Bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện Hà Trung
Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đổi mới và phát triển kinh tế ở địa phương, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, Huyện ủy Hà Trung (Thanh Hoá) đã tập trung trí lực vào nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế mà trọng tâm là chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tạo ra bước đột phá trên địa bàn huyện. Nội dung này được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá 19 (nhiệm kỳ 2005 – 2010) thông qua và được xác định là một trọng điểm cần tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy trong chương trình toàn khoá. Xuất phát từ đặc điểm riêng về tự nhiên, xã hội của Hà Trung là: đồng bằng xen đồi núi thấp; diện tích tự nhiên 244km2; số dân 127.000 người; có 24 xã và một thị trấn. Về giao thông, có cả đường bộ, đường sắt và đường thuỷ. Huyện ở giữa trung độ của hai đô thị là thị xã công nghiệp Bỉm Sơn và thành phố Thanh Hóa - trung tâm của tỉnh. Tài nguyên của Hà Trung có rừng, các nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt. Nguồn lao động ở khu vực nông thôn khá lớn. Khó khăn lớn nhất của huyện là vùng đồng chiêm trũng rộng lớn thường bị úng lụt nhưng chưa giải quyết được vấn đề tiêu thoát nước. Mức sống của đại đa số người dân còn thấp, các nguồn lực chưa được huy động và khai thác nên mức tăng trưởng kinh tế thấp và chậm.
Bước đi đầu tiên để thực hiện chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trên địa bàn là huyện đã phân vùng kinh tế và xác định rõ cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần kinh tế quan trọng có tiềm năng và lợi thế giữ vai trò động lực thúc đẩy sự tăng truởng. Từ đó xây dựng các đề án chuyển đổi, hướng tới hình thành các vùng kinh tế trọng điểm.
Những thành tựu tăng trưởng kinh tế
Do nhận thức đúng tầm quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên huyện uỷ Hà Trung đã xây dựng một kế hoạch, lộ trình lãnh đạo thực hiện mục đích của nghị quyết đã đặt ra. Chủ trương của cấp uỷ đã nhanh chóng đi vào đời sống, nền kinh tế của huyện đã phát triển đúng hướng, tốc độ tăng trưởng khá cao, và có tính bền vững. Giai đoạn 1996 - 2000, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,9%/năm, đến giai đoạn 2001 - 2005 đạt mức 9,2%/năm và năm 2007 là 11%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, tỷ trọng công nghiệp- xây dựng tăng cao. Năm 2000 tỷ trọng nông nghiệp là 47,2%; công nghiệp- xây dựng: 12,4%; dịch vụ: 40,4%. Năm 2005, nhóm tỷ lệ tương ứng là 36,4%; 20% và 43,6%. Năm 2007 là: 35,2%; 24,5%; 40,3%.
Các ngành kinh tế trong nông nghiệp đạt mức phát triển khá, bảo đảm an ninh lương thực. Tổng sản lượng lương thực tăng ổn định, năm 2000 là 53,714 tấn, bình quân đạt 434 kg/người/năm. Năm 2007 đạt 66.233 tấn, bình quân 530kg/người/năm. Đặc biệt, kinh tế trang trại có bước phát triển vượt bậc. Nhiều mô hình kinh tế hộ đạt hiệu quả, trở thành những điển hình tiên tiến của tỉnh Thanh Hoá. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác tăng cao, nhiều cánh đồng đạt mức thu 50triệu/ha/năm..., đã giải quyết được nhiều việc làm và tăng thu nhập, đời sống của nông dân được cải thiện.
Công nghiệp - xây dựng đã tạo ra sự chuyển biến tích cực và rất cơ bản. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật kinh tế- xã hội được nâng cấp, nhất là giao thông. Các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã đã được nhựa hóa toàn bộ, được Bộ Giao thông kiểm tra đánh giá công nhận và tặng cờ thi đua xuất sắc trong 3 năm liền: 2001, 2003, 2005. Huyện uỷ đã chỉ đạo xây dựng được 5 cụm công nghiệp - lâm nghiệp, bước đầu thu hút 20 doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt kết quả tốt. Chẳng hạn, cụm công nghiệp - lâm nghiệp Hà Phong được đánh giá là một địa chỉ sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhất trong số các cụm công nghiệp - lâm nghiệp trong tỉnh Thanh Hoá. Năm 2000, cả huyện có 1.295 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp thu hút 4.400 lao động, đến năm 2007 có 1.604 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho 5.100 lao động. tăng nhanh. Nếu năm 2004 giá trị sản xuất công nghiệp đạt giá trị 473,3 tỉ đồng thì năm 2007 đạt 545 tỉ đồng. Hệ thống thuỷ lợi, điện được đầu tư, nâng cấp nên vừa bảo đảm cho việc tưới, tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển tiểu, thủ công nghiệp, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Hệ thống dịch vụ phát triển nhanh, nhất là dịch vụ vận tải, bưu chính - viễn thông; hệ thống chợ trên địa bàn được quy hoạch xây dựng, cải tạo căn bản. Đến nay, trên địa bàn huyện có 14 chợ khu vực, chợ đầu mối đều hoạt động mạnh, thúc đẩy sự giao thương hàng hóa tốt. Qua đó, các loại hoạt động dịch vụ khác cũng phát triển mạnh.
Các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện phát triển nhanh, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Đến năm 2007, toàn huyện có 160 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4.000 lao động ở khu vực nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế hợp tác xã và hộ gia đình tăng trưởng khá. Hiện nay 43 hợp tác xã được tổ chức lại theo mô hình mới đã hoạt động rất hiệu quả.
Qua công tác điều tra, nắm chắc đặc điểm từng cơ sở và với một tư duy kinh tế thị trường đổi mới, Huyện uỷ đã chỉ đạo việc phân vùng kinh tế căn cứ vào lợi thế so sánh của từng nơi, hình thành khá nhanh và rõ nét 3 vùng kinh tế đó là đô thị, đồng bằng và trung du- đồi núi. Sản xuất tập trung theo hướng sản phẩm hàng hoá có giá trị cao với quy mô lớn hơn trước. Người nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn liếng, nhờ đó nhiều hộ thoát được nghèo, vươn lên làm giàu. Diện mạo thôn quê, làng xã biến đổi tích cực. Các vùng hiện ra rõ nét bởi đặc điểm và thế mạnh riêng và đều đạt được mức phát triển cao, ổn định.
Với một tư duy chủ động và thực sự đổi mới trong lãnh đạo, các cấp uỷ trong toàn huyện Hà Trung đã tạo được sự đồng thuận cao, đề ra chủ trương phù hợp lòng dân. Kinh tế phát triển nên chính trị ổn định, đã thúc đẩy các lĩnh vực hoạt động khác, an sinh xã hội được bảo đảm. Phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, xã văn hoá, xây dựng trường chuẩn quốc gia về giáo dục, xã chuẩn quốc gia về y tế và nhiều phong trào văn hoá - thể thao... được đẩy mạnh. Các hoạt động văn hoá được xã hội hoá cao. Hà Trung là huyện thứ 2 của Thanh Hoá trong năm 2007 đạt chuẩn quốc gia về y tế cấp huyện. Hằng năm bình quân có 600 cháu thi đỗ vào các trường đại học, 80% gia đình được bình bầu là gia đình văn hoá cấp huyện, cấp tỉnh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường.
Kinh nghiệm bước đầu của cấp uỷ về lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu kinh tế
Những nội dung chủ yếu trong thời gian qua mà Huyện uỷ đã tập trung chỉ đạo là:
- Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, từ đó tiếp tục xây dựng quy hoạch và lộ trình phát triển cụ thể các ngành kinh tế quan trọng; quy hoạch chi tiết cho từng vùng kinh tế và ban hành các nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra tổ chức thực hiện và kịp thời điều chỉnh sự bất cập trong chủ trương để bảo đảm phát triển cân đối giữa các thành phần kinh tế và các vùng quy hoạch, đồng bộ hóa giữa khả năng huy động nguồn lực với khai thác lợi thế so sánh, tạo ra sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
- Xây dựng các cơ chế khuyến khích phát triển mạnh các ngành, các lĩnh vực có lợi thế như: kinh tế trang trại tổng hợp theo hướng nông nghiệp gắn với chăn nuôi; nông - lâm - thuỷ sản; vật liệu xây dựng và công nghiệp, lâm nghiệp; văn hoá gắn với du lịch và phát triển dịch vụ... Tạo môi trường thuận lợi vừa phát huy nội lực, vừa thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.
- Coi trọng việc thúc đẩy sự phát triển hài hoà các thành phần kinh tế nhất là phát triển kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân, kinh tế hộ gia đình và kinh tế hợp tác xã, trên cơ sở đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh hơn.
- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm cho nghị quyết của Đảng, của cấp uỷ được thực hiện có kết quả ở từng địa phương, đơn vị cơ sở; đồng thời, coi trọng việc chỉ đạo thực tiễn, kịp thời sơ kết, tổng kết, rút ra những kinh nghiệm để điều chỉnh các biện pháp chỉ đạo và nhân rộng điển hình tiên tiến, khen thưởng động viên kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt đi đôi với kỷ luật nghiêm minh đối với việc chấp hành không nghiêm túc nhiệm vụ đặt ra.
- Tập trung sự lãnh đạo đối vớị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân để triển khai thực hiện nghị quyết thông qua việc xây dựng kế hoạch cụ thể và chỉ đạo bám sát kế hoạch của từng tổ chức, đơn vị, phát động phong trào thi đua, động viên đoàn viên, hội viên và nhân dân nêu cao tính chủ động tham gia phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Chú trọng xây dựng và chuẩn hoá đội ngũ cán bộ chủ chốt trong huyện, trước hết là cấp uỷ xã, thị trấn. Qua kết quả hoạt động thực tiễn để điều chỉnh, nâng cao một bước về trình độ cán bộ lãnh đạo quản lý các ngành kinh tế, nâng cấp và tự hoàn thiện năng lực lãnh đạo của Ban Thường vụ huyện uỷ.
- Các quy trình ban hành nghị quyết đều được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, đặc biệt quan tâm tổng kết từ thực tiễn những điển hình đạt kết quả cao; tập trung thảo luận kỹ trong cấp uỷ, Ban Thường vụ, làm chuyển biến sâu sắc từ nhận thức của cấp uỷ về những nội dung cần ra nghị quyết, bảo đảm tính chính xác, khoa học, kịp thời đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Một số giải pháp khắc phục yếu kém tồn tại
Những kết quả, thành tích đạt được về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian qua đã tạo cho huyện Hà Trung một điểm xuất phát mới, một thế và lực mới trong giai đoạn kế tiếp nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng, tiếp tục đưa nhanh các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở địa phương. Tuy nhiên, còn nhiều khuyết điềm, hạn chế của các cấp uỷ đảng trong huyện đang được khắc phục:
- Tại một số cấp uỷ đảng ở cơ sở, việc nhận thức các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ chưa sâu sắc, thấu đáo nên việc xây dựng chương trình hành động về chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa sát hợp với địa phương, đơn vị, dẫn đến chất lượng hiệu quả trong tổ chức thực hiện kém.
- Tư duy kinh tế, năng lực lãnh đạo, điều hành của phần đông đội ngũ cán bộ chủ chốt và một số cấp uỷ còn hạn chế, chưa có sự sáng tạo trong xây dựng kế hoạch, đề án và tổ chức thực hiện tốt để tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Còn có những đơn vị, địa phương nhiều năm phong trào yếu kém, kinh tế- xã hội kém phát triển, khả năng khắc phục chậm.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, bàn thảo thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lợi ích của cách làm ăn mới đến đảng viên, đoàn viên, hội viên và trong nhân dân ở nhiều nơi chưa sâu rộng, chưa làm chuyển biến nhận thức của số đông. Một số nơi chưa xây dựng được mô hình, điển hình nên công tác tuyên truyền kém hiệu quả.
- Vẫn còn tồn tại sự yếu kém trong phương thức đổi mới thực sự để tăng cường hơn nữa năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy. Các nghị quyết chuyên đề của Huyện uỷ và chương trình hành động có lúc đưa ra khá nhiều nhưng lại chưa chú trọng ban hành các cơ chế khuyến khích, kích cầu đủ mạnh để thu hút, kích thích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nên rất ít các chương trình, dự án có giá trị lớn được đầu tư trên địa bàn huyện.
Huyện ủy Hà Trung đang tập trung kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự lãnh đạo của cấp ủy qua nửa nhiệm kỳ đại hội, những thành tựu, kết quả đạt được và những yếu kém, khuyết điểm còn tồn tại, làm rõ nguyên nhân để rút ra những bài học kinh nghiệm trong thời gian tới; tiếp tục lãnh đạo chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, đưa Hà Trung thành một huyện phát triển toàn diện hơn và bền vững hơn theo những mục tiêu chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ huyện (2005 - 2010) và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến 2015, định hướng đến năm 2020. Đó là: “Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Huyện uỷ, cấp uỷ Đảng trong huyện; phát huy vai trò chủ động của chính quyền, mặt trận và tổ chức đoàn thể nhân dân trong huyện; huy động tích cực mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; hoàn thành căn bản chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, ổn định chính trị, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.” Phấn đấu đến 2010 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 13%/năm. Trong đó: về nông- lâm- thủy sản tăng 7%; công nghiệp- xây dựng tăng 15,7% và dịch vụ tăng 13%. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế là: nông nghiệp 23%, công nghiệp- xây dựng 42%, dịch vụ 35%. Mức thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm. Sản lượng lương thực đạt trên 70.000 tấn, bình quân lương thực đạt trên 500kg/người/năm. Nâng giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp lên mức bình quân 50 triệu đồng/ha/năm. Giá trị xuất khẩu hàng hoá đạt trên 10 triệu USD. Tổng vốn đầu tư trong 5 năm (2006 - 2010) đạt hơn 1.400 tỉ đồng. Từ đó, tạo đà phát triển cao hơn cho những năm tiếp theo.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, Huyện uỷ tập trung lãnh đạo thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tạo sự chuyển biến thực sự trong tập thể lãnh đạo của Huyện uỷ trước nhiệm vụ chính trị trọng tâm về lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế, trước hết là tiếp tục đổi mới nhận thức thực tiễn, đổi mới tư duy và phương pháp lãnh đạo, nâng cao chất lượng xây dựng chương trình hành động, vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chỉ đạo sát sao các cấp uỷ đảng triển khai thực hiện có kết quả theo hướng phát triển bền vững.
Hai là, xác định rõ nội dung quan trọng cần tập trung lãnh đạo trong từng thời gian, giai đoạn. Trong quá trình lãnh đạo, phải quan tâm tổng kết thực tiễn để xây dựng, ra nghị quyết chuyên đề đúng quy trình, có chất lượng khoa học và có tính khả thi cao.
Ba là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong tổ chức thực hiện nghị quyết, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của cấp uỷ, xây dựng các tổ chức đảng, các cấp chính quyền thực sự trong sạch, vững mạnh; đi đôi với việc tăng cường công tác tư tưởng, tổ chức và cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ Đảng và sự giám sát của nhân dân đối với cấp uỷ và cán bộ, đảng viên. Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, trước hết là trong cấp uỷ, cán bộ chủ chốt có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bốn là, tập trung lãnh đạo tốt công tác xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội toàn huyện và các vùng, các ngành kinh tế trọng điểm đã xác định như thuỷ lợi, giao thông, điện... Hằng năm chú trọng xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra, nhất là xây dựng các đề án, dự án, công trình quan trọng có tính chất đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo đúng chương trình, kế hoạch bảo đảm cho cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch mạnh, đúng định hướng.
Tạo môi trường thuận lợi để phát triển hài hoà các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện. Vừa coi trọng phát triển kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể hợp tác xã, vừa phải chú trọng phát triển mạnh kinh tế tư nhân, mà trọng tâm là phát triển các doanh nghiệp tư nhân, kinh tế hộ gia đình ngày càng có hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân.
Năm là, tiếp tục phát huy vai trò của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong triển khai và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Tạo ra sự đồng thuận xã hội cao thông qua việc thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả cao vì mục tiêu cao cả mà Đảng ta đã nêu ra trong Chiến lược phát triển đất nước là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.
Việt Nam nỗ lực tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu  (29/09/2008)
Đặc phái viên lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Trung Quốc  (29/09/2008)
37 người chết và mất tích do mưa lũ  (29/09/2008)
9 tháng đầu năm xuất khẩu tăng gần 6,3 tỉ USD nhờ yếu tố giá  (29/09/2008)
Thể hiện sức mạnh quân sự vì một trật tự thế giới đa cực  (28/09/2008)
Xã hội học tập và nguồn nhân lực ở Việt Nam  (28/09/2008)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên