Ba điều ước
Ba đứa chúng tôi là đồng môn từ khi vào trường đại học. Đến nay, mỗi người một việc đều là cán bộ lãnh đạo, quản lý cốt cán ở tỉnh và huyện nhà. Đã thành ước lệ, cuối năm nào chúng tôi cũng có cuộc tất niên để "đánh giá, tổng kết" những điều ước của năm trước: Đứa con thứ hai của Ph. đã thi đỗ vào đại học ngoại thương mà nó thường mong muốn; Q., thì đã có một chiếc màn hình tinh thể lỏng loại to để xem bóng đá cho đã; còn tôi, cũng đã sửa sang được thêm hai phòng cho con cái có chỗ ngồi học riêng. Xem ra mấy cái điều ước ấy không "đao to búa lớn" nên chúng tôi ngồi rung đùi tán thưởng... Chợt ông cụ thân sinh ra Ph, ngồi ở gian bên nghe thấy bèn đằng hắng nói: Các cháu có những điều ước nhỏ và đều đã thực hiện được nó, nhưng các cháu có biết vừa rồi họp chi bộ thôn ta, các cụ hưu trí mong ước điều gì không. Các cụ nói: Chúng ta nói rất nhiều đến thời cơ và thách thức. Nhưng cái thách thức day dứt nhất lại chính từ bên trong của hệ thống bộ máy công quyền của ta. Tỉnh ta họp nhiều quá, "xuất bản" nhiều nghị quyết nhiều văn bản. Khi tổng kết đọc báo cáo thấy năm nào cũng rưa rứa như nhau, có những vấn đề cứ nêu đi, nêu lại rồi để đấy, như câu chuyện "mẹ đĩ nhà hề với con mèo ấy"... Những ách tắc của dân, rồi đời sống kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục chuyển biến chậm lắm... Chung quy hiện nay các cụ chỉ mong có ba điều ước với lãnh đạo, quản lý tỉnh ta là:
Thứ nhất, ước cán bộ gương mẫu. Ví như tỉnh ta, chỉ cần đội ngũ cán bộ chủ chốt gương mẫu thật sự. Mọi chuyện trong tỉnh ai cũng biết rõ và kêu ca về sự nhiêu khê, phiền hà, bất cập của nhiều cán bộ ở nhiều "cửa"; nhiều cán bộ "nói một đằng, làm một nẻo" ấy vậy mà cuối năm đánh giá, bình xét thì có tới trên 95% chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh; có tới trên 90% cán bộ đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc mới lạ chứ. Bây giờ chỉ cần đặt ra tiêu chí là năm nay 100% cán bộ trong Ban chấp hành tỉnh đảng bộ, huyện đảng bộ gương mẫu, trong sạch thì mọi chuyện sẽ chuyển biến ngay, đó là điều chắc chắn. Hiện nay dân đang bình luận: không ít cán bộ tỉnh ta "gương" mà không "mẫu" hoặc "mẫu" mà chẳng "gương". Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng như người xưa nói "trên bất chính, hạ tắc loạn"...
Thứ hai, ước cán bộ giữ được kỷ cương. Ý nói mọi việc phải được hành xử theo luật. Xã hội văn minh là sống và làm việc theo luật pháp. Một triết gia từng nói: Người tuân thủ luật pháp nhất là người được tự do nhất. Lại có người phương Tây bình luận, người Việt Nam duy tình nhiều hơn duy lý. Luật ở ta vừa thiếu, vừa không đồng bộ lại "được" bộ máy công quyền vận hành còn rất chệch choạc, thiên vị, nể nang, vận dụng vô tội vạ, dẫn đến tình trạng "sáng đúng, chiều sai, ngày mai lại đúng". Tình trạng người thẳng thắn, cương trực, đúng mức thì không được "ưa", không được "dùng", còn người uốn éo, "che gió bốn mùa", "im lặng là vàng" thậm chí sai trái, mắc khuyết điểm thì vẫn nhởn nhơ, thăng quan, tiến chức, miễn là "chạy" giỏi... Vừa rồi tỉnh ta có chuyện chạy án, dãn án, "treo" án, án "bỏ túi"; rồi chuyện bẻ cong cả đạo lý, luật pháp để biến cái đúng thành cái sai... ôi! những chuyện như vậy thì còn gì là "kỷ cương, phép nước" nữa. Dân được biết, tổng kết năm vừa rồi ở tỉnh ta có một đồng chí lãnh đạo cấp cao về nói... Cái tình lớn nhất, cao cả nhất, đúng đắn nhất phải được xây dựng trên cái lý, cái lý ở đây chính là luật pháp. Luật pháp là tối thượng, không ai có quyền làm cho nó khác đi. Như vậy người Việt Nam ta không duy tình mà trọng cả lý, trọng cả tình. Và nếu làm được thế, thì dân còn mong gì hơn nữa.
Thứ ba, ước cán bộ nói đi đôi với làm. Từ cổ chí kim ai cũng thích "quan" trên đã nói là làm; nói một là một, nói hai là hai. Hội nhập ngày nay càng đòi hỏi sự hữu thực đó, còn khi để mất lòng tin thì hậu quả thật khó lường. ở tỉnh ta cách đây ba năm có chuyện xảy ra là trên bố trí một dự án có vốn đầu tư nước ngoài giá trị tới trên 300 triệu đô la Mỹ. Ấy vậy mà "quan" tỉnh hứa 6 tháng sẽ giải phóng xong mặt bằng để họ vào, nhưng rồi một năm, hai năm nhà đầu tư gặp quá nhiều khó khăn, và cuối cùng họ "chạy" mất, thật là uổng, đánh mất cơ hội bằng vàng cho việc giải quyết kinh tế - xã hội của tỉnh...Cán bộ lãnh đạo cốt cán của tỉnh chỉ cần hai ba chục người nói thế nào làm đúng thế đó; đưa ra chủ trương, chính sách ít thôi nhưng làm thật chắc, làm bằng được thì dân sẽ tin, sẽ tín, sẽ yêu. Ta cần thống nhất từ tỉnh, tới huyện, tới xã là cán bộ nói và làm. Giản dị vậy thôi, thì chỉ cần hai năm thực hiện dân sẽ giảm đi nhiều bức xúc lắm.
Ông cụ nói liền một mạch như cởi lòng, cởi ruột. Và để chứng minh, ông dẫn: thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ông cha ta cũng có ba điều ước, mặc dù rất khó khăn, gian khổ nhưng đều đã làm được. Một là, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hai là, đánh giặc đói. Ba là, đánh giặc dốt. Vậy ngày nay dân ta cũng có ba điều ước so về tầm vóc thì nhỏ bé, giản dị hơn nhiều mà các cháu không làm được sao?. Thế rồi bất chợt ông "giao nhiệm vụ": bác cho các cháu "nợ" nhé, đến Tết sang năm về đây "kiểm điểm", nếu làm tốt thì bác chiêu đãi còn làm dở thì...tốt nhất là nên "treo ấn, từ quan" đừng để cho dân ca thán rồi trở thành nỗi ám ảnh day dứt!
Hội nghị Thượng đỉnh SAARC lần thứ 14 và những vấn đề của khu vực Nam Á  (17/05/2007)
Cảnh bần cùng của những người lao động Mỹ  (17/05/2007)
“Quyết tâm” xây dựng Nghệ An “trở thành một tỉnh gương mẫu”  (17/05/2007)
Ninh Thuận sau hơn 20 năm đổi mới và phát triển  (17/05/2007)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên