Thấy gì qua hai chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống U-crai-na V.Y-a-nu-cô-vích
TCCSĐT - Tân Tổng thống U-crai-na Vich-to Y-a-nu-cô-vích được coi là một chính khách "thân Nga", vì thế, dư luận đoán rằng, ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức, ông sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Mat-xcơ-va. Thế nhưng, trái với dự đóan đó, ông V.Y-a-nu-cô-vích lại sang châu Âu, tới Bruc-xen trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình.
Thăm châu Âu trước - một tính toán chiến lược
Ông Vich-to Y-a-nu-cô-vích là người chủ trương xây dựng U-crai-na thành đất nước của người U-crai-na. Ông cũng muốn U-crai-na trở thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây, giữa Nga và châu Âu. Để xây dựng U-crai-na thành đất nước của người U-crai-na như đã tuyên bố, công việc đầu tiên và quan trọng nhất của tân Tổng thống là phải thành lập được một chính phủ liên minh trong Quốc hội. Đây là một nhiệm vụ khó khăn. Ngày 2-3-2010, một ngày trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết bất tín nhiệm đối với chính phủ của bà I.Ti-mô-xen-cô với 243 phiếu thuận, Chủ tịch Quốc hội U-crai-na Vla-đi-mia Lít-vin cũng đã tuyên bố giải tán liên minh trong Quốc hội nước này, gồm khối mang tên bà I.Ti-mô-xen-cô, khối Lit-vin và phái Tự vệ nhân dân - U-crai-na của chúng ta, do không có đủ chữ ký của 226 nghị sĩ để khẳng định sự tồn tại trong Quốc hội. Ngày 11-3-2010, với 242/450 phiếu ủng hộ, Quốc hội U-crai-na đã phê chuẩn quyết định của Tổng thống Vích-to Y-a-nu-kô-vích đề cử ông Mi-kô-la A-da-rốp (Mikola Azarov), 62 tuổi, làm Thủ tướng mới, đồng thời phê chuẩn toàn bộ thành phần nội các mới.
Theo luật hiện hành của U-crai-na, “trong vòng 30 ngày sau khi liên minh cầm quyền sụp đổ, nếu các đảng phái không thành lập được một liên minh mới, Tổng thống có thể ấn định một cuộc bầu cử quốc hội mới". Quả thật là tân Tổng thống U-crai-na đang đứng trước một bài toán khó.
Để đạt mục tiêu của mình, ông V.Y-a-nu-kô-vích phải chứng tỏ mình là người duy trì được sự cân bằng giữa hai xu hướng: vừa thân Nga lại vừa định hướng sang châu Âu. Dưới con mắt của giới phân tích chính trị quốc tế, quyết định thăm châu Âu trước, thăm Nga sau của ông V.Y-a-nu-cô-vích là một sự tính toán chiến lược khôn khéo trong cơn bão táp chính trị hiện nay ở U-crai-na. Với chuyến thăm này, "mũi tên" của ông sẽ trúng luôn hai đích: một là, chứng tỏ ông có xu hướng hội nhập U-crai-na với châu Âu. Niềm tin này rất cần để ông được ủng hộ trong việc thành lập liên minh chính phủ mới - nhiệm vụ số 1 và có ý nghĩa sống còn đối với sứ mệnh chính trị của ông trên cương vị tân Tổng thống U-crai-na. Hai là, chứng tỏ mong muốn sẵn sàng làm cầu nối giữa Nga và châu Âu, đáp ứng được lợi ích của cả Bruc-xen và Mat-xcơ-va. Trong một thế giới đang toàn cầu hoá, cầu nối này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, quan trọng và có ý nghĩa chiến lược, trước hết đối với U-crai-na, sau đó là đối với Nga và toàn bộ châu Âu nói chung.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Bruc-xen, ông Vich-to Y-a-nu-cô-vích đã có các cuộc hội kiến với Chủ tịch mới của EU Van Rôm-pui, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) J. Ba-rô-xô, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Giec-di Bu-dêch và Ðại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh S. A-xtôn. Tân Tổng thống U-crai-na đã chính thức tuyên bố trước toàn thế giới về một chính sách đối ngoại rõ ràng, minh bạch, không nước đôi; về chủ trương của U-crai-na trong liên kết châu Âu, nối lại và phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng thân thiện và hợp tác thiết thực với Liên bang Nga, củng cố quan hệ đối tác với các nước láng giềng khác, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, khôi phục quan hệ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), v.v.. Đặc biệt, tân Tổng thống Vich-to Y-a-nu-cô-vích cũng khẳng định U-crai-na chỉ duy trì quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở mức cũ, như dưới thời người tiền nhiệm. Ông còn khẳng định, U-crai-na chủ trương giữ nguyên quy chế độc lập và chưa có ý định gia nhập tổ chức quân sự này. Vì thế, mặc dù đặt chân tới Bruc-xen, nơi đặt trụ sở chính của NATO, nhưng tân Tổng thống U-crai-na đã không có cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO F.Ra-xmu-xen.
Trong cuộc gặp, các nhà lãnh đạo EU đã khẳng định sự ủng hộ của liên minh này đối với tân Tổng thống U-crai-na và các kế hoạch của ông nhằm ổn định tình hình chính trị - xã hội, khôi phục nền kinh tế đất nước vốn đã kém phát triển lại bị tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, sớm đưa U-crai-na gia nhập EU. Chủ tịch EC kêu gọi U-crai-na nhanh chóng hiện đại hóa ngành năng lượng và bảo đảm trung chuyển lượng khí đốt của Nga cung cấp cho châu Âu đi qua lãnh thổ nước này. Đây là yếu tố hết sức quan trọng đưa U-crai-na trở thành cầu nối tin cậy giữa Nga và châu Âu.
Thăm Nga sau nhưng kết quả thật ấn tượng
Ngay sau chuyến thăm EU, tân Tổng thống U-crai-na đã tới thăm Mat-xcơ-va nhằm cài đặt lại mối quan hệ truyền thống U-crai-na - Nga, vốn bị xấu đi dưới thời Tổng thống tiền nhiệm, theo tinh thần mà ông Vich-to Y-a-nu-cô-vích đã cam kết, nhằm xây dựng U-crai-na thành cầu nối giữa Nga và châu Âu. Tuyên bố chung giữa Nga và U-crai-na ngày 5-3-2010, sau khi kết thúc hội đàm giữa tân Tổng thống U-crai-na Vich-to Y-a-nu-cô-vích và Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép, khẳng định hai bên sẽ tạo điều kiện liên kết tiềm năng của hai nhà nước trong nhiều lĩnh vực quan trọng và có ý nghĩa then chốt đối với cả hai nước, như xây dựng và phát triển tổ hợp nhiên liệu - năng lượng, đầu tư, công nghệ vũ trụ, công nghiệp hàng không, công nghệ nanô, năng lượng nguyên tử, kỹ thuật - quân sự, giao thông vận tải; công nghệ thông tin - truyền thông, v.v.. Hai bên sẽ tôn trọng quyền tự do lựa chọn hình thức và cơ chế tham gia của từng bên trong quá trình liên kết kinh tế, bảo đảm không gây thiệt hại cho lợi ích hợp tác song phương, tạo điều kiện xây dựng không gian kinh tế chung trên toàn châu Âu.
Hai bên sẽ xây dựng lại quan hệ giữa hai nước trên cơ sở cùng có lợi và bình đẳng, theo tinh thần hợp tác hữu nghị, láng giềng thân thiện và đối tác chiến lược. Hai bên sẽ tiếp tục phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực văn hoá và nhân đạo, sẽ hỗ trợ để phát triển tiếng U-crai-na ở Nga, cũng như tiếng Nga ở U-crai-na phù hợp với các tiêu chuẩn châu Âu, phù hợp với lợi ích của người Nga và người U-crai-na nhằm phát triển quan hệ toàn diện giữa hai dân tộc. Nga và U-crai-na sẽ cùng phối hợp các biện pháp để tổ chức kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Có thể thấy, hai chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của tân Tổng thống U-crai-na Vich-to Y-a-nu-cô-vích đã đạt được những kết quả quan trọng, hy vọng tạo cơ sở bước đầu để vừa ổn định chính trị trong nước, vừa tạo tiền đề xây dựng quốc gia này thành cầu nối giữa phương Đông và phương Tây./.
Giới thiệu chính sách mới số 197  (15/03/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên