Đầu tháng 3, Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức Hội nghị cấp cao mùa xuân 2007, tại Brussels (Bỉ) tập trung bàn các biện pháp đẩy nhanh cải cách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lãnh đạo 27 nước thành viên đã thông qua văn bản cam kết bao gồm 42 điểm, trong đó nhấn mạnh rằng thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ cải cách, thực hiện các biện pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, củng cố và nâng cao tính cạnh tranh trong EU và cải thiện việc làm tại thị trường nội khối. Một trong những nét mới của hội nghị lần này là các nước EU đã nhất trí gắn kết khái niệm “Môi trường – kinh tế”. Theo đó, EU sẽ chú trọng các biện pháp để đối phó với hiện tượng khí hậu toàn cầu đang ấm lên, thông qua việc phát triển các công nghệ “sạch”, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tối đa lượng khí thải CO2.

Cùng với các biện pháp trên, ngày 08-3-2007, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất đồng euro thêm 0,25%, lên mức 3,75%. Kể từ tháng 12-2005, đây là lần thứ 7 ECB tiến hành tăng lãi suất, nhằm tìm kiếm một mức lãi suất “trung tính”, khả dĩ bảo đảm được trạng thái cân bằng của tăng trưởng kinh tế. Theo đánh giá của ECB, hiện nay mức lạm phát của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã ở mức xấp xỉ 2%. Giới phân tích tài chính của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng, mức lãi suất 3,75% mà ECB vừa quyết định lựa chọn đã gần đạt tới giới hạn trung tính, và nếu ECB nâng lãi suất đồng euro lên 4% vào tháng 6 tới, có thể vẫn không ảnh hưởng lớn đến sự gia tăng lạm phát.

Với quyết tâm đẩy nhanh cải cách bằng các biện pháp thiết thực, được cân nhắc thận trọng và đạt sự thống nhất cao giữa các nước thành viên, EU sẽ nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 2,6% (năm 2006) lên 2,7% năm 2007 – mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm qua.

Nguồn: Bản tin Hội đồng Lý luận Trung ương số 59, tháng 3 năm 2007