TCCSĐT - Theo Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội, năm 2013, Hà Nội thực hiện 190 đề tài, 29 dự án, trong đó đề tài, dự án mới của năm 2013 là 96 đề tài, 17 dự án. Nhìn chung, chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng và triển khai các đề tài, dự án của Thành phố đã có bước chuyển biến rõ rệt.

Năm 2013 cũng là năm thứ năm các đề tài, dự án trong kế hoạch khoa học và công nghệ của Thành phố đã hoàn thành bước thẩm định của các hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành, trong đó có nhiều đề tài đã hoàn thành xong bước 3 thẩm định đề cương và kinh phí trước khi Thành phố có quyết định giao kế hoạch. Tỷ lệ cấp kinh phí tính đến quý I-2013 đạt 100% số đề tài, dự án (so với trước đây là tháng 7, tháng 8 mới đạt 100%). Đặc biệt, tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn của các đề tài khoảng trên 70% và dự án là 100%. Kết quả và sản phẩm các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy, đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực quản lý các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Đối với lĩnh vực chính trị, quốc phòng: Nhiều nghiên cứu đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các trường đại học, cao đẳng, công tác dân vận của chính quyền cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Những vấn đề nóng hổi của thực tiễn cuộc sống, như cải cách hành chính, quản lý kinh tế, hoạt động của hệ thống chính trị từ cơ sở đến thành phố, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng được tập trung nghiên cứu, đề ra giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, quân sự Thủ đô, một số nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ Thủ đô trong tình hình mới.

Đối với lĩnh vực kinh tế: Hà Nội đã chủ trương tập trung nghiên cứu các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tập trung nghiên cứu phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, giá trị gia tăng lớn. Nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và bảo quản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong quản lý đô thị, nghiên cứu các cơ chế và giải pháp thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, quản lý, sử dụng và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đối với lĩnh vực y tế, giáo dục: Nhiều đề tài, dự án đã nghiên cứu cơ sở lý luận, tình hình nghiên cứu trên thế giới để lựa chọn những kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến, đặc biệt là các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong y học hiện đại áp dụng tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội. Đối với giáo dục, tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy; đưa các mô hình giáo dục, phương pháp giảng dạy mới vào ứng dụng trong hệ thống các trường học; nghiên cứu, cải tiến các trang thiết bị phục vụ dạy và học; đánh giá và đưa ra giải pháp cho vấn đề bạo lực học đường.

Đối với lĩnh vực xây dựng, quy hoạch kiến trúc: Thành phố đã có những nghiên cứu ứng dụng các công nghệ thiết kế, thi công tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, độ an toàn công trình xây dựng và phù hợp với khả năng chịu tải của nền đất Hà Nội, nghiên cứu, ứng dụng vật liệu xây dựng mới trong xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhà ở và trang bị nội thất. Nhiều đề tài, dự án cũng đã nghiên cứu các vấn đề liên quan đến quản lý để tạo ra hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc trong quá trình đô thị hóa, đề xuất các giải pháp phát triển mang tính đa dạng trong không gian kiến trúc Hà Nội, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng Thủ đô, các giải pháp thiết kế chiếu sáng, hạ ngầm các công trình đường dây để vừa nâng cao chất lượng vừa bảo đảm tính thẩm mỹ.

Đối với lĩnh vực giao thông: Thành phố đã tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, hạn chế các phương tiện giao thông vận tải cá nhân, xây dựng quy trình đánh giá tác động giao thông đô thị của các dự án phát triển đô thị điển hình. 

Đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường: Thành phố đã có những nghiên cứu, áp dụng các công nghệ thích hợp để xử lý ô nhiễm nước thải sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm các dòng sông, hồ, nước thải công nghiệp, làng nghề và bệnh viện; chế tạo các công nghệ xử lý chất thải nguy hại trong công nghiệp và y tế; chế tạo các loại vật liệu xử lý nước thải, khí thải, của các dây chuyền chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu nhằm thay thế cho các vật liệu nhập khẩu, giảm giá thành, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Hà Nội.

Để thực hiện các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của thành phố Hà Nội đến năm 2020, trong thời gian tới, Hà Nội xác định tập trung vào một số vấn đề:

Một là, xác định rõ những định hướng về khoa học công nghệ, các sản phẩm ưu tiên, ngành, lĩnh vực mũi nhọn có sức cạnh tranh của Hà Nội. Trên cơ sở đó, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong công nghiệp và cả nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm phục vụ trực tiếp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm ưu tiên, như cơ khí, tự động hóa, điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và công nghệ môi trường…; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ quản lý nhà nước, cải cách hành chính và xây dựng các luận cứ khoa học phục vụ hoạch định đường lối, xây dựng các các cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Hai là, có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học công nghệ và các nhà khoa học công nghệ tham gia thực hiện các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm của Hà Nội.

Ba là, ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm hình thành và phát triển công nghệ cao đồng thời sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng./.