Hỏi dân để đồng thuận
TCCS - Những ngày tháng 10 và 11-2019, người dân thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh bàn tán nhiều, rôm rả về chuyện “khi hai ta về một nhà”. Đáng mừng là người dân được tôn trọng, được hỏi ý kiến rằng có đồng ý sáp nhập hay không. Cũng chỉ là việc lựa chọn 1 trong 2 phương án, có hay không, nhưng số người được hỏi trả lời khá thống nhất, thậm chí đạt tỷ lệ kỷ lục trong một cuộc trưng cầu dân ý, với hơn 99% số người của 2 địa phương đồng ý sáp nhập...
1. Tất bật, hối hả, bộn bề công việc. Ấy là những gì dễ cảm nhận khi chúng tôi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ những ngày đầu tháng 11-2019. Thực ra là bắt đầu từ ngày đầu tháng 10-2019, đã thấy bao công việc đột xuất phát sinh, trong khi số người làm việc không thay đổi. Thế nên công việc, họp hành liên miên, liên quan nhiều đến việc lập danh sách cử tri, tuyên truyền vận động người dân tìm hiểu nội dung chính về Đề án sắp xếp, sáp nhập thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ, tiến hành lấy ý kiến người dân, tổng hợp kết quả, báo cáo cấp trên... Nhưng không mấy ai kêu ca, phàn nàn, trái lại còn cảm thấy nhiệt tình, hứng khởi. Càng hào hứng hơn khi tỷ lệ cử tri được hỏi bày tỏ rõ sự đồng tình của mình với việc sáp nhập nguyên trạng huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long và chỉ chờ đợi được Trung ương thông qua để tiến hành những công việc tiếp theo.
Đặc biệt, có phường như Tuần Châu (thành phố Hạ Long), toàn bộ 100% số cử tri được hỏi ý kiến đều đồng tình với việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hạ Long. Ông Phạm Viết Hùng - Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường Tuần Châu - cho biết, lý do để 100% số cử tri đồng ý là do phường làm tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép vào các cuộc họp, chương trình khác nhau. Sau khi lập danh sách cử tri phường đã niêm yết công khai tại 5 nhà văn hoá khu phố, trụ sở... “Toàn bộ 1.703 cử tri không có ai không đồng thuận cả. Mọi người đều vui mừng khi Hạ Long được mở rộng không gian phát triển, kết nối mới, tạo ra những tour du lịch hấp dẫn với những sản phẩm hiện có của Hạ Long, sau này sẽ kết hợp với khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch văn hóa, núi rừng... của huyện Hoành Bồ”, ông Hùng cho biết.
Thực ra, Tuần Châu là phường có số dân thấp nhất so với các phường ở thành phố Hạ Long. Thế nên, việc tuyên truyền cũng dễ dàng hơn. Thêm nữa, phường Tuần Châu bây giờ cũng đã từng có “hộ khẩu” ở nhiều địa phương khác nhau, từ thành phố Hải Phòng, huyện Hoành Bồ rồi đến thành phố Hạ Long. Thế nên, người dân Tuần Châu cũng không băn khoăn gì nhiều về chuyện sẽ thuộc địa phương nào, mà chỉ mong cuộc sống được sung túc, bình an hơn. Ông Hùng cho biết, hiện nay chỉ có khoảng 10% số dân Tuần Châu làm nông nghiệp, còn lại chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, làm công nhân cho các đơn vị kinh doanh trên đảo. Thu nhập của người dân đã vượt ngưỡng nghèo, từ năm 2018 không còn hộ cận nghèo. Nếu sáp nhập thì Tuần Châu vẫn thuộc thành phố Hạ Long, không phải thay đổi gì về giấy tờ, thủ tục, thế nên bà con trên đảo chỉ mong tận thấy những đổi thay, khởi sắc đáng mừng trên nhiều lĩnh vực.
Không giống như Tuần Châu, Bãi Cháy là phường có tỷ lệ cử tri không đồng ý cao nhất thành phố Hạ Long - 234 cử tri, chiếm 1,69%. Nhưng thực ra cũng dễ cắt nghĩa, lý giải, bởi Bãi Cháy là phường “lõi” của thành phố, có số cử tri đông nhất - 14.526 người, mật độ dân số cao, việc kinh doanh luôn sôi động. Số người không đồng ý cao nhất, nhưng tỷ lệ vẫn đạt rất cao, 98,31%. Ấy cũng là lẽ thường tình, bởi ở một địa bàn như vậy, con số tuyệt đối có khi lại khiến nảy sinh những sự nghi hoặc, thiếu tin cậy. Ông Phạm Tiến Long - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Bãi Cháy - cho rằng: “Nói gì thì nói cũng phải có ý kiến trái chiều, nếu không phải xem lại, vì phường là địa bàn sôi động, liên quan nhiều đến giải phóng mặt bằng nên cũng có người dân bức xúc... Nhưng trên thực tế, không có phản ứng nào nặng nề, kịch liệt cả. Nhận thức của bà con rất tốt. Nhiều ý kiến không đồng tình chỉ là do không thích thôi, họ bảo đơn giản là Hạ Long phải là Hạ Long, Hoành Bồ phải là Hoành Bồ. Thậm chí, trong một gia đình bố mẹ thì đồng ý, con lại không. Quyền công dân mà”. Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Bãi Cháy - nói thêm rằng: “Người dân không có bức xúc gì với chính quyền cả. Nhiều người bảo sáp nhập thì tốt đấy, sau này Hạ Long sẽ có rừng, có biển, đất rộng, cơ hội phát triển mở ra nhiều, nhưng không thích là không thích. Thế thôi. Cũng có người cho rằng, nếu sáp nhập thì địa bàn kinh doanh du lịch sẽ mở rộng, lượng khách bị chia ra, đầu tư kết cấu hạ tầng bị san sẻ. Họ nghĩ đơn giản như vậy”.
2. Tại huyện Hoành Bồ, sẽ có 2 xã Lê Lợi và Thống Nhất rồi sẽ lên phường sau khi sáp nhập địa giới hành chính, đồng thời thị trấn Trới - trung tâm huyện lỵ - cũng sẽ đổi tên thành phường Hoành Bồ, để không làm mất đi một địa danh quen thuộc. Ông Hoàng Đức Tự - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lê Lợi - cho biết, các đồng chí lãnh đạo xã được phân công phụ trách cả 7/7 thôn trong quá trình thực hiện việc chỉ đạo tuyên truyền, lấy ý kiến cử tri. Rất mừng là có 97,79% số cử tri trong xã đồng ý. Con số của cả huyện là 96,05%. Nhiều người cao tuổi hết sức phấn khởi, mong sống được đến ngày đó xem sự đổi thay như thế nào. Tất nhiên, cũng có những ý kiến đồng tình, nhưng băn khoăn vẫn còn, chủ yếu liên quan đến việc chuyển đổi công việc làm nông nghiệp như thế nào, liệu có thích ứng được với cuộc sống thành phố không...
Ông Trần Văn Thực (thôn Yên Mỹ) băn khoăn là nếu sáp nhập thì người dân có được tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành làm các thủ tục giấy tờ hành chính không, việc đóng góp nghĩa vụ có cao hơn không... “Không phải ngẫu nhiên mà có chủ trương sáp nhập, nên dân chúng tôi cứ đồng tình thôi. Dân chưa hiểu rõ hết nên còn lăn tăn nhất định, chứ không có vấn đề gì cả”, ông Thực giãi bày. Ông Phạm Văn Thân - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lê Lợi - nói thêm rằng, khi tiến hành lấy ý kiến cử tri, cũng có ý kiến băn khoăn rằng việc đi lại, tiến hành các thủ tục liên quan đến chính quyền có khó khăn hơn không; những hộ nghèo, khó khăn có còn được hưởng chính sách ưu đãi không. Tuy nhiên, nhiều người phấn khởi, hy vọng rằng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng sẽ được đầu tư phát triển mạnh hơn...
Thực ra, xã Lê Lợi sau này thành phường đã trông thấy nhiều cơ hội phát triển rõ ràng. Ví như nếu cây cầu Bắc Cửa Lục 1 được thi công, hoàn thiện thì gần 10km đường đê bao ngay sát thành phố Hạ Long sát cầu sẽ là mảnh đất vàng cho phát triển du lịch sinh thái. Rồi các quy hoạch sân golf, các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, kết cấu hạ tầng, công trình phúc lợi, ngành công nghiệp,... sẽ có điều kiện sớm thành hình hài, phát triển nhanh, mạnh mẽ.
Thực tế, trong vòng 2 tháng nay, khi thông tin sáp nhập được công bố công khai, rộng rãi, giá đất ở khu vực tái định cư Bắc Cửa Lục đã được “thổi” lên khá cao, khoảng 10 triệu đồng/m2, gấp khoảng 10 lần trước đây. Tất nhiên, đó chỉ là đất người dân bán cho nhau, chứ huyện đã chủ động ban hành kế hoạch sớm, tạm dừng đấu giá đất để tránh trường hợp “sốt” đất không đáng có. Đó cũng là tín hiệu tích cực cho thấy, đời sống người dân, bộ mặt phường Lê Lợi sau này sẽ có nhiều thay đổi đáng mừng, cơ cấu kinh tế sẽ dịch chuyển, tăng trưởng, chứ không trong tình trạng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự kết nối như hiện nay. “Xã Lê Lợi đã về đích nông thôn mới vào năm 2016. Chúng tôi đang xây dựng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến năm 2025 sẽ lên phường. Sau này sáp nhập thành phường thì thôi”, ông Tự cười.
Tại xã Thống Nhất, việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ về đề án sáp nhập được triển khai khá đồng bộ, hiệu quả, từ việc lập danh sách, niêm yết công khai Đề án, tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin của xã, tổ chức lồng ghép tại các cuộc họp... để dân nghiên cứu xem sáp nhập thì được gì, mất gì... “Xã tổ chức nhắn tin tới người dùng mạng di động Viettel (khoảng 75% - 80% số cử tri trong xã dùng mạng di động Viettel, nếu tính theo hộ gia đình thì 100%, bởi trong gia đình ít nhất có 1 người sử dụng mạng di động này) để mong muốn thông tin tới tất cả mọi người. Vì vậy, dù việc sáp nhập là rất bất ngờ, táo bạo, nhưng nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân”, ông Phạm Văn Luyến - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thống Nhất - cho biết.
Theo ông Luyến, sự đồng thuận cao cũng có logic của nó, bởi sau khi sáp nhập, xã sẽ nằm ở trung tâm của thành phố, trong khi huyện đã ban hành nghị quyết đến năm 2025 Hoành Bồ sẽ thành thị xã, xã Thống Nhất trở thành phường. Vì vậy, dân đã chuẩn bị sẵn sàng rồi. Không sẵn sàng, phấn khởi sao được, khi những cây cầu được bắc qua Vịnh Cửa Lục, nối liền thành phố Hạ Long, giao thông thuận tiện, dân cư sẽ có sự chuyển dịch, khu đô thị hình thành, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội mở ra, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đời sống người dân sẽ khấm khá hơn.
Với việc sẽ thành phường, mang tên huyện Hoành Bồ trước đây, người dân thị trấn Trới hiện nay cũng chung tâm trạng phấn khởi, háo hức chờ ngày chính thức được sáp nhập. Ông Đào Xuân Nghiệp (khu 6) tâm sự rằng, “sau khi được nghe về đề án sáp nhập, cá nhân tôi và bà con khu phố rất đồng ý. Đó là sự mong muốn chung, bởi huyện Hoành Bồ có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác. Nếu chuyển tinh hoa ở thành phố Hạ Long vào chắc là sẽ phát triển mạnh trong tương lai”.
3. Ông Trần Đức Lâm - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hạ Long - khẳng định rằng, việc sáp nhập nguyên trạng huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long là chủ trương đúng, trúng, hợp thời điểm, đáp ứng được cả yêu cầu khách quan và chủ quan của 2 địa phương. Thế nên, thông qua trưng cầu dân ý công khai, minh bạch, tỷ lệ bà con thành phố Hạ Long ủng hộ đạt mức cao kỷ lục - 99,26% số cử tri đồng ý; 100% số đại biểu hội đồng nhân dân ở cả 20 phường và thành phố đều đồng ý phương án nhập thành phố Hạ Long với huyện Hoành Bồ. Theo ông Lâm, việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long sẽ tạo ra một vùng động lực mới, không gian phát triển mạnh cho thành phố Hạ Long và sẽ đem lại lợi ích, hiệu quả thiết thực, bảo đảm lợi ích của người dân. Trước những băn khoăn, lăn tăn còn lác đác xuất hiện cả ở phía người dân lẫn cán bộ, công chức, viên chức, ông Lâm cho rằng, có một số việc cần phải làm ngay sau khi việc sáp nhập được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. “Thứ nhất là rà soát các quy hoạch hiện có, bổ sung, chỉnh sửa, đặc biệt là 2 quy hoạch quan trọng là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng. Thứ hai là việc sắp xếp tổ chức bộ máy để người dân không bị ảnh hưởng, đình trệ, gián đoạn công việc với cơ quan chính quyền; đồng thời cũng tránh ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình làm việc”, ông Lâm đề xuất.
Riêng với cán bộ, công chức, viên chức thì tại huyện Hoành Bồ xuất hiện những băn khoăn khác. Ông Phí Tiến Lữ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoành Bồ - cho rằng, việc sáp nhập sẽ tác động đến tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt các đối tượng trong diện dôi dư, diện lãnh đạo. Nếu giải quyết không thấu tình đạt lý sẽ dễ nảy sinh những bất cập. Bên cạnh đó, là việc bố trí phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức từ huyện Hoành Bồ ra thành phố Hạ Long làm việc. “Số cán bộ dôi dư nên có cơ chế khuyến khích cho nghỉ trước tuổi. Anh em cũng thoải mái thôi, vì nhiều người cũng ngấp nghé tuổi nghỉ, nhưng tỉnh nên có cơ chế chính sách hỗ trợ thêm để động viên, khuyến khích họ”, ông Lữ đề đạt. Đồng thời, theo ông Lữ, tỉnh cũng nên triển khai thực hiện sớm một số công trình trọng điểm đã được phê duyệt, ví như 3 cây cầu bắc qua Vịnh Cửa Lục nối thành phố Hạ Long với huyện Hoành Bồ, để dân thấy tin tưởng sẽ rút ngắn tiến tới xóa nhòa khoảng cách giữa huyện với thành phố. Đồng thời, giữ ổn định những giao dịch của người dân trên địa bàn huyện. Vì thế, theo ông Lữ, trung tâm hành chính công phải có ở Hoành Bồ, đồng thời phải có bộ phận để giải quyết chính sách với vùng đồng bào dân tộc...
***
Dẫu còn những lăn tăn, gợn sóng nhất định, nhưng cả ở thành phố Hạ Long cũng như huyện Hoành Bồ, việc hỏi dân đã cho thấy sự đồng thuận rất cao. Đó là nền tảng, gốc rễ để tiến hành sáp nhập địa giới hành chính, mở rộng không gian đô thị, tạo động lực cho những bước phát triển mới toàn diện, mạnh mẽ để thành phố Hạ Long trong tương lai sẽ thực sự trở thành “đầu tầu” kéo tỉnh Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đời sống người dân được bảo đảm, nâng cao về mọi mặt.../.
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên