Nỗ lực khôi phục quan hệ Đông Bắc Á
TCCSĐT - Trong hai ngày 23 và 24-8-2016, khu vực Đông Bắc Á chứng kiến cuộc họp chính thức ba bên giữa các ngoại trưởng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tại Tokyo (Nhật Bản). Diễn ra trong bối cảnh giữa ba nước còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết, cuộc gặp được coi là tín hiệu tích cực nhằm tăng cường quan hệ trong khu vực.
Ngoại trưởng ba nước Nhật - Trung - Hàn nhất trí thúc đẩy quan hệ. Ảnh: reuteurs.com
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ngoại trưởng ba nước láng giềng Đông Bắc Á kể từ tháng 3-2015, là cuộc gặp lần thứ 8 kể từ khi ra đời cơ chế ba bên này, và cũng là lần đầu tiên hội nghị ngoại trưởng ba bên diễn ra tại Tokyo trong vòng 5 năm qua.
Hy vọng tạo động lực
Cuộc gặp giữa ngoại trưởng ba bên lần này diễn ra khi quan hệ song phương Nhật Bản - Hàn Quốc, Nhật Bản - Trung Quốc đang không mấy êm thấm vì những vấn đề liên quan đến những tranh cãi về lịch sử và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Hoa Đông.
Hội nghị Ngoại trưởng được ấn định vào phút chót vì căng thẳng leo thang giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên quan đến quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang quản lý hành chính nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhóm đảo nhỏ nằm cách đảo chính của tỉnh Okinawa (Nhật Bản) khoảng 400 km về phía Tây và hiện do Nhật Bản kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên đưa tàu, máy bay đến vùng biển xung quanh quần đảo này. Tranh chấp chủ quyền đã gây mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước suốt thời gian qua kể từ hồi tháng 9-2012 khi Tokyo tiến hành quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo tại đây. Hiện quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng khi Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) được đặt trong tình trạng cảnh giác cao do đã phát hiện các tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày 05-8 vừa qua. Khoảng 200 - 300 tàu cá của Trung Quốc bị phát hiện đi qua vùng tiếp giáp bên ngoài lãnh hải Nhật Bản, trong đó một số tàu đi sâu vào trong vùng biển của nước này khiến Tokyo đã liên tiếp có các động thái phản đối mạnh mẽ với Bắc Kinh. Mới đây, ngày 09-8, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã triệu Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa đến trụ sở Bộ Ngoại giao để phản đối việc các tàu của Trung Quốc tái diễn hành động xâm nhập lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp này. Tuy nhiên, ngày 11-8, JCG tiếp tục phát hiện ba tàu tuần tra bờ biển của Trung Quốc di chuyển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. JCG đã cảnh báo tàu Trung Quốc không được xâm phạm vùng biển Nhật Bản, nhưng một tàu trong số này đã đáp lại rằng, “quần đảo này là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc và vùng biển 12 hải lý xung quanh quần đảo là biển của Trung Quốc”.
Trong khi đó, quan hệ Tokyo - Seoul cũng chứng kiến căng thẳng do lịch sử thời chiến để lại liên quan đến quần đảo Takeshima mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền nhưng hiện do Seoul quản lý và gọi là Dokdo. Cho dù quan hệ giữa hai nước được cho là hòa dịu hơn khi ngày 15-8, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản nỗ lực xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai trong khi “nhìn thẳng vào lịch sử”. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong diễn văn của nhà lãnh đạo Hàn Quốc tại buổi lễ tổ chức ở thủ đô Seoul chào mừng 71 năm ngày Bán đảo Triều Tiên thoát khỏi ách đô hộ thực dân của Nhật Bản. Tổng thống Park Geun Hye đã không có phát biểu gai góc nào liên quan đến lịch sử hai nước trong bài diễn văn này và đây được coi là một bước cải thiện trong mối quan hệ song phương.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang tranh cãi gay gắt về kế hoạch Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Tháng 02-2016, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu bàn về việc triển khai Hệ thống THAAD, một hệ thống phòng thủ tên lửa có độ chính xác cao, có khả năng chống lại các mối đe dọa trên toàn thế giới với khả năng di động và có các đơn vị chiến lược. Động thái này diễn ra sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 01-2016 và phóng tên lửa tầm xa, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc. Trung Quốc đã cực lực phản đối hệ thống trên, bởi cho dù Mỹ và Hàn Quốc khẳng định, hệ thống THAAD không nhắm tới bất kỳ nước thứ ba nào và sẽ chỉ được sử dụng để đối phó với mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “hết sức bất bình và kiên quyết phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc” vì quan ngại về nguy cơ phá vỡ thế cân bằng chiến lược ở Đông Á. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo việc triển khai THAAD hủy hoại an ninh, hòa bình khu vực, và cũng không giúp gì cho nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Trước bối cảnh trên, trong vai trò nước chủ trì, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên, đồng thời cho rằng, thành quả từ lần gặp này của các ngoại trưởng sẽ tạo động lực thúc đẩy ba nước chuẩn bị tích cực cho cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối năm 2016, cũng như cải thiện các mối quan hệ song phương. Theo đó, Thủ tướng S. Abe bày tỏ hy vọng Hội nghị Ngoại trưởng ba bên cũng sẽ mở đường cho các cuộc hội đàm song phương giữa Thủ tướng S. Abe với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới. Thủ tướng S. Abe nhấn mạnh, ông muốn trao đổi quan điểm về các vấn đề như tình hình Triều Tiên qua các cuộc hội đàm song phương với lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cũng đã đưa ra quan điểm về tầm quan trọng của “cách tư duy chiến lược và sáng tạo”. Bà nêu rõ: “Nền chính trị quốc tế hiện nay và sự thay đổi trong tình hình an ninh ở Đông Bắc Á đòi hỏi chúng ta có cách ứng phó đặc biệt, cách tư duy chiến lược và cách bố trí năng lực của chúng ta trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Chúng ta cần dẫn dắt mối quan hệ với các nước láng giềng một cách chủ động và cùng có lợi, tin tưởng rằng chúng ta đóng một vai trò dẫn dắt vì hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực Đông Bắc Á”.
Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc gặp, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, Hội nghị Ngoại trưởng ba bên là dịp đặc biệt quan trọng để ngoại trưởng ba nước gặp gỡ và trao đổi ý kiến thẳng thắn, đồng thời đóng vai trò lớn trong khu vực.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên sau hơn ba năm gián đoạn vào tháng 11-2015, thủ đô Seoul (Hàn Quốc), các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã không đạt được bước đột phá nào, thay vào đó là tuyên bố mang tính tượng trưng về mục tiêu khôi phục quan hệ giữa ba nước nhằm tạo khuôn khổ cho hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á. Vì vậy, với nội dung thảo luận về chính sách chống khủng bố, vấn đề tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, việc cải thiện, tăng cường quan hệ giữa ba nước, trong đó có hợp tác kinh tế, trao đổi nguồn nhân lực và đàm phán hướng tới ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) ba bên…, Hội nghị Ngoại trưởng lần này được kỳ vọng ba nước sẽ chia sẻ trách nhiệm đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực, tạo “một cú hích lớn” chuẩn bị cho thành công của Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Trung - Hàn vào cuối năm 2016.
Nhất trí duy trì hợp tác
Ngay khi diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, cuộc họp đã bị phủ bóng bởi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 24-8. Trước động thái phóng tên lửa của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên một quả tên lửa SLBM rơi vào bên trong vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản. Điều này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản và là hành động không thể dung thứ đối với sự ổn định và hòa bình của khu vực”. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định vụ phóng của Triều Tiên vi phạm rõ rệt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó, cấm nước này sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Thủ tướng S. Abe cũng nêu rõ, Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và Hàn Quốc, phản ứng cứng rắn đối với vụ phóng này của Triều Tiên. Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) cũng đưa ra thông báo, Triều Tiên đã phóng một tên lửa SLBM từ một tàu ngầm ở vùng biển ngoài khơi thị trấn Sinpo thuộc tỉnh Nam Hamgyong. JSC cho rằng, vụ phóng thử tên lửa này của Triều Tiên nhằm đáp trả cuộc tập trận chung “Người bảo vệ tự do Ulchi” mà liên quân Hàn - Mỹ đang tiến hành, đồng thời khẳng định hành động này của Bình Nhưỡng rõ ràng đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, tầm bay của tên lửa trong vụ phóng lần này xa hơn so với các vụ thử SLBM của Triều Tiên trước đây. Các chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng, việc Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm sẽ là một mối đe dọa mới đối với an ninh khu vực vì các tên lửa này khó bị phát hiện trước khi phóng.
Việc Triều Tiên bắn thử tên lửa đúng vào ngày diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Đông Bắc Á cho thấy tình hình an ninh trong khu vực vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Do vậy, tại Hội nghị, ngoài việc trao đổi về nhiều quan điểm trong các vấn đề lớn của khu vực và toàn cầu, cũng như đánh giá về hợp tác ba bên và các đường hướng phát triển trong tương lai, vấn đề Triều Tiên là chủ đề nóng trong thảo luận của ngoại trưởng ba nước. Nhấn mạnh những quan ngại về các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhất trí hối thúc Triều Tiên kiềm chế hành động khiêu khích và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội nghị đã đưa phản ứng gay gắt của ba nước đối với Triều Tiên khi kêu gọi, cộng đồng quốc tế cần tuân thủ đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về những biện pháp trừng phạt Triều Tiên, gồm Nghị quyết 1718 (năm 2006), Nghị quyết 1874 (năm 2009), Nghị quyết 2087 (năm 2013), Nghị quyết 2094 (năm 2013) và Nghị quyết 2270 (năm 2016). Nghị quyết gần đây nhất được thông qua hồi tháng 3-2016, áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất đối với Triều Tiên, bao gồm một lệnh cấm xuất khẩu và đóng băng tài sản. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng, “vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên là không thể chấp nhận được. Chúng tôi đã gửi kháng nghị ngay lập tức và hy vọng Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ cùng phối hợp để dẫn dắt các nỗ lực của cộng đồng quốc tế về vấn đề này”. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng tuyên bố Bắc Kinh phản đối chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như phản đối mọi hành động châm ngòi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ Triều Tiên phóng thử SLBM, phớt lờ những lời cảnh báo của cộng đồng quốc tế và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hàn Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ ngay việc phát triển hạt nhân và tên lửa, đồng thời nêu rõ Seoul sẽ nỗ lực siết chặt các biện pháp trừng phạt quốc tế và gia tăng sức ép với Triều Tiên. Kết thúc Hội nghị, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, ba bên khẳng định không tha thứ cho hành động phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Bên lề cuộc gặp ba bên, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã có buổi hội đàm kín kéo dài một giờ về những căng thẳng giữa hai nước xung quanh quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng có buổi hội đàm song phương với Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se về việc thực hiện thỏa thuận giữa hai nước đối với vấn đề “phụ nữ mua vui”. Theo đó, Nhật Bản sẽ chuyển cho Hàn Quốc một tỷ Yen (khoảng 8,9 triệu USD) vào Quỹ Hàn gắn và Tái hòa giải, do chính phủ Hàn Quốc thành lập nhằm hỗ trợ các phụ nữ Hàn Quốc bị ép buộc phục vụ tình dục cho binh sỹ Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là kết quả của thỏa thuận đạt được giữa hai nước ngày 12-8 về việc thực hiện thỏa thuận mang tính lịch sử hồi cuối tháng 12-2015, liên quan đến những phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong thời chiến. Hai bên nhất trí về việc cụ thể hóa những chi tiết của Quỹ Hàn gắn và Tái hòa giải mà Nhật Bản có kế hoạch dùng để bồi thường cho các phụ nữ nay đã cao tuổi nói trên. Quỹ trên đã được chính phủ Hàn Quốc khởi động từ cuối tháng 7.
Theo các nhà phân tích, việc ngoại trưởng của ba nước có vai trò lớn trong khu vực cùng gặp mặt, thẳng thắn trao đổi quan điểm rất quan trọng, bởi những đồng thuận trong cuộc gặp lần này là cơ hội mở ra triển vọng cho cuộc gặp cấp cao giữa ba nước trong thời gian tới, mang đến những chuyển biến tích cực về chính trị an ninh và hợp tác kinh tế, thương mại ở cả khu vực./.
Việt Nam và Singapore còn rất nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác  (28/08/2016)
Singapore: Nhà đầu tư lớn của Việt Nam  (28/08/2016)
Chủ tịch Fed Janet Yellen dự báo Mỹ sắp tăng lãi suất ngắn hạn  (28/08/2016)
Chủ tịch Fed Janet Yellen dự báo Mỹ sắp tăng lãi suất ngắn hạn  (28/08/2016)
Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới 2016 - 2017  (28/08/2016)
Nga và Mỹ cùng hướng tới một lệnh ngừng bắn mới ở Syria  (28/08/2016)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên