Trong những ngày 26, 29 và sáng 30 tháng 10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XI về phát triển kinh tế - xã hội năm 2007 và dự kiến của Chính phủ về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2008. Tại hội trường đã có 136 đại biểu đăng ký và 85 đại biểu đã được phát biểu. Ý kiến của 85 đại biểu hầu như đã "phủ kín" toàn bộ các vấn đề kinh tế - xã hội của cả nước. Có thể nói, 100% ý kiến của các đại biểu đều khẳng định thành tựu to lớn của đất nước trong các năm trước và 10 tháng qua, khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Nhà nước, sự điều hành có hiệu quả của Chính phủ và chính quyền các cấp; nhất trí về cơ bản các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 do Chính phủ trình. Tuy nhiên cũng còn không ít các vấn đề cần được xem xét, xử lý “mạnh tay” hơn, quyết liệt hơn, để đem lại kết quả khả quan hơn trong các tháng còn lại của năm 2007 và cả năm 2008. Trong nhiều vấn đề được các đại biểu phân tích thì “độ chụm” tập trung vào 10 vấn đề được coi là “nóng”, bức xúc nhất. Đó là:

- Chỉ số giá cả tăng cao;

- Nông dân, nông nghiệp, nông thôn (tam nông) đang phát sinh những vấn đề phức tạp về đất đai, môi trường;

- Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả chưa cao;

- Kết quả cải cách hành chính còn hạn chế;

- Giáo dục - Đào tạo còn nhiều việc phải bàn, trong đó có việc đào tạo, sử dụng "Thày", "Thợ"

- An toàn giao thông - nói “an toàn” nhưng thực sự chưa an toàn;

- Vệ sinh an toàn thực phẩm, nỗi lo lắng hàng giờ, hàng ngày của người dân (ăn gì, uống gì cho yên cái bụng);

- Khám, chữa bệnh, mua thuốc thật ở đâu, bảo hiểm y tế tự nguyện - người mua đã được quyền tự nguyện chưa?

- Mức độ bền vững của kết quả xoá đói, giảm nghèo; chuẩn nghèo còn phù hợp không, cả nước chỉ còn 14,7% hộ nghèo, con số này thực chất là như thế nào?

- Vùng sâu, vùng xa, miền núi và dân tộc sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được như thế nào khi kết thúc các chương trình 120, 134, 135...?

Sau đây, xin được điểm qua một số vấn đề trong 10 vấn đề nói trên:

1. Chỉ số giá cả tăng cao, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và đời sống của nhân dân

Nếu như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm dự kiến tăng 8,5% là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua thì dự kiến chỉ số giá cả tăng 8% cũng là con số "kỷ lục" trong thời gian đó và tăng cao hơn nhiều so với năm 2006. Giá cả tăng cao, đặc biệt là giá cả các sản phẩm "đầu vào" của sản xuất như xăng dầu, sắt thép, xi măng..., và các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho đời sống như lương thực, thực phẩm, nhà ở... đã có tác động xấu đến chất lượng, giá thành sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng, ngành hàng, và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đời sống của dân cư. Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm tốc độ tăng giá, bình ổn giá cả. Có thể chia các giải pháp đó làm hai nhóm. Nhóm các giải pháp kinh tế: Chính phủ cần vận dụng có hiệu quả hơn các quy luật kinh tế như quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật lưu thông tiền tệ...; quyền định giá và cạnh tranh giá là quyền của từng doanh nghiệp theo diễn biến của thị trường và tuân thủ luật pháp... Nhóm các giải pháp hành chính: đặc biệt xử lý nghiêm minh, phạt nặng về kinh tế đối với các doanh nghiệp, các nhà kinh doanh liên kết với nhau, đầu cơ, độc quyền tăng giá, cản trở sự điều hành của Chính phủ.

2. Vấn đề "tam nông" (nông dân, nông nghiệp, nông thôn)

Nếu tập hợp các ý kiến mà đại biểu phát biểu thì bao gồm một "sê-ri" các vấn đề (đất, nước, điện, đường, trường, trạm, việc làm, vốn vay, và tiêu thụ nông phẩm), nhưng rất nhiều ý kiến xoáy vào việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng. Các đại biểu ở các vùng, miền khác nhau nhưng đều tương đối đồng thuận khi đánh giá “mặt được”. Đất đai được thu hồi (chuyển đổi mục đích sử dụng), về cơ bản, đã đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Song, từ việc thu hồi đất đai cũng nảy sinh không ít vấn đề phức tạp phải được giải quyết càng sớm càng tốt. Có thể nói đến hai việc sau:

Một là, việc làm của nông dân sau khi bị thu hồi đất ở một số tỉnh như Hà Tây, Tiền Giang... Hầu như khi đã thu hồi đất là lao động trên đất bị thu hồi mất luôn việc làm; các tỉnh trung bình cũng có khoảng 50% lao động mất việc và tỉnh thấp nhất cũng có trên dưới 20%. Số lao động mất việc làm, thiếu việc làm rất khó chuyển nghề, vì phần đông là ở độ tuổi từ trung niên trở lên (độ tuổi rất khó tiếp cận với học hành đào tạo, đào tạo lại nghề, nhưng cũng còn rất xa với việc hưu trí, nghỉ ngơi). Vì vậy xuất hiện không ít các vấn đề xã hội trong nông thôn. Hai là, có địa phương, có dự án thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng chưa tốt, chưa đúng, thậm chí có tiêu cực, gây bức xúc cho người dân (phần đông các vụ khiếu kiện hiện nay có liên quan đến đất đai, trong đó cũng phần lớn các vụ khiếu kiện liên quan đến giá đất đai bồi thường chưa thỏa đáng, thấp hơn so với giá thị trường). Các đại biểu đã kiến nghị Chính phủ phải có chính sách, giải pháp cụ thể, hợp lý về việc tái định cư và tạo việc làm cho người dân nơi có đất bị thu hồi. Chính quyền địa phương, nhà đầu tư, người sử dụng đất thu hồi phải có trách nhiệm đào tạo nghề tại chỗ gắn với tuyển dụng lao động tại địa phương có đất bị thu hồi. Thực hiện công khai, minh bạch trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; không để người dân đã bị thu hồi đất lại bị thiệt thòi.

3. Vấn đề phòng chống tham nhũng

Bên hành lang hội trường, một số đại biểu bàn với nhau, khi thảo luận về công tác tư pháp sẽ đề cập vấn đề này đầy đủ, sâu sắc hơn vì tội tham nhũng có liên quan mật thiết đến điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tuy nhiên, trong thảo luận kinh tế - xã hội, có không ít ý kiến đã đề cập đến vấn đề này. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định như hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy, phát hiện và xử lý được một số vụ việc... nhưng nhiều đại biểu tỏ ra chưa hài lòng với kết quả đó. Có đại biểu nói rằng: với mấy chục bộ, ngành, lĩnh vực, với 64 tỉnh, thành, mà vừa qua chỉ phát hiện và khởi tố được hơn 400 vụ với hơn 800 bị cáo, thu giữ lại được hơn 70 tỉ đồng thì quả thật chúng ta còn quá trong sạch! Các đại biểu đồng ý với báo cáo của Thủ tướng, tham nhũng vẫn là vấn đề nghiêm trọng và kiến nghị phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng chống; tăng cường các biện pháp kiểm soát tài sản, kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức; triển khai việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định nhất là những vị trí dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; sớm xét xử minh bạch, nghiêm khắc các vụ án đã được phát hiện, nhất là các vụ án trọng điểm và công bố công khai.

4. Về cải cách hành chính

Các đại biểu cho rằng Chính phủ rất quyết tâm và có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo công việc trọng đại này mà đột phá là cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên kết quả thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở còn rất hạn chế. Ngay từ giờ đầu của buổi thảo luận đầu tiên, một đại biểu đã nhấn đậm: thủ tục hành chính quá cồng kềnh, rườm rà, không ít cán bộ, công chức trong bộ máy còn nhũng nhiễu, gây phiền hà, thậm chí có hiện tượng vòi vĩnh... Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp soát xét lại thủ tục hành chính trong các khâu cấp phép đầu tư, cấp phép kinh doanh, quản lý xây dựng, đất đai, hộ khẩu, hộ tịch, công chứng, cấp hộ chiếu, thủ tục hải quan, thu nộp thuế..., nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa để bớt lệ thuộc vào ý thức chủ quan của cán bộ, công chức thừa hành; loại bỏ những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực ra khỏi công việc đang làm...

5. An toàn giao thông

Hầu hết các ý kiến đều đề cập đến vấn đề này, có đại biểu trong tâm trạng búc xúc đã yêu cầu "không thể kéo dài mãi tình trạng cứ 02 ngày lại có 60-70 người chết vì tai nạn giao thông". Số người chết vì tai nạn giao thông không kém gì chết vì chiến tranh... Các giải pháp được nêu lên tập trung vào bốn việc. Một là, phát triển và hoàn thiện hệ thống đường sá, “muốn làm giàu trước hết phải làm đường”. Hai là, xử lý nghiêm bằng cả biện pháp kinh tế và biện pháp giáo dục người tham gia giao thông khi vi phạm (vượt đèn đỏ, đi sai phần đường...). Ba là, loại bỏ các phương tiện giao thông quá “đát”, hư hỏng, cũ nát, rệu rão. Bốn là, kiểm tra nghiêm ngặt người điều khiển phương tiện giao thông (kiểm tra cả bằng lái, cả tư thế, tình trạng con người khi cầm lái...). Phải coi giảm tai nạn giao thông là vấn đề chiến lược trong chiến lược bảo vệ con người, vì con người...

6. Về giáo dục - đào tạo

Đây là lĩnh vực được đông đảo các đại biểu quan tâm, nêu tình hình rất phong phú, đa dạng và “đậm đặc”. Xin được trích một ý kiến tương đối “công bằng” khi đánh giá và nêu giải pháp: “Trong thời gian qua, có thể nói ngành giáo dục đào tạo đã có bước đột phá cả về nhận thức và hành động. Nói không với bệnh thành tích, không chỉ là tuyên ngôn của ngành mà còn là thông điệp tới toàn xã hội, đặc biệt là lời nhắn gửi tới các bậc phụ huynh học sinh: từ nay, nếu con em mình học thật, thi thật, kiến thức thật thì sẽ đỗ thật và lên lớp thật. Như thế sẽ không phải dành nhiều thời gian “thăm hỏi” các thầy cô trước mỗi mùa thi và không phải chạy ngược, chạy xuôi “đầu tư” cho những vấn đề ngoài kiến thức như chạy điểm, chạy trường, chạy lớp, chạy bằng... Theo tôi từ điểm lóe sáng này nên nói không với bệnh thành tích trong các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị"...

Nét mới trong thảo luận lần này trước hết là số lượng đại biểu được phát biểu tăng khoảng 1,4 lần. Từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI về trước, dù sử dụng hết cả 03 ngày cũng chỉ được 60-64 đại biểu phát biểu. Do thời lượng cho một đại biểu phát biểu là 15 phút, nên không ít đại biểu “tận dụng” hết, mặc dù ý kiến đã trùng lặp hoặc không mấy cần thiết. Nay với thời lượng 10 phút, các đại biểu phải cân nhắc rất kỹ, đặc biệt là đề xuất giải pháp, cũng vì thế chất lượng nhiều ý kiến được nâng lên. Hai là, Thủ tướng Chính phủ đã phân công các Phó thủ tướng, các Bộ trưởng tham gia thảo luận, trình bày “đối thoại”, “tháo gỡ” các thông tin còn vướng mắc, tạo điều kiện cho sự thống nhất đánh giá, tiến đến thống nhất chỉ tiêu, thống nhất giải pháp. Ba là, sau buổi thảo luận cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu đánh giá kết quả 05 buổi thảo luận đầy trách nhiệm của Quốc hội và “chốt” lại một số vấn đề quan trọng nhất để các đại biểu tiếp tục suy nghĩ, phục vụ cho việc thảo luận dự thảo Nghị quyết kinh tế - xã hội vào ngày 05 tháng 11 và sẽ chính thức thông qua dự kiến vào ngày 12 tháng 11 năm 2007.

Có thể nói Quốc hội đã thảo luận phần kinh tế - xã hội rất có hiệu quả cả về nội dung công việc và cả về phương pháp làm việc./.