Nhìn một cách tổng thể, xuất khẩu năm 2007 sẽ tăng, nhưng không quá đột biến, trong 5 năm tới có thể sẽ tăng từ 16 đến 20%, phấn đấu đến năm 2010, xuất khẩu hàng hoá đạt trên 80 tỉ USD. Lợi thế về nhân công rẻ và tài nguyên sẽ không còn là chỗ dựa vững chắc. Hoạt động xuất khẩu cần nhanh chóng chuyển sang dựa vào các điểm tựa là các nhân tố năng suất, chất lượng, hiệu quả, công nghệ thông tin, thương mại điện tử để nâng cao sức cạnh tranh.

1. Về quy mô và tốc độ tăng trưởng

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá hàng năm thời kỳ 1990-1999 đạt 20%; 2000-2006 là 19,3%, được xếp vào mức cao nhất khu vực, chỉ đứng sau Trung Quốc. Từ chỗ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng thu nhập quốc dân (24% GDP năm 1991), đến nay xuất khẩu đã chiếm 64,9%, đứng thứ 5 so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thứ 6 ở châu Á, thứ 8 trên thế giới. Nếu như năm 2000 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt xấp xỉ 14,5 tỉ USD, thì năm 2006 đã đạt 39,6 tỉ USD, gấp 2,7 lần năm 2000, đứng thứ 6/11 nước khu vực Đông Nam Á, 39/165 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá bình quân đầu người năm 2006 gấp 2,5 lần so với năm 2000, tăng 20,7% so với năm 2005, đứng thứ 6 trong khu vực, thứ 25 ở châu Á, thứ 92 trên thế giới. Hệ số giữa tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá với tốc độ tăng GDP đạt hơn 2,7 lần.
 


Đóng góp của nhân tố tăng khối lượng xuất khẩu vào tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt cao nhất trong năm 2004, có giảm đi trong năm 2005 và đã tăng trở lại trong năm 2006. Đây là dấu hiệu tích cực đối với xuất khẩu, lượng hàng hóa xuất khẩu tăng thể hiện quy mô sản xuất đã được mở rộng, là yếu tố giúp duy trì nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững (xem bảng 1).

Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu ba năm gần đây (%)

KNXK tăng

(triệu USD)

Trong đó

Do tăng giá XK

Do tăng lượng XK

KN (triệu USD)

Tỷ trọng (%)

KN (triệu USD)

Tỷ trọng (%)

Năm 2004

6,327.0

1,973.4

31.2

4,353.6

68.8

Năm 2005

5,730

3,294.1

57.5

2,436.2

42.5

Năm 2006

7,163.3

2,941.0

41.1

4,222.3

58.9

Nguồn: Bộ Thương mại

Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2006, xuất khẩu đã trở thành nhân tố quan trọng và là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, nền kinh tế quốc dân đã được định vị theo hướng xuất khẩu và độ mở cửa là tương đối rộng.

2. Về chuyển dịch cơ cấu hàng hoá xuất khẩu

Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam trong 15 năm gần đây đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Tỷ trọng nhóm hàng nông - lâm - thủy sản đã giảm từ 52,2% năm 1990 xuống còn khoảng 20,5% năm 2006. Tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp và thủ công mỹ nghệ tương đối ổn định: 33,9% năm 2001; 40,4% năm 2004 và 39,0% năm 2006. Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng dao động trong khoảng từ 21,6 % năm 2001 đến 24,7% năm 2005 và 23,4% năm 2006 (xem bảng 2).

Bảng 2: Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam thời kỳ 2001 - 2006 (%)

2001

2002

2003

2004

2005

2006

Nông, Lâm, Thuỷ sản

24,3

23,9

22,1

20,5

21,1

20,5

Nhiên liệu,khoáng sản

21,6

20,5

19,9

22,7

24,7

23,4

CN và TCMN

33,9

40,0

40,5

40,4

38,4

39,0

Hàng hoá khác

20,2

15,6

17,5

16,4

15,6

17,1

Nguồn: Báo cáo tổng kết của Bộ Thương mại 2005, 2006

Để thấy rõ hơn sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, có thể quan trắc cơ cấu của hàng xuất khẩu chế biến. Theo cách phân tích này hàng xuất khẩu chế biến được chia thành 3 nhóm chính: (i) Ngành chế biến dựa vào nguồn tài nguyên; (ii) Ngành chế tạo công nghệ thấp sử dụng nhiều lao động và sản xuất các cấu kiện, công nghệ trung bình; (iii) Các ngành công nghệ cao, sử dụng nhiều vốn (xem bảng 3).

Bảng 3: Sự thay đổi cơ cấu xuất khẩu sản phẩm chế biến thời kỳ 1985 - 2004

Hàm lượng xuất khẩu

Tỷ trọng (%)

Tốc độ tăng trưởng (%)

1985

2000

2005

1985 - 1990

1990 - 1995

1995 - 2000

2000-2005

1. Ngành chế biến dựa vào nguồn tài nguyên

74

17,6

17,8

21

23

5

4,8

2. Ngành chế tạo công nghệ thấp sử dụng nhiều lao động và sản xuất các cấu kiện, công nghệ trung bình

21,7

77

76,0

34,3

102

20

18

3. Công nghệ cao, sử dụng nhiều vốn

3,9

5,4

6,2

40

62,2

2,4

3,7

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, năm 2005 và tính toán của tác giả

Trong điều kiện lợi thế về các yếu tố tự nhiên và lao động rẻ đang ngày càng giảm dần và mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, thì sự chậm thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng nâng dần tỷ trọng hàng công nghệ cao sử dụng nhiều vốn là một hạn chế lớn đối với tăng trưởng xuất khẩu của nước ta. Trong dài hạn, sự chậm trễ này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm sức cạnh tranh và cải thiện cán cân thanh toán.

Nếu phân tích cơ cấu xuất khẩu của nước ta có tính đến cả mức độ giá trị tăng thêm, có thể thấy, tỷ trọng các mặt hàng tinh chế có giá trị gia tăng rất thấp, chỉ chiếm gần 30% (năm 2006).

Nhìn chung, cơ cấu xuất khẩu mặc dù đã có sự chuyển biến song tốc độ còn chậm. Tỷ trọng hàng xuất khẩu chế biến (công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp) còn quá khiêm tốn, trong khi hàng sơ chế và khoáng sản vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, nhìn chung, chưa thật bền vững, còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Cơ cấu xuất khẩu là một trong những hạn chế lớn nhất của nền kinh tế. Nếu không tăng nhanh tỷ trọng các mặt hàng chế biến, xét về dài hạn, tăng trưởng xuất khẩu sẽ khó có thể tiếp tục đà tăng cao như hiện nay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang ở điểm xuất phát của Ma-lai-xia, In-đô-nê-xi-a và Thái Lan trong thời kỳ cuối thập kỷ 70 thế kỷ XX[1]. Nói cách khác, đằng sau những con số thể hiện sự tăng tr­ưởng trung bình khá ấn tượng của xuất khẩu trong thời kỳ 1991-2004, có thể nhận thấy rằng, xuất khẩu của Việt Nam trong hơn một thập kỷ vừa qua vẫn ch­ưa có những sự thay đổi về chất. Xuất khẩu mới chỉ dừng ở chỗ khai thác lợi thế so sánh sẵn có về tài nguyên và lao động rẻ, chưa khai thác lợi thế về công nghệ và vốn của quá trình tự do hoá thương mại thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác như ổn định kinh tế vĩ mô, vì cán cân thương mại trong dài hạn sẽ khó được cải thiện.

3. Về cơ cấu xuất khẩu phân theo thành phần kinh tế

Có thể thấy một điểm tích cực là trước đây, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI thường cao gấp 1,5 - 2 lần khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước, song năm 2006, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của hai khu vực này (20,5 và 23,2%). Đây là kết quả của quá trình đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ của khu vực doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, nếu không có những bước đột phá cải cách rộng lớn và quyết liệt (nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước) thì tăng trưởng xuất khẩu của ta sẽ rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh các nước trong khu vực đang tích cực đẩy nhanh quá trình cải cách để thu hút vốn nước ngoài (xem bảng 4).

Bảng 4: Cơ cấu xuất khẩu phân theo thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

Tổng kim ngạch (tr. USD)

14.455

15.027

16.706

20.176

26.503

32.442

39.605

Tốc độ tăng trưởng (%)

25,3

4,0

11,2

20,8

31,5

22,4

22,1

DN 100% vốn trong nước

7.646

8.228

8.834

10.015

12.017

13.889

16.740

- Tỷ trọng

52,9

54,8

52,9

49,6

45,0

43,0

42,0

- Tăng trưởng (%)

11,5

7,6

7,4

13,4

20,3

15,6

20,5

DN có vốn ĐTNN

6.809

6.799

7.872

10.161

14.486

18.553

22.865

- Tỷ trọng

47,1

45.2

47,1

50,4

55,0

57,0

58,0

- Tăng trưởng (%)

45,4

-0,2

15,8

29,1

42,6

28,1

23,2

Nguồn: Số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Thương mại

4. Về cơ cấu thị trường xuất khẩu

Đến năm 2006, thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng đến 220 nước và vùng lãnh thổ. Từ chỗ chúng ta phải lệ thuộc hoàn toàn vào khu vực thị trường Đông Âu và Liên xô (cũ), từ năm 1991 đến nay, thị trường ngày càng được mở rộng từ ASEAN đến châu Á, châu Âu và châu Mỹ, châu Phi. Nếu như từ năm 2000 trở về trước thị trường xuất khẩu thị trường chủ yếu của nước ta chủ yếu ở khu vực châu Á, thì từ 2001 đến nay, thị trường đã được đa dạng hoá.

Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Mỹ tăng đều trong 3 năm qua (từ 21,3% năm 2004 lên 23,2% năm 2006). Thị trường Hoa Kỳ vẫn là đối tác chính của Việt Nam về xuất khẩu với kim ngạch 8 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 86,8%, các nước khác chỉ chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường châu Mỹ.

Trong khi đó, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn đối với xuất khẩu giày dép nhưng thị trường châu Âu vẫn duy trì được tỷ trọng 19-20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước từ năm 2004 đến nay. Các nước EU chiếm tỷ trọng 89,2% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường châu Âu (6,81 tỉ USD), tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2005.

Riêng châu Á, kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn so với các châu lục khác, bởi đây là thị trường lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, việc số liệu thống kê về xuất khẩu vào châu Đại Dương được tính gộp vào châu Á (kể từ năm nay) đã làm tăng thêm tỷ trọng của khu vực này (châu Đại Dương chiếm tỷ trọng 8,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Trong đó, khu vực Đông Bắc Á chiếm tỷ trọng 51,8%, đạt kim ngạch 10,79 tỉ USD; khu vực Đông Nam Á chiếm tỷ trọng 31,5%, đạt kim ngạch 6,56 tỉ USD; châu Đại Dương chiếm tỷ trọng 15,87%, đạt kim ngạch 3,3 tỉ USD... trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang thị trường châu Á (xem bảng 5).

Bảng 5: Cơ cấu thị trường xuất khẩu (%)

Khu vực thị trường

2000

2002

2003

2004

2005

2006

Châu Á

60,5

52,0

49,0

54,8

58,5

52,6

Châu Âu

23,0

23,0

22,0

20,4

18,1

19,3

Châu Mỹ

6,7

16,0

20,2

21,3

21,3

23,2

Châu Phi, Tây Nam Á

1,0

1,0

0,8

1,6

2,1

4,8

Châu Đại Dương

8,8

8,0

8,0

6,7

-

-

Tổng

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

100,0

Nguồn: Tổng cục Thống kê và Bộ Thương mại

Cho đến nay, hàng Việt Nam đã thâm nhập được hầu hết vào các thị trường lớn. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu ngày càng lớn, việc tăng trưởng xuất khẩu của nước ta chỉ còn phụ thuộc vào năng lực sản xuất.

Tóm lại, có thể nói mặc dù cơ cấu xuất khẩu đã có sự thay đổi theo hướng tích cực trong thời gian qua, nhưng tốc độ chuyển dịch theo hướng đáp ứng yêu cầu biến đổi của thị trường và xu thế thế giới diễn ra còn chậm, tỷ trọng hàng thô, sơ chế vẫn còn cao. Tỷ trọng nhóm hàng chế biến công nghệ cao còn quá nhỏ bé. Những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn đều là những mặt hàng hoặc là hạn chế về các yếu tố cơ cấu như năng suất, diện tích, khả năng khai thác (nhóm nông, thuỷ sản và khoáng sản) hoặc là phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ và nguyên liệu nhập từ bên ngoài, do đó giá trị gia tăng thấp (giày da và dệt may).

Những biểu hiện nêu trên chứng tỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu xuất khẩu nói riêng còn chưa vững chắc. Vấn đề cơ cấu kinh tế sẽ còn chứa đựng nhiều nguy cơ làm chậm quá trình tăng trưởng.

Trong những năm qua, quá trình chuyển dịch cơ cấu thị trường ở nước ta diễn ra tương đối tốt. Tuy nhiên, sự chuyển dịch này chưa được định hướng trên một tầm nhìn dài hạn (chủ yếu mới chỉ là sự thích ứng với thay đổi của tình hình) nên đã bộc lộ những điểm yếu.

Việc tập trung quá lớn vào một số thị trường đã làm suy giảm khả năng thực hiện mục tiêu mở rộng thị trường mới, dẫn tới nguy cơ tự chúng ta đánh mất thị trường, khó có thể phát triển bền vững và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn.

Với tỷ trọng nhóm hàng xuất khẩu chế biến hạn chế và chậm thay đổi như hiện nay, việc tăng trưởng xuất khẩu để cải thiện cán cân thương mại trong ngắn hạn là rất hạn chế. Bởi vì không thể tăng trưởng dựa vào các mặt hàng hạn chế về năng suất, khả năng khai thác, đánh bắt và phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Với giá trị gia tăng thấp như hiện nay, nếu không cải thiện năng lực cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên liệu, trình độ công nghệ (còn thấp, lạc hậu với khu vực 1-2 thế hệ; với các nước tiên tiến 2-3 thế hệ), chất lượng lao động, giảm chi phí trung gian thì rất khó có thể tạo ra được những đột phá nâng cao chất lượng xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại.

Việc gia tăng xuất khẩu nhóm hàng công nghệ cao và sử dụng nhiều vốn, trước mắt có thể còn rất khó khăn nên phải nhanh chóng có chiến lược thực thi ngay từ bây giờ thì mới có thể xuất khẩu một cách bền vững và cải thiện cán cân thương mại trong dài hạn.

Toàn cầu hoá, khu vực hoá với tự do hoá thương mại là xung lực đang làm cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, trong thương mại vẫn còn bị méo mó do can thiệp của các nước lớn. Từ tháng 2-2007, mặt hàng tôm Việt Nam, khi nhập khẩu vào Nhật, ngoài chất Chloramphenicol sẽ bị kiểm tra bổ sung 100% đối với chất AOZ. Nga cũng thông báo gạo Việt Nam không được cấp hạn ngạch nhập khẩu do mặt hàng này còn sót các chất độc hại sử dụng trong khâu canh tác. Chè Việt Nam có nhiều khả năng mất thị trường EU sau khi Anh và nhiều nước châu Âu (tháng 5- 2007) thông báo về dư lượng thuốc bảo về thực vật vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam mà Hoa Kỳ đang áp dụng đã và sẽ gây nên những thiệt hại khôn lường (đến tháng 6- 2007, các nhà nhập khẩu Mỹ chưa ký hợp đồng nhập cho quý III/2007 do việc áp dụng cơ chế này)... Như vậy rào cản kỹ thuật, rào cản môi trường (tiêu chuẩn về phương pháp sản xuất chế biến, kiểm dịch động thực vật, chứng chỉ chất lượng, các thủ tục đánh giá hợp chuẩn, yêu cầu về bao bì, đóng gói, nhãn sinh thái ...) được xem như “binh pháp” trong thương mại sẽ là những lá chắn mà thương nhân Việt Nam phải tính đến mỗi khi xuất ngoại. Trong đó, rào cản chống bán phá giá cũng sẽ là một lực cản không dễ gì vượt qua trong một sớm một chiều.

Nhìn một cách tổng thể, xuất khẩu năm 2007 sẽ tăng, nhưng không quá đột biến, trong 5 năm tới có thể sẽ tăng từ 16 đến 20%, phấn đấu đến năm 2010, xuất khẩu hàng hoá đạt trên 80 tỉ USD. Lợi thế về nhân công rẻ và tài nguyên sẽ không còn là chỗ dựa vững chắc. Hoạt động xuất khẩu cần nhanh chóng chuyển sang dựa vào các điểm tựa là các nhân tố năng suất, chất lượng, hiệu quả, công nghệ thông tin, thương mại điện tử để nâng cao sức cạnh tranh. Do đó, các giải pháp về xuất khẩu cần thực thi là:

1. Với mỗi thị trường, mỗi mặt hàng xuất khẩu phải có những nghiên cứu và giải pháp thật cụ thể, rõ ràng.

2. Công tác thị trường ngoài nước và hoạt động của thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần có những chuyển biến mạnh mẽ nhằm cung cấp kịp thời tình hình chính trị, thị trường, chính sách, biện pháp quản lý xuất nhập khẩu, rào cản....

3. Xóa bỏ những biện pháp mang tính trợ cấp, cần tìm ra các biện pháp hỗ trợ mới. Theo đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường mới, mặt hàng mới, thâm nhập các kênh phân phối, tham dự hội chợ, triển lãm... được xem là những việc cần làm ngay.

4. Khả năng bị kiện hay trả đũa có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới, vì vậy việc chuẩn bị và minh bạch hoá sổ sách, kế toán, theo dõi thông tin, phối hợp công bố thông tin, nhân lực am hiểu luật lệ, vận động hành lang, ngoại giao... sẽ là những vấn đề doanh nghiệp phải chuẩn bị.

5. Rà soát các thủ tục hành chính có ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của từng ngành hàng, từng doanh nghiệp... để có biện pháp xử lý kịp thời.

6. Xây dựng quy hoạch, chính sách và giải pháp để xây dựng các vùng sản xuất và cung ứng nguyên liệu tập trung, các vùng sản xuất lớn cho các ngành, doanh nghiệp sản xuất mặt hàng xuất khẩu.

7. Triển khai, phát triển nhanh công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

8. Xây dựng quy trình và thực thi các biện pháp quyết liệt để kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu nhằm nâng cao uy tín và chất lượng hàng xuất khẩu Việt Nam.

9. Đổi mới nhanh công nghệ, thiết bị, ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt để sản xuất sản phẩm xuất khẩu phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế.

10. Đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá, đăng ký, bảo vệ thương hiệu nhằm duy trì vị thế của sản phẩm “Made in Vietnam“ trên trường quốc tế.

11. Phát huy vai trò của các sàn giao dịch điện tử để tiết kiệm chi phí, thời gian giao dịch, đẩy nhanh quá trình lưu thông.

12. Phát huy vai trò của Việt kiều trong việc quảng bá cho thương hiệu quốc gia và để hàng Việt Nam có thể lách chân vào các thị trường ngách.
 

[1] Năm 1996, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của hàng chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu của In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan lần lượt là: 85,4%, 60,6%, 80,5% và 81,5%