Mối quan hệ máu thịt giữa Quốc hội với nhân dân là điều kiện cơ bản bảo đảm Quốc hội là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để Quốc hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.

Mối quan hệ máu thịt giữa Quốc hội với nhân dân là điều kiện tiên quyết để Quốc hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Mối quan hệ đó được quy định ngay trong tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, hoạt động tiếp xúc cử tri và trong quá trình bầu cử, giám sát của cử tri đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

1 - Trong tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội

Lịch sử phát triển của Quốc hội gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong đó, Quốc hội ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn gắn bó máu thịt với nhân dân.

Quốc hội nước ta được tổ chức theo mô hình một viện nhằm bảo đảm thật sự là một tổ chức tập trung quyền lực của Nhà nước, thống nhất ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Quốc hội có quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm những người đứng đầu các cơ quan nhà nước khác. Nhiệm kỳ hoạt động của các cơ quan nhà nước do Quốc hội quy định theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Các cơ quan nhà nước ở trung ương được Quốc hội bầu, hoặc có thể bị bãi miễn, nên rất phụ thuộc vào sự tín nhiệm của Quốc hội.

Quyền lực to lớn đó của Quốc hội được nhân dân ủy thác để quản lý đất nước và bảo vệ lợi ích của nhân dân. Nhân dân thông qua Quốc hội để thực hiện quyền lực của mình. Những đại biểu Quốc hội mà nhân dân bầu ra, gắn bó được địa bàn hoạt động với công việc cụ thể để vừa làm luật, vừa tham gia tổ chức thực hiện luật và giám sát việc thi hành luật. Những đại biểu đó đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Họ là người thay thế nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội và luôn luôn phấn đấu theo lời dạy của Bác Hồ là: "Phải ra sức giữ vững độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hiện câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, với Tổ quốc"(1) và "không phải đại diện cho một đảng phái nào, mà là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam"(2).

Tính đại diện cao nhất của Quốc hội nước ta thể hiện ở chỗ: 1- Quốc hội có cơ cấu thành phần đại biểu đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; 2- Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trên cơ sở sự tín nhiệm của nhân dân, do nhân dân ủy quyền; 3- Quốc hội do toàn dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Đại biểu Quốc hội có cơ cấu, thành phần phản ánh sự đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp nhân dân và các dân tộc. Vì vậy, Quốc hội là đại biểu cho toàn thể quốc dân Việt Nam. "Quốc hội là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi"(3).

Xuất phát từ những đặc điểm ấy, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội luôn luôn chịu sự giám sát của nhân dân, bảo đảm cho nhân dân theo dõi quá trình làm việc của mình như tham dự các phiên họp, nghe chất vấn, trả lời chất vấn; Đồng thời đại biểu Quốc hội phải báo cáo hoạt động của mình tại đơn vị đã bầu cử mình.

Tính đại diện quyền lực nhà nước cao nhất cho nhân dân được Quốc hội thể hiện cụ thể ở việc hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ cơ bản của mình.

2 - Trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội

Quốc hội luôn luôn mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân thông qua việc hoàn thành tốt ba chức năng, nhiệm vụ cơ bản của mình là: lập hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Chức năng lập hiến và lập pháp, Quốc hội đã thể hiện là cơ quan duy nhất có quyền thông qua, sửa đổi Hiến pháp và luật. Hiến pháp và luật có vị trí vô cùng quan trọng, bởi vì nó thể hiện những đường lối cơ bản, những chủ trương lớn của Đảng đã được Nhà nước thể chế hóa và có hiệu lực thi hành trên toàn lãnh thổ nước ta. Các quy phạm pháp luật khác do các cơ quan nhà nước ban hành phải căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, không được làm trái.

Sáu mươi mốt năm qua, Quốc hội đã thông qua 4 Hiến pháp, đánh dấu những mốc son quan trọng của lịch sử Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thông qua hàng trăm luật, bộ luật, tạo nên cơ sở pháp lý quan trọng cho việc điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Quy trình xây dựng pháp luật ngày càng được cải tiến. Sự chuẩn bị, phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo luật và cơ quan thẩm tra luật đã có những bước tiến rõ rệt. Việc liên hệ chặt chẽ với nhân dân, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về các dự án luật quan trọng ngày càng được đề cao và đã trở thành cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp trong cả nước được nhân dân hào hứng đón nhận. Việc xem xét, thông qua các dự án luật tại kỳ họp Quốc hội luôn luôn được cải tiến, chú ý tập trung nâng cao chất lượng văn bản, nên khi thông qua thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Nhìn chung những văn bản pháp luật mà Quốc hội thông qua đã tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp, bảo đảm điều chỉnh các quan hệ xã hội, đổi mới hệ thống chính trị, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước, lập lại kỷ cương, củng cố quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh mở cửa, hội nhập quốc tế; đồng thời, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng như: quyết định kế hoạch và nhiệm vụ kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chính sách dân tộc, điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập các cơ quan cấp cao của Nhà nước, các chính sách cơ bản về đối nội, đối ngoại của Nhà nước...

Cốt lõi quyền lực của Nhà nước là quyền quyết định các vấn đề kinh tế - ngân sách. Vì vậy, hoạt động của Quốc hội về mặt này đã được tăng cường. Quốc hội đã quyết định kế hoạch kinh tế - xã hội dài hạn (5 năm) và nhiệm vụ kinh tế - xã hội hằng năm. Vai trò của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng được thể hiện rõ hơn trong việc quyết định dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách.

Quốc hội cũng đã bước đầu quyết định những yêu cầu cơ bản và danh mục các công trình quan trọng của quốc gia, cho ý kiến về xây dựng các công trình lớn; thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước ta và các nước láng giềng có chung đường biên giới; giữa nước ta và Hoa Kỳ về quan hệ thương mại; quyết định nước ta gia nhập WTO... tạo cơ sở cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa của Nhà nước ta.

Quốc hội đã quan tâm đến các chương trình xóa đói, giảm nghèo, chính sách đầu tư, phát triển ở các xã đặc biệt khó khăn; xem xét, quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trong cả nước, về đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu đã có tác dụng thiết thực.

Nhìn chung, việc Quốc hội xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng đổi mới và tiến bộ, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Những vấn đề được Quốc hội quyết định trước hết là vì lợi ích của nhân dân, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và kiện toàn bộ máy nhà nước, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Chức năng giám sát tối cao, Quốc hội giám sát toàn bộ hoạt động của Nhà nước, nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động của Nhà nước đúng pháp luật. Quốc hội giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội, của các cơ quan nhà nước ở trung ương, của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Những cơ quan chịu sự giám sát của Quốc hội, có trách nhiệm báo cáo công tác của mình trước Quốc hội. Những cá nhân do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nếu phạm sai lầm sẽ bị Quốc hội xem xét để miễn, hoặc bãi nhiệm.

Hoạt động giám sát của Quốc hội đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần bảo đảm cho bộ máy nhà nước và các cơ quan nhà nước hoạt động đúng chức năng, thực hiện Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; bảo đảm Hiến pháp, pháp luật, và chính sách của Nhà nước được thi hành nghiêm chỉnh. Gần đây, Quốc hội đã tích cực cải tiến, tìm những hình thức thích hợp như giám sát theo chuyên đề, đi sâu khảo sát, theo dõi sát sao việc giải quyết, kiến nghị sau giám sát về nhiều vấn đề đang sôi động trong đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều chuyên đề giám sát đã mang lại hiệu quả tích cực. Đặc biệt, Quốc hội đã tiến hành kiểm tra, giám sát cùng với Chính phủ và các cơ quan hữu quan tìm giải pháp phù hợp góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số vùng trọng điểm. Quốc hội đã cố gắng kết hợp giữa việc giám sát tại kỳ họp với hoạt động giám sát trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, giữa việc nghe báo cáo với việc cử đoàn đi địa phương, cơ sở và làm việc với các bộ, ngành. Các đoàn giám sát đã đi đến hầu khắp các địa phương trong cả nước, đặc biệt là đi đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tại kỳ họp, Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua việc nghe các cơ quan hữu quan báo cáo, ra nghị quyết về những vấn đề cụ thể. Giữa hai kỳ họp, Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Chất vấn là hình thức quan trọng hiện nay để Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình tại kỳ họp Quốc hội, ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội rất đa dạng, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước như: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thi hành pháp luật, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Trung bình mỗi kỳ họp Quốc hội có khoảng 150 - 200 ý kiến chất vấn. Hầu hết các chất vấn đều được trả lời. Thời gian trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường đã được bố trí nhiều hơn. Sau mỗi lần bộ trưởng trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội còn có thể phát biểu ý kiến, đối thoại về các vấn đề đó. Các đại biểu Quốc hội đã sử dụng quyền chất vấn của mình như một công cụ giám sát hữu hiệu. Chất vấn và trả lời chất vấn đã trở thành một trong những nội dung sinh động của hoạt động Quốc hội được nhân dân quan tâm theo dõi; nhất là từ năm 1998, khi các buổi sinh hoạt này được truyền trực tiếp trên sóng truyền hình, phát thanh và tường thuật tỷ mỷ trên các báo viết. Cùng với việc mở rộng dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn cũng từng bước được cải tiến.

3 - Trong hoạt động tiếp xúc của đại biểu Quốc hội với cử tri

Điều 97 của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định: "đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri". Điều 12 của Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội quy định: "đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong trường hợp không thể tham gia tiếp xúc cử tri thì đại biểu Quốc hội báo cáo với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc". Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nghị quyết quy định "Ngoài những đợt tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần tiếp xúc cử tri cả ở nơi cư trú và nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo các chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm hoặc trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri".

Như vậy, các quy định của Hiến pháp, luật và các văn bản liên quan đến mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Đó là một trong những hoạt động rất quan trọng không thể thiếu của đại biểu Quốc hội. Nó là cầu nối thông tin để đại biểu Quốc hội có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri thực chất là việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội và để nắm thông tin phục vụ cho hoạt động đại biểu của mình. Nhìn chung, các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức cho các đại biểu tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp khá nề nếp. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri cũng như chất lượng tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội còn nhiều vấn đề phải bàn và phải tiếp tục nâng cao. Chẳng hạn như đại biểu Quốc hội vẫn còn tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp là chủ yếu, mà không đa dạng các hình thức tiếp xúc cử tri một cách chủ động, tích cực hơn. Cho nên mối quan hệ thường theo một chiều, thụ động.

Hiện nay có 2 hình thức tiếp xúc cử tri, đó là hội nghị tiếp xúc cử tri và gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri. Hội nghị tiếp xúc cử tri được chia thành hội nghị tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội tại địa phương nơi đại biểu Quốc hội ứng cử và hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Hội nghị tiếp xúc cử tri đang được áp dụng phổ biến, chủ yếu là tiếp xúc định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội. Nhược điểm của hình thức tiếp xúc cử tri này là có tình trạng ở nhiều nơi, thành phần tham dự tiếp xúc cử tri là các "đại cử tri", bao gồm người đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, cơ sở và cán bộ hưu; còn đối tượng cử tri trẻ ở doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, cơ sở trực tiếp sản xuất thì rất ít. Đó là chưa kể việc tiếp xúc cử tri hiện nay vẫn là tiếp xúc một chiều, đại biểu Quốc hội chỉ chủ động tiếp xúc khi có nhu cầu mà hiếm có sự chủ động nào từ phía cử tri.

4 - Trong quá trình bầu cử Quốc hội và giám sát hoạt động của Quốc hội

Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quốc hội với nhân dân còn được nhìn nhận từ phía nhân dân đối với Quốc hội. Nó được biểu hiện ở hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu, nhân dân giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội. Cho nên, nhân dân cần phải có mối quan hệ với người mà mình giới thiệu ra ứng cử và cử tri cũng cần phải có mối quan hệ với các ứng cử viên để có thể tự mình lựa chọn bầu được những người có đủ tài, đủ đức để thay mặt mình đảm đương chức năng, của đại biểu Quốc hội.

Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là xuất phát từ sự đòi hỏi của nhân dân để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Đó là những người yêu nước, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; gương mẫu chấp hành pháp luật, không tham nhũng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật; có trình độ, năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Nhân dân bầu cử đại biểu Quốc hội đúng theo các nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín là những nguyên tắc bảo đảm quyền làm chủ của mình đối với công tác tổ chức, xây dựng Quốc hội.

Giai đoạn thứ hai là, nhân dân giám sát chặt chẽ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Quốc hội và đại biểu Quốc hội hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hoạt động giám sát của nhân dân thể hiện qua việc giám sát cá nhân các đại biểu Quốc hội công tác ở các đơn vị cơ sở, ở đoàn đại biểu Quốc hội và ở các kỳ họp của Quốc hội; đồng thời, giám sát việc thực hiện các chương trình hành động của Quốc hội, cũng như của các đoàn đại biểu Quốc hội, các ủy ban, các hội đồng của Quốc hội. Nhờ sự giám sát chặt chẽ đó và sự đóng góp những ý kiến quý báu của nhân dân mà Quốc hội luôn luôn có sự đổi mới, ngày càng sâu sát với nhân dân hơn và tăng tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động của mình.

*

* *

Nhờ có mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quốc hội với nhân dân mà suốt 61 năm qua, Quốc hội của chúng ta luôn luôn được nhân dân tin yêu, và thực sự trở thành Quốc hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mối quan hệ ấy đã tạo nên nguồn sức mạnh giúp Quốc hội hoàn thành cơ bản các chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tuy nhiên, Quốc hội cũng còn những hạn chế cần khắc phục để bảo đảm mối quan hệ này. Ngày nay, đất nước đã bước vào thời kỳ phát triển mới trong xu thế hòa bình, hợp tác và toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng trên các mặt của đời sống xã hội và nước ta đã trở thành thành viên của WTO... Những điều đó đã tạo ra những cơ hội phát triển mới nhưng cũng chứa nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho nước ta. Nền kinh tế nước ta vẫn đang trong tình trạng kém phát triển; khoa học và trình độ công nghệ còn ở trình độ thấp; các thế lực thù địch vẫn đang âm mưu chống phá ta; an ninh trật tự ở một số vùng và địa phương vẫn chưa bảo đảm vững chắc. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại, nhân dân có đời sống tốt đẹp hơn, đòi hỏi phải có một sự cố gắng rất nhiều của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trong đó, Quốc hội cần tăng cường hơn mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân để hoàn thành xuất sắc vai trò của một cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, giải quyết thật tốt những vấn đề quan trọng của đất nước.

Phương hướng cơ bản nhằm tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quốc hội với nhân dân trong thời gian tới là:

1 - Quốc hội phấn đấu thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà Hiến pháp, pháp luật đã quy định, xứng đáng với vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội do nhân dân bầu, được ủy thác đại diện cho nhân dân phải luôn luôn rèn luyện, phấn đấu giữ vững những tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân đã được ghi trong Luật Bầu cử Quốc hội; thường xuyên quan hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân; thường xuyên được nâng cao kỹ năng tiếp xúc cử tri và tinh thần trách nhiệm trước cử tri.

2 - Tiếp tục cải tiến các hoạt động của Quốc hội, cải tiến các kỳ họp Quốc hội; cải tiến hình thức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với các dự án luật và các hình thức tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri; có các hình thức và cơ chế thích hợp để nhân dân dự thính hoặc theo dõi trực tiếp các kỳ họp của cơ quan dân cử. Tiếp tục đổi mới thông tin tuyên truyền theo hướng gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa Quốc hội với nhân dân; có thể mở rộng việc truyền hình, truyền thanh trực tiếp tất cả các buổi họp của Quốc hội trên hội trường để nhân dân và cử tri cả nước có điều kiện giám sát chặt chẽ hoạt động của Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội nói riêng.

3 - Thực hiện tốt các quy định về các hình thức tiếp xúc cử tri để khắc phục tính hình thức trong việc tiếp xúc cử tri, hạn chế việc tiếp xúc "cử tri chuyên nghiệp" hoặc "đại cử tri". Tổ chức tiếp xúc cử tri phù hợp với từng đối tượng để lắng nghe được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, như tiếp xúc cử tri nơi đại biểu Quốc hội công tác, cư trú; hoặc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với thành phần đa dạng, đại diện được đầy đủ các tầng lớp nhân dân.

Đối với các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, có thể tổ chức theo giới, ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể; hoặc tiếp xúc cử tri theo ngạch cán bộ công nhân viên, các nhà doanh nghiệp... để đại biểu Quốc hội báo cáo chuyên sâu về từng vấn đề, lĩnh vực cần tập trung chỉ đạo để thực hiện.

Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan cần phối hợp tốt để chuẩn bị và tổ chức chu đáo các hội nghị tiếp xúc cử tri cũng như phục vụ các cuộc gặp gỡ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri.

Về thành phần của Quốc hội, nên cơ cấu theo hướng tăng dần các đại biểu chuyên trách. Trên thực tế, các đại biểu này có điều kiện chuyên tâm hơn với các hoạt động của Quốc hội nói chung, cũng như tiếp xúc với cử tri nói riêng.

4 - Đẩy mạnh công tác giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đây là việc làm rất khó vì liên quan đến thẩm quyền giải quyết của nhiều cấp, ngành ở cả trung ương và địa phương. Đại biểu Quốc hội cần tích cực đôn đốc, theo dõi tình hình giải quyết của các cơ quan mà mình đã chuyển ý kiến đến để kịp thời thông báo với cử tri, nếu cần có thể tự mình tìm hiểu và trao đổi với cơ quan có thẩm quyền để làm rõ vấn đề, bảo đảm quyền lợi của cử tri. Khi những ý kiến, kiến nghị của cử tri được giải quyết thì niềm tin của cử tri đối với đại biểu Quốc hội sẽ được nâng lên, mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri sẽ gần gũi và gắn kết hơn.

5 - Đối với nhân dân và cử tri cả nước, không ngừng nâng cao vai trò làm chủ của mình đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội, tự giác liên hệ mật thiết với Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trước hết, cử tri phải có tinh thần trách nhiệm cao trong việc đề cử, giới thiệu người ra ứng cử vào đại biểu Quốc hội; có trách nhiệm cao và sáng suốt tự mình cầm lá phiếu bỏ cho những ứng cử viên đủ đức, đủ tài, thay mặt cho mình làm đại biểu Quốc hội. Đồng thời, khi cần thiết, nhân dân không ngần ngại sử dụng quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của mình. Thứ hai là, thường xuyên theo dõi, giám sát và phản ánh kịp thời các hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để Quốc hội xem xét giải quyết; không để chờ đến dịp tiếp xúc cử tri định kỳ, mới phản ánh những ý kiến đóng góp của mình. Thứ ba là, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ mà nhân dân và cử tri cả nước đã trao cho.

Để thực hiện tốt mối quan hệ máu thịt giữa Quốc hội với nhân dân, cử tri cả nước hãy thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XII ngày 20-5-2007.