Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 24 đến ngày 30-6-2013
Được Chính phủ phê duyệt tháng 01-2011 và bắt đầu triển khai từ tháng 4-2011, Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo nhằm thực hiện ba mục tiêu: Tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ và góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ. Dự án thu hút hơn 1.700 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Qua tuyển chọn, Ban Quản lý dự án đã chọn được 580 trí thức trẻ.
Qua đánh giá của các xã, huyện, tỉnh có 68/580 đội viên dự án hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (chiếm 11,72%); có 352/580 đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (chiếm 60,69%) và 160/580 đội viên hoàn thành nhiệm vụ (chiếm 27,59%).
Qua sơ kết thực hiện giai đoạn I của Dự án, Bộ Nội vụ đề nghị Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu nhân rộng mô hình đưa trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch UBND xã đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Nội vụ và các địa phương có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai Dự án, biểu dương tinh thần nhiệt huyết của các đội viên Dự án đã tình nguyện đến với các xã nghèo trong cả nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Dự án có ý nghĩa thiết thực góp phần đào tạo, tạo nguồn cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở. Qua thực tế thực hiện Dự án cũng góp phần xây dựng cơ chế, chính sách về cán bộ, về điều chuyển cán bộ... Dự án tuy mới thực hiện được 1 năm song đã có những kết quả bước đầu, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với các đội viên Dự án. Các địa phương cần quan tâm nhân rộng mô hình này để ngày càng có nhiều tri thức trẻ tình nguyện về các vùng khó khăn của địa phương công tác, qua đó đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cũng là đáp ứng nhu cầu về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; quan tâm đến công tác phát triển Đảng đối với đội viên Dự án... Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cần thiết cho đội viên Dự án.
Thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp theo nguyên tắc cạnh tranh
Chiều 24-6, tại buổi họp báo, đại diện Bộ Nội vụ cho biết: Có đến 30% công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp theo nguyên tắc cạnh tranh vừa qua không đạt điểm để xét; trong số này có nhiều người là lãnh đạo cấp Cục, Tổng cục. Ngay trong Bộ Nội vụ cũng có 9/22 công chức không đạt được số điểm cần thiết.
“Điều quan trọng nhất là thể hiện được sự công bằng trong thi cử. Người có trình độ, năng lực tốt chắc chắn sẽ thi đỗ” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định.
Những kỳ thi trước đây không theo nguyên tắc cạnh tranh, về cơ bản tất cả những người dự thi đều đỗ, tỷ lệ bị trượt chỉ từ 3 - 10% (chủ yếu rơi vào số dư). Kỳ thi lần này được tổ chức theo tinh thần của Luật Cán bộ công chức, nhằm chọn người có đủ trình độ, năng lực để bổ nhiệm vào vị trí cao hơn trong nền công vụ, nâng cao chất lượng thi tuyển công chức nên cả những người không nằm trong số dư cũng trượt nếu không thi đủ các môn thi và mỗi môn thi không đạt từ 50/100 điểm trở lên.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết: Kết quả thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp đã được gửi cho các bộ, ngành, địa phương với khoảng 30% số người thi không đạt đủ số điểm yêu cầu. Người thi trượt trong đợt này vẫn được tiếp tục thi trong các kỳ sau nếu đủ điều kiện tiêu chuẩn.
Tại buổi họp báo, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Xuân Bình cũng cung cấp cho báo giới những thông tin liên quan đến các Đề án Bộ đã và đang xây dựng để trình Bộ Chính trị như: Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính; Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; Đề án quy định trách nhiệm, quyền hạn người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân; Đề án thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý.
Hội nghị tập huấn toàn quốc về xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức
Ngày 30-6, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tập huấn toàn quốc về xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức để bảo đảm thống nhất trong quá trình xây dựng vị trí việc làm đối với tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Pháp luật đã quy định xác định vị trí việc làm là một nhiệm vụ bắt buộc để thực hiện đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động nhưng vẫn bảo đảm tính ổn định. Nội dung quan trọng của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là chuyển từ chế độ chức nghiệp sang kết hợp giữa chế độ chức nghiệp với chế độ việc làm. Trên cơ sở xác định vị trí việc làm, sẽ có căn cứ và cơ sở để đổi mới các nội dung quản lý công chức, viên chức như: biên chế, tuyển dụng, nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và thực hiện cải cách chế độ tiền lương; xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin - cho”, tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu, chưa phân biệt được người làm tốt với người làm chưa tốt trong đánh giá công chức, viên chức.
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn chức danh của công chức, xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức, vấn đề đặt ra là việc xác định danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được tiến hành theo một phương pháp khoa học, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Để đáp ứng các yêu cầu này, tại Hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu về các nghị định và thông tư hướng dẫn xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, những vấn đề cơ bản và phương pháp xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị như phân loại vị trí việc làm, nguyên tắc, căn cứ, các phương pháp xác định vị trí việc làm.
Tám bước xác định vị trí việc làm bao gồm: thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phân nhóm công việc; xác định các yếu tố ảnh hưởng đến vị trí việc làm; thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức, viên chức; xác định danh mục và phân loại vị trí việc làm cần có; xây dựng bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí việc làm, xác định chức danh ngạch (công chức), chức danh nghề nghiệp (viên chức) và chức danh quản lý tương ứng với danh mục vị trí việc làm.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã cùng trao đổi về những nội dung chính của phương pháp xác định vị trí việc làm. Nhiều đại biểu nhìn nhận đây là vấn đề mới và khó, điều quan trọng là phải thống nhất được về mặt nhận thức, tư duy và phương pháp để từ đó thống nhất về hành động, cùng nhau thực hiện với quyết tâm chính trị cao.
Đi tiên phong trong xác định vị trí việc làm là Bộ Nội vụ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước. Hiện Bộ Nội vụ đã xây dựng danh mục 162 vị trí việc làm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xây dựng được danh mục 240 vị trí việc làm trong toàn hệ thống.
Hà Nội: Sẽ đối thoại với doanh nghiệp nhiều hơn
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu, cần tăng cường đối thoại, lắng nghe, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là về thủ tục, cơ chế, chính sách.
Tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành của Hà Nội đã quyết liệt đẩy mạnh kỷ cương hành chính, nghiêm khắc khắc phục với những yếu kém, bất cập để tạo chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt là nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức các cấp, nhất là vai trò nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Các cấp của thành phố đều đã tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá sát thực hiệu quả cải cách hành chính, gắn với kịp thời nêu gương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, làm cản trở công việc, ảnh hưởng tới uy tín của bộ máy công quyền.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu cần thực hiện tốt hơn tính công khai, minh bạch về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, tình hình 6 tháng cuối năm 2013 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy cần chú trọng thực hiện các giải pháp như: hỗ trợ thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, duy trì tăng trưởng; tăng cường đối thoại, lắng nghe, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Hà Nội chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, công chức
UBND thành phố Hà Nội đánh giá, mặc dù thời gian qua thành phố đã tăng cường công tác quản lý cán bộ, công chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, nhưng hiện nay thông qua phương tiện thông tin đại chúng và việc kiểm tra trực tiếp của thanh tra, kiểm tra cho thấy không ít nơi còn buông lỏng quản lý.
Biểu hiện rõ nhất là nhiều cán bộ còn lơ là trong công việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện, cải cách hành chính chưa đầy đủ; một số cơ quan, đơn vị chưa tuân thủ đúng pháp luật về công tác tuyển dụng, nâng ngạch, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho thôi việc…
Để chấn chỉnh tình trạng trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa chỉ đạo các đơn vị, địa phương có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ như: Cần có các biện pháp hữu hiệu và khẩn trương để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương; Thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp; quy hoạch đào tào, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức; thi đua khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ công chức; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ; đưa vào áp dụng các phần mềm chung trong công tác quản lý nhằm giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ; Tăng cường hội họp, giao ban bằng hình thức trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Sau khi kiểm tra cần đánh giá kịp thời cán bộ, đánh giá tình hình thực hiện kỷ cương ở các đơn vị và xử lý nghiêm những nơi để xẩy ra sai phạm. Định kỳ 6 tháng hằng năm báo cáo UBND thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện để kịp thời xử lý.
Giảm nhiều thủ tục cho người nộp thuế từ ngày 1-7
Giảm số lần kê khai, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đơn giản hồ sơ đề nghị xóa nợ... là những lợi ích mà người nộp thuế được hưởng kể từ ngày 1-7 khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực.
Ngày 20-11-2012, Quốc hội Khóa 13 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung đã khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế; cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế; bổ sung những phương thức quản lý mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.
Theo đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Giảm thủ tục, thêm lợi ích
Thứ nhất, giảm tần suất kê khai thuế giá trị gia tăng từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế quy mô vừa và nhỏ.
Thứ hai, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2010 của Chính phủ về việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 33 về gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo hướng rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế để đáp ứng nội dung này.
Thứ ba, thay tờ khai quyết toán thuế trong hồ sơ đề nghị xóa nợ đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Luật hiện hành quy định trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản thì hồ sơ xoá nợ tiền thuế phải có tờ khai quyết toán thuế. Trong trình tự xử lý phá sản, cơ quan thuế đã tham gia xác định các khoản nợ thuế và quyết định tuyên bố phá sản của Toà án là quyết định có hiệu lực pháp lý.
Để giảm thủ tục hành chính và phù hợp với quy định của pháp luật về phá sản, Luật sửa đổi Khoản 2 Điều 66 theo hướng quy định hồ sơ xoá nợ tiền thuế, tiền phạt đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản sẽ sử dụng quyết định tuyên bố phá sản thay cho tờ khai quyết toán thuế.
Bổ sung trường hợp gia hạn nộp thuế
Điều 49 Luật hiện hành quy định các trường hợp được gia hạn nộp thuế bao gồm: (1) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ; (2) Không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ. Luật Quản lý (sửa đổi) bổ sung đối với trường hợp: Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh; Chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng đã được ghi trong dự toán ngân sách Nhà nước.
Như vậy, về cơ bản Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Dù Luật mới được ban hành nhưng những nội dung này tại Luật đã đón nhận sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của người nộp thuế, góp phần vào thành công của công tác cải cách thủ tục hành chính nước ta thời gian qua.
Lãnh đạo Đà Nẵng nhận trách nhiệm việc tụt hạng cạnh tranh
Đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng tại Hội thảo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI do UBND TP. Đà Nẵng tổ chức ngày 26-6 nhằm tìm giải pháp khắc phục tình trạng qua 5 năm từ 2008 - 2012, chỉ số PCI của Đà Nẵng liên tục giảm cả về điểm số và thứ tự xếp hạng, nhận xét: "Không phải vì nguyên nhân khách quan mà cái chính là do nguyên nhân chủ quan, từ lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND đến các sở, ngành, các quận, huyện liên quan trong khâu tổ chức lãnh đạo và tổ chức thực hiện không nghiêm túc, không đến nơi đến chốn!".
Đồng chí Trần Thọ yêu cầu phải tăng cường hơn nữa tính năng động của chính quyền thành phố, định kỳ hàng năm tổ chức đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp, rà soát, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp, kiên định các quan điểm, nhất quán các chính sách trên tinh thần bảo đảm tính kế thừa và phát triển tốt.
"Nhưng đối thoại thì phải có phản hồi. "Bệnh" hay gặp ở các cơ quan công quyền hiện nay là nhận đơn, nhận hồ sơ, cái gì dễ thì trả lời ngay, còn thấy khó thì chuyển lòng vòng và không phản hồi. Gửi hồ sơ 2 - 3 tháng, 2 - 3 năm không thấy trả lời. Các cơ quan chức năng phải trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, được thì nói được, không thì nói không, chưa thì trong bao lâu chứ không có làm thinh. Làm thinh dễ hiểu nhầm, dễ gây bực bội. Chẳng thà nói không được, mất lòng trước, được lòng sau, chứ im im thì không biết ổng muốn cái gì đây? UBND thành phố phải chỉ đạo xử lý việc này cho rốt ráo!" - Đồng chí Trần Thọ yêu cầu.
Liên quan đến CCHC để phục vụ doanh nghiệp, Đồng chí Trần Thọ yêu cầu Sở Nội vụ phải đánh giá, phân loại các cơ quan, đơn vị một cách thực chất hơn, chứ không thể "rất tốt chiếm đa số, tốt chiếm tương đối, chỉ 1 - 2 đơn vị loại khá và không có trung bình, yếu kém". Theo Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố, Đà Nẵng đang làm tốt công tác CCHC nhưng không được chủ quan. Phải đánh giá khắt khe hơn, mạnh dạn xếp loại các cơ quan, đơn vị trung bình, yếu kém để phản ảnh đúng thực chất "chứ không nên" ra đề "dễ quá để rồi ai cũng tốt và rất tốt cả".
"CCHC phải trên tinh thần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nhiều hơn chứ không phải chỉ thuận lợi cho cơ quan công quyền. Anh CCHC gì đấy nhưng chỉ lo phía anh cho thuận lợi, lo cho cơ quan công quyền thuận lợi mà người dân, doanh nghiệp ít thuận lợi là không được. Phải chỉ đạo tổ một cửa, các cơ quan có liên quan xử lý theo phương châm đấy!" - đồng chí Trần Thọ yêu cầu.
"Mục tiêu quan trọng số 1 không phải chúng ta nâng vị thứ xếp hạng PCI lên đứng nhất, đứng nhì mà là tạo điều kiện thuận lợi nhất, môi trường tốt đẹp nhất, hành lang pháp lý thông thoáng nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững. Có doanh nghiệp hỏi tôi, thông điệp của thành phố qua Hội thảo này là gì? Tuy chưa bàn trong Thường vụ Thành uỷ nhưng chúng tôi cũng tạm nói nôm na: "Hiệu quả của doanh nghiệp chính là thành công của thành phố"!" – đồng chí Trần Thọ nhấn mạnh.
Bước đi hiện đại hóa Hải quan
Tiếp tục chương trình của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, sáng 28-6, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến vào Dự án Luật Hải quan sửa đổi, đạo luật nhằm hướng tới xây dựng ngành hải quan chuyên nghiệp, hiện đại.
Luật Hải quan được Quốc hội thông qua ngày 29-6-2001, được sửa đổi, bổ sung vào tháng 6-2005 và có hiệu lực thi hành từ 01-01-2006.
Các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, việc sửa đổi Luật Hải quan là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý để hiện đại hóa hoạt động hải quan; áp dụng rộng rãi, phổ biến hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế. Sửa Luật Hải quan cũng xuất phát từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục hải quan hướng tới hoạt động hải quan công khai, minh bạch, hiệu quả.
Dự Luật Hải quan sửa đổi gồm 106 điều, được bố cục thành 8 chương, trong đó sửa đổi 45 điều, giữ nguyên 27 điều, bỏ 7 điều, bổ sung 34 điều mới. Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Hải quan (sửa đổi) là Bộ Tài chính.
Dự thảo Luật gồm 4 nhóm vấn đề lớn. Nhóm vấn đề thứ nhất là cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, nội luật hóa các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhóm vấn đề thứ hai là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại.
Nhóm vấn đề thứ ba là sửa đổi, bổ sung những quy định trong luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Nhóm vấn đề lớn cuối cùng của dự án luật là kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan.
Sau khi các thành viên Chính phủ nêu ý kiến thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Tài chính, Văn Phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp cùng với các bộ, ngành để tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy định.
Cục Thuế Bắc Giang: Tích cực cải cách hành chính, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp
Với những diễn biến kinh tế của năm 2013 còn tiềm ẩn khó khăn, cán bộ, công chức Cục Thuế tỉnh Bắc Giang xác định giải pháp vượt khó bên cạnh xử lý nợ đọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Cùng với đó, Cục cũng tăng cường đối thoại để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm phục vụ.
Xác định đồng hành, gỡ khó, phục vụ doanh nghiệp là một trong những mục tiêu cơ bản giúp ngành Thuế hoàn thành nhiệm vụ thu Ngân sách nhà nước nên thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Bắc Giang đã rất chú trọng việc làm này. Nhiều diễn đàn đối thoại doanh nghiệp đã được ngành Thuế Bắc Giang tổ chức, kịp thời lắng nghe để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Sau cuộc đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người nộp thuế do Cục Thuế Tỉnh tổ chức ngày 30-11-2012, từ ngày 17-6-2013 đến 23-6-2013, Cục thuế Bắc Giang lại tổ chức “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế" năm 2013 ngay tại trụ sở Cục và tất cả các chi cục thuế huyện, thành phố. Theo đó, cơ quan thuế đã tập trung trao đổi với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về hồ sơ, thủ tục kê khai thuế, hoàn thuế; tiếp nhận thông tin phản ánh về phương pháp làm việc, hành vi ứng xử của cán bộ thuế; những đề xuất về cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực hiện chính sách thuế. “Tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế" với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người nộp thuế, bảo đảm minh bạch - chuyên nghiệp - liêm chính - đổi mới. Qua các chương trình đối thoại, doanh nghiệp được tiếp cận trực tiếp với cán bộ, lãnh đạo Cục Thuế và các chi cục thuế để bày tỏ những ý kiến của mình và hiến kế hay để xây dựng ngành thuế, cải cách hành chính đạt hiệu quả cao./.
Cần thể hiện rõ hơn nữa về cơ cấu hệ thống chính trị và phát huy quyền làm chủ của nhân dân  (01/07/2013)
Cộng gộp tạo cộng hưởng  (01/07/2013)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo Đảng ở Đồng bằng sông Cửu Long  (30/06/2013)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo Đảng ở Đồng bằng sông Cửu Long  (30/06/2013)
Báo chí Thái Lan bình luận chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/06/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên