TCCSĐT - Lạng Sơn, tỉnh miền núi, biên giới có rất nhiều khó khăn, phức tạp nhưng lại có lợi thế là nơi có cửa khẩu quốc tế - một tiềm năng rất lớn trong giao thương buôn bán, nhất là khi được Chính phủ phê duyệt, thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn. Đây thật sự đã trở thành điểm sáng của kinh tế Lạng Sơn và của cả nước.

Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (Khu kinh tế) được thành lập và hoạt động trên cơ sở các Quyết định: số 55/2008/QĐ-TTg ngày 28-4-2008, Quyết định số 138/2008/QĐ-TTg ngày 14-10-2008 và Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 07-11-2008 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, khu kinh tế được hình thành trên diện tích 394km2, bao gồm: Thành phố Lạng Sơn, thị trấn Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng và một số xã thuộc các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Chi Lăng, Văn Quan. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn là khu kinh tế tổng hợp đa chức năng, đan xen với các yếu tố quốc phòng, an ninh, trong đó lĩnh vực mũi nhọn là phát triển kinh tế cửa khẩu.

Để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và phát triển Khu kinh tế, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý cửa khẩu trong giao thương quốc tế và trong nước, tạo động lực thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngay sau khi công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đưa Khu kinh tế đi vào hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 03-4-2009 lãnh đạo triển khai, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế quan trọng này. Ngày 01-7-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 18-CT/TU, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, trong đó xác định cụ thể: Đẩy mạnh đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn. Sau một thời gian đi vào hoạt động, Khu kinh tế này đã đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Tăng trưởng, chuyển dịch và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn Khu kinh tế

Giai đoạn 2009 - 2012, Khu kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, bình quân tăng là 14%/năm, GDP của Khu kinh tế năm 2009 đạt 3.899 tỷ đồng và đến năm 2012 đạt 5.778 tỷ đồng, tăng 1.878,96 tỷ đồng. Trong đó, có mức tăng cao nhất là ngành dịch vụ, tăng trưởng 15,4%, đây là ngành có thế mạnh của Khu kinh tế, có mức đóng góp GDP của Khu kinh tế khoảng 60%, tiếp đến là ngành công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng là 15,2%. Ngành có mức tăng trưởng thấp nhất là nông nghiệp tăng trưởng 3,8%/năm. Trong giai đoạn 2009 - 2012, cơ cấu kinh tế trong Khu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ tăng và ngành nông nghiệp giảm dần, phù hợp với xu thế chung của tỉnh, vùng trung du miền núi Bắc Bộ cũng như cả nước. Năm 2009, tỷ trọng các ngành là: Dịch vụ chiếm 60%, công nghiệp - xây dựng là 27,9% và nông, lâm nghiệp chiếm 12,1%; đến năm 2012 tỷ trọng các ngành như sau: Dịch vụ chiếm 61%, công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 28,9% và nông, lâm nghiệp giảm xuống chỉ còn 10,1%. Khu kinh tế đã đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GDP của toàn tỉnh, năm 2009 tỷ trọng GDP của Khu kinh tế chiếm khoảng 40% GDP của toàn tỉnh, đến năm 2012 đạt mức 47%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Khu kinh tế trong 4 năm là 14.601 tỷ đồng, trong đó năm 2012 là 5.012 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2009. 

Trong những năm qua, với các chính sách ưu đãi về môi trường đầu tư, lưu thông hàng hóa được cải thiện đã kích thích phát triển sản xuất kinh doanh, ước tính đến năm 2012 có khoảng 1.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 8.700 tỷ đồng và đã tạo ra giá trị sản xuất tăng đáng kể cho Khu kinh tế. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng bình quân mỗi năm trên 38%, riêng năm 2012 ước thực hiện trên 9.000 tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với năm 2011. Tại Cụm công nghiệp địa phương số 2 có khoảng 14 doanh nghiệp, cơ bản đã lấp đầy và đi vào hoạt động như: sản xuất lắp ráp động cơ điện, máy bơm nước; sản xuất phụ tùng xe máy và đồ nội thất; sản phẩm ống nhựa, cửa nhựa… Với mức tăng trưởng bình quân về lượng khách là 25%/năm, doanh thu du lịch là 15%/năm, năm 2012 ước đạt trên 2 triệu lượt khách, tăng 0,8% so với năm 2011, doanh thu du lịch toàn xã hội đạt khoảng 800 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2011. Các hoạt động dịch vụ khác như bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải hành khách phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin, dịch vụ tiền gửi thanh toán và đi lại của hành khách; dịch vụ hàng hóa quá cảnh… bước đầu được triển khai.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 năm, từ năm 2009 đến năm 2012 qua Khu kinh tế là 6.331 triệu USD, xếp thứ hai so với các Khu kinh tế trong cả nước (sau Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái), tỷ trọng xuất, nhập khẩu cao nhất tập trung tại các cửa khẩu như: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đạt 3.233 triệu USD, chiếm 51%, Cửa khẩu Tân Thanh là 2.181 triệu USD, chiếm 34%, Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng là 722 triệu USD, chiếm 11%; khu vực Cốc Nam là 194 triệu USD, chiếm 3%. Riêng trong năm 2012 kim ngạch xuất, nhập khẩu cả Khu kinh tế đạt 1,834 triệu USD, bằng 87,34% của cả tỉnh. 

Kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng dần qua các năm và đạt mức tương đối cao, ổn định. Một trong những nguyên nhân là do công tác cải cách thủ tục hành chính hải quan đạt kết quả tốt, từng bước đã cắt bỏ những thủ tục không cần thiết, đơn giản hóa các bước trong quy trình thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin “Hải quan điện tử” trong quy trình hiện đại hóa thủ tục hải quan, minh bạch hóa thủ tục để người dân dễ hiểu và doanh nghiệp dễ thực hiện trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng số lượt người xuất, nhập cảnh trong 4 năm (từ năm 2009 đến 2012) qua Khu kinh tế là 2.270.484 lượt người. Tổng số phương tiện xuất, nhập cảnh trong 4 năm qua Khu kinh tế là 511.649 lượt xe, phương tiện Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam tăng dần qua các năm. Thu ngân sách trên địa bàn Khu kinh tế trong 4 năm (từ năm 2009 đến năm 2012) đạt 9.171 tỷ đồng. Riêng năm 2012 đạt trên 2.528 tỷ đồng, trong đó thuế xuất, nhập khẩu là 2.000 tỷ đồng… 

Để đi vào hoạt động có hiệu quả, khu kinh tế này nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, hình thành các cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách thông thoáng thúc đẩy đầu tư phát triển trong Khu kinh tế. Tăng cường mạnh về đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư và công tác quản lý đất đai, môi trường. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục hợp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đô thị Đồng Đăng với tổng kinh phí 33,08 triệu USD. Hiện nay, các cơ quan liên quan tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm khởi công xây dựng trong năm 2013. Phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc phát triển các lĩnh vực xã hội, hệ thống chính trị trong Khu kinh tế.

Tăng cường quan hệ hợp tác đối ngoại với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Nơi đây đã góp phần xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc)…, xây dựng Khu kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh biên giới, với thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và vững mạnh toàn diện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Tỉnh đã củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Quản lý, từ 01-5-2012, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập các trung tâm quản lý cửa khẩu, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Quản lý, được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các khu cửa khẩu: Hữu Nghị - Bảo Lâm, Tân Thanh - Cốc Nam, Chi Ma để tăng cường công tác phối hợp, thống nhất quản lý hành chính nhà nước đối với các khu cửa khẩu thuộc Khu kinh tế. Đến nay, các Trung tâm đã từng bước ổn định tổ chức, bộ máy và thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp, thống nhất các lực lượng tại cửa khẩu, kịp thời tham mưu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, lưu thông xuất nhập khẩu. 

Công tác phân giới cắm mốc, cùng với việc các văn kiện pháp lý về biên giới đất liền có hiệu lực đã đưa công tác quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc từng bước đi vào quy phạm hóa, pháp chế hóa và chế độ hóa. Trong bối cảnh đó, cùng với những điều kiện thuận lợi về quy hoạch, tổ chức quản lý, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hoạt động xuất, nhập khẩu, xuất, nhập cảnh của người và phương tiện qua cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm ngày càng ổn định và phát triển. Ngày 20-02-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 343/QĐ-TTg, công nhận cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) - Ái Điểm, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nâng cấp từ cửa khẩu phụ lên thành cửa khẩu chính.

Khu công nghiệp Đồng Bành nằm trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21-8-2006 Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Đồng Bành được thành lập tại Quyết định số 1659/QĐ-UBND ngày 19-9-2007 của Ủy Ban nhân dân tỉnh với diện tích quy hoạch 321,7ha. Đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 03 dự án với tổng diện tích đăng ký là 47,9ha. Trong đó có dự án nhà máy xi măng Đồng Bành với tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.505 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng; Dự án kinh doanh nồi hơi dùng năng lượng sinh học và dự án nhà máy lắp ráp ô tô FAW - Hoàng Trà chưa triển khai xây dựng, hướng tới sẽ thực hiện các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.

Tác động tích cực của kinh tế cửa khẩu vào kinh tế của tỉnh nói chung đã góp phần bảo đảm các chính sách xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, chính trị, an ninh quốc phòng có sự ổn định và phát triển; đồng thời, góp phần củng cố sự đoàn kết nhất trí giữa Đảng, Nhà nước, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. 

Đánh giá về hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu thời gian qua, Tỉnh ủy đã tổng kết rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, xây dựng và phát triển Khu kinh tế là một chủ trương lớn, cần tiến hành bằng nhiều giải pháp kinh tế - xã hội đồng bộ, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị từ trung ương, các ngành có liên quan đến tỉnh và cơ sở.

Thứ hai, chủ động phát huy nội lực, đồng thời, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và đặc biệt là sự liên kết hợp tác với các địa phương trong cả nước, nhất là, trên tuyến hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Thứ ba, xuất phát từ đặc điểm cụ thể của Khu kinh tế có phạm vi rộng, đan xen nhiều lĩnh vực, liên quan trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành, cần thiết phải xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp quản lý giữa Ban Quản lý với các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện và thành phố.

Thứ tư, chú trọng thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư đến từ các nước, vùng lãnh thổ có quan hệ chính trị, kinh tế ổn định, thân thiện với Việt Nam; quan tâm đến các nhà đầu tư có năng lực, mong muốn thực sự được đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển của Khu kinh tế; quan tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đối với những ngành, lĩnh vực quan trọng; thu hút đầu tư có chọn lọc, không chỉ chú ý đến lợi ích kinh tế mà phải gắn với bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia và thân thiện với môi trường./.