Chủ động hơn nữa trong công tác dự báo và ứng phó với thiên tai
Chiều 08-8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 1 và cơn bão số 2. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.
Những kinh nghiệm cần rút ra
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong hai cơn bão vừa qua là cần tăng cường tần suất phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng hơn nữa để tạo hiệu ứng khẩn trương, tích cực trong ứng phó với bão. Thiệt hại về hệ thống điện lực, cơ sở hạ tầng trong bão số 1 là rất lớn. Do vậy, cần xem xét lại tiêu chuẩn thiết kế, chất lượng công trình về an toàn các công trình trước thiên tai. Một số công trình phòng, chống thiên tai như đê điều, kè, cống đã xuống cấp, song thiếu kinh phí để đầu tư, nâng cấp nên đã xảy ra sự cố tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Do vậy, cần ưu tiên bố trí nguồn lực để xử lý sự cố, diễn biến nhanh của thiên tai, tránh việc tốn nhiều kinh phí xử lý, đặc biệt có thể dẫn đến vỡ đê thì hậu quả sẽ không thể lường trước.
Các địa phương đã xây dựng phương án ứng phó với bão, tuy nhiên một số nội dung triển khai còn hạn chế dẫn đến số lượng lớn cây xanh bị đổ gây thiệt hại về người, hư hỏng công trình, tàu, thuyền nhỏ bị chìm. Các công trình cơ quan, bệnh viện, công trình phòng, chống thiên tai quan trọng cần có phương án vận hành dự phòng khi mất điện, mất liên lạc. Kiến thức phòng, chống thiên tai của cộng đồng còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn chủ quan. Do vậy cần phải tăng cường tập huấn, hướng dẫn để nâng cao năng lực, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.
Đối với cơn bão số 2: Các tỉnh miền núi phía Bắc cần triển khai quyết liệt việc sơ tán dân khi có bản tin cảnh báo, dự báo của cơ quan khí tượng, thủy văn; kiên quyết di dời các hộ dân lấn chiếm lòng sông, suối làm co hẹp dòng chảy, tăng nguy cơ lũ quét để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. Tăng cường kinh phí để di dời các hộ dân tại các vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét. Xây dựng, rà soát phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện phương án. Không xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trong khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất. Quản lý các ao, hồ đắp tự phát, không để gây vỡ khi mưa, lũ. Những sạt lở, lũ quét nguy hiểm cần được cắm biển cảnh báo, hướng dẫn. Tăng cường các trạm đo mưa, trong đó có các trạm đo mưa cộng đồng để nâng cao nhận thức và tính chủ động trong ứng phó.
Chỉ đạo quyết liệt, khắc phục kịp thời
Cơn bão số 1 và số 2 gây nhiều thiệt hại về người và tài sản (ước thiệt hại khoảng gần 7 nghìn tỷ đồng). Song được sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và sự chủ động vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, cũng như các cấp chính quyền địa phương và người dân nên đã giảm thiểu tối đa về người và tài sản.
Đối với cơn bão số 1: Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng chính quyền các cấp tập trung khắc phục sự cố về điện, trong đó ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để tiêu úng. Đến ngày 29-7, đã cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu úng lớn. Đến ngày 02-8, các sự cố về lưới điện đã cơ bản được khắc phục.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tăng cường vận hành các trạm bơm tiêu úng, các cống tiêu; kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập; hướng dẫn các địa phương khôi phục diện tích bị thiệt hại, chăm sóc diện tích bị ảnh hưởng; tổng hợp nhu cầu giống của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, diện tích lúa đã được khôi phục và phát triển bình thường là 199.000 ha; chỉ còn 17.000 ha bị mất trắng, các địa phương đang tích cực xuống giống để đảm bảo thời vụ...
Đối với cơn bão số 2, tỉnh Lào Cai đã huy động lực lượng, phương tiện tiếp cận hiện trường, cứu hộ, cứu nạn các hộ dân bị ngập lũ, chia cắt tại huyện Bát Xát; tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, động viên các gia định bị thiệt hại; cứu chữa người bị thương, hỗ trợ mai táng người bị thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các gia đình bị thiệt hại, mất nhà cửa, không để người dân bị đói, khát, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Các địa phương khác chỉ đạo lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục sản xuất; khắc phục sạt lở đảm bảo thông suốt các tuyến đường giao thông chính.
Chủ động hơn trong công tác dự báo, ứng phó và khắc phục
Để chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó với bão trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, bên cạnh những chuyển biến tích cực thì công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của bão lũ còn nhiều hạn chế, bất cập, đây chính nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc.
Phó Thủ tướng chỉ rõ công tác chỉ đạo, ứng phó của các bộ, ngành, địa phương, người dân quyết liệt nhưng nhiều nơi còn bị động, chủ quan, để tình huống bất ngờ xảy ra; khả năng chủ động ứng phó còn chưa cao, phụ thuộc chỉ đạo ở trên; việc sơ tán, cưỡng chế người dân ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai, mưa lũ, sạt lở còn chưa quyết liệt; chưa chủ động phòng tránh khi có mưa lũ, các công trình xây dựng chưa được kiểm tra thường xuyên. Khả năng chống chọi thiên tai của cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế như các công trình điện, hệ thống thoát nước, tiêu úng... Công tác dự báo dù được triển khai tích cực nhưng chưa lường hết được diễn biến của thời tiết, mưa bão, năng lực cả về trang thiết bị và năng lực con người chưa đảm bảo yêu cầu. Điều này ảnh hưởng đến công tác ứng phó với mưa bão, công tác tuyên truyền cho người dân ứng phó với thiên tai.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh do diễn biến thời tiết thiên tai ngày càng phức tạp, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung khắc phục hậu quả của thiên tai, trong đó có hậu quả của bão số 1, số 2 vừa qua; tập trung tìm kiếm những người còn mất tích, tiếp tục hỗ trợ, thăm hỏi người nhà nạn nhân, hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa sập đổ do mưa lũ, hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau lũ, không để hộ nào bị thiếu đói; đồng thời tập trung khôi phục sản xuất, bảo đảm giao thông.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện nâng cao năng lực của Trung tâm Dự báo Khí tưởng Thủy văn quốc gia, trong đó chú trọng đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, tăng cường hợp tác với các cơ quan khí tượng thủy văn quốc tế để nâng cao năng lực, chất lượng cảnh báo, dự báo thời tiết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, cùng các địa phương rà soát, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng; chủ động kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập, kiểm tra công tác vận hành tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ; khẩn trương kiểm tra quy hoạch dân cư ở các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của mưa lũ, thiên tai; tập trung nâng cao công tác tìm kiếm cứu nạn, chủ động công tác hậu cần trong phòng chống thiên tai... Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai rà soát, tổng hợp kiến nghị, đề xuất hỗ trợ của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia  (08/08/2016)
Nga - Thổ Nhĩ Kỳ: Cơ hội cho sự khởi đầu mới  (08/08/2016)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 01-8 đến ngày 07-8-2016)  (08/08/2016)
Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế  (08/08/2016)
Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Indonesia  (08/08/2016)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay