Phát huy vai trò của văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững ở tỉnh Quảng Ninh
Trong đời sống xã hội đương đại, với bề dày lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng đã góp phần hình thành nên hệ giá trị văn hóa dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nhận thức rõ vai trò của văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng với tính cách là nguồn sức mạnh mềm tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng phát huy nguồn lực tôn giáo, tín ngưỡng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, nhất là trên khía cạnh di sản văn hóa tinh thần, điều này có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Một số vấn đề chung về vai trò của văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống xã hội đương đại
Với tư cách là một thành tố của văn hóa, tôn giáo trở thành một bộ phận cấu thành tất yếu của hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận tôn giáo ở góc độ văn hóa. Người viết: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn(1). Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới nhận thức về tôn giáo, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ coi trọng và đánh giá đúng mức những giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo như đã chỉ rõ trong Nghị quyết số 24-NQ/TW từ cuối năm 1990 mà hơn nữa, còn xem tôn giáo như một nguồn lực xã hội đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội đúng như chức năng, truyền thống, giá trị văn hóa, tinh thần tốt đẹp vốn có của các tôn giáo đã được khẳng định như một điểm mới nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII. Nguồn lực tôn giáo ở đây mang nội hàm rộng lớn, như trong giáo dục con người, trong phát triển kinh tế, trong an sinh xã hội và trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đó vừa là nguồn lực vật chất, vừa là nguồn lực tinh thần. Từ khía cạnh nguồn lực tinh thần, tôn giáo có những đóng góp tiêu biểu trên phương diện giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, tạo nền tảng văn hóa, tinh thần cho toàn bộ đời sống xã hội(2).
Tôn giáo đồng hành lâu dài với dân tộc và đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa vừa phong phú, đa dạng, vừa độc đáo, riêng có ở Việt Nam. Trong quá trình tồn tại và phát triển, tôn giáo không chỉ thuần túy chuyển tải đức tin mà quan trọng hơn là chuyển tải văn hóa, văn minh của cộng đồng xã hội. Di sản văn hóa tôn giáo được chuyển giao qua các thế hệ con người Việt Nam trong các sinh hoạt vật chất và tinh thần đã góp phần tạo nên sự bền vững, trường tồn của văn hóa dân tộc. Nhiều công trình kiến trúc tráng lệ của tôn giáo được bảo tồn, tôn tạo trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia, là điểm danh thắng, du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút khách thập phương. Phật giáo nổi bật với kiến trúc của các ngôi chùa được thiết kế theo kiểu chữ Đinh, chữ Tam, chữ Quốc,… Công giáo đóng góp cho nghệ thuật kiến trúc dân tộc những nhà thờ, tháp chuông. Hồi giáo với lối kiến trúc đặc sắc của các thánh đường. Cao Đài tập trung những quần thể kiến trúc thánh thất riêng có của tôn giáo nội sinh này. Các công trình kiến trúc của các tôn giáo không chỉ ẩn chứa nghệ thuật kiến trúc mà còn là những tác phẩm hội họa, điêu khắc, tạo hình, tạo tượng tinh tế, đầy giá trị thẩm mỹ. Ngoài ra, từ những câu chuyện thần thoại hấp dẫn trong kinh sách, đạo phục, nghi thức hành lễ, cách trang trí đồ thờ tự cho đến những bản nhạc, lời ca, điệu múa tôn giáo… đều tô đượm, làm giàu thêm cho nền văn hóa dân tộc. Di sản âm nhạc tôn giáo vô cùng phong phú. Lễ nhạc Phật giáo với tiếng chuông, mõ, khánh, đẩu ngân vang trong không gian linh thiêng của chốn thiền môn chuyển tải nội dung tư tưởng, giáo lý Phật giáo song hòa quyện, thấm đẫm âm hưởng dân tộc. Di sản nghệ thuật thanh sắc của Công giáo với những bài thánh ca, bình ca là sản phẩm của sự pha trộn giữa nền văn minh Trung cận Đông cổ xưa với nền văn minh phương Tây. Lễ nhạc Cao Đài tổ chức trong không gian đàn cúng huyền diệu vốn được dung dưỡng trong nền văn hóa truyền thống của dân tộc, mang đậm phong cách âm nhạc dân tộc(3). Không chỉ là những di sản mang giá trị văn hóa vật chất, rất nhiều di sản còn chuyển tải diện mạo tinh thần, hồn cốt dân tộc.
Bên cạnh hệ giá trị văn hóa của các tôn giáo thể hiện thông qua các di sản tôn giáo, các hình thức tín ngưỡng ở Việt Nam cũng chuyển tải nhiều giá trị văn hóa và được bảo lưu qua các thế hệ trong hàng nghìn năm lịch sử. Thông qua các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội, hệ giá trị văn hóa của dân tộc được củng cố và ngày càng bền chặt.
Trong bề dày lịch sử dân tộc, tín ngưỡng đã góp phần gìn giữ, bảo lưu các giá trị, tập quán văn hóa truyền thống, làm sống dậy nhiều ký ức văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt nghệ thuật của cha ông. Trong mỗi hình thức tín ngưỡng, hệ thống các truyền thuyết, huyền thoại, thần tích, nghi lễ thờ phụng,… đều để lại những giá trị nhất định về văn hóa lịch sử. Một số hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội gắn chặt với các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, như những điệu múa lên đồng, hát chầu văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu; hát chèo, hát ả đảo, hát xoan, hát giao duyên trong hát cửa đình của lễ hội làng. Một số khác gắn với các trò múa dân gian (như múa Tùng Dí, múa Ông Đùng, Bà Đà, múa lân, múa ếch vồ,…), hay các trò diễn dân gian (như cướp kèn, cướp dò, kéo co, đấu vật, đua thuyền, giã gạo, bắt chạch trong chum, chọi gà, bắt vịt, chọi trâu, rước nước,…) nhằm tái hiện công trạng, thành tích tiêu biểu của các vị thần. Trong các nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, di sản âm nhạc hiếm hoi của các tộc người với việc sử dụng các nhạc cụ truyền thống như cồng, chiêng, trống, thanh la, chũm chọe,… đã được lưu giữ toàn vẹn. Rõ ràng, thông qua các sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân, nhiều hình thức múa hát, âm nhạc cổ truyền, nghệ thuật sân khấu, trò chơi dân gian được trao truyền, bảo lưu, không bị phai nhạt, mai một theo thời gian.
Không chỉ trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể, các hình thức tín ngưỡng còn làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của người Việt trên lĩnh vực văn hóa vật thể. Nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc trên cửa đình, cửa đền, cửa miếu ghi lại dấu ấn sâu đậm về đời sống tín ngưỡng của cha ông. Những biểu tượng trên các ngôi đình, đền, miếu từ hình khối, đường nét chạm khắc, màu sắc, bố cục, kết cấu vừa thể hiện sự sáng tạo kỳ diệu bởi bàn tay, khối óc của các nghệ nhân, vừa phản ánh khá toàn diện mạch ngầm của văn hóa làng xã(4).
Với nhiều giá trị nhân văn tiến bộ, ngày nay, tôn giáo, tín ngưỡng đã góp phần bổ sung, làm phong phú hệ giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vì lẽ đó, vấn đề phát huy vai trò của văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ẩn chứa trong các tôn giáo, tín ngưỡng được đặt ra nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho việc khơi dậy nguồn sức mạnh tổng hợp, tạo đà tăng trưởng và phát triển bền vững đất nước.
Phát huy vai trò của văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng cho sự phát triển nhanh và bền vững ở tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, trung du, nằm ở vùng duyên hải thuộc Đông Bắc Bộ Việt Nam. Đây là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với nhiều di sản và kì quan thiên nhiên thế giới. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh không chỉ sở hữu tiềm lực phát triển kinh tế với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào mà còn sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa với hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú, đa dạng. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nguồn tài nguyên văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng quý giá vô tận. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có 459 di tích tôn giáo, tín ngưỡng (chiếm 91% tổng số di tích lịch sử và chiếm 75,5% toàn bộ di tích trong tỉnh)(5). Trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế rộng mở, việc định vị đúng giá trị di sản văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng và khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của nó cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh là hướng đi đúng đắn và phù hợp.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 4 tôn giáo lớn hoạt động là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, với trên 190.000 tín đồ, chiếm 16,6% dân số toàn tỉnh(6). Trong đó, Phật giáo có khoảng 155.000 phật tử, trên 600 chức sắc, nhà tu hành và 150 cơ sở tự viện; Công giáo có khoảng 43.000 giáo dân, 14 linh mục, 255 chức việc và 44 nhà thờ, nhà nguyện; Tin Lành có 1.082 tín đồ, 25 chức sắc, 46 điểm nhóm thường xuyên sinh hoạt thuộc 14 tổ chức, hệ phái; Cao Đài có 214 tín đồ, 9 chức sắc, 14 chức việc, 1 cơ sở thánh thất, 5 tổ nghi lễ, điểm sinh hoạt(7). Số lượng lớn cơ sở thờ tự của các tôn giáo là nguồn tài nguyên dồi dào và đặc biệt, có sức hấp dẫn để thu hút khách thập phương đến tham quan, du lịch.
Đáng lưu ý, tỉnh Quảng Ninh là nơi phát tích của triều Trần, nơi gắn liền với những nhân tài anh kiệt thời Trần, cũng là nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm, nơi viên tịch của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đây là nơi có chùa Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của nước ta. Đặc biệt, tỉnh có Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là nơi khởi nguồn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền “thuần Việt”, mang nét đặc sắc riêng có của Việt Nam. Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử hằng năm đón từ 1,5 đến 2 triệu lượt khách, dự báo sẽ được phê duyệt trở thành Di sản thế giới và có đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh và ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam.
Về các hình thức tín ngưỡng, tỉnh Quảng Ninh là vùng đất hội tụ đầy đủ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ các vị tướng lĩnh nhà Trần có công với nước, tín ngưỡng thờ các vị thành hoàng, tín ngưỡng thờ các vị thần tự nhiên (Sơn thần, Thổ thần, Thủy thần,…) và tín ngưỡng thờ các Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn,…). Hệ thống công trình kiến trúc tín ngưỡng bao gồm am, tháp, bia, đền, đình, miếu, nhà thờ họ, lăng mộ,… phân bố trải khắp trong toàn tỉnh. Nhiều di tích tín ngưỡng được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, là nguồn di sản văn hóa vật thể có giá trị để phát triển du lịch tâm linh. Bên cạnh số lượng lớn di sản văn hóa vật thể, Quảng Ninh còn được biết đến là tỉnh lưu giữ hàng nghìn hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tồn tại dưới dạng những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc sinh sống trên toàn tỉnh.
Với nhiều dân tộc thiểu số anh em cùng cư trú từ lâu đời, tỉnh Quảng Ninh còn là nơi hội tụ sự đa dạng văn hóa tín ngưỡng, lễ hội của các tộc người. Xác định rõ tầm quan trọng của việc gìn giữ, khai thác và phát huy văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều dự án, đề án về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dựa trên tinh thần đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm và một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nhằm cụ thể hóa tinh thần nghị quyết này, Sở Văn hóa, Thể thao, Sở Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh cùng các địa phương đã tích cực bảo lưu và duy trì các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của các dân tộc cùng cư trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh(8).
Những năm gần đây, một kết quả đáng ghi nhận trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là việc phục dựng và tổ chức nền nếp các lễ hội văn hóa của đồng bào. Đây chính là hệ thống di sản văn hóa tín ngưỡng vô cùng phong phú, đa dạng của tỉnh. Các lễ hội thường gắn với những di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu như lễ hội đình Trà Cổ tại di tích đình Trà Cổ, thành phố Móng Cái; lễ hội Quan Lạn tại khu di tích lịch sử đình, nghè, miếu, chùa Quan Lạn, huyện Vân Đồn; lễ hội đình Yên Cư, thành phố Hạ Long; lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ, lễ hội đình Trới, huyện Hoành Bồ; lễ hội Tiên Công tại di tích Miếu Tiên Công và các di tích nhà thờ họ ở đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên. Khu vực tập trung nhiều lễ hội truyền thống nhất là thị xã Đông Triều (19 lễ hội) và thị xã Quảng Yên (11 lễ hội). Hằng năm, toàn tỉnh có 59 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức, trong đó có các lễ hội lớn diễn ra vào dịp đầu năm như: Lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội chùa Quỳnh Lâm, lễ hội chùa Lôi Âm, lễ hội đình Làng Dạ, lễ hội đình Lục Nà, lễ hội đình Đầm Hà,… Năm 2016, tỉnh lập 6 hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể là: Lễ cấp Sắc của tộc người Dao Thanh Phán, huyện Hoành Bồ; Then nghi lễ tộc người Tày, huyện Bình Liêu và di sản văn hóa phi vật thể Hát nhà tơ (hát, múa cửa đình); Lễ hội đình Quan Lạn, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn; Lễ hội đình Trà Cổ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái; Lễ hội đền Cửa Ông, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 3/6 di sản chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Then nghi lễ tộc người Tày, huyện Bình Liêu; Hát nhà tơ (Hát cửa đình) tỉnh Quảng Ninh và Lễ hội đền Cửa Ông, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả(9).
Từ sự quan tâm đúng mức của tỉnh Quảng Ninh đến việc duy trì, bảo tồn và lan tỏa các di sản văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhiều giá trị văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc, từ kiến trúc nghệ thuật, nghi thức, nghi lễ cho đến diễn xướng, trang phục, ẩm thực,... được gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ. Đặc biệt, tầm nhìn chiến lược của tỉnh hiện nay là tận dụng nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào trong các di sản văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống cho phát triển kinh tế, nhất là phát triển ngành công nghiệp không khói - du lịch tâm linh, góp phần nâng cao đời sống của người dân, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thiết nghĩ, thời gian tới, trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh phát triển mạnh mẽ, nếu biết khai thác nguồn tài nguyên tôn giáo, tín ngưỡng với những nét đặc thù gắn với phong tục tập quán và văn hóa truyền thống, chắc chắn, một mặt, tỉnh Quảng Ninh có thể góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đến với thế giới, mặt khác, có thể đóng góp nguồn lực trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Vấn đề đặt ra là khai thác, phát huy nguồn tài nguyên tôn giáo, tín ngưỡng như thế nào để vừa chuyển tải bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, vừa phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch tâm linh. Nên chăng, việc khai thác, phát huy cần có chiến lược lâu dài, tránh tự phát, cục bộ, mạnh đâu làm đó, làm mất bản sắc của di sản. Hơn nữa, khai thác luôn phải gắn với bảo tồn để di sản được gìn giữ một cách lâu dài, bền vững, tránh tình trạng làm cho di sản ngày càng bị xuống cấp. Khai thác phải chú trọng đến những giá trị ẩn chứa bên trong (giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị nghệ thuật thẩm mỹ), chứ không chỉ khai thác những yếu tố bên ngoài (kiến trúc, nghi lễ, âm nhạc, hội họa).
Thêm vào đó, khai thác, phát huy nguồn tài nguyên tôn giáo, tín ngưỡng ở tỉnh Quảng Ninh cần được xác định là nhiệm vụ chung và cần có sự phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành. Ngành khoa học công nghệ nghiên cứu, phát hiện, tìm kiếm các giá trị di sản tôn giáo, tín ngưỡng. Ngành văn hóa, thể thao, du lịch tỉnh giữ trách nhiệm trực tiếp trong trùng tu, tôn tạo di tích, phục dựng, duy trì các lễ hội truyền thống,… Với chức năng của cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, ngành văn hóa, thể thao, du lịch cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để gìn giữ di sản, quy hoạch vùng bảo vệ di sản, lập hồ sơ di sản, tránh các tác nhân từ thiên nhiên, con người làm xâm hại di sản; làm tốt công tác tổ chức, giới thiệu, quảng bá di sản đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế để thu hút đông đảo khách du lịch đến với Quảng Ninh. Ngành du lịch cần khai thác, tận dụng các giá trị của di sản tôn giáo, tín ngưỡng để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội(10). Sự phối hợp nhịp nhàng theo đúng chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động văn hóa trong bảo tồn và phát huy di sản tôn giáo, tín ngưỡng sẽ bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả cao và đúng định hướng chiến lược./.
------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 431
(2) Xem: Chu Văn Tuấn, Nguyễn Thành Trung: “Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với khai thác di sản tôn giáo, tín ngưỡng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam, số 60 (11), tháng 11-2018, tr. 60 - 61
(3) Xem: Lê Văn Lợi: “Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong công cuộc đổi mới đất nước”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 12, năm 2013
(4) Xem: Thường Tín: “Tín ngưỡng phồn thực và ngôi đình làng Bắc bộ”, Tạp chí Văn hóa cổ truyền, số 297, năm 2009, tr. 41 - 43
(5) http://disanquangninh.gov.vn/introduction
(6) Xem: “Quảng Ninh: Tăng cường vận động, đoàn kết tôn giáo”, http://danvan.vn/Home/Cong-tac-ton-giao/11754/Quang-Ninh-Tang-cuong-van-dong-doan-ket-ton-giao
(7) Xem: “Làm tốt công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo”, https://baoquangninh.vn/lam-tot-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-tin-nguong-ton-giao-2484259.html.
(8) Xem: “Quảng Ninh: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”, https://bvhttdl.gov.vn/quang-ninh-bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-20220117080907124.htm.
(9) Xem: http://disanquangninh.gov.vn/introduction.
(10) Xem: Chu Văn Tuấn, Nguyễn Thành Trung: “Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với khai thác di sản tôn giáo, tín ngưỡng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam, số 60 (11), tháng 11-2018, tr. 58 - 63
Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh  (30/09/2023)
Thực hiện văn hóa công sở góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển của tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên