Tô Hiệu - người cộng sản kiên trung, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
09:46, ngày 08-03-2012
TCCSĐT - Đồng chí Tô Hiệu là một người yêu nước, một chiến sỹ cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, trí tuệ, kiên trung, bất khuất, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc.
Quê hương, gia đình và quá trình hoạt động cách mạng
Hưng Yên là vùng quê địa linh nhân kiệt, nối đời đều sản sinh ra những bậc hiền tài xây góp nên nguyên khí quốc gia. Ở thời đại chống lại chủ nghĩa thực dân cũ và mới xâm lược, giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới, Hưng Yên là quê hương của những người tài trí, kiên cường, xả thân vì cách mạng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân. Trong số đó có thể tự hào kể tới người con thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, quê hương của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy lừng danh: đồng chí Tô Hiệu – người cộng sản kiên trung, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, là con út trong một gia đình nho học nghèo, dòng họ Tô yêu nước, nhiều đời khoa bảng của tỉnh Hưng Yên. Cụ Tô Ngọc Nữu (cụ nội đồng chí Tô Hiệu) là nhà nho yêu nước, thủ tiết chống giặc ngoại xâm, mưu cầu độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, nên khi đang làm đốc học Nam Định, được tin Tự Đức ký hiệp định đầu hàng thực dân Pháp, cụ từ chức về quê dạy học. Cụ kết thân với cụ Ngô Quang Huy, đốc học Bắc Ninh, sau này là ông ngoại của đồng chí Tô Hiệu. Cũng như cụ Nguyễn Thiện Thuật, cụ Ngô Quang Huy được vua Hàm Nghi phong tước Tán Tương quân vụ, là lãnh tụ rất có uy tín trong phong trào Bãi Sậy do cụ Nguyễn Thiện Thuật (tức Tán Thuật) lãnh đạo. Người con gái của danh tướng Ngô Quang Huy, bà Ngô Thị Lý, thân mẫu của đồng chí Tô Hiệu là người yêu nước quả cảm, có công nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng, được nhân dân địa phương kính trọng và suy tôn là một trong những bà mẹ tiêu biểu, gương mẫu của phong trào phụ nữ cách mạng tỉnh Hải Hưng trước đây.
Thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, khi còn đang học tại trường Pháp - Việt ở thị xã Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá, truy điệu, để tang Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi thả Phan Bội Châu, nên bị đuổi học vào năm 1926, khi mới 14 tuổi.
Lên Hà Nội học cao đẳng tiểu học, Tô Hiệu tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Trưởng thành trong hoạt động thực tiễn, năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Học sinh đoàn, một tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.
Cuối năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động. Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Trong thời gian bị giam cầm ở chốn địa ngục trần gian Côn Đảo, đồng chí vẫn tiếp tục tham gia, tổ chức đấu tranh, tích cực học tập lý luận cách mạng và trở thành người đảng viên cộng sản giàu nhiệt huyết, có bản lĩnh vững vàng.
Năm 1934 ra tù, dẫu bị thực dân Pháp quản thúc tại làng quê, nhưng với tinh thần yêu nước, luôn chăm lo đến việc bồi dưỡng lực lượng cách mạng, đồng chí Tô Hiệu đã tổ chức xây dựng Trường Kiêm Bị Xuân Cầu và trực tiếp giảng dạy. Cũng trong thời gian này, vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch, đồng chí bí mật gây dựng phong trào cách mạng ở quê hương, rồi bắt liên lạc với Đảng. Năm 1936, đồng chí Tô Hiệu cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận. Khi thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách các tỉnh miền duyên hải, lấy Hải Phòng làm trung tâm. Trên cương vị mới, đồng chí Tô Hiệu đã tổ chức lại ban chỉ đạo các tỉnh, thành và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn ở Thành phố Hải Phòng.
Tháng 2-1939, được Trung ương phân công về phụ trách Liên khu B (bao gồm các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây tiếng vang lớn trong nước. Tiêu biểu như cuộc bãi công của 1000 thợ xẻ (4-1939), 1500 công nhân Cảng (5-1939) và đặc biệt là cuộc bãi công của hơn 3000 công nhân Nhà máy Tơ Hải Phòng…
Đồng chí Tô Hiệu bị địch bắt khi đang kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho phong trào đấu tranh mới, vào ngày 1-12-1939, tại xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng). Chuyển hết đề lao Hải Phòng lại Hỏa Lò (Hà Nội), tra tấn dã man, mua chuộc, dụ dỗ bằng mọi thủ đoạn, nhưng kẻ thù không lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản Tô Hiệu. Cuối tháng 12-1939, thực dân Pháp đã kết án 5 năm tù và đày đồng chí đi Nhà tù Sơn La. Cũng thời gian này, Chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập. Tháng 02-1940, đồng chí Tô Hiệu được cử làm Chi uỷ viên. Tháng 5-1940, Đại hội Chi bộ bí mật của nhà tù quyết định các chủ trương công tác mới và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư chi bộ.
Đến tháng 10 năm 1941, khi sức khỏe đã suy kiệt, thôi không giữ chức Bí thư chi bộ Nhà tù, nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn là cố vấn đặc biệt tin cậy của Chi ủy và là Trưởng ban huấn luyện, đào tạo cán bộ của nhà tù. Chi bộ Nhà tù đã tổ chức đời sống trong tù rất hợp lý. Thành lập Ủy ban Nhà tù để lãnh đạo mọi mặt, tổ chức các ban: Trật tự trong, Trật tự ngoài, Kinh tế, Cứu tế, Hồng thập tự, Đối ngoại, Sản xuất, Dân vận, Binh vận, Học tập và xuất bản báo Suối Reo… để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng cho anh em tù nhân. Cuối năm 1942, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Ban chấp hành Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ công nhận là Chi bộ đặc biệt, phụ trách Nhà tù Sơn La và phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La.
Do căn bệnh hiểm nghèo và chế độ hà khắc của nhà tù, đồng chí Tô Hiệu đã hy sinh vào hồi 10 giờ 15 phút, ngày 7-3-1944 tại Nhà tù Sơn La, ở tuổi 32 trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí. Đồng chí được an táng tại Vườn Ổi (nghĩa trang Nhà tù Sơn La).
Người cộng sản kiên trung, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
Khi là học sinh trường tỉnh ở Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào bãi khóa, để tang cụ Phan Châu Trinh; lúc là học sinh cao đẳng tiểu học ở Hà Nội, Tô Hiệu càng hăng say tham gia các phong trào yêu nước. Khi được kết nạp vào Học sinh đoàn - một tổ chức của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, đồng chí tham gia tuyên truyền, kết nạp người vào các đoàn thể quần chúng, dự mít tinh, biểu tình, tổ chức phát truyền đơn, treo cờ, giăng biểu ngữ, dán áp phích vào những ngày lễ hội hay ngày kỷ niệm. Do hoạt động tích cực, đồng chí Tô Hiệu đã được tổ chức đưa vào tổ thanh niên xích vệ, có nhiệm vụ bảo vệ những cuộc mít tinh, biểu tình, bảo vệ các đồng chí cán bộ diễn thuyết.
Sau khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng thất bại, thực dân Pháp khủng bố dã man tất cả các phong trào yêu nước, nhiều đồng chí cán bộ cách mạng bị bắt, Tô Hiệu bị mật thám theo dõi gắt gao, tổ chức đã đồng ý để đồng chí vào Nam hoạt động. Kế hoạch ám sát tên toàn quyền Nam Dương Đơ-gờ-rép và tên toàn quyền Đông Dương Pas-ki-ê không thành, Tô Hiệu và một số người khác đã bị thực dân Pháp bắt, kết án 4 năm tù khổ sai, đày ra Côn đảo, khi ấy đồng chí mới 18 tuổi.
Biến nhà tù thành trường học cách mạng, thời gian trong nhà tù thực dân được các đồng chí cách mạng đàn anh, giàu kinh nghiệm trao truyền, giúp đỡ, hướng dẫn, đồng chí Tô Hiệu đã thêm nhiều hiểu biết về lý luận cách mạng và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Mặt khác, là một đồng chí trẻ, giàu nhiệt tình, trong thời gian “Ở tù, Tô Hiệu học tập không tiếc sức mình vì biết rằng rồi đây trong cuộc đấu tranh cách mạng gay go, ác liệt sắp tới, anh sẽ phải huy động toàn bộ sức lực và trí tuệ, sẽ cần những lý luận sắc bén và kinh nghiệm vận động cách mạng mà anh được các đồng chí truyền lại”(1). Cũng trong thời gian này Tô Hiệu chính thức trở thành đảng viên của Đảng cộng sản Đông Dương.
Vốn là người yêu nước, là người cộng sản, không chỉ bản thân mình ham học hỏi, mà trong những ngày bị thực dân quản thúc ở quê sau khi mãn hạn tù (năm 1934), Tô Hiệu không ngừng tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao dân trí, dân sinh, nâng cao thể lực của thanh niên. Đồng chí đã lập ra “Hội nông dân tương tế”, tổ chức cho thanh niên trong làng tập võ, đánh cờ tướng… mở lớp dạy học cho trẻ em, qua đó đã giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc cho thế hệ trẻ của quê hương. Được nhân dân ủng hộ, lớp học của đồng chí Tô Hiệu đã che được mắt của bọn lý dịch. Hơn thế, để quy củ hơn, Tô Hiệu đã vận động bà con góp công, góp của xây dựng Trường Kiêm Bị Xuân Cầu, một hình thức trường tiểu học chỉ có ở huyện lỵ lúc ấy với khẩu hiệu: “Kẻ góp của, người góp công; mong sao cho trường học chóng xong; tinh thần đoàn kết muôn năm!”
Cũng trong thời gian này, Tô Hiệu đã bí mật tuyên truyền, vận động quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng Đảng. Nhà thân mẫu đồng chí Tô Hiệu là một cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, đã nuôi giấu nhiều cán bộ trong Xứ ủy Bắc Kỳ như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu... Chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Văn Lâm ra đời có sự đóng góp không nhỏ từ những lần tuyên truyền của đồng chí Tô Hiệu.
Trong thời gian là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Tô Hiệu vừa chú trọng công tác tuyên truyền theo phương thức rải truyền đơn, dán áp phích, vừa coi trọng tuyên truyền, đấu tranh trên lĩnh vực báo chí. Tờ Chiến Đấu, cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh B, do đồng chí sáng lập, vừa là chủ bút, vừa là phóng viên. Với tư cách là lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Tô Hiệu rất chăm lo giác ngộ, đào tạo cán bộ cho cách mạng. Nhiều đồng chí được Tô Hiệu đào tạo ngày ấy, sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước như các đồng chí Nguyễn Thanh Bình (nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư), Hoàng Ngân (Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam), Ngô Minh Loan (nguyên Bộ trưởng Bộ Lương thực - Thực phẩm)…
Đồng chí Tô Hiệu cũng rất quan tâm công tác vận động công nhân, tổ chức phong trào đấu tranh của công nhân, lấy đó làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của quần chúng. Trong 5 tháng (3-1939 đến 8-1939), Thành ủy Hải Phòng, đứng đầu là đồng chí Tô Hiệu đã tổ chức tới 30 cuộc đấu tranh, bằng số cuộc đấu tranh của cả hai năm 1937, 1938 cộng lại. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của công nhân Nhà máy Tơ (5-1939). Báo Bạn Dân ra ngày 21-6-1939 khẳng định đây là “cuộc đấu tranh kiên quyết nhất, có kỷ luật, có tổ chức, có giác ngộ giai cấp… là một tấm gương tranh đấu cho toàn thể anh em lao động toàn Xứ”. Báo cáo của bọn mật thám thực dân ngày 5-6-1939 viết: “Cuộc đình công ở Nhà máy Tơ là kết quả của một cuộc tuyên truyền, vận động bền bỉ, dẻo dai do một chi bộ hoạt động trong nhà máy chủ trương”.
Trong thời gian ở Nhà tù Sơn La, được bầu là Bí thư Chi bộ Nhà tù, Tô Hiệu vừa chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, vừa quan tâm thành lập các tổ chức trong nhà tù. Đồng chí Tô Hiệu đã vượt lên bệnh tật để tổ chức công tác giáo dục trong tù, viết nhiều tài liệu quan trọng cho Chi bộ, mở các lớp chính trị, quân sự, văn hóa, bồi dưỡng giảng viên, hướng dẫn các cuộc đấu tranh… Đặc biệt, trong hoàn cảnh lao tù, Chi bộ đã mở được Đại hội đại biểu toàn nhà tù bao gồm đại biểu các trại. Đại hội đã thành lập cơ quan điều hành thực hiện Nghị quyết của Đại hội là Ủy ban Nhà tù, thảo luận chủ trương đấu tranh với bọn thống trị như chánh sứ, giám binh, xếp ngục, binh lính và viên chức của bọn cai trị. Đại hội còn bàn công tác vận động quần chúng và binh lính địch, bàn việc xây dựng đời sống nhà tù cả về chính trị, văn hoá và đời sống vật chất. Sau khi được Đại hội bầu, Ủy ban Nhà tù đã tổ chức ra các ban giúp việc như Ban kinh tế, Ban cứu tế, Ban văn hoá giáo dục, Ban trật tự trong, Ban trật tự ngoài....để tuyên truyền cách mạng và đấu tranh với chế độ hà khắc của nhà tù. Từ đó đã có ảnh hưởng tới bên ngoài, ngăn cản được tác động của quy chế và chế độ quản lý hà khắc của nhà tù đế quốc, đồng thời thực hiện được chế độ dân chủ tự quản rộng rãi trong đời sống chính trị của nhà tù, khai thác đạt hiệu quả cao nhất các điều kiện vật chất eo hẹp của nhà tù. Đời sống vật chất và tinh thần của anh em tù nhân được cải thiện. Tháng 5-1941, Tô Hiệu và Chi bộ Nhà tù Sơn La đã quyết định cho ra đời báo Suối Reo, cử đồng chí Trần Huy Liệu là chủ bút. Báo Suối Reo ra đời là một sự kiện lớn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, cổ vũ động viên rất lớn đối với anh em tù nhân ở nhà tù Sơn La. Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Trung ương Đảng công nhận là một chi bộ đặc biệt, được nhận Chỉ thị, nghị quyết; có trách nhiệm lãnh đạo người tù bảo vệ cuộc sống, phát triển ảnh hưởng của cách mạng trong đồng bào địa phương… Sau này, nhiều chiến sỹ cộng sản là đảng viên Chi bộ Nhà tù Sơn La đều trở thành những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội như đồng chí Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Thanh Bình, Mai Chí Thọ…
Ý chí kiên cường của Tô Hiệu đã khiến quân thù phải khiếp sợ. Thời gian bị đày ra Côn Đảo, Tô Hiệu đã nhiều lần tham gia tổ chức vượt ngục, sự việc bại lộ, các đồng chí đều bị bọn cai ngục tra tấn, hành hạ dã man. Tô Hiệu bị giam trong khám với những người tù chính trị “đặc biệt nguy hiểm”. Tuy bị lao phổi, nhưng đồng chí vẫn cần mẫn học hành, trau dồi tri thức và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Những năm ở quê, bọn mật thám thực dân, bọn hào lý trong làng tuy biết Tô Hiệu tổ chức các hình thức hoạt động cho thanh niên là nhằm giác ngộ cách mạng mà vẫn không làm gì được. Khi trường Kiêm Bị Xuân Cầu do Tô Hiệu đứng ra vận động bà con góp sức xây dựng, tên Công sứ Bắc Ninh cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” về dự lễ khánh thành…
Phẩm chất cộng sản kiên trung, bất khuất của Tô Hiệu còn được thể hiện ở khí tiết kiên trung với Đảng. Nhiều lần bị bắt, bị giam tù, dù bị tra tấn dã man đồng chí vẫn không hề tiết lộ tài liệu, cơ sở cách mạng. Trong phiên tòa xét xử Tô Hiệu và các đồng chí của mình, khi bị luận tội, dù thân thể tàn tạ do bệnh tật và đòn roi quân thù, đồng chí vẫn hiên ngang, dõng dạc tố cáo tội ác của thực dân Pháp và tay sai, khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc là con đường đúng đắn. Ý chí sắt đá, kiên trung của Tô Hiệu còn được thể hiện rõ nhất khi đồng chí bị đày ở nhà tù Sơn La: đói rét, bệnh tật, đòn roi của kẻ thù không làm Tô Hiệu nhụt chí khí. Tô Hiệu đã cùng với các đồng chí của mình biến nhà tù Sơn La thành trường học cách mạng để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; viết bài tuyên truyền giác ngộ lý luận cách mạng, lãnh đạo anh em tù đấu tranh với quân thù, khiến bọn cai ngục và chính tên Công sứ Sơn La Cút - xô khét tiếng gian ác phải nể phục, run sợ.
Cuộc đời tuy ngắn ngủi, song tấm gương, tinh thần cách mạng hào hùng của đồng chí Tô Hiệu là tài sản vô giá, là bài học to lớn về truyền thống cách mạng của Đảng và của lịch sử dân tộc. Tấm gương hy sinh anh dũng, bất khuất của đồng chí là sự tiếp nối những gương anh hùng, liệt nữ trong lịch sử nước nhà. Tinh thần yêu nước, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ” của con dân nước Việt qua tấm gương Tô Hiệu ở thời đại Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được nối dài trường tồn cùng dân tộc.
Tấm gương và tinh thần Tô Hiệu còn thể hiện ở thái độ lạc quan cách mạng. Trong địa ngục trần gian của chốn lao tù đế quốc, Tô Hiệu vẫn động viên đồng chí, đồng đội của mình tin tưởng vào tương lai của cách mạng, tương lai của đất nước. Dù biết mình sẽ phải hy sinh, đồng chí càng hăng say viết tài liệu, viết báo, tuyên truyền và lãnh đạo Chi bộ Nhà tù Sơn La. Trước khi đi xa, đồng chí vẫn dặn lại các đồng chí của mình: “ánh sáng ngày mai đã ló ở phía chân trời, hãy chuẩn bị đương đầu với những thử thách lớn nhất”.
Cây Đào do đồng chí Tô Hiệu trồng vào thời gian cuối đời khi bị giam giữ tại Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La, mà còn là “biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên từ đất chết, là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa xuân nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam thân yêu”. Bản lĩnh kiên cường, bất khuất, tinh thần lạc quan cách mạng của Tô Hiệu đã trở thành di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và lịch sử dân tộc Việt Nam.
Đánh giá đồng chí Tô Hiệu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười đã viết: “Cuộc đời đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng những cống hiến của đồng chí cho dân tộc và cho cách mạng thật là to lớn”./.
Việt Nam sẵn sàng cùng Ukraine đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới  (08/03/2012)
Quyết tâm, chủ động, phòng đi đôi với chống, không coi nhẹ mặt nào trong phòng chống, tham nhũng  (08/03/2012)
Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng là đòi hỏi cấp thiết  (08/03/2012)
Giá xăng tăng 2.100 đồng/lít  (07/03/2012)
5 năm - Một chặng đường tự hào của phong trào phụ nữ  (07/03/2012)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay