Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế
Ngày 08-8, tại thành phố Huế đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2016. Hội nghị do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức.
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; gần 500 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương, các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh và đánh giá cao tính chủ động, sự cố gắng, nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế và BIDV trong việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tập trung phát triển y tế, giáo dục và phát huy thế mạnh của tỉnh; lấy phát triển du lịch làm kinh tế mũi nhọn của địa phương, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa. Trong phát triển du lịch, tỉnh cần đổi mới tư duy để biến tiềm năng thành khả năng và hiện thực, theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, Nhà nước không ôm đồm, làm thay doanh nghiệp; bảo tồn di tích phải gắn với khai thác, phát triển. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng cơ chế đặc thù để khai thác và phát huy giá trị di sản Huế, hợp tác “công, tư” trong việc trùng tu, bảo tồn và phát triển di tích.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có lộ trình cụ thể để sớm đưa các dự án vào triển khai thực hiện, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhất là vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với diện tích hơn 22.000 ha, lớn nhất Đông Nam Á. Từ năm 2009, Chính phủ đã phê duyệt Ðề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020”, nhưng đến nay vùng đất này chưa được đầu tư khai thác nhiều. Trong khi đề án xác định mục tiêu rõ ràng: Xây dựng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế du lịch của tỉnh; bảo tồn và phát triển dải rừng sinh thái ven biển ngập mặn.
Đối với lĩnh vực đầu tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, thông qua hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh cần có cơ chế tiếp nhận ý kiến, giải đáp thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sau hội nghị này, tỉnh nên tổ chức thêm các hội nghị chuyên đề về phát triển khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và về phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai để đánh thức tiềm năng, thúc đẩy đầu tư vào các vùng này.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các bộ, ngành và BIDV tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn lực tài chính để xây dựng Thừa Thiên - Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục…
Là một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên - Huế có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế biển. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế còn gặp nhiều hạn chế, thách thức. Theo ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, định hướng phát triển của Thừa Thiên - Huế trong thời gian tới là ưu tiên hai hướng chiến lược: Một là, đột phá Huế trở thành thành phố “di sản” với nguyên lý cốt lõi là sự kết hợp hài hòa giữa cái xưa cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại; nâng đẳng cấp quốc tế của thương hiệu “Một điểm đến 5 di sản”; biến lợi thế của tỉnh trở thành nơi chăm sóc sức khỏe - nghỉ dưỡng đẳng cấp cao. Hai là, đột phá Chân Mây - Lăng Cô trở thành thành phố đối đẳng Huế, kết cặp với Đà Nẵng mà ở đó sẽ hình thành một đô thị biển kết nối tạo nên hành lang đô thị trọng điểm miền Trung với Huế - Chân Mây - Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất - Nhơn Hội - Vân Phong, là một tổ hợp phát triển hiện đại, cảng biển cộng với công nghiệp sáng tạo và du lịch nghỉ dưỡng. Trên cơ sở này, tỉnh Thừa Thiên - Huế cam kết với các nhà đầu tư sẽ tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, hiệu quả; luôn sẵn sàng gặp mặt, tiếp xúc với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để lắng nghe, trao đổi và tháo gỡ những khó khăn, cũng như chỉ đạo xử lý kịp thời nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên - Huế, BIDV cam kết đồng hành với các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh; không chỉ rót vốn, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu, mà còn đồng hành trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh cùng các doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV Trần Bắc Hà cho biết thêm: BIDV cam kết hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; cam kết dành vốn tín dụng hỗ trợ phát triển các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2018, trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực có tiềm năng là: Công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Để hỗ trợ tỉnh kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư, BIDV xem xét hỗ trợ, phối hợp với tỉnh tổ chức các chương trình, sự kiện quảng bá, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh; đồng thời giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng, đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng để đầu tư vào tỉnh đặc biệt là vào khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực như xây dựng trường mẫu giáo, trạm y tế, hỗ trợ thiên tai, người nghèo tại tỉnh.
Tại Hội nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao 16 giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 7.744,5 tỷ đồng; ký 6 thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư. BIDV ký kết thỏa thuận tài trợ “Quy hoạch du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế”, với tổng mức tài trợ là 7 tỷ đồng. Ngoài ra, BIDV ký kết các thỏa thuận/hợp đồng nguyên tắc tài trợ vốn tín dụng cho 7 dự án đầu tư trên địa bàn với tổng mức đầu tư 4.558 tỷ đồng.../.
Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Indonesia  (08/08/2016)
Thừa Thiên Huế cần tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp  (08/08/2016)
Thủ tướng Campuchia ấn định thời điểm bầu cử toàn quốc  (08/08/2016)
Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ASEAN  (08/08/2016)
Đánh giá tác hại của chất độc da cam/doxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam  (08/08/2016)
Thái Bình cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp  (08/08/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên