Tạo đột phá thúc đẩy đầu tư hiệu quả vào vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện nay
TCCS - Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; là hạt nhân, động lực phát triển chính của cả vùng miền Trung - Tây Nguyên. Tìm ra những giải pháp căn cơ, hữu hiệu tháo gỡ “nút thắt” trong thu hút đầu tư, liên kết phát triển, tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong bối cảnh, tình hình hiện nay.
Một số kết quả nổi bật về thu hút đầu tư
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm 5 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định(1); có diện tích tự nhiên là 27.881,7km2, chiếm 29% diện tích của toàn vùng miền Trung và 8,45% diện tích cả nước; dân số khoảng 6,55 triệu người, chiếm 7,0% dân số cả nước, đứng thứ ba trong bốn vùng kinh tế trọng điểm của cả nước(2); có đường bờ biển dài gần 600km, được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế về biển, đảo và danh lam thắng cảnh,... Đây là địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh đối với khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011 - 2019 của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đạt khoảng 7%/năm, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 7,09%/năm, giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,92%(3), GRDP của vùng đóng góp trên 36% GRDP của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Quy mô GRDP của vùng năm 2020 đạt 419 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 3 lần năm 2010. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 64,86 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2010, cao hơn mức trung bình của toàn vùng miền Trung, trong đó cao nhất là thành phố Đà Nẵng (88 triệu đồng/người). Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (từ 25,7% năm 2010 lên 30,91% năm 2020); giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp (từ 16,55% năm 2010 xuống 12,9% năm 2020).
Tổng thu ngân sách nhà nước vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2016 - 2020 đạt 417 nghìn tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân khoảng 15 - 16%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 6 tỷ USD, năm 2021 đạt 8,87 tỷ USD, gấp 5,6 lần năm 2010. Năm 2020, lực lượng lao động làm việc trong các ngành kinh tế là 3.509 nghìn người, chiếm 31,22% tổng lực lượng lao động của toàn vùng miền Trung. Tốc độ tăng bình quân của lực lượng lao động làm việc giai đoạn 2016 - 2020 là -0,48%. Năng suất lao động năm 2020 đạt 121 triệu đồng/lao động, cao hơn bình quân của vùng miền Trung và cao nhất so với hai tiểu vùng Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng
Đã hoàn thành dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến Cam Lộ - La Sơn và La Sơn - Túy Loan (thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế); hoàn thành đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô đường quốc lộ 1 qua địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Quảng Ngãi; dự án đường ven biển tỉnh Quảng Nam (thuộc đoạn tuyến quốc lộ 40B) và dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 24 (nối tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum). Đến năm 2020, các địa phương trong vùng đã hoàn thành một số tuyến đường ven biển trên địa bàn; khai thác có hiệu quả các cảng hàng không trong khu vực, bảo đảm tuyệt đối an toàn bay, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường hàng không đến các địa phương trong vùng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, thương mại, đầu tư. Đã tập trung đầu tư, kết hợp với các nguồn vốn kể cả liên kết, hợp tác với nước ngoài để xây dựng và nâng cấp hạ tầng cảng biển. Khai thác có hiệu quả các cảng thương mại tổng hợp, như: Chân Mây, Tiên Sa, Quy Nhơn; các cảng Dung Quất, Kỳ Hà phục vụ cho các khu kinh tế Dung Quất, Chu Lai và các cảng chuyên dùng khác.
Về huy động và thu hút đầu tư
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tăng ổn định hằng năm và đạt mức cao hơn bình quân cả nước. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng số vốn thực hiện đạt khoảng gần 725 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 38% GRDP của toàn vùng miền Trung; trong đó, tỉnh Bình Định trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021) có tổng vốn đầu tư toàn xã hội cao nhất trong vùng. Tuy nhiên, so với 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đứng thứ 3 về tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội.
Xét theo hình thức sở hữu, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của khu vực ngoài nhà nước chiếm 68,7%, khu vực nhà nước chỉ chiếm 29,3%. Như vậy, khu vực ngoài nhà nước đã chứng tỏ được năng lực nội tại và tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của vùng. Do đó, việc phát huy và đẩy mạnh đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước sẽ là “đòn bẩy” kích thích sự đổi mới, sáng tạo, phát huy tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển bền vững, hiệu quả.
Về nguồn vốn đầu tư công, giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư công trung hạn giao cho 5 địa phương khoảng 122.369 tỷ đồng, chiếm khoảng 31% tổng vốn đầu tư công của toàn vùng miền Trung và chiếm khoảng 16,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 76.158 tỷ đồng; vốn hỗ trợ chương trình mục tiêu (gồm cả chương trình mục tiêu quốc gia) là 23.139 tỷ đồng; vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là 16.895 tỷ đồng; vốn trái phiếu chính phủ (giao thông, thủy lợi, y tế) là 6.177 tỷ đồng.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện có 1.416 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19,51 tỷ USD (chiếm 4% tổng số dự án và chiếm 4,56% về số vốn so với cả nước). Quy mô vốn bình quân trên 1 dự án là 13,78 triệu USD (quy mô vốn bình quân của cả nước là khoảng 12,l6 triệu USD); trong đó, tỉnh Quảng Nam là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài với 225 dự án, tổng vốn là 6,1 tỷ USD, chiếm 31,3% tổng vốn đăng ký của khu vực. Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung với 68 dự án, số vốn đầu tư là 7,15 tỷ USD, chiếm 36,6% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là Hàn Quốc có 314 dự án, với số vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng vốn đầu tư.
Về hoạt động của doanh nghiệp, theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31-12-2020, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có hơn 48 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trung bình tăng 5% so với năm 2019, chiếm 45% số lượng doanh nghiệp của toàn vùng miền Trung và chiếm gần 6% số lượng doanh nghiệp của cả nước; trong đó, thành phố Đà Nẵng có số doanh nghiệp cao nhất trong vùng (23,6 nghìn doanh nghiệp), chiếm gần 50% số doanh nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tổng nguồn vốn của doanh nghiệp huy động vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tính đến ngày 31-12-2019 là 1.153 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh của cả nước, chiếm 37% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn vùng miền Trung. Xét bình quân giai đoạn 2016 - 2019 so với giai đoạn 2011 - 2015, nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp huy động vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm đều tăng(4). Theo loại hình doanh nghiệp, tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cao nhất, đạt 914,7 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2019, chiếm 79% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 133,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% và khu vực doanh nghiệp FDI với 105 nghìn tỷ đồng, chiếm 9%.
Một số hạn chế trong thu hút đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp
Thứ nhất, thu hút đầu tư chưa mang tính chất trọng điểm, chưa phát huy lợi thế của vùng, nhất là trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. Phát triển kinh tế - xã hội của vùng chủ yếu do các địa phương tự chủ động, chưa có tính chất liên kết vùng để tăng cường sự hỗ trợ trong phát triển giữa các thành viên. Việc tiến hành kêu gọi đầu tư còn thiếu đồng bộ, dàn hàng ngang. Hoạt động hợp tác, liên kết kinh tế diễn ra trong phạm vi hẹp, chủ yếu là giữa một số địa phương, chưa có những hoạt động liên kết trên diện rộng toàn vùng, dẫn đến phân tán các nguồn lực.
Thứ hai, kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị chưa đồng bộ nên chưa phát huy hết lợi thế, hiệu quả vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương trong vùng. Về tổng thể, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, cấu trúc không gian phát triển vùng chủ yếu tập trung cho phát triển vùng ven biển, trong khi các khu vực miền núi phía Tây chưa được phát triển cân đối, hài hòa. Đây là vùng có hệ thống cảng biển nhiều nhất nước, nhưng lượng hàng hóa thông qua các cảng còn hạn chế, chủ yếu hoạt động dưới dạng gom hàng, sau đó chuyển đến các cảng lớn ở thành phố Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh để xuất đi các nước. Do chưa có một “nhạc trưởng” điều tiết, quy hoạch, nên việc đầu tư xây cảng biển ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hay toàn vùng Trung Bộ thiếu trọng tâm, hiệu quả kinh tế không cao.
Thứ ba, nguồn lực phục vụ các hoạt động liên kết còn hạn chế. Cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, chi đầu tư cho một số ngành yêu cầu cấp bách, như chi đầu tư hạ tầng giao thông kết nối chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn vùng, chi cho khoa học - công nghệ chưa cao, quỹ phát triển khoa học - công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế. Các dự án ưu tiên đầu tư cho liên kết vùng còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, cơ chế chia sẻ lợi ích, trách nhiệm chưa rõ ràng dẫn đến chậm tiến độ...
Thứ tư, Hội đồng điều phối vùng không có thẩm quyền trong việc quyết định tài chính - ngân sách cho các dự án mang tính liên vùng. Cơ chế hiện tại quy định nguồn kinh phí cho bộ máy vùng do ngân sách các địa phương đóng góp nên chỉ đủ duy trì hoạt động sự vụ bộ máy, chưa đủ bảo đảm bộ máy vùng có thực quyền trong việc điều phối hoạt động vùng, bảo đảm thực quyền trong việc ra quyết định và thực thi quyết định liên quan tới quản lý, quy hoạch phát triển toàn vùng.
Thứ năm, về hỗ trợ doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn vùng được thực hiện riêng lẻ, các tỉnh chưa xây dựng khung chính sách hỗ trợ chung cho doanh nghiệp. Mối liên kết giữa các đơn vị chuyên ngành về ban hành chính sách (đặc biệt là các chính sách chuyên ngành) rất hạn chế nên các chính sách ban hành nhìn chung thiếu sự kết nối hiệu quả, đặc biệt là giữa các nhóm chính sách của tỉnh và Trung ương. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp và một số chính sách hỗ trợ khác còn hạn chế.
Đa số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), siêu nhỏ với trình độ công nghệ hạn chế, phương thức quản lý chưa phù hợp, chiến lược kinh doanh thiếu chủ động, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải biển... Các doanh nghiệp thiếu tính gắn kết, các hiệp hội chưa nâng cao sức mạnh và vai trò dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và nâng cao năng lực kinh doanh của doanh nghiệp trước áp lực cạnh tranh từ các đối thủ bên ngoài. Hợp tác thương mại xuyên biên giới cũng như tiếp cận thị trường quốc tế đòi hỏi nhiều yếu tố về pháp lý, văn hóa - xã hội, tín dụng, con người, cơ chế...
Nguồn ngân sách của các địa phương trong vùng còn hạn chế nên việc bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho DNNVV gặp nhiều khó khăn; các hộ kinh doanh trong vùng chậm chuyển đổi thành doanh nghiệp nên tỷ lệ hộ kinh doanh chuyển sang loại doanh nghiệp thấp. Nguyên nhân do phần lớn hộ kinh doanh có quy mô nhỏ, đơn giản, mang tính chất gia đình và kinh doanh không ổn định; thêm vào đó, thủ tục để chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tương đối phức tạp.
Giải pháp thúc đẩy đầu tư hiệu quả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Để vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững, các địa phương trong vùng cần tập trung thực hiện một số giải pháp đột phá sau:
Một là, hoàn thành sớm các quy hoạch. Đến cuối năm 2022, phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chất lượng cao nhất để làm cơ sở cho quản lý phát triển vùng theo đúng định hướng, xây dựng phương án tổ chức không gian phát triển các “cụm vùng” và “tiểu vùng” phù hợp, làm căn cứ cho các địa phương triển khai liên kết cũng như để tiến hành các hoạt động điều phối liên kết vùng hiệu quả.
Hai là, hoàn thiện sớm khung khổ pháp lý về liên kết vùng. Thành lập Hội đồng điều phối vùng miền Trung, bao gồm 14 tỉnh, thành phố trong vùng để tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác, liên kết giữa các địa phương ở cấp độ song phương, tiểu vùng và toàn vùng nói chung; xác định những khoảng trống về thể chế và pháp lý cần giải quyết để các hoạt động liên kết vùng được triển khai hiệu quả. Vận hành có hiệu quả cơ chế điều phối liên kết thông qua hội đồng điều phối vùng; xây dựng các chương trình liên kết toàn vùng và tiểu vùng; chọn một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách để thực hiện liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2025, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn lựa chọn dự án mang tính chất liên vùng nhằm bảo đảm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Ba là, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, nâng cao hơn nữa chất lượng y tế cơ sở, bảo vệ môi trường và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đầu tư từ ngân sách cho các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng, nhưng khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài; tăng cường thu hút kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, phát huy lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển của vùng. Thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là tại các khu đô thị để tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Bốn là, huy động mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động, mô hình liên kết tiểu vùng và vùng, trong đó ưu tiên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, khai thác và chế biển thủy sản, du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, quản lý và bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách vùng.
Đẩy mạnh thu hút FDI phù hợp với quá trình hội nhập và có chọn lọc, các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài tập trung vào các ngành, lĩnh vực mà vùng có lợi thế; hướng vào các đối tác giàu tiềm năng, nhất là các nước phát triển, đồng thời tiếp tục mở rộng đối với các đối tác đã đầu tư nhiều vào vùng. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế.
Tạo lập các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp tham gia hình thành và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm của vùng, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực. Nâng cao vai trò của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp nhà nước trong triển khai thực hiện cơ chế liên kết vùng; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Năm là, thiết lập hệ thống thông tin và cung cấp thông tin vùng miền Trung và các tiểu vùng nhằm nâng cao năng lực dự báo, cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội của vùng cho các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân tham gia vào các chuỗi liên kết vùng. Nghiên cứu xây dựng cổng thông tin điện tử của vùng, trong đó tập trung thông tin, quảng bá tiềm năng thu hút đầu tư, công tác xúc tiến đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường,... của từng địa phương trong vùng./.
-------------------
(1) Vùng được thành lập vào ngày 29-11-1997, bao gồm 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi). Ngày 13-8-2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg, “Về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”, vùng được mở rộng thêm tỉnh Bình Định trở thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như hiện nay
(2) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2020
(3) Năm 2020, GRDP chỉ còn tăng 2,49% do tác động của dịch bệnh COVID-19, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 4,95% và giai đoạn 2011 - 2020 là 6,02%/năm
(4) Cụ thể: tỉnh Quảng Nam tăng 167%, thành phố Đà Nẵng tăng 89%, tỉnh Bình Định tăng 87%, tỉnh Thừa Thiên Huế tăng 57,9%, tỉnh Quảng Ngãi tăng 42%
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển