Kinh tế - xã hội Việt Nam nhìn từ bảng xếp hạng và các chỉ số
Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khi phân tích các nền kinh tế, đánh giá ba điểm mạnh của Việt Nam là: ổn định vĩ mô, y tế - giáo dục tiểu học và quy mô của thị trường. Còn ba “vùng lõm” của Việt Nam vẫn là: kết cấu hạ tầng, đào tạo và giáo dục đại học và mức độ sẵn sàng cho công nghệ.
Theo đánh giá mới của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng. Một nghiên cứu khác cho thấy lao động Việt Nam chỉ đạt 32/100 điểm. Trong khi đó, những nền kinh tế có chất lượng lao động dưới 35 điểm đều có nguy cơ mất sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Nguồn lao động của nước ta có năng suất lao động quá thấp, đứng thứ 77/125 nước và vùng lãnh thổ, sau Indonesia, Philippine và Thái Lan trong khu vực. Tỷ lệ lao động không có chuyên môn ở Hà Nội hiện là 41,4%, Hải Phòng 64%, Đà Nẵng 54,4%, TP. Hồ Chí Minh 55% và Bà Rịa - Vũng Tàu là 62,9%.
Năng lực cạnh tranh
Ngày 18-6-2009, lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra bảng xếp hạng về môi trường thuận lợi cho thương mại, Việt Nam đứng ở vị trí 91 trong số 118 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2010, là nền kinh tế duy nhất trong khu vực Đông Nam Á thăng tiến trên bảng xếp hạng, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 71 trên thế giới (tăng 18 bậc so với 2009) và thứ 5 trong khu vực (sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia), được coi là một trong những quốc gia thăng tiến nhanh nhất trên bảng xếp hạng môi trường thương mại toàn cầu năm 2010.
Năm 2011, việc Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh rớt 6 hạng năng lực cạnh tranh của nước ta so với năm 2010 (xếp 65 trên tổng số 142 quốc gia) cho thấy mức độ cải cách của Việt Nam không theo kịp mức độ cải cách của các nước.
Cũng theo báo cáo mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố (ngày 05-9-2012), Việt Nam xếp thứ 75/142 về năng lực cạnh tranh toàn cầu. So với năm 2011, Việt Nam đã tụt 10 bậc về năng lực cạnh tranh. Như vậy, trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục đi xuống về năng lực cạnh tranh, không chỉ về thứ hạng mà cả điểm số đánh giá.
Theo Báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh năm 2013 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được xếp thứ 99/185 quốc gia (năm 2011 đứng thứ 98/183 - tụt 8 bậc so với năm 2010). Đánh giá chi tiết của báo cáo này cho thấy, Việt Nam xếp thứ 108 về mức độ thuận lợi cho khởi nghiệp, thứ 40 về tiếp cận tín dụng, thứ 169 về bảo vệ nhà đầu tư, thứ 138 về đóng thuế, thứ 74 về giao thương xuyên biên giới và thứ 28 về cấp phép xây dựng.
Thị trường mới nổi và thị trường sơ khai tiềm năng
Dựa trên việc phân tích và cho điểm các yếu tố như tăng trưởng kinh tế được dự báo trong thời gian từ 2012 - 2016, mức lạm phát bình quân, nợ công, hệ số giá/thu nhập (P/E) của thị trường chứng khoán, mức độ biến động tỷ giá trong 3 năm qua, mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh..., Tạp chí thị trường Bloomberg Markets vừa công bố xếp hạng lần đầu những thị trường mới nổi (emerging market) và thị trường sơ khai tiềm năng nhất thế giới. Theo kết quả đưa ra, Việt Nam dẫn đầu nhóm 15 thị trường sơ khai nhiều hứa hẹn nhất, trong khi Trung Quốc chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng các thị trường mới nổi triển vọng nhất. “Việc các nhà đầu tư trở lại các thị trường này chỉ là vấn đề thời gian. Sẽ đến lúc họ nhận thấy những cơ hội, bất chấp rủi ro”, ông Antoine van Agtmael, nhà quản lý quỹ đầu tư trị giá 7,4 tỷ USD dành cho các thị trường mới nổi thuộc công ty Ashmore EMM LLC ở Arlington, Virginia, Hoa Kỳ nhận xét.
Bảng xếp hạng FAST500
Bảng xếp hạng FAST500 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, độc lập và tuân theo chuẩn mực quốc tế (có tham khảo các mô hình xếp hạng của Inc500, Fortune500 và Deloitte500). Năm 2010, bảng xếp hạng FAST500 được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu VNR Biz Database với hơn 200.000 doanh nghiệp của Vietnam Report, dữ liệu xây dựng bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (2007 - 2010), dữ liệu V1000 - Top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (2007 - 2009) và các nguồn dữ liệu khác.
Được đánh giá là một bảng xếp hạng quan trọng, không chỉ xếp hạng dựa trên quy mô doanh thu mà trong đó các tập đoàn nhà nước chiếm vị trí độc tôn, bảng xếp hạng FAST500 ghi nhận những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng trưởng nhanh nhất trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn hoạt động.
Đáng lưu ý, trong bảng xếp hạng FAST500 năm 2010, các doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ áp đảo với 78%, vượt xa so với khối các doanh nghiệp nhà nước (chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn 17%). Các con số này cho thấy tín hiệu tốt khi khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam ngày càng thể hiện rõ vai trò phát triển năng động và đổi mới của mình để có thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai không xa.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI - Public Administration Performance Index)
Ngày 14-5-2013, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, đã công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2012.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam là một trong những công cụ nhằm đo lường và theo dõi hiệu quả công tác quản trị, điều hành của hệ thống hành chính nhà nước (bao gồm cả cung ứng dịch vụ công) dựa trên trải nghiệm và cảm nhận của người dân khi tiếp xúc, giao dịch với cơ quan chính quyền các cấp. Nói cách khác, PAPI là công cụ đánh giá quản trị và hành chính công theo hướng tiếp cận từ dưới lên, nhằm bổ sung cho các công cụ giám sát công tác quản lý nhà nước truyền thống qua “đánh giá nội bộ”, thường được áp dụng trong khu vực nhà nước hiện nay. Kết quả khảo sát và đo lường của PAPI năm 2012 cho thấy có những thay đổi tích cực nhưng còn khiêm tốn ở 4 trong 6 nội dung, đó là: công khai, minh bạch; kiểm soát tham nhũng; cung ứng dịch vụ công; trách nhiệm giải trình với người dân. Mức độ hiệu quả quản trị và hành chính công ở 6 nội dung nhìn chung có xu hướng cải thiện qua hai năm 2011 và 2012, đặc biệt năm 2012 tăng nhẹ so với năm 2011.
Theo đánh giá của người dân về mức độ thay đổi qua hai năm của từng địa phương trong hiệu quả cung ứng dịch vụ công, 2/3 số tỉnh/thành phố có những cải thiện đáng kể về chất lượng và hiệu quả, trong đó, Hà Giang là địa phương có số điểm cao nhất, tiếp đến là Thừa Thiên - Huế, Nam Định, Bình Thuận và Bình Phước. Các tỉnh Tây Ninh, Trà Vinh và Sơn La có sự sụt giảm về điểm nhiều nhất.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI
Là chỉ số đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh trong việc tạo lập môi trường chính sách thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, chỉ số PCI cho điểm theo thang điểm 100, được thực hiện thông qua việc điều tra đối với doanh nghiệp dân doanh để tìm hiểu về những đánh giá của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh ở địa phương, kết hợp dữ liệu điều tra với các số liệu so sánh thu thập được từ các nguồn chính thức về điều kiện ở địa phương. Chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành chứ không đánh giá mức độ phát triển của địa phương. Chỉ số PCI lý giải nguyên nhân vì sao một số tỉnh, thành phố của đất nước lại tốt hơn các địa phương khác về sự phát triển năng động của khu vực kinh tế dân doanh, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Trong lịch sử 8 năm xây dựng và công bố PCI, năm 2012 là năm có nhiều kịch tính nhất. Đó là sự thăng hạng của Đồng Tháp, An Giang, tụt hạng của Đà Nẵng, Bình Dương. Ngoài TP. Hồ Chí Minh có được sự tăng hạng đáng kể, từ vị trí 20 của lần công bố trước lên thứ hạng 13 trong bảng xếp hạng 2012, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Ninh đều tụt hạng. Hà Nội và Hải Phòng đã rơi vào nửa cuối bảng xếp hạng với vị trí tương ứng là 51 và 50. Lần đầu tiên sau 8 năm thực hiện xếp hạng, không một địa phương nào đủ điểm đứng vào nhóm rất tốt. Trong khi đó, nhóm tương đối thấp đã tăng từ 1 tỉnh lên 3 tỉnh trong bảng xếp hạng PCI năm 2012.
Chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường
Với 59 điểm, Việt Nam đứng ở vị trí 85/163 nước được xếp hạng chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường. Đây là thông tin được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố. Theo bảng xếp hạng, Việt Nam đạt điểm cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp. Thấp hơn trong các lĩnh vực thủy sản, biến đổi khí hậu, các ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với hệ sinh thái và bảo tồn biển.
Tăng trưởng dân số, đô thị hóa và công nghiệp hóa đã có tác động đáng kể đến môi trường tự nhiên. Nghiêm trọng nhất là các vấn đề ô nhiễm tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các vùng xung quanh hai thành phố này.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng
Công ty chuyên phân tích và đánh giá thông tin Nielsen công bố chỉ số niềm tin người tiêu dùng toàn cầu trong quý IV-2011 tăng một điểm so với quý III. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất được tiến hành từ ngày 23-11 đến ngày 9-12-2011 lại cho thấy con số này giảm trung bình 60% ở 56 quốc gia thuộc diện khảo sát. Chỉ số niềm tin tiêu dùng ở Việt Nam đạt mức 99 điểm, tăng 3 điểm so với quý III-2011. Đây cũng là lần nhích điểm đầu tiên vào năm 2011, sau ba quý liên tiếp giảm điểm trước đó. Trong thang điểm của Nielsen, mức điểm 100 được coi là ranh giới quan trọng phân định mức độ lạc quan hay bi quan của người tiêu dùng. Về kết quả khảo sát tại Việt Nam, Nielsen cho biết 71% người được hỏi cho rằng 12 tháng tới không phải là thời điểm tốt để mua sắm.
Nghiên cứu ở một khía cạnh khác của công ty này lại cho thấy 66% người trả lời trực tuyến tin rằng Việt Nam đang trong thời kỳ suy thoái, giảm 3 điểm so với quý trước đó nhưng vẫn cao hơn 11 điểm so với cùng kỳ năm 2010; 84% người tiêu dùng thay đổi chi tiêu để tiết kiệm sinh hoạt phí. Với những thống kê trên, công ty chuyên phân tích và đánh giá thông tin toàn cầu Nielsen cho biết Việt Nam lọt vào top 10 chỉ số tiêu dùng toàn cầu.
Chỉ số niềm tin kinh doanh BCI
BCI của các doanh nghiệp Việt Nam đã bị sụt giảm đáng kể, từ mức 123 điểm của quý 3-2011 xuống còn 116 điểm như hiện nay trước những diễn biến kinh tế khó khăn của thế giới. Đây là kết quả cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh do Công ty Dịch vụ Thông tin Tài Chính WVB Việt Nam (WVB FISL) tiến hành từ ngày 15-12-2011 đến ngày 16-01-2012 tại 158 doanh nghiệp (trên 83% là doanh nghiệp vừa và nhỏ) thuộc 11 lĩnh vực ngành nghề chủ chốt, đứng đầu cả nước về thương hiệu, tổng tài sản, tổng doanh thu và số lượng nhân viên.
Chỉ số tin cậy thương mại
Chỉ số tin cậy thương mại được HSBC khảo sát trên 6.390 nhà xuất khẩu, nhập khẩu và thương nhân tại 21 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Báo cáo về chỉ số tin cậy thương mại được Ngân hàng của HSBC Việt Nam công bố hôm 14-11-2012 cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đã giảm nhẹ trong 6 tháng vừa qua, từ 115 điểm xuống còn 110 điểm.Theo kết quả mới nhất của chỉ số này, có 73% doanh nghiệp được khảo sát mong đợi tăng trưởng thương mại của Việt Nam cao hơn hoặc giữ như cũ. Con số này đã giảm xuống mức 80% trong đợt khảo sát trước đó./.
Không để xảy ra việc lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng  (14/07/2013)
“Ngân hàng bò" góp sức giúp người nghèo thoát nghèo  (14/07/2013)
Pháp lại bị hạ bậc tín nhiệm do gánh nặng nợ công  (14/07/2013)
Snowden có thông tin gây thiệt hại lớn hơn cho Mỹ  (14/07/2013)
Tọa đàm khoa học về một số vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường  (14/07/2013)
Thị trường tiền tệ Trung Quốc ổn định trở lại  (14/07/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay