Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Từ xưa đến nay, bản sắc văn hóa dân tộc làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng người Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió, thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua để không ngừng phát triển và lớn mạnh. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng ta đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm động viên tối đa nguồn lực nội sinh và ngoại sinh để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tìm về bản sắc văn hóa dân tộc
Từ xưa, nền "văn hiến" (văn hóa) lâu đời của dân tộc đã có trong niềm tự hào của cha ông ta khi khẳng định về độc lập, chủ quyền của đất nước trước kẻ thù xâm lược. Văn hóa là một di sản cực kỳ quý báu được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày hôm nay, văn hóa xuất hiện trên hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống: văn hóa tình cảm, văn hóa giao tiếp, văn hóa kinh doanh, văn hóa tranh luận, phê bình... văn hóa là hành trang của đất nước trên con đường hội nhập quốc tế.
Để có một quan niệm đầy đủ, toàn diện về văn hóa quả không phải là điều đơn giản. Có rất nhiều quan niệm đã được đưa ra vì mỗi cá nhân, mỗi tác giả lại đứng trên một góc độ khác nhau để nhìn nhận về văn hóa. Có người cho rằng, văn hóa gồm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần; văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính chất một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội. Cũng có người cho rằng, văn hóa theo nghĩa rộng là, toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội, gồm tám lĩnh vực: tư tưởng, đạo đức, lối sống; giáo dục đào tạo; khoa học công nghệ; văn học nghệ thuật; giao lưu văn hóa; thông tin đại chúng; thể chế văn hóa; đời sống văn hóa. Nghĩa hẹp gồm nếp sống, lối sống; văn học nghệ thuật; thông tin đại chúng; xuất bản báo chí; phong tục tập quán; đạo đức xã hội và chuyên ngành nghiệp vụ văn hóa.
Văn hóa được hiểu theo những góc độ tiếp cận khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã nói: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn ở và phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó là văn hóa. Như vậy, lao động sáng tạo là cội nguồn, khởi điểm của văn hóa. Để trở thành văn hóa đích thực thì những sáng tạo đó phải hướng về các giá trị nhân văn, hoàn thiện nhận thức, nhân cách con người. Các giá trị quý báu đó góp phần làm nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, dân tộc.
Trong quan niệm của Đảng ta, văn hóa là một lĩnh vực thực tiễn của đời sống xã hội, nó cũng có những quy luật vận động phát triển riêng, trong đó tính dân tộc được coi là thuộc tính cơ bản của văn hóa, phản ánh mối quan hệ giữa dân tộc và văn hóa trong điều kiện dân tộc đã hình thành. Nội lực của dân tộc, một mặt, chính là nguồn nhân lực to lớn, mặt khác, là truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được kết tinh và hiện đại hóa.
Tính dân tộc là nội dung quan trọng, luôn được Đảng ta đặt lên vị trí hàng đầu, vì đó là tính chất cốt lõi của một nền văn hóa. Nó là cơ sở của nền văn hóa tiên tiến, kết tinh thành nguồn nội lực để xây dựng một quốc gia giàu mạnh và phát triển bền vững. Chính do tác động của quy luật tính dân tộc mà văn hóa mang bản sắc dân tộc. Lịch sử đã chứng kiến biết bao cuộc đấu tranh oanh liệt, bao người sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc mình trước kẻ thù xâm lược. Những ngày hôm nay biết bao người dân Việt Nam ở hải ngoại vẫn khát khao muốn hành hương tìm về cội nguồn, tìm về bản sắc văn hóa dân tộc.
Cốt lõi của văn hóa là bản sắc văn hóa dân tộc. Từ xưa đến nay bản sắc văn hóa dân tộc làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng người Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió, thác ghềnh tưởng chừng không thể vượt qua để không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đó là điểm tựa vững chắc để chúng ta đến với thế giới. Tính dân tộc là yếu tố cấu thành bản chất nhất của văn hóa, bản sắc dân tộc của văn hóa là những cái tiêu biểu nhất của văn hóa, những giá trị bền vững của dân tộc. Đó là cái chủ yếu nhất, nổi bật nhất, những tinh hoa của cộng đồng văn hóa Việt Nam; và đó cũng là cái riêng, độc đáo nhất, bản chất nhất. Ta có thể nhận ra cái riêng ấy trong nếp sống, cách ăn mặc, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, kho tàng văn hóa dân gian.
Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc được vun đắp nên trong lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, hình thành qua nhiều thế hệ, tầng nấc thang biến đổi, phát triển. Vì thế, nó kết tinh những gì đặc sắc nhất, đẹp đẽ nhất, độc đáo nhất của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, nó có giá trị bền vững, trường tồn cùng thời gian, nó như chất keo kết nối cộng đồng người gắn bó với nhau, để cùng tồn tại và phát triển. Biểu hiện cụ thể của nó là: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...
Người Việt Nam yêu nước, căm thù giặc mà đoàn kết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và độc lập của đất nước. Đó là biểu hiện của tinh thần dân tộc, ý thức giữ gìn những gì thuộc về Việt Nam. Nhân dân ta đấu tranh với kẻ thù không chỉ bằng vũ khí, súng đạn mà bằng cả văn hóa. Trong các thời kỳ cách mạng, văn hóa được coi là một mặt trận. Văn hóa trở thành một vũ khí sắc bén để đấu tranh với kẻ thù. Nó có thể phát huy được hiệu quả đấu tranh khi mang trong mình bản sắc, truyền thống dân tộc.
Văn hóa - dân tộc là hai phạm trù khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ với nhau vì sự khác nhau giữa các dân tộc là sự khác nhau về văn hóa. Bản sắc mỗi dân tộc được thể hiện tập trung ở bản sắc văn hóa của chính dân tộc đó. Mặt khác, chính đời sống văn hóa và giá trị tinh thần của một dân tộc là dấu hiệu để đánh giá nền văn hóa đó ở trình độ nào, thuộc các cộng đồng nào trên thế giới. Như vậy, đánh mất bản sắc riêng là đánh mất dân tộc.
Con người không thể sống tách khỏi cộng đồng cũng như mỗi dân tộc không thể sống biệt lập với thế giới. Trong lịch sử, các quốc gia luôn có sự tiếp xúc, giao lưu với nhau qua các cuộc di cư lớn nhỏ, chiến tranh xâm lược, trao đổi kinh tế, vật phẩm, quan hệ hôn nhân, ngoại giao... Và như thế bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ được hình thành nên bằng những yếu tố bản thân vốn có mà còn có sự tiếp nhận, biến đổi văn hóa nước ngoài sao cho phù hợp, để nâng lên thành cái riêng đặc sắc của từng dân tộc. Với những ý nghĩa và giá trị của mình, bản sắc văn hóa của dân tộc có sức sống trường tồn.
Qua giao lưu hội nhập, nền văn hóa nước ngoài song song tồn tại cùng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Dân tộc không đồng nghĩa với quá khứ, nó vẫn không ngừng tiếp thu những cái mới để làm phong phú cho mình, tuy nhiên cái bản chất, tinh hoa thì không bao giờ được thay đổi, mà phải được gìn giữ, vun đắp. Đó là khí phách, tâm hồn, bản lĩnh dân tộc, là cơ sở để dân tộc ta hòa nhập với tiến trình giao lưu quốc tế mà không tự đánh mất mình.
Nét mới trong hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những sắc thái, bản địa riêng, chúng bổ sung cho nhau làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc. Điều đó cho chúng ta thấy nền văn hóa nước ta là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc. Vốn văn hóa truyền thống của dân tộc được gìn giữ và phát huy qua nhiều hoạt động văn hóa. Những hoạt động ấy diễn ra thường xuyên, liên tục và trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống: tuồng, chèo, cải lương, chầu văn, hò Huế... được gìn giữ, được biểu diễn và thu hút nhiều người quan tâm. Những lễ hội vẫn được tổ chức thường xuyên mỗi dịp lễ tết khắp ba miền. Nhiều festival nghệ thuật được tổ chức trong và ngoài nước. Có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về đề tài cách mạng và kháng chiến, về công cuộc đổi mới. Nhiều bộ sưu tập công phu từ kho tàng văn hóa dân gian và văn hóa bác học ở Việt Nam qua các thế kỷ được xuất bản, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của dân tộc ta. Nhiều tác giả có xu hướng khai thác kho tàng văn học dân gian làm chất liệu cho sáng tác của mình.
Số đông văn nghệ sỹ được rèn luyện và thử thách trong thực tiễn cách mạng có vốn sống, giàu lòng yêu nước, trước những biến động của thời cuộc và những khó khăn của đời sống vẫn giữ được phẩm chất, kiên định quan điểm sáng tác phục vụ nhân dân. Thể chế văn hóa mới giúp đội ngũ này làm tốt vai trò nòng cốt trong việc sáng tạo các giá trị văn hóa mới, thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
Một bộ phận quan trọng trong thiết chế văn hóa, đặc biệt là các bảo tàng gần đây đã có những phương thức hoạt động mới có hiệu quả. Văn hóa, nghệ thuật các dân tộc thiểu số có bước tiến đáng kể. Đội ngũ những nhà văn hóa dân tộc thiểu số phát triển cả về số lượng, chất lượng, có đóng góp quan trọng vào hầu hết các lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
Bảo vệ di sản văn hóa là một việc làm được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, vì di sản là vốn quý của dân tộc để lại cho muôn đời sau. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, về cách mạng và kháng chiến, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, quý trọng các danh nhân văn hóa, đền ơn đáp nghĩa những người có công, giúp đỡ những người hoạn nạn... trở thành phong trào rộng khắp trong quần chúng. Nó góp phần gìn giữ những di sản văn hóa tinh thần quý báu: lòng yêu nước, nhân ái, khoan dung..., nuôi dưỡng tinh thần, sức sống dẻo dai của người Việt Nam trong lịch sử để vươn lên.
Các di tích văn hóa lịch sử đang được bảo tồn, tôn tạo để các thế hệ sau có thể sử dụng cảm thụ, thưởng thức nhằm nâng cao hiểu biết về lịch sử dân tộc. Nước ta tự hào được UNESCO công nhận bảy di sản văn hóa thế giới: Di sản văn hóa vật thể: Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn. Di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc Cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên. Tháng 11-2006, tuần Hội nghị Cấp cao APEC diễn ra tại Việt Nam. Tuy đây là hội nghị có ý nghĩa kinh tế - chính trị lớn nhưng sự thành công rực rỡ của nó có đóng góp một phần không nhỏ từ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong tuần lễ đó, hàng loạt các hoạt động văn hóa lớn được tổ chức: đại tiệc "Di sản văn hóa Việt Nam" chào mừng APEC; khái quát lịch sử dân tộc hình thành qua hiện vật; văn hóa phi vật thể như các chương trình: "Dấu ấn văn hóa Huế", "Tinh hoa Hà Nội"; nhiều hoạt động nghệ thuật phong phú đa dạng: ca trù, hát xẩm, chầu văn, đờn ca tài tử Nam Bộ, ẩm thực các vùng miền.
Việt Nam đã khẳng định được mình, để lại ấn tượng tốt đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế từ cách giao tiếp, ứng xử cho đến vốn văn hóa riêng phong phú, đậm đà. Những bước tiến mới trong quá trình hội nhập đang đem lại những kết quả tốt đẹp: ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO và chủ nhà APEC, được đề cử là ứng cử viên châu Á duy nhất vào ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là sự ghi nhận của quốc tế về vị thế của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI. Nhiều tờ báo trên thế giới đã ca ngợi: Việt Nam không chỉ thể hiện được khả năng kinh tế, tiềm lực chính trị mà còn khẳng định được bản lĩnh, bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Không chỉ quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mà nhân dân ta còn tiếp thu những tinh hoa của nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ thế giới cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế là cơ hội để chúng ta tiếp thu thành quả trí tuệ của loài người. Từ đó sáng tạo nên một nền văn hóa mới: kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Chiếc áo dài truyền thống có những nét cách tân trong kiểu dáng, hoa văn trang trí. Nhiều bài hát, lấy chất liệu từ dân gian nhưng lại được phối theo những thể loại nhạc hiện đại: pop, Hiphop, Rock... tạo nên sự hấp dẫn cho người nghe. Con người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ vẫn giữ được nét giản dị, thuần hậu lại cực kỳ thông minh, nhanh nhẹn, khả năng phán đoán và nắm bắt xã hội hết sức nhạy bén trước nhịp sống phương Tây. Bên cạnh những phong tục đẹp của ngày tết hay những lễ hội truyền thống, người Việt Nam vẫn nô nức tham gia những sinh hoạt văn hóa vốn của phương Tây như Noel, ngày lễ tình yêu valentine, lễ hội hóa trang...
Nghiêm túc đánh giá những mặt hạn chế, yếu kém
Lẽ dĩ nhiên, hướng tới bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta cũng cần có cách nhìn nhận công bằng. Sẽ sai lầm khi cho rằng, những gì của dân tộc trong quá khứ đều là những cái tốt, cái hay, cái đẹp mà không có những hạn chế, yếu kém. Tìm về bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta cũng cần đánh giá cho đúng những cái xấu, yếu kém đó để phê phán, khắc phục.
Sự thật là, trước những biến động chính trị phức tạp trên thế giới, không ít người còn dao động về chính trị, niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, phủ nhận thành quả của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một số người mơ hồ, bàng quan hoặc mất cảnh giác trước những luận điệu thù địch, xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta. Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, vị kỷ... đang gây hại cho thuần phong mỹ tục của dân tộc, không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức quyền.
Giáo dục - đào tạo cũng có những mặt tiêu cực: suy thoái đạo lý trong quan hệ thầy trò; lối sống thiếu lý tưởng, ăn chơi, nghiện ngập... ở một bộ phận sinh viên, học sinh, coi nhẹ giáo dục đạo đức thẩm mỹ và các bộ môn chính trị, khoa học xã hội - nhân văn.
Đời sống văn hóa - nghệ thuật còn những mặt bất cập. Trong sáng tác, lý luận và phê bình có lúc nảy sinh khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng kháng chiến. Xu hướng thương mại hóa, chạy theo những thị hiếu thấp kém làm chức năng giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ của văn học - nghệ thuật suy giảm. Một số ngành nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống còn gặp nhiều khó khăn. Việc giáo dục thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật cho thanh niên, thiếu niên... chưa được coi trọng. Nhiều cơ sở in, quảng cáo, quán ăn, khách sạn, sàn nhảy... mở tràn lan, chạy theo đồng tiền, hoạt động tùy tiện, không tuân thủ những quy định của pháp luật.
Giao lưu văn hóa với nước ngoài chưa tích cực, chủ động, còn nhiều sơ hở. Số văn hóa phẩm độc hại, phản động thẩm lậu vào nước ta quá lớn, trong khi đó nhiều tác phẩm văn hóa có giá trị của nước ta đưa ra bên ngoài quá ít. Chúng ta còn thiếu những biện pháp tích cực giúp đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu sâu bản sắc văn hóa dân tộc, liên hệ mật thiết với quê nhà, góp phần đấu tranh với những hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta.
Những nhiệm vụ cấp thiết
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, trước mắt chúng ta cần thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, đặc biệt là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phát hiện và biểu dương kịp thời các gương điển hình, các cá nhân, tập thể có những đóng góp tiêu biểu cho việc xây dựng đời sống văn hóa. Tập trung xây dựng các huyện điểm, thị xã, thị tứ văn hóa ở các địa phương. Chú trọng đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, phát triển và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, ấp, khu phố văn hóa. Phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân, tìm tòi, áp dụng những mô hình thích hợp cho hoạt động văn hóa từng vùng, miền.
Hai là, chú trọng bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, bản sắc và truyền thống dân tộc. Coi trọng sưu tầm, khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tiếp tục tổ chức ngày hội văn hóa của một số dân tộc thiểu số có bản sắc văn hóa tiêu biểu nhằm nâng cao ý thức giữ gìn và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Gìn giữ các tác phẩm nghệ thuật, bảo vật, cổ vật và di vật có giá trị đặc sắc. Nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình văn hóa, có kế hoạch đầu tư cho khâu sáng tác kịch bản, dàn dựng chương trình, vở diễn, đào tạo tài năng nghệ thuật; tổ chức các cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật để có những tác phẩm đỉnh cao, các chương trình nghệ thuật hấp dẫn, có tính giáo dục tư tưởng thẩm mỹ cao phục vụ nhân dân, đẩy lùi các hoạt động tiêu cực trong hoạt động văn hóa.
Ba là, tích cực xây dựng đời sống văn hóa đại chúng và môi trường văn hóa lành mạnh. Phát triển xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Huy động các nguồn lực và sức sáng tạo trong xã hội để đầu tư xây dựng các công trình và thiết chế văn hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, đoàn thể tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quản lý và bảo vệ di tích, di sản văn hóa. Nâng cao chất lượng và mở rộng diện phổ biến các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp nhân dân; làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam.
Bốn là, mở rộng hợp tác giao lưu văn hóa quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài. Tích cực giới thiệu rộng rãi những tinh hoa, bản sắc văn hóa Việt Nam, những thành tựu to lớn của hơn hai mươi năm đổi mới đất nước và chính sách hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và tranh thủ nguồn tài trợ của các nước cho phát triển sự nghiệp văn hóa.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp quản lý Nhà nước hiệu quả đối với các hoạt động văn hóa, xuất bản, báo chí, bảo tồn các giá trị văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, bản quyền tác giả, quảng cáo, các hoạt động dịch vụ văn hóa, ka-ra-ô-kê, vũ trường, in-tơ-nét công cộng, kinh doanh văn hóa phẩm, in, nhân băng, đĩa hình, băng, đĩa nhạc... Chúng ta phải kiên quyết chống lại những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa.
Sáu là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho ngành văn hóa, nhất là đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở cần phải được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng mạnh hơn nữa mới đủ khả năng đáp ứng yêu cầu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
Nhập khẩu: thực tiễn và những vấn đề cấp bách đang đặt ra  (25/07/2007)
Ông Nguyễn Minh Triết được bầu lại làm Chủ tịch nước  (25/07/2007)
Ông Nguyễn Minh Triết được bầu lại làm Chủ tịch nước  (25/07/2007)
Giá trị sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,3%  (24/07/2007)
Thành phố Hồ Chí Minh thu hút gần 658 triệu USD vốn FDI  (24/07/2007)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên