Kinh tế Đông Á tăng trưởng cao

14:53, ngày 10-05-2007

Mười năm trước đây (1997), nhiều nước ở khu vực Đông Á đã lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ khá nghiêm trọng. Khi đó, không ít người trong giới phân tích kinh tế ở phương Tây cho rằng, hiện tượng “thần kỳ Đông Á” về thực chất chỉ là một dạng “tăng trưởng bong bóng xà phòng”, tan rã trong chốc lát và khó có thể khôi phục.

Sau đúng một thập kỷ, theo Báo cáo cập nhật tình hình Đông Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 05-4-2007, kinh tế Đông Á đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,4%, và riêng các nước mới nổi, lên tới 8,1% trong năm 2006 – mức tăng trưởng cao nhất của khu vực trong 10 năm qua, và cũng là mức tăng trưởng thuộc loại hàng đầu của thế giới.

MỨC TĂNG TRƯỞNG GDP CỦA MỘT SỐ NƯỚC ĐÔNG Á (%)

STT

Tên nước

Mức tăng trưởng

Năm 2006

Năm 2007
(dự báo)
Năm 2008
(dự báo)

1

 Toàn khu vực

5,4

5,5

5,7

2

 Trung Quốc

10,7

9,6

8,7

3

 Việt Nam

8,2

8,0

8,0

4

 Indonesia

5,5

6,3

6,5

5

 Malaysia

5,9

5,6

5,8

6

 Philipines

5,4

5,6

6,0

7

 Hàn Quốc

5,0

4,4

4,9

8

 Thái Lan

5,0

4,3

4,5

9

 Nhật Bản

2,2

2,3

2,4

(Nguồn: Báo cáo cập nhật tình hình Đông Á – Thái Bình Dương của WB, 05-4-2007)

Trong năm 2006, các nền kinh tế Đông Á cũng đạt kỷ lục về tăng dự trữ ngoại tệ, với 357 tỉ USD – bằng 7% GDP của toàn khu vực. Tới cuối năm 2006, tổng dự trữ ngoại tệ của cả khu vực là 2.000 tỉ USD, trong đó có 1.060 tỉ của Trung Quốc…

Tuy nhiên, theo phân tích trong báo cáo nêu trên của WB, triển vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á trong năm 2007 và 2008 vẫn có những yếu tố rủi ro, liên quan đến các vấn đề dưới đây:

Một là, thị trường xuất khẩu hàng đầu của các nước Đông Á là Mỹ, trong khi đó bên trong nền kinh tế khổng lồ này lại đang xuất hiện xu thế suy thoái mới, khiến cho khả năng nhập khẩu của Mỹ sẽ suy giảm tương đối.

Hai là, ngoài Trung Quốc phần lớn các nền kinh tế còn lại của khu vực Đông Á đến nay chưa thấy có khả năng rõ rệt trong việc kích cầu nội địa để đối phó với giảm sút xuất khẩu.

Ba là, giá dầu thô sẽ còn tiếp tục biến động và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố chính trị.

Bốn là, thị trường chứng khoán và thị trường tài sản của khu vực Đông Á nói riêng và của thế giới nói chung sẽ còn biến động phức tạp, sẽ ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và quyết định của các nhà đầu tư…

Nguồn: Bản tin Hội đồng Lý luận Trung ương số 60, tháng 4 năm 2007