Hiệu quả thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Ngày 30-3-1999 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg về “Một số chính sách tín dụng Ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Quyết định này đã mở ra sự thông thoáng về các điều kiện cho vay, cụ thể là mức cho vay được nâng cao, không phải thế chấp tài sản; hồ sơ, thủ tục cho vay vốn đơn giản; đối tượng cho vay đa dạng; mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch phục vụ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được mở rộng, có mặt trên khắp các xã, kể cả những vùng đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh. Hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ…có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng của hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; qua đó, góp phần xoá đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ nông dân vượt lên làm giàu.
Những thành tựu đạt được trong thực thi chính sách tín dụng nghiệp, nông thôn
Năm 1997, khi tỉnh Quảng Nam được tái lập, tỷ lệ hộ đói nghèo ở mức trên 27%; đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Trước khi có Quyết định số 67/QĐ/199TTg, vấn đề vốn để sản xuất thiếu trầm trọng, là một bài toán đặt ra từ thực tiễn không có lời giải. Phải đến năm 1999, khi Quyết định này được ban hành, cơ chế cũ dần được tháo gỡ do chính sách đã nhanh chóng đi vào đời sống.
Qua nhiều năm, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ Quyết định số 67/QĐ/1999-TTg ở tất cả các ngân hàng huyện, thành phố trong tỉnh. Mạng lưới hoạt động trong hệ thống ngân hàng trải đều trong tỉnh, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu huy động nguồn vốn, mở rộng tín dụng. Từ chỗ chỉ có 14 chi nhánh cấp ba, 12 ngân hàng liên xã, đến hết tháng 8-2008, toàn tỉnh đã có 26 chi nhánh loại ba, 4 phòng giao dịch trực thuộc tỉnh và 16 phòng giao dịch trực thuộc ở các huyện, thị và khu công nghiệp, khu kinh tế mở Chu Lai.
Chi nhánh tỉnh Quảng Nam đã tích cực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh huy động vốn bằng nhiều loại sản phẩm với lãi suất thích hợp như: tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm hưởng lãi suất bậc thang, tiết kiệm gửi góp; phát hành kỳ phiếu trả lãi trước, kỳ phiếu trả lãi sau…, kể cả bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ; từng bước đa dạng hoá việc huy động vốn trung hạn, dài hạn để bảo đảm dành ưu tiên vốn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Việc áp dụng các sản phẩm tiết kiệm có dự thưởng đã góp phần làm tăng đáng kể nguồn vốn. Nếu trước khi có Quyết định số 67/QĐ/1999/TTg, tổng nguồn vốn huy động toàn Chi nhánh chỉ đạt 213 tỉ đồng, dư nợ cho vay là 232 tỉ đồng thì đến 31-8-2008, tổng nguồn vốn huy động tại Chi nhánh là 2.538 tỉ đồng, tăng 2.231 tỉ đồng, gấp 8,27 lần. Tổng dư nợ 1.765 tỉ đồng, tăng 1.538 tỉ đồng, gấp 7,78 lần so với trước. Rõ ràng là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã tạo được cơ chế cho các ngân hàng thương mại sự thông thoáng, tháo gỡ căn bản những khó khăn trong đầu tư tín dụng, tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi cho hộ nông dân được vay vốn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế.
Kết quả đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn qua các năm
Đơn vị: tỉ đồng
Chỉ tiêu |
1999 |
2000 |
2001 |
2002 |
2003 |
2004 |
2005 |
2006 |
2007 |
31-8-2008 |
1. Nguồn vốn |
307 |
757 |
1.035 |
1.095 |
1.220 |
1.302 |
1.547 |
1.820 |
2.372 |
2.538 |
Trong đó: Tổng dân cư |
127 |
171 |
241 |
363 |
457 |
584 |
879 |
1.092 |
1.513 |
1.886 |
2. Dư nợ |
227 |
396 |
582 |
783 |
985 |
1.112 |
1.355 |
1.368 |
1.642 |
1.765 |
Trong đó: Nông nghiệp |
168 |
283 |
350 |
318 |
571 |
576 |
578 |
588 |
783 |
829 |
Nguồn: Phòng Tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam 1997 đến 31-8-2008
Ngày 9-10-1999, Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã kịp thời ra Nghị quyết Liên tịch số 2308/NQLT-1999, “Về tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn”. Trên tinh thần Nghị quyết và với hệ thống tổ chức rộng khắp, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát huy mạnh hơn vai trò là người bạn đồng hành với nông dân, từ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, thu gom, tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá… Vốn tín dụng ngân hàng đã đến với nông dân, kể cả các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, căn bản xoá được các xã trắng trong quan hệ tín dụng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn và cải thiện đời sống người dân.
Hội Nông dân và Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp xây dựng các chương trình hành động, cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp từng năm và cùng với các sở, ban, ngành trong tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng cơ sở và các cấp hội triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Liên tịch nói trên. Tính đến ngày 31-8-2008 toàn tỉnh đã có 75.850 lượt hộ được vay vốn thông qua tổ chức hội nông dân với số tiền là 975.550 triệu đồng, dư nợ là 165.545 triệu đồng.
Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, hình thành các trang trại, ứng dụng các tiến bộ khoa học, tổ chức lại sản xuất phù hợp với nguồn vốn và trình độ quản lý; gắn sản xuất với chế biến nên đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, phù hợp với cơ chế thị trường.
…Sau mười năm tái lập tỉnh, quy mô nền kinh tế· tăng đáng kể và có bước phát triển khá nhanh. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDP) tăng liên tục qua các năm, bình quân hằng năm tăng 9,56%, trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,95%. Nhờ vậy, đến năm 2006 GDP trên địa bàn tỉnh gấp 2,3 lần năm 1997. Trong đó, khu vực nông nghiệp gấp 1,3 lần; giá trị sản xuất nông nghiệp gấp 1,4 lần, tăng bình quân hằng năm 3,86%; tỷ trọng của khu vực nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế từ 47,7% (1997) giảm còn 29% (2006). Đây là sự chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tốc độ phát triển các nguồn vốn đầu tư qua các năm có chiều hướng tích cực, tăng bình quân 27,25%/năm, trong đó vốn tín dụng gấp 5,6 lần năm 1997. Thu nhập bình quân nhân khẩu/tháng của khu vực nông thôn từ 162.600 đồng năm 1999 tăng lên 432.000 đồng năm 2006, việc tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 72,51 năm 1999 lên 79,08% năm 2006 đã góp phần quan trọng nâng cao được thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tỷ lệ hộ đói nghèo từ 27,4% năm 1997 giảm xuống còn 22,75% năm 2006…
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam, “Kinh tế – xã hội Quảng Nam 10 năm (1997-2006)”. |
Thành tựu nổi bật về tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ở Quảng Nam thời gian qua là góp phần vào sự tăng trưởng nhanh và ổn định, bảo đảm an ninh lương thực; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng thuỷ sản trong cơ cấu nội bộ ngành, trong đó: nông nghiệp tăng 3,45%, thuỷ sản tăng 7,35%, nhằm tăng trưởng ổn định khu vực nông, lâm, thuỷ sản, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Sự chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và mở rộng diện tích lúa lai, lúa thuần chủng có năng suất cao, kết hợp với các biện pháp thâm canh tổng hợp đã đưa năng suất lúa từng vụ tăng ổn định trên 5.000 tấn/năm. Một số huyện miền núi trước đây thường xuyên thiếu đói, nay đã bảo đảm được nhu cầu lương thực tại chỗ. Các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc đã đầu tư hình thành những vùng trồng ngô thâm canh đạt năng suất cao, chất lượng tốt; tại các huyện Núi Thành và Hiệp Đức…đã đưa cây cao su tiểu điền vào trồng trên diện rộng cho kết quả khá, từng bước xoá dần thế độc canh cây lúa, tăng hiệu quả sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm cao trên mỗi ha đất canh tác theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt nhất tiềm năng đất đai, vốn, lao động của toàn xã hội.
Chương trình phát triển lâm nghiệp xã hội đang đi vào cuộc sống như gắn kết công tác trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng với bảo vệ rừng; đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế trung du, miền núi, phủ xanh đất trống đồi trọc, định canh định cư. Lấy hộ gia đình làm đơn vị kinh tế tự chủ, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các hộ và cộng đồng, phát triển kinh tế và mở rộng phúc lợi xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới.
Sản lượng thuỷ sản đạt kết quả khả quan, tăng bình quân mỗi năm 7,4%. Đạt được kết quả đó phần lớn là do nhiều địa phương đã khôi phục và nâng cấp, đóng mới tầu có công suất lớn đã đánh bắt hải sản xa bờ; hệ thống cầu cảng, bến cá ở nhiều nơi được xây dựng và nâng cấp. Cơ cấu trong nghề đánh bắt hải sản ngày càng hợp lý; ngư dân chuyển sang các nghề đánh bắt hiệu quả kinh tế cao hơn. Sản lượng khai thác hải sản ngày càng tăng cao đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu và giải quyết việc làm cho gần 36.400 lao động.
Một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất và phân công lại lao động nông thôn từ nông nghiệp sang thuỷ sản, chuyển đất lúa năng suất thấp sang nuôi tôm, cá và các thuỷ sản khác có hiệu quả hơn. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản là 7.225 ha; sản lượng tăng gấp 4,4 lần so với năm 1997; có 243 trại giống; sản lượng tôm pos đạt 1.220 triệu con/ năm và sản lượng cá nước ngọt tăng bình quân mỗi năm 10,2%. Nhiều mô hình nuôi cá đạt hiệu quả được hình thành và nhanh chóng nhân rộng, như ở các huyện Điện Bàn, Đại Lộc…
Kinh tế trang trại phát triển nhanh. Toàn tỉnh có 933 trang trại, tập trung ở các huyện Điện Bàn, Núi Thành, Hiệp Đức, Đại Lộc… Quy mô vốn đầu tư của trang trại ngày càng lớn; giá trị sản phẩm và dịch vụ về nông lâm thuỷ sản bán ra từ các trang trại trong năm đạt 98,4 tỉ đồng. Nhờ có nhiều chương trình hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vốn cho nông dân nên chăn nuôi phát triển khá nhanh, nhất là chăn nuôi gia súc. Số đầu con và khối lượng sản phẩm năm 2008 tăng gấp 1,5 lần năm 1997.
Làng nghề truyền thống bước đầu được khôi phục và đang phát triển tốt, với khoảng 6.700 hộ, thu hút trên 16.000 lao động. Một số làng nghề đã đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã hàng hoá như dệt vải, lụa, mây tre xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ, chạm khắc gỗ, đúc đồng, gốm sứ, dệt chiếu, thổ cẩm... Hiện có 19 làng nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn, làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường.
Những hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
Từ việc mở rộng đầu tư tín dụng, tăng số lượng khách hàng có quan hệ tín dụng theo Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg và Nghị quyết Liên tịch số 2308/NQLT-1999, ngành Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam tiếp tục khẳng định được vị thế hàng đầu trên thị trường nông nghiệp, nông thôn. Tuy vậy, công tác tín dụng nông nghiệp, nông thôn vẫn phải đối diện với những hạn chế, bất cấp, thách thức, thể hiện ở các mặt sau:
- Về kinh tế nông nghiệp: Quảng Nam là một tỉnh nghèo, thuần nông, xuất phát điểm kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiên tai thường xuyên xảy ra, nên chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thật sự vững chắc; khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Vùng nguyên liệu phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm, năng suất thấp. Thị trường nông thôn chưa phát triển, các loại hình dịch vụ giá trị gia tăng cao còn ít do trình độ sản xuất hàng hoá thấp, chưa hình thành những vùng chuyên canh tập trung; có những mô hình kinh tế có hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng. Việc chuyển đổi diện tích lúa năng suất thấp sang các cây trồng khác vẫn còn chậm.
- Về thuỷ sản: Năng lực tàu thuyền tăng chậm, đa phần tàu có công suất nhỏ, trong khi đó nguồn lợi ven bờ ngày càng cạn kiệt, vươn khơi không bảo đảm an toàn, dự án phát triển tàu đánh bắt hải sản xa bờ triển khai chậm nên nghề khai thác còn gặp khó khăn; các dự án nuôi tôm công nghiệp, hạ tầng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, đa số trang trại nuôi trồng thuỷ sản qui mô nhỏ, công tác khuyến ngư còn hạn chế. Quy hoạch vùng nuôi tôm đã được triển khai thực hiện nhưng công tác thuỷ lợi lại chưa được đầu tư đúng mức, việc kiểm dịch con giống chưa được triệt để do thiếu trang thiết bị, thiếu nhân lực và yếu trong công tác quản lý. Tổ chức nuôi cá nước ngọt còn nhỏ lẻ, diện tích manh mún, trở ngại cho việc thu mua, dẫn đến giá trị trao đổi trên thị trường không cao.
- Về thị trường: Giá cả nông sản liên tục biến động và bất ổn, sản phẩm hàng hoá của các trang trại chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô. Trình độ quản lý, kỹ thuật của đa số chủ trang trại còn thấp, hầu hết là lao động phổ thông nên việc tổ chức quản lý còn nhiều bất cập; các chủ trại chưa có thói quen xử lý sản phẩm sạch có độ an toàn lương thực, thực phẩm nên rất khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đối với trang trại lại chưa đồng bộ nên khó khuyến khích các chủ trang trại đầu tư mở rộng sản xuất. Chính sách sử dụng đất, chính sách thuế, khoa học kỹ thuật, công nghệ vẫn chưa có tác dụng hỗ trợ việc phát triển các loại hình trang trại.
- Việc đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp nhỏ gắn với lộ trình phát triển nông thôn như công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm phát triển chậm, hiệu quả thấp. Hầu hết các cơ sở chế biến có công nghệ trung bình và lạc hậu. Các dự án đầu tư vào chế biến nông sản, thực phẩm như mía đường, nước dứa… hoạt động kém hiệu quả, nguồn nguyên liệu khan hiếm. Các làng nghề truyền thống gần đây tuy được quan tâm khôi phục nhưng còn chậm phát triển các vùng nguyên liệu chưa định hình; quy hoạch phát triển, các cụm công nghiệp nhỏ chưa được quan tâm đúng mức.
Tỉnh Quảng Nam đã xây dựng các khu công nghiệp trên vùng cát tại Núi Thành, Điện Nam - Điện Ngọc có hiệu quả, bước đầu làm tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế theo hướng tích cực, nhưng phong trào phát triển các cụm công nghiệp ở một số huyện thuần nông trên đất nông nghiệp phải thu hồi đã dẫn đến tình trạng nông dân mất đất, không chuyển đổi đươc nghề làm cho một bộ phận không nhỏ hộ nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bị nghèo hoá nhanh chóng.
- Một số điều kiện khó khăn khác về kinh tế - xã hội cũng dẫn đến sự hạn chế bất cập trong thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, như trình độ dân trí thấp, tính chất sản xuất nhỏ tự cung tự cấp trong nhân dân một số huyện miền núi còn khá phổ biến, khả năng phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế, chưa biết cách phát huy hết hiệu quả của vốn vay ngân hàng.
Việc cấp tín dụng đến các hộ vay còn gặp không ít trở ngại do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, số lượng viên chức của ngân hàng còn quá it mà số hộ lại đông, món vay nhỏ lẻ.
Đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đều là hộ sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, trình độ thâm canh thấp kém, nhỏ lẻ, lại ở vùng giao thương kém, đi lại khó khăn, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, nên cung cấp tín dụng cho họ thường dễ có nhiều rủi ro, bất cập. Nhà nước có chính sách ưu đãi cho hộ nông dân vay vốn, nhưng trên thực tế, do đan xen nhiều nguồn vốn có ưu đãi lãi suất như cho vay khắc phục thiên tai, bão lụt, vốn 120 giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo... đã dẫn đến tình trạng chồng chéo, ảnh hưởng đến khả năng thu nợ, cá biệt có hộ đảo nợ từ vốn vay giữa các tổ chức tín dụng khác nhau và do vậy, dẫn đến chất lượng tín dụng phản ảnh không đúng thực chất.
Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay cũng gặp nhiều trở ngại, chẳng hạn, khi hộ vay vốn phát sinh nợ quá hạn thì việc xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất (nhà ở) để thu hồi nợ rất khó thực hiện, bởi nhà và đất ở nông thôn rất khó giao dịch mua bán, chuyển nhượng, nhất là những trường hợp chỉ có giấy chứng nhận tạm thời về sử dụng đất… Tất cả trở ngại này đều dồn vào trách nhiệm của ngân hàng. Trong không ít trường hợp, việc giải quyết hậu quả trở nên bế tắc.
Một số giải pháp và kiến nghị về tín dụng nông nghiệp, nông thôn.
1. Nhà nước cần rà soát và tổng kết hiệu quả tác động từ thực tiễn của các chính sách đã ban hành hiện đang bộc lộ những bất cập để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với những biến đổi, nhằm hoàn thiện và làm cho chế độ, chính sách tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, như Quyết định số 224/QĐ-TTg, ngày 8-12-1999, về “Thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản thời kỳ 1999 - 2010”; Quyết định số 103/2000/QĐ-TTg, ngày 25-8-2000 về, “Một số chính sách khuyến khích phát triển giống thuỷ sản”; Nghị định 86/2001/NĐ-CP ngày 16-11-2001 về “Điều kiện kinh doanh các ngành nghề thuỷ sản”; Quyết định số 166/2001QĐ-TTg ngày 26-10-2001 về “Một số biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi lơn xuất khẩu giai đoạn 2001 - 2010” Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 về “Chính sách tín dụng khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng”; Nghị định số: 134/2004/NĐ-CP ngày 9-6-2004 về “Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn”…Từ đó tạo lập môi trường sản xuất kinh doanh mới, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ công tác khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư, đưa cán bộ khoa học đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có chính sách bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp thích hợp, khuyến khích mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu một cách ổn định, nhằm tạo điều kiện để nông dân yên tâm sản xuất và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giúp họ có đời sống ngày càng khá lên trên mảnh đất của mình.
2. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng, các tỉnh xây dựng quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế một cách đồng bộ và tập trung, sát hợp và có lộ trình cụ thể, có tính khả thi trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Đối với khu vực nông nghiệp, cần hướng mạnh vào việc tăng cường phát triển kinh tế trang trại ở những vùng trung du, miền núi, nuôi trồng thuỷ sản ở vùng cát ven biển gắn với phát triển các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác tốt nhất tiềm năng đất đai và lao động hiện có tại địa phương theo hướng bảo toàn những “bờ xôi, ruộng mật”, tránh được tình trạng “phát triển nóng” các khu công nghiệp, khu đô thị mới “đốt cháy” “tam nông”.
* TS, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam.
Hiệu quả thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam  (31/12/2008)
Con sóng thần không lặng lẽ*  (31/12/2008)
10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông năm 2008  (31/12/2008)
Giới thiệu một số chính sách mới  (31/12/2008)
Trung Quốc tạo xung lực mới trong nông nghiệp, nông thôn  (31/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay