trên. Để thực hiện Nghị quyết số 18, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65, 66 và 67 về cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên, người thu nhập thấp, người lao động trong các khu công nghiệp.

Mặc dù chính sách, pháp luật về nhà ở luôn được hoàn thiện và không ngừng đổi mới. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua, nhà ở mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng có thu nhập cao trong xã hội, xu thế chủ yếu thiên về thương mại, đầu tư kinh doanh các căn hộ sang trọng, đắt tiền để thu lợi nhuận cao. Những giải pháp đầu tư xây dựng để giải quyết nhu cầu cải thiện chỗ ở cho người lao động trong các khu công nghiệp, người có mức thu nhập thấp chưa có chuyển biến tích cực, đã và đang làm mất đi ý nghĩa xã hội của vấn đề nhà ở.

Gần 95% số công nhân ngoại tỉnh tại các khu công nghiệp tập trung chưa có nhà ở

Nhu cầu nhà ở của đại bộ phận các đối tượng người lao động hưởng lương ở khu vực đô thị, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đang trở thành một trong những vấn đề bức xúc.

Tính đến cuối tháng 6-2010, cả nước có hơn 220 khu công nghiệp được thành lập và đang hoạt động trên 50 tỉnh, thành phố. Các khu công nghiệp mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng của đất nước, giải quyết những bức xúc về việc làm trong xã hội, thu hút trên 1,2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 1,5 triệu lao động gián tiếp phục vụ cho các khu công nghiệp.

Mặc dù vậy, hầu hết các khu công nghiệp tập trung đều thiếu hoặc không xây được nhà ở cho công nhân. Hiện nay, mới có 24 dự án xây dựng nhà cho công nhân được lập, với tổng số vốn là 26.000 tỉ đồng, đáp ứng được chỗ ở cho 120.000 người. Trong số 24 dự án trên, một số đã xây dựng xong phần thô, một số đang khởi công, số còn lại đang giải phóng mặt bằng và có dự án vẫn còn nằm trên... bàn giấy.

Như vậy, mặc dù Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi đối với việc xây nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp, nhưng việc triển khai thực hiện trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn, trong khi đó nhu cầu nhà ở cho người lao động ngày một lớn.

Trong tổng số 1,2 triệu lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, có 60% là người ngoại tỉnh và hầu hết trong số họ đều có nhu cầu nhà ở. Hà Nội có 16 khu công nghiệp, dự kiến đến năm 2015 sẽ thu hút 460.000 công nhân vào làm việc, trong đó 230.000 người lao động có nhu cầu về chỗ ở; Bình Dương dự báo đến năm 2015 có 422.000 lao động ngoại tỉnh có nhu cầu nhà ở; Đồng Nai là 320.000 lao động cần chỗ ở; Thành phố Hồ Chí Minh là 445.000 người; Hải Phòng là 39.000 người...

Hiện nay, tại các khu công nghiệp, mới chỉ có khoảng 5% số công nhân được ở trong các nhà trọ do các doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đầu tư xây dựng, số còn lại vẫn chưa có chỗ ở hoặc đang phải thuê chỗ ở tạm bợ. Gần 95% số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 - 4/m2/người, không bảo đảm những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, an ninh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng tái tạo sức lao động, là môi trường cho các tệ nạn xã hội phát triển, dẫn đến nguy cơ làm tha hóa một bộ phận người lao động.

Một trong những bất cập hiện nay trong việc xây nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là thiếu hạ tầng dịch vụ đi kèm (như nhà trẻ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, bưu điện, chợ, siêu thị...). Tình trạng này dẫn đến hiện tượng, một số khu nhà ở đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng người lao động không muốn vào ở. Điểm khác biệt giữa nhà ở cho sinh viên và nhà ở cho người lao động là nhu cầu về lập gia đình, sinh con, nên yêu cầu phải có nhà trẻ, trường học, trạm y tế. Tuy nhiên, do không có quỹ đất nên việc quy hoạch và thiết kế nhà ở cho sinh viên và cho người lao động không khác nhau nhiều. Trong tổng số 220 khu công nghiệp, chế xuất hầu như chưa có nơi nào xây dựng được nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, trạm y tế... để phục vụ nhu cầu thiết yếu nêu trên của người lao động.

Mấu chốt là phải khắc phục tình trạng giá nhà, đất quá cao

Sự thiếu thốn về nhà ở của người lao động tại các khu công nghiệp do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là do khó khăn chung của nền kinh tế và chính sách về nhà ở trong những năm trước đây chưa được quan tâm giải quyết một cách kịp thời và triệt để. Hiện nay, thu nhập thực tế của người lao động còn quá thấp, tiêu dùng phần lớn chỉ tạm đủ trang trải các chi phí cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày. Phần tích lũy từ tiền lương chưa được là bao so với giá mua và thuê nhà ở quá cao trên thị trường. Mong muốn của người lao động là cần có những hình thức mua, thuê ở mức giá phù hợp với khả năng thanh toán của mình.

Xóa bao cấp về nhà ở nghĩa là không phân phối như cho không, giá thuê quá thấp như trước đây. Nhưng với đối tượng cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương thì Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện phù hợp với mức tiền lương, thu nhập hiện có, khắc phục từng bước tình trạng giá thuê và giá mua cao một cách vô lý như hiện nay.

Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất đã được ban hành. Tuy nhiên không ít chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống, vấn đề nhà ở của người lao động hiện nay ngày càng trở nên bức xúc. Vì vậy, cần phải rà soát các chính sách đã ban hành, làm rõ nguyên nhân của những ách tắc, từ đó có các giải pháp, điều chỉnh cho phù hợp. Tập trung tháo gỡ những khó khăn và cản trở lớn nhất đối với vấn đề nhà ở cho công nhân, là: quỹ đất, vốn, quy hoạch, phát triển hạ tầng đồng bộ, các thủ tục hành chính...

Khi phê duyệt các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, dứt khoát phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở và hạ tầng dịch vụ cho công nhân. Nhà nước có ưu đãi thích đáng cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp. Đối với doanh nghiệp muốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, phải có trách nhiệm dành một khoản tiền nhất định đóng góp vào việc lo chỗ ở cho công nhân của mình. Huy động tiềm lực của các thành phần kinh tế khác nhau đầu tư xây dựng nhà ở, từng bước thực hiện phương châm xã hội hóa vấn đề nhà ở cho công nhân. Trong các dự án phát triển khu dân cư (dự án nhà ở, dự án khu đô thị mới) cần phải quy hoạch đồng bộ và đa dạng các loại nhà khác nhau, trong đó có các khu nhà ở cho thuê, thuê mua với giá hợp lý dành cho các đối tượng người lao động hưởng lương.

Vai trò của Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp rất quan trọng đối với việc tạo dựng quỹ nhà cho người lao động mua, thuê, bởi đây là tổ chức nắm rõ nhất nhu cầu nhà ở của công nhân trên địa bàn, từ đó có những tham mưu, cũng như bàn thảo với chủ doanh nghiệp để bảo đảm chỗ ở cho người lao động./.