Các hoạt động nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11
Gìn giữ nghệ thuật múa rối nước truyền thống của dân tộc
Đã từ lâu, nghệ thuật chèo và múa rối nước là “đặc sản” của vùng đất Thái Bình, hội tụ những giá trị tiêu biểu cho văn minh lúa nước vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Điển hình nhất là vùng ven sông Tiên Hưng gần trung tâm huyện Đông Hưng nơi có nhiều phường rối như: Kỳ Trọng (xã Đông Hà), Bắc Lạng, Tây Trong, Tây Ngoài (xã Nguyên Xá), Tăng (xã Phú Châu), Tuộc (xã Phú Lương), Đống (xã Đông Các). Qua nhiều thăng trầm, đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình chỉ còn tồn tại 2 phường rối còn hoạt động là phường rối Nguyễn (xã Nguyên Xá) và phường rối Đống (xã Đông Các, huyện Đông Hưng).
Phường rối Nguyễn (xã Nguyên Xá) có lịch sử hơn 700 năm. Ban đầu phường rối chỉ giới hạn trong làng quê, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, lễ hội địa phương, sau này mở rộng đi biểu diễn khắp trong và ngoài tỉnh. Qua thời gian, phường rối cũng có lúc thăng, lúc trầm. Năm 1954, khi Bác Hồ về thăm và mong muốn giữ gìn hoạt động của phường rối này, ngay sau đó, Nhà hát Múa rối nước Trung ương cử người về học 15 trò hay nhất để tổ chức thành những chương trình biểu diễn lớn. Người dân trong phường rối Nguyễn vui mừng bởi đã phần nào thực hiện được mong mỏi của Bác. Hiện trong các tích trò cổ của Nhà hát Múa rối nước Trung ương có tới 9 tích trò được phường rối nước làng Nguyễn truyền lại. Nơi đây cũng từng được công nhận là nơi lưu giữ nhiều con rối nhất với gần 1.000 con và con rối chú Tễu có kích cỡ lớn nhất nước ta.
Vào những thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ XX, phường rối Nguyên Xá từng được đi biểu diễn tại nhiều nước Đông Âu và Tây Âu, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Cùng với phường rối nước Nguyên Xá, phường rối làng Đống (xã Đông Các) cũng trải qua nhiều bước thăng trầm, có những lúc tưởng chừng phường rối tan rã. Năm 1936 làng Đống cháy, tất cả các con rối gần như không còn nhưng bằng sự tâm huyết với nghệ thuật dân tộc, nhiều người trong làng đã góp công góp của khôi phục lại và sáng tác thêm nhiều tích trò khác. Từ năm 1994 đến nay, phường rối xã Đông Các đã giành 13 huy chương vàng trong các hội thi, hội diễn của tỉnh, liên hoan, Festival trong khu vực và cả nước.
Mặc dù có lịch sử lâu đời và vang danh như vậy, nhưng hiện nay cả hai phường rối nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình đều đang đứng trước nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Bá Thắng, Phó Trưởng phường múa rối nước xã Nguyên Xá cho biết, hiện nay phường rối có khoảng 300 quân rối nhưng gần một nửa bị mối mọt. Phần lớn những quân rối đang dùng biểu diễn được làm từ năm 2003, không còn nguyên vẹn. Để duy trì hoạt động, phường rối cũng mong muốn làm bộ quân rối mới nhưng trung bình một quân rối mới có giá 800 nghìn đồng, làm mới bộ quân rối cho 14 tích trò phường thường diễn phải mất gần 100 triệu đồng. Với một phường rối địa phương, số lượt biểu diễn trong năm ít, việc đầu tư kinh phí làm quân rối mới là vô cùng khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phường rối nước xã Đông Các cho biết, phường rối hiện có 22 người tham gia với 15 trò diễn, 120 quân rối. Kinh phí hoạt động của phường rối chủ yếu là do phần trích lại sau mỗi lần biểu diễn. Vấn đề ông lo lắng nhất hiện nay là đào tạo thế hệ kế cận tiếp nối, giữ gìn nghệ thuật truyền thống của cha ông. “Thành viên của phường rối đa số đều là những người ngoài 55 tuổi. Cả phường rối có 2 nhạc công nhưng năm nay cũng đã trên 80 tuổi. Nhiều lần đi biểu diễn, phường phải sử dụng nhạc đã được thu sẵn. Nếu không sớm truyền nghề thì tương lai của nghệ thuật truyền thống múa rối nước sẽ chỉ còn “vang bóng một thời”...” - ông chia sẻ băn khoăn.
Tuy vậy, việc “truyền lửa” cho lớp trẻ đối với nghệ thuật dân gian này cũng không phải dễ dàng. Ông Thành kể, năm 2001 được sự tài trợ từ Quỹ Ford, phường rối xã Đông Các được hỗ trợ 6.000 USD nâng cấp, sáng tác trò diễn và đào tạo lớp kế cận, diễn viên múa rối nước trẻ. Thời điểm đó có 15 người được tham dự lớp đào tạo, nhưng đến nay chỉ còn 2 người gắn bó với nghệ thuật này. Để nuôi dưỡng lớp kế cận, phường rối Đông Các đã tìm kiếm và truyền lại cho 2 thành viên trẻ với hi vọng họ sẽ là người tâm huyết, gắn bó với nghệ thuật dân gian này.
Từ thực tế tại xã Nguyên Xá và Đông Các (huyện Đông Hưng) có thể thấy sự chung tay của các cơ quan chức năng là điều cần thiết lúc này để nghệ thuật dân gian truyền thống không bị mai một.
Xây dựng làng cổ Đường Lâm trở thành di tích cấp Quốc gia đặc biệt
Tối 21-11, tại lễ kỷ niệm 10 năm ngày di tích làng cổ ở Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, lãnh đạo UBND thị xã Sơn Tây, Hà Nội khẳng định: Năm 2016, địa phương phấn đấu để làng cổ Đường Lâm trở thành di tích cấp Quốc gia đặc biệt, tiến tới được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Theo đó, địa phương tập trung phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, để năm 2016 đón được 15 vạn lượt khách tham quan, từ 10-15% các hộ dân tại di tích tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cho khách đem lại thu nhập ổn định. Đồng thời cũng để bảo tồn di tích làng cổ và giải quyết nhu cầu cuộc sống người dân, thị xã Sơn Tây sẽ hoàn thành việc giãn 150 hộ dân trong dự án giãn dân giai đoạn 1 sang nơi ở mới.
Để giải quyết tốt vấn đề đó, thị xã Sơn Tây chủ động đầu tư chống xuống cấp các di tích, tranh thủ mọi nguồn lực để tu bổ, tôn tạo di tích, phát triển hạ tầng cơ sở để phục vụ du lịch. Địa phương cũng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển mô hình du lịch - dịch vụ ở xã Đường Lâm, phát triển du lịch di sản văn hóa gắn với các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân về giá trị đặc biệt của di tích sẽ được coi trọng, để nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích làng cổ Đường Lâm.
Trong 10 năm qua, từ khi di tích làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, thị xã Sơn Tây đã tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Trong công tác bảo tồn, địa phương đã chú trọng đến quản lý cấp phép xây dựng, thiết kế nhà mẫu cho người dân áp dụng trong xây dựng; bảo tồn, tu bổ di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền, đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp, bảo tồn 12 điếm và 10 giếng cổ, 10 nhà cổ, cảnh quan khu vực cổng làng Mông Phụ đến đình Mông Phụ… Thị xã Sơn Tây cũng đang từng bước triển khai dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm; xây dựng quy định quản lý, bảo tồn, xây dựng và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm; quy hoạch khu giãn dân và triển khai các công trình dân sinh; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người dân sống trong di tích.
Trong công tác phát huy giá trị di tích, thị xã Sơn Tây cũng chú trọng tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, thành lập đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích để giới thiệu với du khách về giá trị di tích, triển khai mô hình dịch vụ du lịch ở nhà dân (homestay) tới các gia đình có nhà cổ, xây dựng tour tuyến tham quan làng cổ gắn với các di tích trên địa bàn thị xã...
Gia Lai thiết thực kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
Ngày 20-11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Nhân dịp này, Trung tâm UNESCO Việt Nam và Câu lạc bộ Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Gia Lai đã trao tặng 123 hiện vật gốm sứ Việt Nam các thời kỳ Lý, Trần, Lê cho Bảo tàng tỉnh. Những hiện vật này không chỉ làm phong phú thêm kho lưu trữ, phòng trưng bày cổ vật của tỉnh mà còn góp phần giới thiệu những nét tinh hoa văn hóa của đất nước đến với người dân. Đây là một trong nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, giúp giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân. Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
"Tìm về dấu xưa" nâng cao ý thức giữ gìn di sản cho giới trẻ
Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, ngày 21-11, tại Duyệt Thị Đường - Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức hoạt động "Trò chơi lớn" dành cho học sinh với chủ đề" Tìm về dấu xưa".
Hơn 200 học sinh của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, thành phố Huế tham gia các hoạt động "Trò chơi lớn" với các nội dung tìm hiểu như: "Tiếng vọng ngàn xưa", "Vương triều Hưng thịnh", "Tìm về dấu xưa", "Di tích ngàn đời". Nội dung các câu hỏi xoay quanh kiến thức về Ngày di sản Việt Nam, về di sản văn hóa Huế... Hoạt động nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa, góp phần bảo tồn, quảng bá hình ảnh của Kinh thành Huế, một di sản độc đáo đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đồng thời, đây cũng là hoạt động hưởng ứng phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Di sản Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức của thế hệ trẻ trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa một cách bền vững.
Dịp này, Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức triển lãm "Một số hình ảnh, hiện vật ca Huế" và "Đồ sứ ký kiểu" của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng. Triển lãm trưng bày 70 hiện vật của nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng, là những hiện vật đồ sứ ký kiểu thời Lê-Trịnh, thời các chúa Nguyễn và thời các vua Nguyễn. Đây là những hiện vật cao cấp, rất quý hiếm, do hoàng triều và các quan lại đặt các lò sứ cao cấp Trung Quốc làm. Triển lãm cũng trưng bày một số hiện vật đồ sứ do triều Nguyễn đặt làm ở châu Âu như Anh, Pháp..../.
Mít tinh hưởng ứng tuần lễ phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam  (22/11/2015)
Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao kinh doanh - đầu tư ASEAN 2015  (21/11/2015)
Mali ban bố tình trạng khẩn cấp 10 ngày sau vụ bắt cóc con tin  (21/11/2015)
Goldman Sachs dự báo đồng USD tăng lớn nhất, đồng euro suy yếu  (21/11/2015)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên