Chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 30-5 đến 2-6 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, đã thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
 
 

Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai của đồng chí Nông Đức Mạnh trên cương vị Tổng Bí thư trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước đang phát triển rất tốt đẹp. Thời điểm diễn ra chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội lần thứ 17; Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã bầu ban lãnh đạo mới, bắt đầu một lộ trình phát triển giai đoạn mới; nhất là khi chỉ hơn hai tháng nữa, Thế vận hội Bắc Kinh 2008 được khai mạc - một dịp quảng bá để nhân dân thế giới hiểu nhiều hơn về đất nước và con người Trung Quốc. Không những thế, vào thời điểm này, Trung Quốc đang đứng trước thách thức lớn khi phải đối phó với hậu quả nghiêm trọng do trận động đất xảy ra ngày 12-5 tại Tứ Xuyên vừa qua. Sự hiện diện của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tại Bắc Kinh lần này cho thấy sự quan tâm chia sẻ của Việt Nam đối với những mất mát to lớn của người bạn láng giềng, khi mà toàn Đảng, toàn dân Trung Quốc đang tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm trước hết nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của mỗi nước trong giai đoạn mới. Mặt khác, chuyến thăm là dịp bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ nhất quán của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc, đặc biệt, ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc trước những cơ hội và thách thức nói trên.

Với những ý nghĩa này, tại các cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn lại tình hình phát triển quan hệ song phương thời gian qua, định ra phương hướng phát triển cho thời gian tới, đồng thời bàn thảo một số biện pháp lớn thực hiện những thoả thuận cấp cao hai bên đã đạt được. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nêu rõ hai bên đã đạt được nhận thức chung rộng rãi về quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Theo đó, hai bên bày tỏ sự hài lòng trước những thành quả to lớn đã đạt được trong quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước trong những năm qua; khẳng định tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung là tài sản quý báu cần được hết sức gìn giữ và không ngừng phát huy mạnh mẽ. Hai bên nhất trí phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt"; luôn luôn nắm vững phương hướng phát triển đúng đắn trong quan hệ giữa hai nước.

Cũng trong Tuyên bố chung, hai bên nhấn mạnh con đường phát triển xã hội chủ nghĩa phù hợp với đặc điểm của mỗi nước là sự lựa chọn đúng đắn, đáp ứng lợi ích căn bản của nhân dân hai nước. Phía Việt Nam đánh giá cao những thành tựu rực rỡ mà Trung Quốc giành được trong 30 năm cải cách mở cửa, tin tưởng vững chắc rằng, nhân dân Trung Quốc nhất định sẽ giành được những thành tựu mới to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Trung Quốc đánh giá cao những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam giành được trong sự nghiệp đổi mới, tin tưởng thành quả Việt Nam đạt được trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Việt Nam khẳng định thực hiện nhất quán chính sách một nước Trung Quốc, ủng hộ sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức.

Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên nhấn mạnh tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước; tuyên bố thiết lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam - Trung Quốc. Hai bên nhất trí phát huy đầy đủ vai trò của Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, quy hoạch tổng thể và thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trên các lĩnh vực; xây dựng cơ chế giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan Trung ương hữu quan của hai Đảng.

Năm 2008 là năm mà lãnh đạo hai nước quyết tâm hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên bộ. Trên tinh thần đó, Tuyên bố chung đã ghi nhận việc cơ bản hoàn thành công tác phân giới biên giới trên đất liền; thống nhất phối hợp chặt chẽ hơn nữa, tích cực giải quyết các vấn đề còn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ công tác, bảo đảm thực hiện đúng thời hạn đề ra; sớm ký văn bản mới về quy chế quản lý biên giới nhằm xây dựng đường biên giới trên đất liền giữa hai nước thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác.

Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục thực hiện tốt Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ, công tác kiểm tra liên hợp nguồn thuỷ sản trong vùng đánh cá chung cũng như việc tuần tra chung giữa hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ; đẩy nhanh việc thực hiện "Thỏa thuận khung về hợp tác dầu khí trong vùng thoả thuận tại Vịnh Bắc Bộ", phấn đấu sớm đạt kết quả thực chất trong hợp tác thăm dò, khai thác chung các cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định Vịnh Bắc Bộ; giữ gìn trật tự sản xuất nghề cá bình thường, tích cực triển khai hợp tác nghề cá, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn trên biển ở Vịnh Bắc Bộ. Hai bên đi đến thống nhất tuân thủ nhận thức chung liên quan của lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng nhau giữ gìn ổn định tình hình Biển Đông; tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hòa bình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều chấp nhận được; đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển để tìm ra mô hình và khu vực phù hợp.

Về quan hệ kinh tế song phương, Việt Nam - Trung Quốc đã nhất trí tiếp tục thực hiện tốt Hiệp định về mở rộng và đi vào chiều sâu trong lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại song phương; khẩn trương bàn bạc, ký kết và thực hiện tốt "Quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc", xác định các lĩnh vực và dự án hợp tác trọng điểm. Hai bên đồng ý trên tinh thần bổ sung ưu thế cho nhau, cùng có lợi, duy trì kim ngạch mậu dịch song phương tăng trưởng nhanh, đồng thời áp dụng những biện pháp thiết thực và có hiệu quả nhằm cải thiện cơ cấu mậu dịch, thực hiện phát triển cân bằng mậu dịch song phương. Cụ thể, Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật, cũng như một số thoả thuận kinh tế - thương mại khác về việc Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam tín dụng ưu đãi và cho vay ưu đãi bên mua, đã được chính phủ hai bên ký kết.

Kể từ khi bình thường hoá quan hệ từ năm 1991 đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Tiếp nối những thành quả đó, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thành công tốt đẹp, có ảnh hưởng sâu rộng và tích cực đối với phát triển toàn diện quan hệ hai nước, đối với hoà bình và phát triển của khu vực và thế giới. Đây cũng là nguyện vọng của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Trung./.