TCCSĐT - Tại buổi họp ​Chính phủ tổ chức chiều 30-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng ​đã đưa ra dự báo ​về mức lạm phát cả năm 2016 ​có thể tăng cao hơn mục tiêu quốc hội đề ra. Một trong những nguyên nhân ​theo Bộ trưởng ​là khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng âm sau 6 tháng, trong đó nông nghiệp giảm 0,73% đã để lại hậu quả nặng nề cho mùa vụ sau. 


Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng trưởng dương năm thứ 2 liên tiếp

Thông tin mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, sáu tháng đầu năm 2016, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khá đều qua các tháng và là năm thứ 2 liên tiếp có tăng trưởng dương từ đầu năm. Trong đó, tăng chủ yếu ở tín dụng đồng Việt Nam, trong khi dư nợ ngoại tệ vẫn tiếp tục giảm.

Theo đó, tính đến ngày 24-6-2016, tín dụng nền kinh tế tăng 6,82% so với cuối năm 2015 và tăng cao hơn so với cùng kỳ (sáu tháng đầu năm 2015 tăng 6,37%). Tín dụng bằng đồng Việt Nam tăng 8,11% so với cuối năm 2015, tăng 22,95% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 90,8% tổng tín dụng nền kinh tế. Trong khi đó, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 4,64% so với cuối năm 2015.

Sáu tháng qua, ngành Ngân hàng đã cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.029.792 tỷ đồng, tăng 2,62%, chiếm tỷ trọng 20,1% tổng dư nợ nền kinh tế. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng Sáu ước đạt 886.000 tỷ đồng, tăng 4,98% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế.

Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng so với cuối năm 2015, cụ thể là: Cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 183.418 tỷ đồng, tăng 5,53%, chiếm tỷ trọng 3,41% tổng dư nợ nền kinh tế; cho vay lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển đạt 121.527 tỷ đồng, tăng 2,37%, chiếm tỷ trọng 2,26% tổng dư nợ nền kinh tế; cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 28.617 tỷ đồng, tăng 1,45%, chiếm tỷ trọng 0,53% tổng dư nợ nền kinh tế.

Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước định hướng dư nợ tín dụng tăng khoảng 18 - 20% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế phục vụ cho tăng trưởng kinh tế theo chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra.

"Lạm phát cả năm có thể tăng cao hơn mục tiêu quốc hội đề ra"

Tại buổi họp Chính phủ tổ chức chiều 30-6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra dự báo về mức lạm phát cả năm 2016 có thể tăng cao hơn mục tiêu quốc hội đề ra. Một trong những nguyên nhân theo Bộ trưởng là khu vực nông lâm thủy sản tăng trưởng âm sau 6 tháng, trong đó nông nghiệp giảm 0,73% đã để lại hậu quả nặng nề cho mùa vụ sau.

Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách đang ở mức cao do mức chi ngân sách vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Năm 2015 bội chi tăng lên 6,1% GDP, cao hơn mục tiêu đề ra trong kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 là 4,5% và khả năng năm 2016 mức bội chi vẫn vượt trần cho phép.

Tính trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2015, trong đó chỉ số giá các nhóm dịch vụ y tế tăng 34,02%, dịch vụ giáo dục tăng 2,61% trong khi các chỉ số này 6 tháng đầu năm 2015 chỉ là 0,98% và 0,13%.

Trong tháng, có 10/11 nhóm hàng chính tăng giá trong tháng trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông với mức tăng 2,99% so với tháng trước. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng 2 lần từ ngày 20-5 đến ngày 04-6 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,46% so với tháng trước. Ngoài ra, chỉ số giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm 6 tháng đầu năm nay cũng đã tăng khá mạnh so với mức tăng của năm 2015. Với những diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, giá của các mặt hàng này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2016.

Cũng do tác động của giá dầu thô thế giới khiến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao thứ 2 với mức tăng 0,55%. Chỉ số giá tiêu dùng nhóm hàng này tăng chủ yếu do các mặt hàng dầu hỏa và giá gas bán lẻ trong nước tăng liên tục trong thời gian qua trong khi giá các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép ổn định.

Theo dự báo, dư địa tăng giá của dầu thô và ảnh hưởng từ sự sụt giảm của nhóm nông lâm sản sẽ tiếp tục gây áp lực lên mặt bằng giá và đầu vào của nhiều ngành sản xuất.

Thị trường dầu mỏ, vàng và chứng khoán đồng loạt khởi sắc

Giá dầu mỏ thế giới ngày 29-6 bật tăng mạnh trong bối cảnh lượng dầu thô dự trữ tại Mỹ sụt giảm nhiều hơn dự kiến và những lo ngại xung quanh vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) lùi dần.

Chốt phiên trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8-2016 tăng 2,03 USD lên 49,88 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 2,03 USD lên 50,61 USD/thùng.

Thị trường dầu mỏ đi lên sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy những lo ngại xung quanh vấn đề Brexit và tác động của nó đến nền kinh tế toàn cầu đã lắng dịu. Một yếu tố khác tác động tích cực đến giá "vàng đen" là việc Bộ Năng lượng Mỹ thông báo dự trữ dầu thương mại tại nước này hồi tuần trước giảm đến 4,1 triệu thùng xuống còn 526,6 triệu thùng - mức giảm gấp đôi so với dự báo. Cùng với đó, sản lượng dầu thô của Mỹ cũng đang trong xu hướng giảm.

Ngoài ra, theo giới phân tích, mối đe dọa về khả năng cuộc đình công trong ngành dầu khí Na Uy làm ảnh hưởng đến nguồn cung và việc hai cơ sở khai thác dầu ngoài khơi Vịnh Mexico đóng cửa cũng là những yếu tố hỗ trợ thị trường năng lượng trong phiên 29-6.

Cùng ngày, giá vàng thế giới cũng đảo chiều đi lên giữa bối cảnh đồng USD mất giá và nhu cầu tìm đến các tài sản an toàn của giới đầu tư tiếp tục tăng mạnh do vẫn tồn tại những lo ngại về nguy cơ bất ổn tài chính trong dài hạn hậu Brexit.

Chốt phiên trên sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao tháng 10-2016 tăng 9 USD (0,68%), lên 1.326,90 USD/ounce. Giá bạc giao ngay trong phiên này cũng bật tăng 3,9%, lên 18,44 USD/ounce, mức cao nhất trong 18 tháng qua.

Mối quan ngại về những tác động của Brexit đối với nền kinh tế toàn cầu giảm dần cũng đã tạo tác động tích cực giúp thị trường chứng khoán Âu - Mỹ tăng điểm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày 29-6. Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,6% lên 17.694,68 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 1,7% và 1,9% lên 2.070,771 điểm và 4.779,25 điểm.

Tại châu Âu, các sàn chứng khoán cũng ngập tràn sắc xanh. Chỉ số FTSE 100 trên sàn London, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt và chỉ số CAC 40 tại Paris tăng lần lượt 3,6%, 1,75% và 2,6% lên các mức 6.360,06 điểm, 9.612,27 điểm và 4.195,32 điểm. Chỉ số Eurostoxx 50 cũng nhích thêm 2,7% lên mức 2.832,18 điểm.

Liên minh châu Âu đặt điều kiện cho Anh tiếp cận thị trường chung

AFP đưa tin, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU) ngày 29-6 đã nhất trí rằng Anh không thể tiếp cận thị trường chung EU sau khi rời khỏi liên minh này mà không chấp nhận các quy tắc về dịch chuyển tự do của khối.

Phát biểu họp báo sau cuộc họp của 27 lãnh đạo EU không có sự tham dự của Thủ tướng Anh David Cameron, ông Donald Tusk nói: “Sẽ không có sự tự chọn về thị trường chung. Các nhà lãnh đạo ngày hôm nay đã làm rõ rằng việc tiếp cận thị trường chung đòi hỏi sự chấp thuận tất cả 4 nguyên tắc tự do bao gồm cả tự do dịch chuyển”.

Ông Tusk cho biết thêm 27 nhà lãnh đạo EU cũng sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao - mà không có sự tham dự của Anh - tại Bratislava vào ngày 16-9 tới để tiếp tục thảo luận về hậu quả của việc Anh quyết định rời liên minh.

EU công bố quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga

Ngày 01-7, Liên minh châu Âu (EU) công bố gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Trong một tuyên bố, EU nêu rõ Hội đồng châu Âu đã quyết định kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào những lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế Nga cho đến ngày 31-01-2017, sau khi các biện pháp hiện hành hết hiệu lực vào cuối tháng 7-2016.

Các biện pháp trừng phạt này chủ yếu nhằm vào các ngành năng lượng, tài chính và quốc phòng của Nga. EU sẽ hạn chế tiếp cận các thị trường tài chính sơ cấp và thứ cấp của khối này đối với 5 thực thể tài chính nhà nước lớn của Nga và các công ty chi nhánh được thành lập bên ngoài EU, cũng như 3 tập đoàn năng lượng và 3 tập đoàn quốc phòng lớn của Nga. Quyết định này đã được các đại sứ của EU nhất trí thông qua từ hôm 21-6.

Trung tuần tháng 6 vừa qua, EU cũng gia hạn thêm một năm những biện pháp trừng phạt khác, vốn được áp đặt sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014. Ngoài các biện pháp cấm vận kinh tế, đầu năm 2014, EU cũng áp đặt lệnh cấm thị thực và đóng băng tài sản đối với một số cá nhân người Nga và Ukraine liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.

OECD nhóm họp nhằm tăng cường nỗ lực ngăn chặn nạn trốn thuế

Ngày 30-6, tại thành phố Kyoto của Nhật Bản, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã bắt đầu hội nghị hai ngày nhằm tăng cường nỗ lực toàn cầu ngăn chặn nạn trốn thuế, trong bối cảnh gia tăng quan ngại sau vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”.

Tại hội nghị, Ủy ban về các Vấn đề tài chính của OECD sẽ kêu gọi thêm nhiều nước tham gia các nỗ lực tiến hành áp dụng các quy định quốc tế cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế của các công ty đa quốc gia. Ủy ban này cũng sẽ thảo luận cách thức xác định các nước không hợp tác trong nỗ lực tìm kiếm sự minh bạch về hệ thống thuế, trước khi triển khai sáng kiến trao đổi thông tin thuế có sự tham gia của khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ vào năm tới.

Để triển khai hiệu quả hơn sáng kiến trên, Ủy ban sẽ xem xét lập danh sách đen sớm nhất vào năm tới xác định nước nào không tuân thủ tiêu chuẩn để áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Hội nghị trên diễn ra sau khi G20 sau cuộc họp vào tháng Tư vừa qua yêu cầu OECD thiết lập các tiêu chuẩn khách quan nhằm định rõ thẩm quyền. Kết quả hội nghị tại Kyoto sẽ được thông báo trước Hội nghị G20 vào tháng Bảy tới./.