Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 08-7 đến ngày 14-7-2013)
TCCSĐT - Chiều 11-7-2013, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ năm đã kết thúc sau hai ngày ở Thủ đô Oa-sinh-tơn, nhất trí thúc đẩy quan hệ mới giữa hai nước.
1. Liên hợp quốc kêu gọi giải quyết tình trạng bất bình đẳng trên thế giới Ô nhiễm không khí do con người gây ra có thể liên quan tới việc hơn 2 triệu người chết
Ngày 08-7-2013, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận toàn thể về tình trạng bất bình đẳng trên thế giới và bàn các biện pháp khắc phục. Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun lưu ý một thực tế là tuy đời sống con người nói chung trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể song khoảng cách giàu, nghèo tại hầu hết các quốc gia lại vẫn đang nới rộng. Hiện trạng này đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó đặt mục tiêu nâng cao mọi mặt đời sống cho toàn nhân loại, không phân biệt một bộ phận dân cư nào hay một nhóm người nào. Theo Tổng Thư ký Ban Ki-mun, tình trạng 1,2 tỷ người nghèo trên Trái đất chỉ sở hữu 1% tổng tài sản nhân loại, trong khi 1 tỷ người giàu lại chiếm tới 72% là một thực tế không thể chấp nhận. Sự bất bình đẳng ấy là nguyên nhân gây ra xung đột, hận thù giữa các dân tộc, sắc tộc, làm gia tăng tình trạng tội phạm, dịch bệnh, môi trường bị hủy hoại, đồng thời là một trong những trở ngại chính đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của nhân loại. Tổng Thư ký Ban Ki-mun kêu gọi các nước cùng tăng cường đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội, kiến tạo việc làm, tạo sự công bằng tối đa trong cuộc sống của con người, nỗ lực đẩy lùi nạn đói nghèo; vì đây là những yếu tố then chốt tạo nên một xã hội ổn định và phát triển bền vững. Ngoài ra, Tổng Thư ký Ban Ki-mun cũng yêu cầu các nước cần đưa ra những giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế nhằm mang lại lợi ích cho toàn nhân loại.
2. Thất nghiệp là mối lo hàng đầu đối với người dân châu Âu
Theo kết quả cuộc khảo sát do Tổ chức Nghiên cứu thị trường phi lợi nhuận GfK tiến hành tại 12 quốc gia và được công bố tại Đức ngày 09-7-2013, 37% số người được hỏi đều nói rằng thất nghiệp là nỗi sợ hãi lớn nhất. Những quốc gia có số người lo ngại nhiều nhất về nạn thất nghiệp tại châu Âu là Tây Ban Nha với 72% số người được hỏi, trong khi con số này tại Pháp là 69% và tại Đức là 32%. Ngoài vấn đề việc làm, người châu Âu cũng tỏ ra lo lắng về các vấn đề khác như lạm phát, kinh tế bất ổn, hệ thống y tế, tiền thuê nhà và nhà ở, điều hành đất nước, lương hưu, giáo dục, tham nhũng và tội phạm. Trong khi đó, những thách thức về môi trường như biến đổi khí hậu tác động tới nhiều lĩnh vực kinh tế, các vấn đề an ninh như nguy cơ khủng bố... không nằm trong số 10 vấn đề “thách thức châu Âu” trong năm 2013. Cuộc khảo sát được tiến hành đối với 13.300 người ở Áo, Bỉ, Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Hà Lan, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Điển và lần đầu tiên ở Ai-len.
3. Mỹ - Trung kết thúc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ năm
Chiều 11-7-2013, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ năm đã kết thúc sau hai ngày ở Thủ đô Oa-sinh-tơn. Phát biểu tại ngày đối thoại thứ hai, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uy-li-am Bơn (William Burns) kêu gọi hướng tới thúc đẩy mô hình quan hệ mới giữa hai nước. Về phía Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì cho rằng việc xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới Mỹ - Trung là một “nhiệm vụ lịch sử”. Mô hình đó trước hết cần được xây dựng và phát triển “trên nền tảng thành tựu đạt được trong quá khứ và tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi”. Đối thoại năm nay đã đạt được một số tiến bộ, trong đó có việc đưa vào hoạt động Nhóm công tác chung về an ninh mạng và Nhóm công tác chung về môi trường. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc đối thoại lần này cũng tập trung thảo luận sâu về vấn đề bán đảo Triều Tiên, Xy-ri, I-ran, các vấn đề an ninh khu vực và nhân quyền; quan hệ đầu tư, thương mại, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống đánh cắp bí mật thương mại; tỷ giá hối đoái, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống tài chính, hợp tác giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, năng lượng sạch và bảo vệ môi trường. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết kết quả đạt được trong cuộc đối thoại lần này sẽ dẫn tới những hành động cụ thể nhằm tăng cường tin tưởng lẫn nhau, củng cố hợp tác, gạt bỏ bất đồng để bảo đảm quan hệ Trung - Mỹ phát triển ổn định, đưa ý chí về xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới thành hành động chính sách. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma phát biểu tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung
lần thứ năm
4. Sản lượng ngũ cốc thế giới sẽ đạt mức kỷ lục trong năm 2013
Theo nhận định của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 11-7-2013, trong năm 2013, sản lượng ngũ cốc thế giới, bao gồm cả gạo, sẽ đạt mức kỷ lục mới, tăng khoảng 7% so với năm ngoái. FAO cho biết dự kiến sản lượng ngũ cốc trên toàn thế giới sẽ tăng thêm 2,47 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa mì dự báo tăng 6,8%, lên mức 704 triệu tấn, sản lượng gạo tăng 1,9%, đạt 500 triệu tấn. Tính chung, sản lượng ngũ cốc nguyên hạt thế giới tăng 9,7% so với năm 2012, đạt 1.275 triệu tấn. Việc tăng sản lượng ngũ cốc sẽ bổ sung đáng kể cho dự trữ lương thực toàn cầu, giúp ổn định giá lương thực trong năm 2013 - 2014. Báo cáo của FAO cũng dự báo nhập khẩu lương thực ở các nước có thu nhập thấp sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2012, đặc biệt tại các quốc gia như Ai Cập, In-đô-nê-xi-a và Ni-giê-ri-a. FAO cho biết thêm 34 quốc gia, trong đó có 27 nước châu Phi, vẫn cần viện trợ lương thực của nước ngoài. Tình trạng bạo loạn tại nhiều quốc gia như Xy-ri, Ai Cập, Cộng hòa dân chủ Công-gô,... cũng khiến sản lượng ngũ cốc bị sụt giảm mạnh, trong khi hàng chục triệu người ở châu Phi đang phải sống trong tình trạng thiếu ăn.
5. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 45 Thị trường chung Nam Mỹ
Ngày 12-7-2013, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 45 Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã kết thúc tại Thủ đô Môn-tê-vi-đê-ô (Montevideo) của U-ru-goay sau khi ra thông cáo chung khẳng định trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục yếu ớt, khối này sẽ tăng cường phối hợp và áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của khủng hoảng kinh tế quốc tế, kích cầu nội địa, tạo việc làm và bảo vệ các nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Nổi lên trong số các quyết định được đưa ra tại Hội nghị là việc đưa vào hoạt động Hội đồng quản lý Quỹ bảo đảm cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của Mercosur; việc khối này mở văn phòng thương mại chung ở các nước ngoài khu vực; và Mercosur sẽ đề xuất trở thành quan sát viên của Hệ thống hội nhập Trung Mỹ (SICA). Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo Nam Mỹ đã bày tỏ sự “phẫn nộ” trước việc Pháp, Tây Ban Nha, I-ta-li-a và Bồ Đào Nha rút phép bay qua không phận hoặc hạ cánh tiếp nhiên liệu đối với chuyên cơ của Tổng thống Bô-li-vi-a Ê-vô Mô-ra-lết (Evo Morales), coi đây là một sự xúc phạm không chỉ đối với Bô-li-vi-a mà còn đối với toàn bộ Mercosur, và yêu cầu các nước trên giải thích và xin lỗi. Thông cáo chung của Hội nghị cũng lên án hoạt động gián điệp của Mỹ tại Mỹ La-tinh, xâm phạm quyền con người, quyền riêng tư của công dân và vi phạm chủ quyền quốc gia của các nước tại khu vực này. Mặt khác, Hội nghị phản đối mọi ý định gây sức ép, cản trở hoặc hình sự hóa đối với các quyết định mang tính chủ quyền của các quốc gia trong việc cấp quy chế tị nạn cho ông E. Xnâu-đơn. Tổng thống U-ru-goay Hô-xê Mu-hi-ca (José Mujica) đã trao chức chủ tịch luân phiên Mercosur cho Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô (Nicolás Maduro). Đây là lần đầu tiên Vê-nê-xu-ê-la đảm nhiệm chức vụ này sau khi được kết nạp làm thành viên chính thức năm ngoái.
6. Các Ngoại trưởng SCO cam kết tăng cường hợp tác
Ngày 13-7-2013, các Ngoại trưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã kết thúc Hội nghị tại thành phố Chôn-pôn A-ta (Cholpon-Ata) của Cư-rơ-gư-xtan, với cam kết tăng cường phối hợp và hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và ly khai cũng như tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy, vũ khí, và các hoạt động trái phép khác. Một tuyên bố đưa ra sau phiên họp cuối cùng của Hội đồng Ngoại trưởng SCO khẳng định các nước thành viên tổ chức này có lập trường tương đồng về nhiều vấn đề lớn của khu vực và quốc tế, nhất trí tăng cường hợp tác chặt chẽ để đối phó thành công với các mối đe dọa, thách thức toàn cầu, bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của các nước thành viên. Các Ngoại trưởng SCO cũng kêu gọi đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, vận tải, viễn thông, nông nghiệp và công nghệ mới, nhấn mạnh rằng những nỗ lực chung này sẽ góp phần giúp các nước thành viên SCO phát triển bền vững. Tuyên bố cũng nhấn mạnh sự đồng thuận về việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa, y tế, du lịch và giảm nhẹ thảm họa thiên tai,... Bên cạnh đó, các Ngoại trưởng SCO còn thảo luận tình hình ở Tây Á và Bắc Phi, tái khẳng định sự ủng hộ của khối này trong việc sử dụng các chuẩn mực quốc tế được công nhận rộng rãi làm cơ sở để đạt được hòa bình, ổn định, thịnh vượng và tiến bộ trong khu vực. Các Ngoại trưởng SCO cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của nước chủ nhà cho Hội nghị thượng đỉnh SCO sắp tới ở Thủ đô Bi-skếch (Bishkek).
7. Ô nhiễm không khí liên quan tới hơn 2 triệu người chết mỗi năm
mỗi năm trên thế giới
Ngày 14-7-2013, các nhà khoa học Mỹ công bố một báo cáo nghiên cứu trên tạp chí “Environmental Research Letters”, cho biết ô nhiễm không khí do con người gây ra có thể liên quan tới việc hơn 2 triệu người bị chết mỗi năm trên thế giới. Theo đó, có khoảng 470.000 người chết mỗi năm do sự gia tăng lượng khí ô-dôn, khoảng 2,1 triệu ca tử vong do sự gia tăng các hạt vật chất nhỏ bé trong không khí có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây ung thư và bệnh đường hô hấp khác, mà các sự gia tăng này đều do con người gây ra. Nhà khoa học Gia-xơn Uét (Jason West) thuộc Đại học Bắc Ca-rô-li-na, đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh rằng ô nhiễm không khí là một trong những yếu tố môi trường quan trọng nhất đối với sức khỏe con người, và trong số các ca tử vong vì nguyên nhân này thì khu vực Đông Á và Nam Á chiếm nhiều nhất do có dân số đông và mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành mô phỏng 14 mô hình về nồng độ ô-dôn và 6 mô hình các hạt vật chất nhỏ bé trong không khí. Kết quả cho thấy những biến đổi về khí hậu kể từ thời kỳ bùng nổ phát triển công nghiệp đã làm tăng số ca tử vong. Nghiên cứu cũng cho thấy biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng không khí theo nhiều cách, có thể dẫn đến sự gia tăng hay suy giảm cục bộ mức độ ô nhiễm không khí. Chẳng hạn, nhiệt độ cao có thể làm tăng lượng khí thải chứa các thành phần hữu cơ từ thực vật, có thể dẫn đến các phản ứng trong bầu khí quyển để hình thành khí ô-dôn hay các hạt vật chất nhỏ bé./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 08 đến ngày 14-7-2013  (15/07/2013)
Kinh tế - xã hội Việt Nam nhìn từ bảng xếp hạng và các chỉ số  (15/07/2013)
Không để xảy ra việc lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng  (14/07/2013)
“Ngân hàng bò" góp sức giúp người nghèo thoát nghèo  (14/07/2013)
Pháp lại bị hạ bậc tín nhiệm do gánh nặng nợ công  (14/07/2013)
Snowden có thông tin gây thiệt hại lớn hơn cho Mỹ  (14/07/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên