Chọn ai vào Quốc hội khóa XII

Trường Lưu
15:35, ngày 17-05-2007

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII vào ngày 20-5-2007 là sự kiện chính trị quan trọng của nước ta. Thông qua việc bầu cử đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách lựa chọn những đại biểu đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, để đại diện cho nhân dân tham gia Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. Quốc hội có 3 chức năng chính: chức năng lập pháp; chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; chức năng giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Chính vì vậy, vai trò của Quốc hội đặc biệt quan trọng. Quốc hội mạnh sẽ đóng góp được nhiều cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Để có một Quốc hội mạnh cần có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng hàng đầu là việc lựa chọn được những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội. Vậy ai là người xứng đáng được lựa chọn bầu vào Quốc hội khóa XII ? Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo luật số 31-12-2001/QH10 ngày 25-12-2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10, tại Điều 3 đã quy định 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội. Năm tiêu chuẩn này đã bao quát đầy đủ các yêu cầu về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, tác phong công tác, thái độ trong quan hệ với nhân dân cũng như đòi hỏi về điều kiện tham gia hoạt động tại Quốc hội. Nhằm giúp cho cử tri hiểu rõ thêm về các tiêu chuẩn đó, chúng tôi muốn trao đổi thêm một số điểm sau.

1. Đại biểu Quốc hội có thể được xem là những chính trị gia quan trọng trong bộ máy công quyền, có ảnh hưởng lớn đến đường lối chính sách của đất nước. Bởi vậy, việc "Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh" đương nhiên phải là yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp là tình cảm, là ý thức chính trị trong việc tôn trọng bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, trung thành với sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn. Đó là điều kiện tiên quyết để đại biểu Quốc hội ý thức đầy đủ về sự quan trọng của từng lời nói, từng việc làm của mình, để thể hiện thái độ trách nhiệm chính trị cao với đất nước, với nhân dân, để có ý thức cao đối với việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Chỉ có như vậy người đại biểu mới hết lòng hết sức với các công việc mà nhân dân giao, thực sự đóng góp sức mình cho sự nghiệp đổi mới, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp cũng có nghĩa tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng trong hơn 77 năm qua, được dân tộc tin yêu và đã lãnh đạo cả nước giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến và ngày nay là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.

Trên thực tế cũng có những người nói trung thành với Tổ quốc, chế độ nhưng hành động và việc làm hoàn toàn khác, chỉ với mục đích vụ lợi, vun vén cho cá nhân. Hoặc cũng có số ít người cố tình nhắm mắt làm ngơ trước thực tế lịch sử, trước những bước tiến to lớn của đất nước, tuyên truyền những luận điểm sai trái kích động sự chia rẽ trong dân tộc. Những người như vậy không thể là đại biểu cho nhân dân và dân tộc được.

2. Đại biểu Quốc hội phải là những người "Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật".

Tư cách, phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc của người đại biểu Quốc hội là quan trọng vì họ là những người trực tiếp xây dựng và bảo vệ pháp luật. Không những thế, đại biểu Quốc hội còn phải là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo. Chỉ những người có đạo đức tốt, biết vì tập thể, được tập thể tín nhiệm cao, bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện chính sách, pháp luật mới xứng đáng là đại diện cho nhân dân. Những người có hành vi tham nhũng, lãng phí, không tôn trọng người dân, vô cảm trước cuộc sống của người dân không thể xứng đáng là đại biểu của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội còn phải là người có bản lĩnh để thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng là giám sát các hoạt động của hệ thống Nhà nước, đấu tranh chống lại mọi hành vi tiêu cực. Vì thế, người đại biểu phải dám thẳng thắn phê phán những tồn tại, yếu kém, vạch trần những việc làm sai trái của một số người có chức quyền suy thoái đạo đức. Quốc hội không có chỗ cho những người ngại va chạm, những người sống theo lối "dĩ hòa vi quý", không dám đấu tranh. Quốc hội cũng không có chỗ cho những người lời nói không đi với việc làm, hứa hẹn đủ điều nhưng khi có vị trí công tác, có quyền hành trong bộ máy quản lý lại không cố gắng làm việc vì sự nghiệp chung, xa rời nhân dân, thậm chí có những hành vi tiêu cực.

3. Quốc hội là cơ quan lập pháp, tức là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi đề ra luật pháp, nơi quyết định những vấn đề trọng đại cũng như giám sát các hoạt động của các cơ quan công quyền. Vì thế, một tiêu chuẩn không thể thiếu đối với đại biểu Quốc hội là "Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước".

Như Bác Hồ đã từng nói, người cán bộ phải "vừa hồng, vừa chuyên". Đại biểu Quốc hội càng phải là những người "vừa hồng, vừa chuyên", những người ưu tú của đất nước. Đó phải là những người có phẩm chất trí tuệ, có hiểu biết rộng, có nền tảng tri thức cần thiết để tiếp cận những vấn đề mới mẻ, những vấn đề lớn, có tầm quan trọng đối với đất nước, dân tộc. Đại biểu Quốc hội cũng phải có năng lực am hiểu đường lối và pháp luật, có khả năng nghiên cứu, đóng góp vào các dự án luật.

Những quyết định quan trọng nhất được thể chế hóa bằng pháp luật suy cho cùng phải có căn cứ khoa học, phù hợp quy luật khách quan, phù hợp với cuộc sống và hợp lòng dân, thể hiện ý chí của nhân dân. Chỉ khi đó mới tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức, trong hệ thống chính trị, và mang lại lợi ích thực sự cho nhân dân. Nếu thiếu trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ sẽ dẫn đến những suy nghĩ không sâu sắc trong các ý kiến đóng góp, chấp hành một cách máy móc xuôi chiều thiếu trách nhiệm và khi đó sẽ không thể làm tròn được trách nhiệm người đại biểu nhân dân.

Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa chung của thế giới. Hơn lúc nào hết, người đại biểu Quốc hội phải có đủ tầm trí tuệ để tham gia quyết định những công việc lớn của dân tộc, quốc gia ở một tầm vóc mới.

4. Đại biểu Quốc hội phải là những người "Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm".

Ý chí của nhân dân là nền tảng quyền lực của nhà nước và được thể hiện thông qua các cuộc bầu cử để chọn những đại biểu của nhân dân. Trong xã hội ta, nhân dân là người chủ đất nước, mọi quyết định của dân chính là quyết định của người chủ đất nước. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, cử tri gửi trọn niềm tin ở những người "thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội". Vì vậy, đại biểu luôn "liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân," là đòi hỏi tất yếu, đặc biệt quan trọng. Đại biểu Quốc hội phải xác định mình là người "công bộc" của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, ủy quyền, mọi suy nghĩ hành động phải dưới danh nghĩa của các cử tri của mình và vì họ. Họ phải thực sự "lắng nghe đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân" để thể hiện trong ý kiến, trong lá phiếu của mình ở Quốc hội. Sự làm chủ của nhân dân sẽ trở thành hình thức, nhà nước sẽ đi đến chỗ quan liêu nếu những người đại biểu cho dân mà không hiểu dân, xa rời nhân dân, không được nhân dân tín nhiệm.

Mặt khác, khi người đại biểu gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân ngoài việc thực hiện được nhiệm vụ ''liên hệ chặt chẽ với cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri", còn có thể dựa vào dân để phát hiện những sai trái hay hạn chế của các cơ quan nhà nước, có thể ''vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước''.

5. Ngoài phẩm chất đạo đức, thái độ chính trị, trình độ hiểu biết và năng lực chuyên môn, đại biểu Quốc hội còn phải "có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội". Có thể hiểu những điều kiện đó như: sức khỏe, thời gian, khả năng thu xếp được công việc để tham gia vào các hoạt động quan trọng này.

Được nhân dân tín nhiệm, các đại biểu phải thực hiện tốt chức năng đại diện của mình, có nghĩa tham gia các hoạt động của Quốc hội để qua đó bảo vệ quyền lợi cho cử tri của mình. Nếu người đại biểu không đủ điều kiện tham gia được các hoạt động này thì vai trò đại diện trở nên vô nghĩa. Vì vậy, đây cũng là một tiêu chuẩn rất quan trọng, các đại biểu phải có điều kiện cống hiến hết mình, không phụ lòng tin của các cử tri. Việc không tham gia được các hoạt động của Quốc hội không những ảnh hưởng đến quyền lợi đại biểu của cử tri mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của Quốc hội và là sự lãng phí lớn về chất xám. Khi một người đã viết đơn tự nguyện ứng cử đại biểu Quốc hội và trúng cử thì phải có sự toàn tâm, toàn ý với công việc chung, không toan tính cá nhân, "dấn thân" vì dân, vì nước.

Có thể nói, năm tiêu chuẩn cụ thể của đại biểu Quốc hội là những đòi hỏi rất cao, rất toàn diện và cần thiết, nó bảo đảm để chúng ta có được một đội ngũ những người đại diện thực sự của dân, do dân, vì dân, có đầy đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chọn ai là đại biểu cho mình trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm với chế độ, vừa là ý chí, quyền lợi của mỗi công dân. Dựa trên những tiêu chuẩn này, chúng ta sẽ lựa chọn được những người xứng đáng bầu vào Quốc hội.