Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 08 đến 14-5-2017)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
22:16, ngày 17-05-2017

TCCSĐT - Ngày 11-5, Chính phủ của Thủ tướng New Zealand Bill English đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Như vậy, sau Nhật Bản, New Zealand đã trở thành quốc gia thứ 2 trong số 12 nước tham gia ký kết phê chuẩn văn kiện này.


Thủ tướng Chính phủ thành lập 2 Phân ban hợp tác với nước ngoài

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Phân ban hợp tác Việt Nam - Peru và Phân ban hợp tác Việt Nam - Uruguay. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Peru; thành lập Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Đông Uruguay.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải làm Chủ tịch 2 Phân ban trên. Thư ký 2 Phân ban là cán bộ cấp Vụ của Văn phòng Chính phủ. Các thành viên thường trực của 2 Phân ban gồm đại diện cấp Vụ các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ. Tùy theo nội dung từng kỳ họp, Chủ tịch Phân ban có thể mời đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan tham gia.

Nhiệm vụ của Phân ban hợp tác Việt Nam - Peru được quy định tại Điều 2 Hiệp định về việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ về các vấn đề kinh tế và hợp tác kỹ thuật giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Peru ký ngày 27-8-2015.

Còn nhiệm vụ của Phân ban hợp tác Việt Nam - Uruguay được quy định tại Điều 3 Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Đông Uruguay ký ngày 09-12-2013.

Các thành viên 2 Phân ban nêu trên làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực công tác được giao và tuân thủ các quy định tại Quyết định số 30/2016/QĐ-TTg ngày 28-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ với nước ngoài.

Việt Nam - EU hoàn tất đàm phán chống khai thác gỗ bất hợp pháp

Ngày 11-5, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT).

Hiệp định sẽ giúp cải thiện quản trị rừng, giải quyết khai thác bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp và thúc đẩy thương mại sản phẩm gỗ hợp pháp được xác nhận từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác.

Sau gần 6 năm đàm phán, hai trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam và EU là tiến sỹ Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và bà Astrid Schomaker, Vụ trưởng Vụ Phát triển bền vững toàn cầu, Tổng cục Môi trường của Ủy ban châu Âu, đã ký tắt lời văn của Hiệp định VPA/FLEGT. Việc ký kết này đánh dấu việc kết thúc chính thức tiến trình đàm phán hiệp định.

Hai bên sẽ tiến hành rà soát pháp lý lời văn hiệp định đã được thỏa thuận, sau đó hiệp định sẽ được dịch sang các ngôn ngữ chính thức của EU và tiếng Việt. Trước khi hiệp định có hiệu lực, mỗi bên sẽ phải hoàn thiện thủ tục ký kết và thông qua phù hợp với các quy trình nội bộ.

Để triển khai hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS) để bảo đảm rằng gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm các hệ thống xác minh gỗ nhập khẩu đã được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với các quy định có liên quan tại nước khai thác. Hiệp định cũng quy định cơ chế khiếu nại và đánh giá độc lập, cũng như các cam kết để các bên có thể tham dự vào tiến trình thực thi và công bố thông tin.

Một Ủy ban thực thi hỗn hợp (JIC) sẽ giám sát việc thực thi hiệp định. Trong khi hiệp định chưa có hiệu lực, hai bên cũng đã thống nhất các yếu tố then chốt cho các sắp xếp/chuẩn bị quản trị tạm thời và các biện pháp khác để chuẩn bị cho việc thực thi hiệp định.

Sau khi được thực thi đầy đủ, các lô gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ phải có giấp phép FLEGT chứng minh tính hợp pháp. Trước khi cấp phép FLEGT, sẽ có một giai đoạn thực thi và đánh giá để xác minh rằng tất cả các cam kết đưa ra trong Hiệp định VPA đã được hoàn thành và hệ thống được đưa vào vận hành đáp ứng các tiêu chí sẵn sàng vận hành như được quy định tại một Phụ lục tương ứng của hiệp định.

Ngoài vô số các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường gắn với việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, việc cấp phép FLEGT cũng sẽ đơn giản hóa giao dịch của thương nhân gỗ do các sản phẩm được cấp phép FLEGT đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU - những yêu cầu cấm các sản phẩm gỗ bất hợp pháp tại thị trường EU. Theo đó, các chủ thể của EU có thể đưa ra các sản phẩm gỗ được cấp phép FLEGT vào thị trường EU mà không phải thực hiện trách nhiệm giải trình theo quy định trong quy chế của EU.

Việt Nam là một trong 15 quốc gia đang đàm phán Hiệp định VPA với EU. Vào ngày 15-11-2016, Indonesia trở thành nước đầu tiên cấp phép FLEGT.

Dự báo Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu tăng trưởng ở châu Á


Hãng tin Bloomberg dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang nắm lấy vai trò dẫn đầu tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á. Theo dự báo này, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hằng năm của nhóm ASEAN 5, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ vượt mức 5% trong thời gian từ nay đến năm 2022.

Theo ngân hàng Nomura, dân số lão hóa sẽ hạn chế tốc độ tăng trưởng tiềm năng của tất cả các nền kinh tế lớn ở khu vực Bắc Á trong những năm sắp tới, trong khi tốc độ tăng trưởng tiềm năng của các nền kinh tế Đông Nam Á có thể tăng lên, ngoại trừ Singapore.

Công ty tư vấn và kiểm toán Ernst & Young dự báo vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đạt trung bình 110 tỷ USD mỗi năm trong thời gian từ nay đến năm 2025.

Ông Max Loh, Giám đốc khu vực ASEAN và Singapore của Ernst & Young cho biết: “Không may là luôn có những trở ngại khi bạn cố gắng làm việc này. Một vài trong số những dự án này là dự án xuyên quốc gia. Bởi vậy bạn sẽ phải vượt qua được những vấn đề về chính trị, xã hội và kinh tế”. Cũng theo ông Loh, khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, các nước Đông Nam Á cần giữ vững hướng đi đúng.

Ông Max Loh cho biết thêm: “Trong bối cảnh sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc và dân túy ở nhiều quốc gia, sẽ là sai lầm nếu các nước đi thụt lùi trong vấn đề toàn cầu hóa. Nhưng nếu các quốc gia xích lại gần nhau và có một tầm nhìn chung, họ sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng cao”.

Ngoài ra, các nước Đông Nam Á cũng đang thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Viễn cảnh tăng trưởng khả quan của kinh tế Đông Nam Á đang thu hút nhiều công ty đa quốc gia như Coca-Cola, tập đoàn đồ uống đang mở rộng hoạt động ở Việt Nam và Myanmar.

Hãng công nghệ Mỹ Apple đang xây dựng trung tâm nghiên cứu ở Indonesia, trong khi hãng bia Heineken đang cạnh tranh với các đối thủ Anheuser-Busch InBev, Asahi và Kirin để thâu tóm cổ phần trong Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn của Việt Nam. Những dự án này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc di chuyển hàng hóa, dịch vụ và con người giữa các nước ASEAN.

Sau Nhật Bản, New Zealand chính thức thông qua hiệp định TPP

Ngày 11-5, Chính phủ của Thủ tướng New Zealand Bill English đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Như vậy, sau Nhật Bản, New Zealand đã trở thành quốc gia thứ 2 trong số 12 nước tham gia ký kết phê chuẩn văn kiện này.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay đã hoan nghênh quyết định trên, nhấn mạnh hiệp định TPP "vẫn có giá trị cả về kinh tế lẫn chiến lược". Ông khẳng định New Zealand sẽ tích cực tìm kiếm và thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho TPP, đồng thời hy vọng các đối tác tham gia ký kết cũng sẽ sớm thông qua hiệp định này trong những tháng tới.

Quyết định trên được nội các New Zealand đưa ra chỉ vài ngày trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng nước này Bill English đến Nhật Bản nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế.

New Zealand và Nhật Bản là 2 trong số 11 nước còn lại tham gia các cuộc đàm phán về tương lai của TPP, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này hồi tháng 1 vừa qua.

Một số nguồn thạo tin cho biết một số nước tham gia ký kết TPP, trong đó có Nhật Bản và New Zealand, đang thảo luận về khả năng để đưa hiệp định này có hiệu lực dù không có Mỹ.

Đầu tư vào điện gió tại châu Âu đạt 43 tỷ euro trong năm 2016

Hiệp hội năng lượng gió châu Âu (WindEurope) ngày 09-5 cho biết đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió tại châu Âu đạt 43 tỷ euro trong năm ngoái, tăng 22% so với năm 2015.

Lâu nay, ngành năng lượng gió đã thu hút được rất nhiều vốn đầu tư, bao gồm các khoản dành cho xây dựng các tuốcbin gió mới, tái cấp vốn hoạt động, mua dự án hoặc tăng vốn.

Tiền dành cho đầu tư xây dựng mới các trạm phong điện chiếm 27,6 tỷ euro năm 2016, trong đó riêng đầu tư cho các tuốcbin gió đặt ngoài biển đạt mức kỷ lục 18,2 tỷ euro. Ngược lại, lần đầu tiên trong 5 năm qua đã ghi nhận mức đầu tư cho xây dựng các trạm phong điện mới trong đất liền giảm còn 9,4 tỷ euro.

Các thị trường chính đầu tư cho các dự án mới về năng lượng gió là nước Anh với 12,7 tỷ euro và Đức với 5,3 tỷ euro. Tại Bỉ, các khoản đầu tư đạt 2,3 tỷ euro, so với con số 0,92 tỷ euro của năm 2015.

WindEurope cho biết chỉ riêng bốn nước Anh, Đức, Bỉ và Na Uy đã chiếm đến 80% tổng các khoản đầu tư mới vào khai thác năng lượng gió. Tổ chức này cũng bày tỏ lo ngại khi năm 2016 có tới 14 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã không triển khai một dự án mới nào trong lĩnh vực trên. Tuy nhiên, WindEurope cũng dự báo mức độ đầu tư vào lĩnh vực này sẽ giảm trong năm nay.

Sự suy giảm này là do một số lượng lớn các dự án đầu tư vào năng lượng gió đã được triển khai trong vòng 2 năm qua trước khi nhiều nước chuyển sang áp dụng cơ chế đấu giá trong mua bán điện./.