Cần thể hiện rõ hơn nữa về cơ cấu hệ thống chính trị và phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Về phương pháp luận
Trước hết, sơ lược về chính trị và chế độ chính trị. Theo nghĩa chung chính trị là quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, các tập đoàn xã hội với nhà nước. Nhà nước, quyền lực nhà nước là nhân tố quan trọng nhất để giải quyết quan hệ có lợi cho giai cấp cầm quyền. Vì thế, nhà nước là vấn đề cơ bản nhất của chính trị và chế độ chính trị.
Nói đến chính trị - chế độ chính trị, tất yếu phải nói về hệ thống chính trị. Đối với các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa, kết cấu của hệ thống chính trị thường ở hai dạng: 1 - Đảng Cộng sản cầm quyền và các đảng khác, nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội; 2 - Đảng Cộng sản cầm quyền, nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Ở Việt Nam hiện nay, hệ thống chính trị bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, mang lại lợi ích cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn xã hội, với Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mới thực hiện được đầy đủ.
Xã hội Việt Nam trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội không có nhu cầu phải đa đảng. Vì sao vậy? Về cả lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam hơn 83 năm qua cho thấy: Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta đã tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc chiến thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ, thống nhất đất nước; tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội... Nhân dân ta tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Dù có lúc vấp váp, một số cán bộ, đảng viên ở nơi này nơi kia suy thoái, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, sẽ bảo đảm cho đất nước hòa bình, ổn định, hội nhập quốc tế, phát triển mạnh mẽ và bền vững trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhà nước ta là dân chủ tập trung... Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời phải tập trung đến cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội”(1).
Vấn đề đặt ra là, Đảng phải luôn củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng. Đảng phải tự đổi mới mình, cùng với đổi mới toàn bộ hệ thống chính trị, mà mấu chốt là phát huy cao dân chủ trong Đảng và toàn xã hội. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, như Bác Hồ đã cảnh báo và chỉ rõ, tệ quan liêu, tham nhũng... dễ nảy sinh (thực ra thì tệ nạn này ở nước nào cũng có); chỉ có phát huy dân chủ và toàn dân tham gia đấu tranh, giám sát Nhà nước và Đảng, thì tệ nạn này nhất định bị đẩy lùi,... Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(2).
Từ phương pháp luận trên, theo tôi, ở Chương I “Chế độ chính trị” cần nêu rõ nét hơn về cơ cấu hệ thống chính trị và phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng, Nhà nước.
Góp ý bổ sung các điều của Chương I: Chế độ chính trị
- Sau Điều 1 nói về “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” cần thêm 1 Điều như sau:
Đề nghị thêm Điều 2 (mới):
Hệ thống chính trị ở Việt Nam gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội của nhân dân (Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam,...). Các bộ phận của hệ thống chính trị có chức năng nhiệm vụ riêng và nằm trong mỗi quan hệ qua lại, có tác động tương hỗ.
- Về Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992:
Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị và là hạt nhân lãnh đạo. Nhưng chỉ nêu như Dự thảo là chưa thỏa đáng. Ở đây, có thể phải nêu thành một chương riêng (cần xem xét).
Tuy nhiên, trong phạm vi nội dung đã nêu ở Dự thảo, khoản 2 Điều 4 được trình bày quá khái quát, đúng nhưng chưa đủ và chưa rõ ràng về việc Đảng chịu sự giám sát của nhân dân. Nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng, nhưng còn chưa hài lòng về sự yếu kém của một số tổ chức đảng, bất bình về sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Về đòi hỏi khách quan, nhân dân phải được phát huy quyền làm chủ để giám sát Đảng và đảng viên ở các cấp. Vì vậy, ở khoản 2 của Điều 4 cần nêu rõ về “sự giám sát” này.
Đề nghị chỉnh sửa lại khoản 2 Điều 4 như sau:
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, để xây dựng Đảng vững mạnh. Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của mình, nhân dân có quyền góp ý, đấu tranh và kiến nghị về tư cách của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước...
- Ở Điều 6 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về vai trò của nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước, xin đề nghị viết lại như sau:
“Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của mình”.
- Ở Điều 9 của Dự thảo:
Như đã trình bày ở trên: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội là một bộ phận cấu thành hệ thống chính trị. Trong điều kiện xã hội ta có một đảng lãnh đạo - Đảng Cộng sản Việt Nam, thì vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể là lực lượng hết sức quan trọng, vừa động viên nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước, vừa phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, Điều 9 cần được viết đầy đủ hơn (Đúng ra, cần có một Chương về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội).
Trong phạm vi nội dung ở Điều 9 của bản Dự thảo, cần làm rõ:
+ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (các đoàn thể chính trị - xã hội...) chịu sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời có tính độc lập tương đối và tác động qua lại. Với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò quan trọng trong xây dựng chính quyền các cấp và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng.
+ Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cần được phát huy đúng chức năng, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần tích cực vào làm trong sạch bộ máy tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.
Theo phân tích trên, đề nghị tách khoản 2 trong Điều 9 ra làm hai điểm: Một khoản nêu về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; một khoản nêu riêng về vai trò giám sát và phản biện. Tôi tạm gọi là khoản 3, như sau:
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện để giám sát công tác của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức, viên chức nhà nước; tham gia phản biện xã hội đối với các chương trình kinh tế - xã hội, dự án luật,... của cơ quan nhà nước./.
-----------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2010, t. 9, tr. 592
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 510
Cộng gộp tạo cộng hưởng  (01/07/2013)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo Đảng ở Đồng bằng sông Cửu Long  (30/06/2013)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo Đảng ở Đồng bằng sông Cửu Long  (30/06/2013)
Báo chí Thái Lan bình luận chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/06/2013)
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Brunei  (30/06/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay