TCCSĐT - Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn của Đảng ta; là yêu cầu bức thiết và là bước đi có ý nghĩa quyết định trong thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã tạo cho bức tranh vùng ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh những gam màu tươi mới và ngày càng trở nên sinh động. Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn khá nhiều những bất cập, tồn tại.
 
Địa bàn nông nghiệp, nông thôn nước ta có một tiềm năng rất lớn và phong phú. Với hơn 70% dân số, chiếm hơn 76% lực lượng lao động và đóng góp từ 25% - 27% GDP hàng năm của cả nước. Đây cũng là khu vực có nguồn tài nguyên lớn về đất đai và các tiềm năng thiên nhiên khác. Ngoài 7 triệu ha đất đang canh tác, 10 triệu ha đất canh tác khác chưa sử dụng; các mặt hàng xuất khẩu của nước ta hiện nay chủ yếu được tạo ra bởi nguồn nguyên liệu chính từ nông - lâm - hải sản. Nông thôn nước ta cũng là nơi cung cấp chủ đạo các nguồn nhiên liệu, vật liệu cho phát triển công nghiệp - dịch vụ.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là chủ trương lớn của Đảng ta; là yêu cầu bức thiết và là bước đi có ý nghĩa quyết định trong thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ trương này được Đảng ta đặt ra từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, sau đó được bổ sung, phát triển, hoàn thiện dần, liên tục qua các Đại hội VIII, IX, X và đặc biệt được nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương năm (khóa IX) về “Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010”.

1. Thành phố Hồ Chí Minh có vùng nông nghiệp, nông thôn khá rộng lớn, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên. Những năm gần đây, do có sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa, năng suất cao kết hợp với việc khôi phục và phát triển những nghề thủ công truyền thống, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi… đời sống của cư dân khu vực này đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay Thành phố có 65 làng nghề truyền thống, thu hút trên 57% lực lượng lao động ở các huyện ngoại thành thành phố. Trong đó, có những ngành nghề thủ công truyền thống chính như: đan lát rổ rá, làm bánh tráng, chế biến da cá sấu, chạm khắc gỗ, sơn mài, làm gốm, đóng ghe thuyền…

Các làng nghề đã tạo ra lượng hàng hóa có trị giá bình quân trên dưới 100 tỉ đồng mỗi năm. Riêng làng nghề làm bánh tráng nổi tiếng ở Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) đã tạo ra giá trị hàng hóa khoảng 64 tỉ đồng/năm, cao nhất trong các ngành nghề ở thành phố. Ở quận 12 có làng chăn nuôi và chế biến da cá sấu nổi tiếng, dự kiến năm 2010 này đạt tổng trị giá hàng hóa 14,4 tỉ đồng, trong đó xuất khẩu là 13,4 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 220 lao động của 100 hộ gia đình. Nghề trồng hoa, trồng cây cảnh và nghề nuôi cá cảnh ở các quận Gò Vấp, Bình Chánh, Hóc Môn cũng đóng góp vào doanh thu xuất khẩu của thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm hàng tỉ đồng, chiếm tỷ trọng từ 10 đến 15% trong tổng thu nhập của nông nghiệp toàn thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh còn được coi là trung tâm sản xuất, xuất nhập khẩu cá cảnh lớn nhất cả nước, với hơn 500 hộ sản xuất, cho năng suất khoảng gần 40 triệu con cá cảnh mỗi năm, tập trung chủ yếu ở địa bàn các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Nhiều hộ nuôi cá cảnh thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Vùng ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi trồng rau sạch với diện tích khoảng 9.000 ha rau sạch an toàn, tập trung ở các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Nghề nuôi bò sữa ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn cũng mang lại lợi nhuận khá cao cho người dân nơi đây. Các huyện ngoại thành Thành phố hiện có khoảng gần 60.000 con bò sữa, chiếm gần 60% tổng số đàn bò sữa của cả nước, với sản lượng sữa tươi ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng v.v…

Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã tạo cho bức tranh vùng ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh những gam màu tươi mới và ngày càng trở nên sinh động. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.

Đạt được những thành tựu đó, một mặt, nhờ vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông thôn; sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp; sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, trước hết là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh - xã hội, Liên hiệp các hợp tác xã của thành phố đã kết hợp với chính quyền các xã, phường ở các quận, huyện tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá khả năng phát triển và tiến hành quy hoạch các ngành nghề truyền thống theo hướng tổ chức các hộ hoạt động riêng vào các tổ nghề, hợp tác xã, tạo điều kiện trong việc trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và giúp nhau làm ăn, từng bước đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, chú trọng sử dụng giống mới, mạnh dạn áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến, hiện đại.

2. Bên cạnh những kết quả đạt được, tại khu vực nông thôn ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn khá nhiều những bất cập, tồn tại. Đó là trình độ dân trí của người dân chưa cao, việc tiếp cận các thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất vì vậy còn hạn chế. Các làng nghề còn thiếu thông tin về thị trường, còn yếu trong khâu quảng bá và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vốn để mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị luôn là những thách thức không nhỏ; hay quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã dẫn đến quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp bị thu hẹp ngày càng nhiều v.v...

Từ thực trạng trên, để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, theo chúng tôi, cần tập trung vào một số giải pháp sau đây.

Thứ nhất, chú trọng đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao trình độ mọi mặt cho người dân bằng việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, các lớp học về chọn giống cây trồng, vật nuôi. Tập trung nghiên cứu loại cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường, có khả năng đề kháng dịch bệnh cao gắn với chú trọng kỹ thuật canh tác và môi trường công nghệ sau thu hoạch. Đề cao nghiên cứu đi đôi với tích cực chuyển giao khoa học công nghệ, đưa nhanh khoa học, công nghệ vào sản xuất - kinh doanh. Các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ kinh phí để người lao động được đi đào tạo tại các trường quản lý, trường công nhân kỹ thuật của nhà nước, khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo, hội thảo trao đổi kinh nghiệm… Là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cần tận dụng lợi thế riêng có này để không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt cho người dân vùng ngoại thành.

Thứ hai, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện ở khu vực ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh có tới 45% hộ làng nghề không chỉ đang thiếu vốn để sản xuất, đổi mới trang thiết bị, mà còn thiếu cả thông tin về thị trường, việc quảng bá và xúc tiến thương mại trong tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bất cập, hạn chế… Vì vậy, một mặt, Thành phố cần tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước, đồng thời đa dạng hóa các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ngoại thành; mặt khác, cần chú trọng xây dựng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ các ngành nghề thông qua các chương trình hợp tác, xúc tiến thương mại. Tổ chức thường xuyên các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, tinh xảo để đẩy mạnh xuất khẩu, từng bước xâm nhập sâu rộng vào thị trường nước ngoài.

Thứ ba, thực hiện phân công lại lao động xã hội trên cơ sở phát triển các ngành nghề thủ công, các làng nghề truyền thống và dịch vụ theo phương châm “rời đồng không rời làng”, “tiểu công nghiệp hiện đại, thủ công nghiệp tinh xảo”. Từng bước xác lập cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trên địa bàn một cách hợp lý, đồng thời thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp sinh thái và tạo ra bộ mặt nông thôn mới - “đô thị hóa” ngay ở vùng nông thôn.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh và phát huy vai trò của văn hóa cộng đồng làng xã. Trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt của thị trường, tinh thần đoàn kết, hợp tác để cùng nhau vượt lên khó khăn, cùng nhau phát triển là yếu tố vô cùng cần thiết và quan trọng. Theo đó, truyền thống văn hóa quý báu từ ngàn đời của người Việt như “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”... cần được phát huy mạnh mẽ hơn lúc nào hết để tạo nên sự đồng sức, đồng lòng giữa những người lao động với nhau; giữa những người sản xuất ra nguyên liệu, với người chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tinh thần hợp tác chặt chẽ, các bên cùng có lợi./.

 

* Nguyễn Thế Toàn, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch bền vững, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 12 (132) /2007.