TCCSĐT - Với 4 ngày làm việc khẩn trương, liên tục (từ ngày 03 đến 06-8-2016), tập trung bàn thảo hàng loạt các khuôn khổ nhằm tăng cường hợp tác kinh tế nội khối ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 48 và các hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) một lần nữa khẳng định bước tiến vững chắc của Cộng đồng ASEAN, mở rộng cơ hội liên kết ngoại khối.

 
 Xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh. Ảnh: thediplomat.com

Khẳng định vị thế

Trong gần 5 thập niên qua, ASEAN từ một tổ chức hợp tác lỏng lẻo, một thực thể nhỏ bé ở Đông Nam Á đã trở thành một tổ chức liên kết chặt chẽ, một bộ máy hoàn chỉnh và một đối tác không thể thiếu của các nước lớn và các tổ chức quốc tế quan trọng. Ngày 31-12-2015, ASEAN đã chính thức thành lập một Cộng đồng chung với ba trụ cột Chính trị - An ninh (APSC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa - Xã hội (ASCC), thể hiện tinh thần đoàn kết vì mục tiêu xây dựng “một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài, kinh tế tăng trưởng bền vững, tiến bộ xã hội và thịnh vượng chung”.

Thực tiễn gần 50 năm qua cho thấy, ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực có sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng nhanh chóng với những biến đổi đầy biến động của khu vực và thế giới. ASEAN đã đưa ra tầm nhìn, định hướng cho từng giai đoạn phát triển, từ Tuyên bố Băng Cốc năm 1967 đến Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali I) năm 1976; từ Tầm nhìn ASEAN 2020 năm 1997 đến Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali II) năm 2003; từ bản Hiến chương ASEAN năm 2007 đến Lộ trình xây dựng Cộng đồng 2009; Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Bali III) năm 2011... Mỗi giai đoạn được gắn với một mục tiêu và nội dung cụ thể, nhưng tầm nhìn là xuyên suốt, bảo đảm sự tiếp nối và phát triển liên tục của ASEAN.

Chỉ trong 6 năm (2009 - 2015) thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng chung, thương mại nội khối ASEAN đã tăng hơn 30% lên hơn 600 tỷ USD. Bên cạnh đó, ASEAN ngày càng củng cố vị trí của mình như một trung tâm tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho phép ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực nhằm giảm căng thẳng, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn cả trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện ASEAN đã bước sang giai đoạn phát triển mới với một Cộng đồng chung, được chính thức hình thành từ ngày 31-12-2015, luôn gắn kết về chính trị, vững mạnh về kinh tế và đùm bọc, chia sẻ lẫn nhau giữa các quốc gia. Cộng đồng ASEAN đặt mục tiêu hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và dựa trên các nguyên tắc luật pháp - nơi mà mọi người dân, các nhà đầu tư và mọi lĩnh vực của xã hội có thể đóng góp và hưởng thụ các lợi ích từ một Cộng đồng hội nhập và kết nối hơn dựa trên sự hợp tác tăng cường ở cả ba trụ cột.

Sau khi hình thành Cộng đồng chung, trong năm 2016, ASEAN đã và đang tích cực triển khai “Tầm nhìn ASEAN 2025”, trong đó xác định và cụ thể hóa các ưu tiên theo từng giai đoạn, thiết lập các cơ chế giám sát nâng cao hiệu quả và tiến độ thực thi. Trong đó, về Kế hoạch tổng thể Chính trị - An ninh ASEAN 2025 đã có nhiều tiến triển tích cực với 140 trong tổng số 290 dòng hành động đang được triển khai, đạt tỷ lệ gần 50%, trong đó có nhiều dòng hành động thực chất. Trong trụ cột Kinh tế, ASEAN đã xây dựng các kế hoạch hành động mới giai đoạn 2016 - 2025 ở hầu hết các kênh chuyên ngành như đầu tư, thuận lợi hóa thương mại, giao thông vận tải, doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch, khoa học - công nghệ, nông - lâm nghiệp... Trong trụ cột Văn hóa - Xã hội, để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và xây dựng bản sắc ASEAN, Hiệp hội đã thông qua và triển khai các chiến lược hành động giai đoạn mới về lao động, giáo dục, môi trường, y tế, quản lý thiên tai;...

Trong quan hệ đối ngoại, ASEAN đã thực thi chính sách đối ngoại rộng mở, tăng cường hợp tác với các đối tác, cùng đóng góp xây dựng cho hợp tác chung ở khu vực, xử lý các thách thức đặt ra cũng như hỗ trợ ASEAN triển khai Tầm nhìn 2025, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển; đồng thời, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng cấu trúc khu vực phù hợp với đặc thù và lợi ích khu vực, trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)... Bên cạnh đó, ASEAN không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước lớn trong khu vực và thế giới.

Mở rộng quan hệ đối ngoại

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 49 (AMM-49) tháng 7-2016 vừa qua và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 48 tiếp tục khẳng định uy tín và sứ mệnh đặc biệt của ASEAN trong việc tạo lập sân chơi và luật chơi chung cho các đối tác cả trong và ngoài khu vực.

Hội nghị AMM-49 cùng Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các nước đối tác, đối thoại và với các đối tác khác trong khuôn khổ của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị ARF có ý nghĩa rất quan trọng. Hội nghị đã khẳng định thành công bước đầu của ASEAN sau hơn nửa năm thành lập chính thức Cộng đồng ASEAN với những tiến độ đề ra trên các lĩnh vực về chính trị, an ninh, kinh tế. Nhất là trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đối thoại có bước tiến triển khả quan. Hiện nay đã có 86 đối tác cử đại sứ tại ASEAN và 50 Ủy ban ASEAN tại nước thứ 3. ASEAN đặc biệt chú trọng tới tầm quan trọng của việc bảo đảm quan hệ giữa ASEAN với các đối tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng cấu trúc khu vực phù hợp với đặc thù và lợi ích khu vực, trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+,...

ASEAN đã cùng các nước đối thoại chia sẻ những quan điểm về vấn đề đang đặt ra đối với các nước thành viên ASEAN, cũng như với các nước đối tác của ASEAN. Hội nghị cấp cao Đông Á lần này đã có sự tham gia của 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác, trong đó có những nước lớn trong khu vực gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, và ngoài khu vực gồm Hoa Kỳ, Nga, Australia và New Zealand. Tại các diễn đàn, các bên đã cùng nhau đánh giá về những vấn đề đặt ra, cùng trao đổi về các biện pháp nhằm đối phó với các thách thức.

Trong khuôn khổ Hội nghị AEM 48 và các hội nghị liên quan, đã diễn ra các cuộc họp bao gồm Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 30, Hội nghị liên Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM - AIA) lần thứ 19, các hội nghị tham vấn giữa ASEAN với 10 đối tác; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 16 nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4, Hội nghị Bộ trưởng Mekong - Nhật Bản lần thứ 8, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 4 nước CLMV lần thứ 8.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 (AEC 2025). Lộ trình này đặt ra mục tiêu hướng tới một ASEAN hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn vào năm 2025, đồng thời bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao, phát triển kinh tế bền vững, đối phó tốt với các thách thức kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người dân ASEAN. Bởi vậy, trọng tâm hợp tác của năm 2016 là xây dựng nền tảng cho việc triển khai lộ trình một cách hiệu quả.

Bên cạnh việc thông qua nhiều khuôn khổ cho tăng cường hợp tác kinh tế nội khối, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất được nhiều nội dung quan trọng với các nước đối tác, như: Chuẩn bị tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN và Trung Quốc về hợp tác năng lực sản xuất; chuẩn bị ký kết văn kiện pháp lý về kết quả đàm phán dịch vụ và đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP); chuẩn bị rà soát tổng thể Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia, New Zealand (AANZFTA); thúc đẩy tiến trình rà soát Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ theo hướng tăng cường tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ASEAN xuất khẩu vào thị trường này, khởi động tiến trình đàm phán tự do hóa hơn về thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Hàn Quốc; thúc đẩy hoàn tất đàm phán RCEP và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hong Kong; triển khai các sáng kiến hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực trong các khuôn khổ ASEAN+3 và Đông Á, nhất trí tổ chức đối thoại chính sách thường niên với Canada....

Trên cơ sở kết quả Hội nghị Cấp cao đặc biệt của các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ tổ chức vào tháng 02 và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Nga tổ chức vào tháng 5-2016, ASEAN đã đối thoại và nhất trí triển khai các sáng kiến tăng cường kết nối ASEAN với các đối tác này, cụ thể như thiết lập các trung tâm kết nối Hoa Kỳ - ASEAN tại Singapore, Bangkok và Jakarta, xác lập các nguyên tắc hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ về đầu tư quốc tế, về minh bạch và quản lý tốt; nghiên cứu thiết lập quan hệ Đối tác kinh tế ASEAN - Nga về kết nối.

Thúc đẩy hiệu quả hợp tác

Trên cơ sở những nội dung đã được thông qua, ASEAN cùng từng nước đối tác nhất trí thúc đẩy hợp tác hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.

Cùng với những tiến triển thực chất trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, ASEAN+3 đã tái khẳng định cam kết củng cố hơn nữa hợp tác, coi đây là khuôn khổ chính hướng tới mục tiêu dài hạn về Cộng đồng Đông Á.

Kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại, hợp tác kinh tế và thương mại giữa ASEAN - Trung Quốc trong 25 năm qua được ghi nhận khả quan. Mặc dù trước sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc vẫn giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với tổng giá trị trao đổi thương mại đạt 346,4 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng giá trị thương mại của ASEAN. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào ASEAN trong năm 2015 đạt 8,2 tỷ USD, trở thành nguồn FDI lớn thứ 4 của ASEAN. Theo các số liệu thống kê của Trung Quốc, trao đổi thương mại hai chiều giữa hai bên tăng liên tục ở tốc độ trung bình là 18,5%/năm kể từ năm 1991 đến năm 2015. Đây chính là đà tăng trưởng trao đổi thương mại giữa hai bên trong những năm tiếp theo.

Nhật Bản là nguồn FDI đứng thứ 2 vào ASEAN. Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Nhật Bản đạt 239,4 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN. Trong khi, FDI của Nhật Bản trong năm 2015 vào ASEAN là 17,4 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng dòng vốn FDI của ASEAN trong năm. Hai bên đã hoàn tất các cuộc đàm phán về thương mại dịch vụ; cải thiện việc thực thi Hiệp định AJCEP; hướng tới đáp ứng các mục tiêu của Lộ trình hợp tác kinh tế chiến lược 10 năm ASEAN - Nhật Bản; tăng cường hợp tác trong các trụ cột hợp tác khác nhau trong lộ trình như phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo thuận tiện cho thương mại, chuỗi cung cấp và kết nối…

Trong năm 2015, hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Hàn Quốc được triển khai với các dự án được tài trợ theo khuôn khổ Quỹ hợp tác kinh tế ASEAN - Hàn Quốc (AKEC). Tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN tăng lên 122,9 tỷ USD, chiếm 5,4% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác lớn thứ 5 của ASEAN. Đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào ASEAN đạt 5,7 tỷ USD, là nguồn đầu tư FDI lớn thứ 5 của ASEAN. Nghị định thư thứ 3 sửa đổi đối với Hiệp định thương mại hàng hóa tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKTIGA) đã đi vào hiệu lực từ ngày 01-01-2016. Thông qua việc đưa ra các cam kết mới về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại, cũng như các kế hoạch giảm thuế từng bước của các bên, Nghị định thư tạo thêm thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc, giúp hai bên đạt mục tiêu đã đề ra, đó là tăng trao đổi kim ngạch hai chiều lên 200 tỷ USD vào năm 2020.

Là đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN, hiện kim ngạch trao đổi thương mại song phương ASEAN - Nga đạt 13,4 tỷ USD trong năm 2015, chiếm 0,6% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của ASEAN. Nhằm đưa quan hệ ASEAN - Nga hướng tới đối tác chiến lược vì lợi ích chung, hai bên định hướng tương lai về hợp tác kinh tế trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, tài chính, thương mại điện tử, vận tải, năng lượng, nông nghiệp, kinh tế biển… Theo đó, hai bên thúc đẩy triển khai các hoạt động khác nhau, như: Chương trình hợp tác đầu tư và thương mại ASEAN - Nga sau năm 2015; Chương trình hợp tác an ninh lương thực và nông nghiệp ASEAN - Nga (2016 - 2020), Kế hoạch Hành động ASEAN - Nga về khoa học, công nghệ và đổi mới (2016 - 2020) và Kế hoạch Hợp tác năng lượng ASEAN - Nga (2016 - 2020).

Theo số liệu thống kê của ASEAN và Mỹ, kim ngạch trao đổi thương mại giữa ASEAN và Mỹ đã lên tới con số 212,8 tỷ USD, chiếm 9,3% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của ASEAN, trong khi thương mại dịch vụ giữa hai bên lên tới gần 40 tỷ USD. Năm 2015, FDI của Mỹ vào ASEAN đạt 12,2 tỷ USD, trở thành nguồn FDI lớn thứ 3 vào ASEAN. Hiện Mỹ cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN với số vốn đầu tư FDI tích lũy lên tới 273,4 tỷ USD tính tới năm 2015. Sau thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại Sunnylands (Mỹ), tháng 2-2016, Mỹ nhận định rằng, ASEAN là một khu vực và là đối tác thương mại hết sức quan trọng của Mỹ. Thời gian qua, ASEAN và Mỹ đã đạt được những tiến triển trong việc thực hiện Kết nối ASEAN - Mỹ như một khung khổ chiến lược mới để điều phối việc tăng cường sự gắn kết giữa kinh tế Mỹ với ASEAN; những bước tiến trong việc thực thi Thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư song phương (TIFA), Kế hoạch công tác năm 2015 về Sáng kiến Gắn kết kinh tế mở rộng (E3); thông qua các nội dung về Hợp tác ASEAN - Mỹ về tính minh bạch và những thực tiễn thực thi các quy định về hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa (Good Regulatory Pratices); hoàn tất nội dung của Hợp tác ASEAN - Mỹ trong Đầu tư quốc tế; thảo luận Hợp tác ASEAN - Mỹ về việc Khuyến khích hợp tác trong các dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông;...

Hỗ trợ Cộng đồng Kinh tế ASEAN theo những cách khác nhau, Australia và New Zealand thông qua việc triển khai Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Australia và New Zealand và các chương trình hỗ trợ hợp tác kinh tế của Hiệp định. Hiện tổng giá trị trao đổi thương mại giữa ASEAN - Australia và New Zealand đạt 60,3 tỷ USD, chiếm 2,6% tổng giá trị thương mại của ASEAN. FDI từ Australia và New Zealand trong năm 2015 vào ASEAN đạt 7,4 tỷ USD, chiếm 6,2% tổng vốn FDI vào ASEAN. Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN trong năm 2015 với giá trị thương mại hai chiều đạt 51,8 tỷ USD. Năm 2015, FDI từ Australia vào ASEAN đạt 5,2 tỷ USD. Cũng trong năm 2016, tổng giá trị thương mại ASEAN - New Zealand đạt 8,5 tỷ USD và FDI của New Zealand vào ASEAN đạt 2,2 tỷ USD. Trên cơ sở đó, các bên nhất trí rà soát Tổng thể Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Australia và New Zealand để triển khai trong năm 2017. Nghị định thứ nhất về sửa đổi Hiệp định thành lập Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Australia và New Zealand đã có hiệu lực và sẽ tiếp tục được triển khai thuận lợi.

Trao đổi thương mại hai chiều ASEAN - Ấn Độ trong năm 2015 đạt 58,7 tỷ USD, chiếm khoảng 2,6% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 6 của ASEAN, đồng thời cũng là quốc gia đứng thứ 8 về FDI vào ASEAN trong năm 2015 với số vốn là 1,3 tỷ USD. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai Hiệp định Đầu tư và Hiệp định Thương mại dịch vụ nhằm nâng quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên thành đối tác chiến lược; thúc đẩy việc rà soát lại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG).

Trong quan hệ kinh tế ASEAN - EU, Chương trình Công tács Đầu tư và Thương mại ASEAN - EU giai đoạn 2015 - 2016 được xúc tiến. Hai bên tiếp tục xem xét tính khả thi đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN - EU, sớm khởi động đàm phán Hiệp định vận tải hàng không toàn diện ASEAN - EU. Tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại Bangkok (tháng 10-2016), hai bên dự kiến thông qua hai văn kiện, gồm Tuyên bố chính trị và Lộ trình nhằm tạo động lực hiện thực hóa Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU.

Như vậy có thể thấy, hành trình phát triển trải qua không ít biến cố, thăng trầm, giờ đây, Cộng đồng ASEAN đang dần khẳng định vị thế, được các nước đối tác ghi nhận là thành quả phấn đấu không mệt mỏi của Hiệp hội; đồng thời đây sẽ là nền tảng, định hướng và khuôn khổ cho ASEAN vững tin bước vào giai đoạn mới - giai đoạn củng cố vững mạnh Cộng đồng hướng tới những mục tiêu liên kết cao hơn trong khu vực và trên toàn cầu./.