Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư
TCCS - Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở khu dân cư. Để chất lượng sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư đạt hiệu quả cao cần có: quan niệm đúng đắn về trình độ nhận thức và kiến thức của đa số đảng viên; không khí thảo luận dân chủ, sát thực tế và uy tín của bí thư chi bộ.
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một tổ chức đảng không chỉ thể hiện ở chất lượng sinh hoạt chi bộ nhưng rõ ràng sinh hoạt chi bộ có chất lượng sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Chất lượng sinh hoạt đang là mối quan tâm chung của tất cả các loại hình chi bộ, ở đây chỉ đi sâu bàn về việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư. Muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư, có nhiều vấn đề cần trao đổi, nhưng có lẽ nổi cộm nhất vẫn là vấn đề nội dung sinh hoạt.
Trước khi bàn về nội dung sinh hoạt của chi bộ khu dân cư, thiết nghĩ nên nói qua đôi chút về một ngộ nhận mà cho tới nay không phải không có không còn. Không hiểu sao nhiều người lại quan niệm rằng, trình độ nhận thức và kiến thức của đảng viên sinh hoạt ở cấp bộ đảng càng sát cơ sở thì càng thấp dần, cụ thể là cấp tỉnh, thành thấp hơn cấp trung ương, cấp quận, huyện thấp hơn cấp tỉnh, thành, cấp xã, phường thấp hơn cấp quận, huyện và cứ tiếp tục suy luận theo cái lô-gic này thì cấp khu dân cư sẽ là thấp nhất. Thật ra, nếu chỉ dừng lại ở cấp xã, phường thì quan niệm này có thể đúng, mặc dầu không phải lúc nào đảng viên công tác ở cấp trên cũng trên tầm nhận thức và kiến thức so với đảng viên công tác ở cấp dưới. Tuy nhiên, có thể khẳng định dứt khoát, đối với số đông đảng viên sinh hoạt ở chi bộ khu dân cư thì quan niệm như trên không đúng hay như đã nói là ngộ nhận hết sức đáng tiếc - bởi đa phần các đồng chí này cũng từng công tác trên các cơ quan trung ương, tỉnh, thành, quận, huyện về nghỉ hưu và do vậy trình độ nhận thức và kiến thức của họ chắc chắn không thể thấp hơn mặt bằng chung.
Quan niệm về trình độ nhận thức và kiến thức của đa số đảng viên ở khu dân cư như thế nào sẽ dẫn đến quan niệm về nội dung sinh hoạt chi bộ khu dân cư như thế ấy. Chẳng hạn, xuất phát từ ngộ nhận nêu trên nên từng có ý kiến cho rằng, nội dung sinh hoạt chi bộ khu dân cư chỉ là những việc thiết thân thường nhật của khu dân cư chứ không thể có chuyện quốc gia đại sự, bởi quốc gia đại sự là chuyện của cấp trên - vốn chỉ phù hợp với năng lực tư duy mang tầm chiến lược vĩ mô của những đảng viên công tác ở cấp trên. Còn nếu quan niệm như vừa phân tích thì tuy không phải tất cả nhưng không ít đảng viên sinh hoạt ở chi bộ dân cư hoàn toàn có đủ trình độ nhận thức và kiến thức để bàn thảo sâu sắc về quốc gia đại sự - không biết cách tận dụng được nguồn năng lực này cũng là lãng phí chất xám. Chẳng thế mà mấy Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng vừa qua, đảng viên từ chi bộ khu dân cư trở lên đều được quyền trực tiếp góp ý và không ít ý kiến được tiếp thu, bổ sung vào Văn kiện Đại hội.
Quan điểm của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng là ưu tiên cho thế hệ trẻ, để trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX sẽ có thế hệ đội ngũ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở có độ tuổi đời trên dưới 30.
Tất nhiên, sinh hoạt chi bộ dân cư mà đảng viên chỉ toàn bàn thảo về quốc gia đại sự, thậm chí quốc tế đại sự thì không nên - không phải vì không đủ trình độ nhận thức và kiến thức để bàn mà vì lấy đâu ra thời gian và nhất là nếu thế thì ai sẽ bàn và lúc nào bàn về những việc thiết thân thường nhật gắn với trách nhiệm lãnh đạo của chi bộ khu dân cư. Cho nên, nội dung chủ yếu trong sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư suy đến cùng vẫn là những việc thiết thực ở cơ sở. Những việc thiết thân ấy rất có ý nghĩa, nếu được bàn bạc thấu đáo để có cách nghĩ sáng tạo và cách làm thiết thực... Có điều sinh hoạt chi bộ dân cư mà đảng viên chỉ toàn bàn thảo về những việc thiết thân thường nhật thì cũng không toàn diện, bởi như thế sẽ là lãng phí chất xám. Nên có những hình thức để huy động loại chất xám này một cách chủ động và tích cực hơn. Chẳng hạn, ngoài quyền được trực tiếp góp ý vào văn kiện đại hội trung ương (và chừng mực nào đó là tỉnh/thành), đảng viên chi bộ khu dân cư còn được tập hợp thành những nhóm chuyên gia trên từng lĩnh vực nhằm trực tiếp tư vấn cho cấp ủy cấp trên - kèm theo cơ chế bí thư đảng ủy xã/phường hay tốt nhất là bí thư quận/huyện ủy định kỳ gặp mặt tiếp xúc những nhóm chuyên gia này để lắng nghe ý kiến của họ (thậm chí nếu phát động tốt và chứng tỏ được sự thành tâm trọng thị đúng mức, thì bí thư đảng ủy xã/phường và bí thư quận/huyện ủy không chỉ nghe mà còn có thể đọc thư góp ý thường xuyên của họ).
Một cách nữa để tránh lãng phí chất xám trong những trường hợp này là trong sinh hoạt định kỳ, chi bộ khu dân cư nên thảo luận và ra nghị quyết chuyên đề. Nội dung chuyên đề nằm ngay trong những chuyện thiết thân thường nhật gắn với trách nhiệm lãnh đạo của chi bộ nhưng hoặc do đó là chuyện mang tính chất đặc thù của địa phương mình hoặc do đó là chuyện phức tạp nếu lãnh đạo bình thường sẽ khó giải quyết rốt ráo. Chẳng hạn, đã có chi bộ thảo luận và ra nghị quyết chuyên đề về việc phát triển đảng viên trẻ ở khu dân cư. Đây là vấn đề rất khó, có nhiều trở lực, chẳng hạn thiếu nguồn quần chúng ưu tú hoặc có nguồn nhưng sợ bồi dưỡng kết nạp xong sẽ không giữ được lâu cho địa phương mình; hoặc đã có chi bộ thảo luận và ra nghị quyết chuyên đề về việc vận động giúp đỡ những người lầm lỗi hoàn lương và tái hòa nhập cộng đồng... Nội dung gì cũng phải đánh giá đúng thực trạng và đề xuất được giải pháp khả thi, nhưng nội dung chuyên đề đòi hỏi phải đánh giá sâu sắc hơn, có màu sắc lý luận hơn, giải pháp thì không những khả thi mà phải có tính hệ thống và kế thừa được các kinh nghiệm tốt của các nơi khác. Muốn thế, cần huy động trí tuệ tập thể của nhiều đảng viên trong chi bộ.
Cũng có ý kiến cho rằng, nội dung sinh hoạt của nhiều chi bộ khu dân cư cứ na ná nhau. Tất nhiên là, cuộc họp nào và ở bất kỳ chi bộ nào cũng phải có những phần cơ bản, vì không có chi bộ nào không đánh giá tình hình tháng qua trước khi đề ra nhiệm vụ tháng tới, không thể sợ na ná nhau mà có sự đảo ngược trước/sau được; hoặc không thể sợ na ná nhau mà không tập trung đề cập nội dung xây dựng đảng... Nhưng có thể hiểu na ná nhau ở đây là nội dung nhiều cuộc họp của cùng một chi bộ giống nhau đến mức đơn điệu, tháng này giống như tháng trước, tháng sau lại giống tháng này. Còn có thể hiểu na ná nhau là nội dung cuộc họp một tháng nào đó của nhiều chi bộ cũng giống nhau đến mức đơn điệu như vậy. Chính cái na ná nhau đơn điệu này mới làm ảnh hưởng tới chất lượng sinh hoạt chi bộ và mới đúng là vấn đề chúng ta phải quan tâm. Muốn khắc phục tình trạng na ná nhau đơn điệu đáng buồn này thì phải làm sao trên cái nền chung của những nguyên tắc cơ bản, tạo ra cho được những nội dung riêng có của chi bộ mình, sát hợp với thực tiễn của địa phương mình.
Cũng có người nói, trong sinh hoạt ở nhiều chi bộ khu dân cư, không khí thảo luận chưa được sôi nổi, một số đảng viên còn thụ động, hầu như không phát biểu, đóng góp gì... Đây là một thực tế và nguyên nhân vì sao như vậy thì rất nhiều, chẳng hạn nội dung na ná nhau đến mức đơn điệu nêu trên là một. Đơn điệu vì nội dung na ná nhau đã ảnh hưởng không tốt đến chất lượng sinh hoạt, đơn điệu cả về vai diễn đến mức chỉ có bí thư chi bộ độc diễn suốt cuộc họp thì càng ảnh hưởng tiêu cực hơn nhiều. Để hạn chế, khắc phục vấn đề này, tất nhiên cần phải quan tâm đến tất cả đảng viên trong chi bộ, sao cho ai cũng thấy được trách nhiệm của mình trong sinh hoạt chi bộ. Điều này hoàn toàn có thể đạt được nếu mọi đảng viên chi bộ khu dân cư đều nhận thức được rằng toàn chi bộ và từng đảng viên phải là một tập thể và những cá nhân có uy tín cao nhất trong cộng đồng dân cư.
Đương nhiên, trong chuyện này có sự đóng góp đáng kể của bí thư chi bộ. Người ta thường nói bí thư cấp ủy là linh hồn của chi bộ, đảng bộ. Cách nói ấy đã đề cao vai trò quan trọng của các bí thư trong toàn bộ hoạt động của tổ chức đảng cũng như trong việc tạo ra không khí cởi mở, chân thành, dân chủ trong sinh hoạt đảng. Bí thư chi bộ dân cư trên cần có tác phong cởi mở, chân thành, dân chủ..., như thế sẽ phát huy tốt hơn không khí dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Đương nhiên, bí thư chi bộ dân cư cũng phải biết quyết đoán, có chính kiến rõ ràng thì mới kết luận được về những ý kiến khác nhau thậm chí ngược nhau để làm cơ sở cho chi bộ ra nghị quyết./.
Đảng bộ Tân Hiệp lãnh đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn  (20/03/2010)
Đảng nhân dân cách mạng Lào: Chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành  (19/03/2010)
Cục diện thế giới sau khủng hoảng kinh tế - tài chính  (19/03/2010)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên