Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 09 đến 15-10-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, vtv.vn)
18:51, ngày 17-10-2017

TCCSĐT - Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, bao gồm việc xây dựng, thực thi pháp luật, điều hành chính sách và các vấn đề tài chính, hoạt động, quản trị của các tổ chức tín dụng.

Phát hiện hàng nghìn tỷ đồng phải nộp ngân sách sau thanh kiểm tra

Toàn ngành tài chính đã thực hiện hơn 67.000 cuộc thanh tra, kiểm tra trong 9 tháng và từ đó kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng. Theo con số được lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết chiều 13-10, tổng số tiền được cơ quan chức năng kiến nghị xử lý tài chính sau thanh kiểm tra là trên 13.600 tỷ đồng). Số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước là trên 8.900 tỷ đồng. Cụ thể, theo thống kê của ngành, riêng trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 57.935 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp và và kiểm tra trên 354.000 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số thuế đã xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.597 tỷ đồng.

Về phía hải quan, cơ quan chức năng tính toán, các đơn vị đã thực hiện 6.272 cuộc kiểm tra sau thông quan và quyết định truy thu gần 1.532 tỷ đồng. Phía hải quan cũng đã chủ trì bắt giữ trên 10.000 vụ vi phạm trong quá trình đấu tranh phòng chống buôn lậu. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 410 tỷ đồng.

Qua thanh kiểm tra, lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, tại các địa phương còn tình trạng bố trí vốn ngân sách cho dự án vượt quá thời gian quy định hay chưa thực hiện giao dự toán thu đối với một số khoản thuộc thẩm quyền của địa phương. Vấn đề khác ở địa phương là có nơi chưa bố trí phần vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh cho một số dự án được Trung ương hỗ trợ có mục tiêu. Thậm chí, có tình trạng, giao dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản chưa đúng quy định dẫn đến mất cân đối không bảo đảm nguồn chi.

Về công tác quản lý tài chính, ngân sách tại bộ, ngành, đại diện ngành tài chính thẳng thắn chỉ ra nhiều cái thiếu như: thiếu báo cáo thuyết minh chi tiết, thiếu nguồn thu và chưa sát với năm trước liền kề. Công tác lập dự toán cũng bị đánh giá còn chậm so với thời gian quy định. Đáng chú ý, lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, một số đơn vị được thanh kiểm tra đã thu phí và lệ phí cao hơn mức quy định hay điều chỉnh kinh phí một số nhiệm vụ chi không thường xuyên khi chưa có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

Trong công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã phát hiện một loạt tồn tại, sai phạm như lập và phê duyệt tổng mức đầu tư chưa chính xác, phê duyệt quyết toán, thanh toán không đúng, nghiệm thu thanh toán tăng không đúng,... Ngoài ra, với công tác quản lý tài chính tại các doanh nghiệp, báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra tình trạng xây dựng phương án tăng vốn điều lệ không đúng với nhu cầu vốn thực tế. Các doanh nghiệp được thanh kiểm tra cũng hạch toán thiếu doanh thu, thu nhập khác, hạch toán không đúng lợi nhuận,...

Bộ trưởng Công Thương: Cắt giảm điều kiện kinh doanh đi vào thực chất

Sau khi công bố sẽ cắt giảm gần 700 điều kiện kinh doanh vào tháng Chín vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát để bãi bỏ những rào cản gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 20-9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018. Theo Quyết định này sẽ có 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương được cắt giảm. Con số này nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng. Như vậy, sau khi cắt giảm, số điều kiện còn lại chỉ còn 541 thay vì con số dự kiến ban đầu là 752 điều kiện. Đây được coi là đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh chưa từng có trong lịch sử ngành công thương với số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh bị cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay.

Theo Bộ Công Thương, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành nghề không có đề xuất cắt giảm gồm: kinh doanh ngành nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn; xuất khẩu gạo; tạm nhập tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; tạm nhập tái xuất hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa đã qua sử dụng; kinh doanh khoáng sản; hoạt động mua bán hàng hóa và mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI; hoạt động dầu khí...

Trong khi 17 ngành, nghề kinh doanh còn lại đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).

Ngân hàng Nhà nước tăng cường an ninh, an toàn trong hệ thống


Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, bao gồm việc xây dựng, thực thi pháp luật, điều hành chính sách và các vấn đề tài chính, hoạt động, quản trị của các tổ chức tín dụng... Đó là nội dung của Hội nghị triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức trực tuyến.

Mục tiêu của hội nghị là tăng cường hơn nữa phòng, chống, ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cùng với kiên quyết xử lý kịp thời các vi phạm để tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, tín dụng lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu toàn ngành ngân hàng tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, bao gồm việc xây dựng, thực thi pháp luật, điều hành chính sách và các vấn đề tài chính, hoạt động, quản trị của các tổ chức tín dụng. Ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020.

Cùng với đó, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, bao gồm việc xây dựng, thực thi pháp luật, điều hành chính sách và các vấn đề tài chính, hoạt động, quản trị của các tổ chức tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Minh Hưng cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý rủi ro, vi phạm. Để làm được những việc trên, Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng đẩy mạnh việc nâng cao năng lực, bộ máy quản trị, điều hành và phát triển các hệ thống quản trị rủi ro và công nghệ thông tin. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tiểu ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tội phạm trong ngành ngân hàng và tại từng tổ chức tín dụng. Trong đó, người lãnh đạo đứng đầu tổ chức tín dụng phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tại đơn vị.

Cùng đó, ngành ngân hàng tăng cường hơn nữa sự phối hợp, chia sẻ thông tin với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật. Đặc biệt các tổ chức tín dụng xây dựng kênh tiếp nhận, xử lý thông tin trực tuyến để người dân có thể phản ánh, cập nhật các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi tội phạm như gian lận, giả mạo, lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong hoạt động ngân hàng.

IMF cảnh báo kinh tế thế giới chưa phục hồi hoàn toàn

Các nước thành viên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoan nghênh xu hướng đi lên của hoạt động kinh tế toàn cầu, song cảnh báo kinh tế thế giới chưa hoàn toàn phục hồi do lạm phát thấp và những rủi ro địa chính trị. Nội dung này được đưa ra ngày 14-10 trong tuyên bố chung của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế (IMFC) sau Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, Mỹ.

Theo tuyên bố chung, triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang trở nên vững chắc nhờ sản lượng công nghiệp, đầu tư và thương mại tăng. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của đa số các nền kinh tế phát triển chưa đạt mục tiêu và tiềm năng tăng trưởng của nhiều nước vẫn yếu kém.

IMFC cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không nên “tự mãn” khi nhiều quốc gia đối mặt với những thách thức mới về tăng trưởng, trong đó có tấn công mạng, các hình thái thời tiết cực đoan hơn liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết của các nước thành viên về việc kiềm chế hạ giá đồng nội tệ để tạo lợi thế cạnh tranh. IMFC kêu gọi các nhà hoạch định chính sách bổ sung chính sách tiền tệ “siêu lỏng” với chính sách tài chính linh hoạt và cải cách cơ cấu nhằm củng cố đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu cũng kêu gọi các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất cho vay thấp trong thời gian dài giúp thúc đẩy đà phục hồi vốn của nền kinh tế thế giới hiện nay.

Trong một tuyên bố trước IMFC cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfang Schaeuble, Chủ tịch luân phiên của phiên họp lần này, đã chỉ trích sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cũng như tư tưởng chống thương mại tự do. Theo ông Schaeuble, tất cả các thành viên IMF đều bày tỏ lo ngại trước tốc độ tăng trưởng chậm của thương mại toàn cầu và tư tưởng chống thương mại tự do gia tăng, đe dọa sự phát triển chung của kinh tế thế giới. Ông cho rằng thương mại tạo cơ hội cho hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói, cũng như đem đến sự ổn định và thịnh vượng trên thế giới.

Các biện pháp bảo hộ thương mại sẽ gây tổn hại không những đến tăng trưởng chung mà cả chính những nước bảo hộ thương mại, do đó ông Schaeuble kêu gọi các nước "cần thông thoáng hơn".

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều lãnh đạo tài chính thế giới đang lo lắng về việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ theo đuổi chính sách "nước Mỹ trên hết" như thế nào và liệu các chính sách này có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu hay không.

Tuần này, Tổng thống Trump thông báo việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA - gồm Mỹ, Mexico và Canada).

EU chuẩn bị tiến hành cuộc thảo luận nội bộ về thương mại Anh

Theo AP, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành các cuộc thảo luận sơ bộ mà không có sự tham gia của Anh, nhằm bàn bạc về mối quan hệ trong tương lai giữa EU và London một khi Anh rời khỏi khối vào năm 2019.

Trong một dự thảo tuyên bố hội nghị thượng đỉnh mà hãng tin AP có được, các lãnh đạo yêu cầu các bộ trưởng EU và trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier “bắt đầu các cuộc thảo luận nội bộ bước đầu” về các mối quan hệ trong tương lai. Cuộc thảo luận này sẽ cho phép EU nhanh chóng giải quyết các vấn đề như mối quan hệ thương mại, nếu các nhà đàm phán “đạt tiến triển đủ” về các điều khoản của thỏa thuận "ly hôn" giữa EU và Anh muộn nhất là tháng 12 tới.

Tiến trình đàm phán đang diễn tiến chậm chạp. Các nhà lãnh đạo EU khẳng định cần đạt được tiến triển về hóa đơn ly hôn của Anh, quyền lợi công dân bị ảnh hưởng bởi Brexit và tình trạng biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland trong tương lai. EU tuyên bố chỉ khi nào các vấn đề này được thống nhất thì các cuộc đối thoại về mối quan hệ tương lai, trong đó có quan hệ thương mại, mới được tiến hành.

Trong một diễn biến khác, Văn phòng Thủ tướng Anh đang có kế hoạch tuyển thêm khoảng 2.000 nhân viên để phục vụ cho việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Bộ máy chính quyền đồ sộ nhất trong 50 năm qua đang đặt ra thách thức lớn cho ngân sách nhà nước.

Hiện các bộ trưởng đều cố gắng xin thêm chỉ tiêu nhân viên cho ngành của mình để chuẩn bị cho khối lượng công việc khổng lồ của Brexit, gây căng thẳng cho Bộ Tài chính về vấn đề ngân sách. Những nhân sự xin thêm là những chuyên gia trong những lĩnh vực tài chính, kế toán, luật, công nghệ số, quản lý dự án, đàm phán thương mại và nhân viên biên giới.

Chính phủ cũng thừa nhận sẽ có một làn sóng tuyển dụng nữa khi Anh tiền gần đến thời điểm Brexit vào tháng 3-2019. Số nhân viên nhà nước cần có trong 2 năm tới phụ thuộc vào hình thức thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh sẽ đạt được với EU. Theo ước tính của Viện nghiên cứu chính phủ, chỉ tính riêng Bộ Nội vụ có thể cần thêm khoảng 5.000 nhân viên nếu như Anh và EU "chia tay" mà không đạt được thỏa thuận nào.

Ông Jeremy Heywood, người phụ trách vấn đề việc làm cho khu vực nhà nước mô tả Brexit là thách thức "phức tạp và to lớn nhất" cho bộ máy công quyền trong lịch sử thời bình của Anh.

Bộ Nông nghiệp đã tuyển thêm 400 nhân viên trong khi Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp (BEIS) đang tuyển thêm 500 nhân viên để giải quyết các vấn đề Brexit. Các bộ về EU (DEXEU) hay Thương mại quốc tế (DIT) cũng sẽ tuyển thêm người. Quốc hội Anh năm ngoái đã thông qua 412 triệu bảng Anh để chủ yếu chi thêm cho ngân sách của DEXEU và DIT. Ngoài ra, 250 triệu bảng nữa cũng được chuyển tới nhiều bộ khác để phục vụ giai đoạn 2017 - 2018, trong đó có Bộ Nội vụ.

Liên quan đến tiến trình Brexit, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble ngày 12-10 nhận định một "Brexit mềm" duy trì các thỏa thuận thương mại giữa Anh với EU sẽ là cách tốt nhất để hạn chế tối đa các tổn hại đối với cả London và Brussels.

Phát biểu trong một sự kiện bên lề phiên họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Schäuble bày tỏ hy vọng Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond và những người ủng hộ "Brexit mềm" (chỉ việc Anh duy trì quan hệ gần gũi với thị trường chung châu Âu) sẽ thuyết phục trên bàn đàm phán trong các vòng thương lượng sắp tới.

Đàm phán Brexit giữa Anh và EU hiện đã kết thúc vòng thứ năm và bế tắc lớn nhất hiện nay là vấn đề thực hiện các cam kết về thanh toán nghĩa vụ tài chính của Anh đối với liên minh này khi rời khỏi EU.

Trong tuần tới sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU, tại đó các lãnh đạo EU sẽ đánh giá liệu các bên đã thực sự đạt "tiến bộ đầy đủ" trong giai đoạn 1 của cuộc thương lượng để cho phép chuyển sang đàm phán về mối quan hệ thương mại giữa EU với Anh hậu Brexit, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3-2019./.