Một chữ trong nghị quyết!

Nguyễn Văn Thanh
16:51, ngày 07-10-2008

Vâng! Một chữ trong văn kiện của Đảng, một chữ thôi nhưng hàm chứa cả một cuộc cách mạng, cho hôm nay và cho cả ngày mai. Đó là nói tới một chữ trong câu ở Văn kiện Hội nghị Trung ương 6, khóa X "Thực tiễn đổi mới ở nước ta đã chứng minh đầy sức thuyết phục về việc sử dụng kinh tế thị trường làm phương tiện xây dựng chủ nghĩa xã hội"(1).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa X chỉ rõ: sau hơn hai mươi năm đổi mới, nước ta đã chuyển từ thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã tạo được hành lang pháp lý cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một nội dung cực kỳ quan trọng là chế độ sở hữu được đổi mới một cách cơ bản từ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể là chủ yếu sang nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế đan xen hỗn hợp, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Ở đây có hai vấn đề quan trọng cần làm rõ:

Thứ nhất, quan hệ giữa phương tiện và mục đích. Hai mặt của phạm trù này gắn bó với nhau nhưng không phải là một. Sắt thép, xi-măng là phương tiện, ngôi nhà là mục đích. Cũng những vật tư đó, có thể xây dựng lâu đài, có thể làm ngục tù, tất cả đều do con người quyết định. Kinh tế thị trường không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện. Chớ nhầm phương tiện với mục đích. Chẳng hạn, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chỉ là phương tiện, không phải là mục đích. Với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vậy. Đó là những tổ chức do Mỹ và Anh lập nên để thống trị kinh tế - tài chính thế giới và họ đã chuẩn bị từ rất sớm. "Việc xây dựng chương trình cho Bretton Woods thực sự bắt đầu vào đầu năm 1941 khi Oai (White) và nhóm của ông ta trong Bộ Tài chính cân nhắc về một hiệp định tiền tệ quốc tế. ý tưởng của họ bấy giờ là lập ra hai tổ chức, một để ổn định tỷ giá hối đoái (IMF) và một để cung cấp vốn dài hạn cần cho tái thiết sau chiến tranh (WB)"(2). Các nước tư bản phát triển coi ba thiết chế đó (WTO, IMF, WB) là phương tiện để thực hiện mục đích toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa. Với ta, càng phải xác định rõ đó là những phương tiện mà ta có thể vận dụng để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cùng là những phương tiện nhưng mục đích của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội hoàn toàn khác nhau.

Thứ hai, trên thế giới không có nước nào, kể cả Mỹ, có nền kinh tế thị trường thuần túy. Bởi các nước đều còn có hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình, công ty dịch vụ công ích, công ty phi chính phủ... chiếm tỷ lệ trong GDP vài ba chục phần trăm (28% với Mỹ). Vì thế, nay người ta nói nhiều đến nền kinh tế hỗn hợp (nghị quyết Đảng, như đã nói trên, cũng nói đến thành phần kinh tế đan xen hỗn hợp). Như vậy, có thể nói trong nền kinh tế tư bản luôn có yếu tố xã hội chủ nghĩa (yếu tố này vẫn tồn tại dù chủ nghĩa tư bản luôn tìm cách tận diệt nó). Và trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có thành phần kinh tế khác, kể cả thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa. Vậy phải chăng con đường đi lên của thế giới, không như một số nhà nghiên cứu tư sản cho rằng chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao nhất của văn minh nhân loại, là tột cùng của lịch sử(3), mà sau nó còn có chủ nghĩa xã hội. Có điều chúng ta chưa biết nó sẽ xuất hiện như thế nào, tiệm tiến hay bột phát, kinh tế hay chính trị, bạo lực hay hòa bình, diễn ra cùng lúc tại nhiều nước phát triển (Mác), hay có thể tại chỉ một nước mà lại không phải là nước phát triển nhất (Lê-nin), thậm chí ở những nước lạc hậu về kinh tế lại bị chiến tranh tàn phá. Điều chắc chắn là sớm muộn nó cũng sẽ đến bởi nhân loại luôn hướng tới những gì tốt đẹp nhất cho con người. Chẳng lẽ một siêu cường tư bản gây chiến, gieo rắc khủng hoảng kinh tế, thảm họa sinh thái cứ còn mãi hay sao? Nhân dân sẽ đưa ra đáp số và định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những phương án phát triển của thế giới hiện nay. Vấn đề là đừng để nhân tố tư bản lấn át nhân tố xã hội chủ nghĩa, phải "học" chủ nghĩa tư bản một cách có chọn lọc. Phải tích cực bồi dưỡng các nhân tố xã hội chủ nghĩa bởi cái mới bao giờ cũng non yếu và thời gian tôi luyện sẽ làm cho nó mạnh lên và chiến thắng. Và chớ quên kinh tế thị trường chỉ là phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đừng biến phương tiện thành mục đích, đừng để "bàn tay vô hình" xâm nhập khắp nơi biến mọi thứ trong xã hội thành những "quan hệ lạnh lùng không tình nghĩa của đồng tiền".
 
Để xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần có nhiều phương tiện khác nhau bởi kinh tế thị trường không phải là phương tiện duy nhất. Các nước tư bản đang buộc Việt Nam hay Trung Quốc phải có nền kinh tế thị trường, nghĩa là Nhà nước không được can thiệp vào kinh tế mà để mặc cho thị trường. Nhưng cứ nhìn vào các nước tư bản sẽ thấy: nước Anh phải quốc hữu hóa để cứu ngân hàng Northern Rock khỏi sụp đổ, nước Mỹ lao đao với suy thoái và nỗi lo dầu mỏ khiến Tổng thống G. Bu-sơ phải sang A rập Xê-út để cầu cứu. Chẳng có nước nào để mặc cho thị trường muốn làm gì thì làm.
 
Một chữ đáng giá ngàn vàng. Hiểu cho đúng ngữ nghĩa của chữ phương tiện. Trong một cuộc hành trình, ta có thể dùng nhiều phương tiện khác nhau. Xe cộ, tàu thuyền, máy bay v.v.. sử dụng loại gì còn tùy mục đích. Mục đích chi phối phương tiện chứ không phải ngược lại. Cổ nhân có câu: "cắt tiết gà đâu cần đến dao mổ trâu". Muốn có được chủ nghĩa xã hội, phải có những phương tiện thích hợp. Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh là mục đích. Với mục đích đó, kinh tế thị trường không phải là phương tiện duy nhất thích hợp. Bởi vậy, Đảng nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không nói mỗi kinh tế thị trường. Còn đề cập kinh tế thị trường thì nói đó là phương tiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đang sống trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Vì không có nước nào có nền kinh tế thị trường thuần túy, nhân tố xã hội chủ nghĩa vẫn có thể tồn tại trong lòng chủ nghĩa tư bản.
 
Con đường đi tới chủ nghĩa xã hội tương lai phải chăng có thể là kinh tế thị trường, hoặc vẫn là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với thành phần kinh tế nhà nước (và kinh tế tập thể) phát huy vai trò chủ đạo để từng bước giành chiến thắng cho chủ nghĩa xã hội. Một chữ "phương tiện" đáng quý biết bao vì đó là trí tuệ, là quan điểm, là đường lối đưa đất nước độc lập tự do tiến lên giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
 

(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr 139
(2) Margaret Garritsen de Vries: The IMF in a Changing World, 1945 - 1985 (Washington D.C., International Monetary Fund, 1986)
(3) Năm 1989, Francis Fukuyama xuất bản cuốn sách "Sự tận cùng của thế giới" nhân sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Tác giả cho rằng, chủ nghĩa tư bản phương Tây đã toàn thắng, chủ nghĩa tư bản là tận cùng của lịch sử