Trong năm 2008, Hà Nội đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động, và đã đạt một số kết quả quan trọng về tốc độ tăng trưởng, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài... Năm 2008 là năm Hà Nội đặc biệt thành công trong thu hút nguồn vốn FDI, với 300 dự án FDI được cấp phép và tăng vốn, tổng vốn đăng ký 5 tỉ USD (tăng khoảng 2 lần so với năm 2007); trong đó cấp mới cho 270 dự án với số vốn 4,4 tỉ USD, bổ sung tăng vốn 30 dự án với số vốn khoảng 0,6 tỉ USD; số vốn thực hiện ước đạt 600 triệu USD. Tuy nhiên, trong Bảng xếp hạng chỉ số PCI do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 12 năm 2008, Hà Nội bị tụt xuống thứ 31 - đứng đầu nhóm các tỉnh hạng trung bình.

Bước sang năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và kinh tế thế giới suy giảm, để đưa Hà Nội trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về hiệu quả điều hành phát triển kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, các cấp, các ngành của thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể để cải thiện các chỉ số PCI, đặc biệt các chỉ tiêu, chỉ số bị đánh thấp. Hà Nội đã xây dựng đề án “Cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của thành phố Hà Nội”. Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, mục tiêu mà Hà Nội đặt ra trong thu hút FDI năm 2009 là lọt vào “top” 5 các tỉnh/thành thu hút được khối lượng FDI lớn nhất; và cải thiện 10 bậc trong bảng xếp hạng PCI.
10 địa phương có thứ hạng cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2008:
 
Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Lào Cai, An Giang và Thừa Thiên-Huế.

Hà Nội tụt xuống thứ 31 - đứng đầu nhóm các tỉnh hạng trung bình.

Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 13 - xếp cuối cùng trong số 13 địa phương trong hạng tốt.

Để đạt mục tiêu đó Hà Nội sẽ tập trung thực hiện mười giải pháp:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công chức trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

- Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm tối đa chi phí thời gian của doanh nghiệp.

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết vấn đề mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiêp.

- Đẩy mạnh công khai, minh bạch hóa thông tin cho doanh nghiệp

- Cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, cởi mở và bình đẳng.

- Đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực

- Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận đến các nguồn vốn đầu tư.

- Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

- Khuyến khích phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội, doanh nghiệp.

- Tăng cường thông tin tuyên truyền./.