Cộng gộp tạo cộng hưởng

La Mịch Như
13:29, ngày 01-07-2013
TCCSĐT - Bên lề Hội nghị cấp cao vừa qua của Nhóm G8 ở Bắc Ai-len, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và giới chức lãnh đạo EU đã thỏa thuận trong tháng tới sẽ khởi động quá trình đàm phán về thành lập Khu vực mậu dịch tự do. Thỏa thuận này được gọi là Hiệp định hợp tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Hai bên xác định quyết tâm kết thúc thành công quá trình đàm phán này trong năm 2015. Trước đó, 27 nước thành viên EU cũng đã nhất trí uỷ quyền cho Ủy ban EU đứng ra đàm phán với Mỹ về Hiệp định này, xác định cụ thể những nội dung đàm phán và những chủ đề cần gác lại.

Thật ra, ý tưởng và dự định về thành lập Khu vực mậu dịch tự do giữa Mỹ và EU đã có từ lâu ở cả hai phía nhưng việc triển khai thực hiện bị cản phá do bất đồng quan điểm trong nội bộ. Bây giờ, hai phía đã hạ quyết tâm chính trị cao, đưa ra lộ trình thời gian cụ thể và chính thức nhằm khởi động quá trình đàm phán. Sau thời gian khá dài, ngập ngừng và sao nhãng, cả hai phía giờ đều muốn và phải dồn bước vì Tổng thống B. Ô-ba-ma không còn nhiều thời gian. Hơn thế, nhiều đối tác của hai phía cũng đang tiến hành thực hiện dự định thành lập khu vực mậu dịch tự do song phương cũng như đa phương với nhau.

 
Ảnh minh họa.

Đàm phán thành công, Mỹ và EU sẽ tạo nên Khu vực mậu dịch tự do được coi là lớn nhất thế giới, cộng gộp hai trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất thế giới. Mỹ và EU sẽ hình thành thị trường chung cho hơn 800 triệu dân với kim ngạch thương mại hai chiều mỗi ngày hiện đã hơn 2 tỷ ơ-rô. Khu vực mậu dịch tự do này không chỉ đơn thuần là gộp thị trường Mỹ và EU với nhau mà còn có thể tạo ra được tác dụng cộng hưởng giúp cho cả hai phía có được nhiều ưu thế mới trong thương mại thế giới nói chung và trong quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của từng bên với các đối tác khác nói riêng. Trong đó đáng kể nhất là những lợi thế cạnh tranh mới với Trung Quốc và vai trò rất đáng kể, thậm chí có thể tới mức rất quyết định, đối với việc xác định "luật chơi" trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chẳng hạn như về phương diện nguyên tắc và quy trình, tiêu chí và tiêu chuẩn... trong quá trình tự do hóa mậu dịch trên bình diện toàn cầu.

Theo một nghiên cứu của Viện Ifo có trụ sở tại Mu-ních, Cộng hòa Liên bang Đức về tác động của Khu vực mậu dịch tự do giữa Mỹ và EU, kinh tế thế giới nhờ đó có thể tăng trưởng thêm tới 3,3%, đương nhiên về lâu dài, và các nước công nghiệp phát triển sẽ có thêm 2 triệu việc làm. Tác động của thị trường chung này giữa Mỹ và EU không hẳn là việc xóa bỏ thuế quan bởi mức thuế quan ấy hiện đã thấp (trung bình chỉ còn 2,8%) mà chủ yếu là việc xóa bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan như thủ tục hành chính, quy định không thống nhất về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình... hoặc các biện pháp bảo hộ. Qua đó không chỉ các hãng lớn tiếp tục mà các hãng nhỏ và vừa cũng có thể bắt đầu dễ dàng tiếp cận thị trường của đối tác.

Khu vực mậu dịch tự do này sẽ giúp EU trở thành đối thủ cạnh tranh ngày càng đáng gờm hơn đối với các đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư truyền thống của Mỹ như Ca-na-đa, Mê-xi-cô hay Ô-xtrây-li-a và với cả Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Điều này rất lợi cho Mỹ. Thị trường nội địa châu Âu của EU cũng sẽ bị thay đổi cơ bản khi sản phẩm của EU phải cạnh tranh với sản phẩm của Mỹ ở ngay trên thị trường EU. Các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ bị thách thức hơn trước ở thị trường Mỹ và EU.

Một khi hai “kẻ lớn” hợp sức lại thành “kẻ khổng lồ” thì đương nhiên môi trường kinh doanh quốc tế sẽ không thể như trước được nữa. Tất cả các đối tác khác buộc phải nhanh chóng thỏa thuận song phương cũng như đa phương về Khu vực mậu dịch tự do chung hoặc phải điều chỉnh, sửa đổi những thỏa thuận đã có để sao cho hấp dẫn và hiệu quả thiết thực hơn. Quá trình đàm phán giữa Mỹ và EU là không đơn giản, nhưng chắc chắn cả hai đều sẽ không để tình cảm lấn át lý trí./.