Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 24-6 đến ngày 30-6-2013)
TCCSĐT - Sáng 30-6-2013, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bandar Seri Begawan) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 (AMM-46) và các hội nghị của các nước ASEAN với các nước đối tác.
1. Biến đổi khí hậu đe dọa nhiều loài động vật “an toàn” trên thế giới Phần lớn các loài chim, động vật lưỡng cư và các rạn san hô đang chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, song lại không được coi là các loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng Việt Nam sẽ sớm cử binh sỹ tham gia các đơn vị quân y, công binh và sỹ quan tham mưu
Ngày 24-6-2013, Nghiên cứu của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) công bố trên nhật báo Plos One (Mỹ) cảnh báo phần lớn các loài chim, động vật lưỡng cư và các rạn san hô đang chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, song chúng lại không được coi là các loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng và do đó không được bảo tồn thích hợp. Các nhà nghiên cứu IUCN đã tập trung theo dõi các phát hiện của hơn 100 nhà khoa học trong 5 năm vừa qua, từ đó tìm ra những đặc điểm sinh thái cũng như sinh học ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm của các loài sinh vật hoặc khả năng thích nghi của chúng với sự biến đổi khí hậu. Kết quả, hơn 83% loài chim, 66% động vật lưỡng cư và 70% các rạn san hô được xác định rất dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, nhưng lại không có tên trong Danh sách Đỏ các loài bị đe dọa của IUCN. Ngoài ra, các tác giả của nghiên cứu còn chỉ ra rằng sự phát triển nông nghiệp và khai thác lâm nghiệp không bền vững đã khiến hơn 9% loài chim, 15% động vật lưỡng cư và 9% số rạn san hô trong tổng số sinh vật lâm vào tình trạng “đang bị tuyệt chủng”. Trước thực trạng này, Phó Giám đốc Chương trình các loài sinh vật toàn cầu của IUCN Giăng Cri-xtốp Vi (Jean-Christophe Vie) khẳng định kết quả nghiên cứu trên đây là một bước tiến quan trọng cho công tác bảo tồn sinh vật, cũng như để cộng đồng thế giới nhận thấy một bức tranh chi tiết hơn về những loài sinh vật đang phải hứng chịu sự đe dọa của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, thông qua nghiên cứu này, các nhà khoa học có cơ hội tìm hiểu thêm về các đặc tính sinh học của các loài dẫn đến những điểm yếu trong môi trường biến đổi, để từ đó giúp ích cho việc đáp ứng các nhu cầu trong công tác bảo tồn thiên nhiên.
2. Mỹ tiến hành đợt tái cơ cấu lục quân lớn nhất trong gần 7 thập kỷ qua
Ngày 25-6, trong một bước đi phản ánh nhu cầu thu hẹp quy mô quân đội sau hơn một thập kỷ tiến hành hai cuộc chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, giới chức quân sự Mỹ thông báo lực lượng Lục quân nước này sẽ cắt giảm khoảng 80.000 quân số, đồng thời giảm số lữ đoàn chiến đấu từ 45 xuống còn 33. Đây là đợt tái cơ cấu lục quân lớn nhất của Mỹ kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Phát biểu với báo giới tại Thủ đô Oa-sinh-tơn, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng Rây Ô-đi-ơ-nô (Ray Odierno), khẳng định đợt tái bố trí quân và xóa bỏ một số vị trí dân sự sẽ không ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lục quân Mỹ và không liên quan tới việc ngân sách liên bang tự động cắt giảm. Theo ông R. Ô-đi-ơ-nô, trong 4 năm tới, số lữ đoàn chiến đấu sẽ còn là 33, giảm 12 lữ đoàn (10 tại Mỹ và 02 tại Đức). Một số quân nhân thuộc các lữ đoàn này sẽ được điều chuyển sang các căn cứ quân sự. Các nhân sự thuộc diện cắt giảm (khoảng 80.000 người) chủ yếu là các đối tượng tự nguyện giải ngũ. Giới quan sát nhận định kế hoạch cắt giảm này của Mỹ chỉ là bước đi đầu tiên nhằm cắt giảm chi tiêu quân sự thêm 470 tỷ USD cho tới năm 2022.
3. Hưởng ứng Ngày quốc tế chống lạm dụng và buôn bán ma túy: Nhiều nước tiêu hủy khối lượng lớn ma túy các loại
* Ngày 26-6, hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống ma túy (26-6), Ủy ban Phòng, chống ma túy quốc gia Lào đã tiến hành tiêu hủy 500kg ma túy tổng hợp, hơn 2.000kg cần sa khô, hơn 18kg hê-rô-in và nhiều loại ma túy khác. Thủ tướng Lào Thong-xỉnh Tham-ma-vông (Thongsinh Thamavong) cùng đại diện Ngoại giao đoàn và đại diện Cơ quan phòng chống ma túy Liên hợp quốc đã chứng kiến việc tiêu hủy.
* Cũng trong ngày 26-6, chính quyền Mi-an-ma đã tiêu hủy khối lượng lớn hê-rô-in, cần sa và các chất kích thích khác, có tổng trị giá ước tính 76,79 triệu USD, tại 3 thành phố Y-an-gun (Yangon), Man-đa-lây (Mandalay) và Ta-ung-ghi (Taunggyi). Theo số liệu của cảnh sát Mi-an-ma, trong năm 2012, nước này đã xét xử 4.006 vụ việc liên quan đến buôn bán, tàng trữ và sử dụng ma túy, xử phạt 5.740 đối tượng.
* I-ran cũng tiêu hủy ít nhất 100 tấn ma túy tại Tê-hê-ran và 16 tỉnh khác. I-ran nằm trên tuyến đường buôn bán ma túy lớn từ Áp-ga-ni-xtan sang châu Âu. Bộ trưởng Nội vụ I-ran Mô-xta-pha Mô-ha-mát Na-gia (Mostafa Mohammad-Najjar) cho biết nước này đã gia tăng các biện pháp chống buôn bán ma túy, trong đó có việc tăng cường kiểm soát biên giới, đặc biệt nhằm vào những đối tượng cầm đầu các mạng lưới buôn bán và trung chuyển ma túy.
* Ấn Độ đã tổ chức Lễ trao giải thưởng quốc gia cho 5 tổ chức và hai cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong lĩnh vực phòng, chống tệ nghiện rượu và lạm dụng chất kích thích. Phát biểu tại buổi lễ tại Thủ đô Niu Đê-li, Tổng thống Ấn Độ Pra-náp Mu-khơ-gi (Pranab Mukherjee) kêu gọi sự phối hợp nỗ lực của tất cả các cơ quan, các ngành, mọi tổ chức xã hội nâng cao nhận thức trong người dân về tác hại của rượu và ma túy, nhằm phòng, chống và loại bỏ tệ nạn này.
4. Việt Nam sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình
thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình
Trong thời gian từ ngày 26 đến ngày 29-6-2013, Đoàn đại biểu cán bộ liên ngành Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, dẫn đầu, đã thăm Cơ quan gìn giữ hòa bình và một số cơ quan chức năng của Liên hợp quốc tại trụ sở chính của tổ chức này ở New York (Mỹ) chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Phát biểu trong buổi tiếp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông Ét-môn Mu-lét (Edmon Mulet), Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách công tác gìn giữ hòa bình, hoan nghênh việc Việt Nam cùng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ông E. Mu-lét cho biết gìn giữ hòa bình và ổn định trên Trái đất là mục tiêu tối cao và xuyên suốt đã được ghi trong Hiến chương của Liên hợp quốc và người thực hiện mục tiêu này không ai khác ngoài 193 quốc gia thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chân thành cảm ơn những đánh giá tích cực của Liên hợp quốc về vai trò của Việt Nam trong việc gìn giữ hòa bình, cũng như việc Liên hợp quốc đặt trọn niềm tin vào Việt Nam trong sứ mệnh cao cả này. Thượng tướng nhấn mạnh đây là vinh dự và trách nhiệm của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc và khẳng định là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ làm tốt công tác chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, kể cả các thủ tục pháp lý, để sớm cử binh sỹ tham gia các đơn vị quân y, công binh và sỹ quan tham mưu thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình.
5. Lãnh đạo EU đạt nhiều thỏa thuận quan trọng
Ngày 27-6-2013, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Brúc-xen (Bỉ) đã nhất trí tăng ngân quỹ đối phó với tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ, vốn đang tăng mạnh tại châu Âu, lên 8 tỷ ơ-rô (tương đương 10,4 tỷ USD). Phát biểu với báo giới sau phiên họp đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi (Herman van Rompuy) cho biết lãnh đạo các nước EU đã nhất trí kể từ tháng 01-2014 sẽ bắt đầu triển khai dự án tạo việc làm trị giá 6 tỷ ơ-rô và có thể được bổ sung thêm 2 tỷ ơ-rô nữa từ các quỹ của châu Âu dành cho các lĩnh vực khác chưa được sử dụng đến. Dự án này chủ yếu tập trung hỗ trợ tìm kiếm, tạo việc làm và đào tạo nghề cho thanh niên, đặc biệt ở những khu vực có tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 25%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng số tiền này “như muối bỏ biển” vì số người thất nghiệp ở châu Âu đã lên tới hơn 19 triệu người, trong đó có gần 6 triệu người dưới 25 tuổi. Bên cạnh đó, lãnh đạo 27 nước thành viên EU cũng thông qua các kế hoạch để Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), chủ yếu tại các nước thành viên ở khu vực Nam Âu, nơi hệ thống ngân hàng phần lớn đã cạn tiền do phải hứng chịu cuộc khủng hoảng nợ công, vay hàng trăm tỷ ơ-rô. Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) đã công bố một thỏa thuận chính trị về huy động ngân sách dài hạn trị giá 960 tỷ ơ-rô (tương đương 1.250 tỷ USD) trong giai đoạn 2014 - 2020.
6. Báo chí Thái Lan bình luận chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Truyền thông Thái Lan trong những ngày qua đưa tin khá đậm nét về chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, trong đó nêu rõ hai bên đã thỏa thuận nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược và tăng cường hợp tác hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Hãng thông tấn Thái Lan (NNT) đã dành một chương trình đặc biệt để thông tin về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. NNT bình luận rằng sau hơn ba thập kỷ quan hệ, Thái Lan và Việt Nam đã quyết định nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới bằng thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc gia và hợp tác khu vực. Tờ Bưu điện Bangkok dẫn lời Vụ trưởng Vụ Đông Á Bộ Ngoại giao Thái Lan Pi-chay-a-phan Chan-bu-mi-pôn (Pichayaphant Charnbumipol) nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chọn Thái Lan để ký thỏa thuận đối tác chiến lược, mở đường cho việc thắt chặt quan hệ trên mọi lĩnh vực. Theo Tập đoàn truyền thông Thái Lan (MCOT), việc nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược và mở rộng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước. Tờ Dân tộc bình luận với thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược, Thái Lan và Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong sản xuất và buôn bán gạo nhằm thực hiện mục tiêu đóng vai trò lớn hơn trên thị trường gạo thế giới. Đây được coi là một trong những nỗ lực chính của Thái Lan nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất gạo với đối thủ cạnh tranh số một kể từ năm 1990. Bình luận về chuyến thăm, Cục quan hệ công chúng Thái Lan (PRD) trực thuộc Chính phủ Thái Lan cho biết Thái Lan và Việt Nam đã nhất trí về sự cần thiết phải triển khai việc kết nối khu vực, đặc biệt là Hành lang kinh tế Đông - Tây liên kết Thái Lan với Lào và Việt Nam thông qua các tuyến đường số 8, 9 và 12.
7. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46
Sáng 30-6-2013, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan (Bandar Seri Begawan) đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 (AMM-46) với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên. Nội dung trọng tâm các cuộc thảo luận tại Hội nghị bao gồm: Quyết tâm xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, một Cộng đồng ASEAN “liên kết về kinh tế, gắn kết về chính trị, và cùng chia sẻ trách nhiệm xã hội”; Tăng cường quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, cũng như vai trò nòng cốt của Hiệp hội trong xử lý những vấn đề quan trọng ở khu vực, thúc đẩy liên kết và kết nối ASEAN làm động lực để từ đó mở rộng kết nối ra khu vực Đông Á; Nhấn mạnh vai trò chủ động của ASEAN trong việc bảo đảm môi trường hòa bình của khu vực, an ninh và ổn định, phát huy hơn nữa các công cụ, diễn đàn chính trị, an ninh ở khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), cũng như những văn kiện như Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí hạt nhân (SEANWFZ)…, đồng thời ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,… Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng đề cập đến tầm quan trọng của hòa bình, an ninh an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông, bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các cam kết trong Tuyên bố 6 điểm của ASEAN, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
8. Ra mắt ấn phẩm tiếng Nga kỷ niệm ngày đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên Xô
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân đến đất nước Liên Xô (30-6-1923 - 30-6-2013), cuốn “Khi người Việt Nam đầu tiên vào Điện Krem-lin” bằng tiếng Nga của tác giả Vũ Kỳ được ra mắt tại Liên bang Nga. Ấn phẩm đầy ắp tình hữu nghị Nga - Việt này chính là sáng kiến của dịch giả Ép-ghê-nhi Páp-lô-vích Gla-du-nốp (Evghenhy Pavlovic Glazunov), Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga - Việt, đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga. Bản dịch sang tiếng Nga với nhan đề “Первый Вьетнамец в Кремле” được kỳ vọng sẽ mang đến cho độc giả Nga nhiều chi tiết thú vị về Chủ tịch Hồ Chí Minh vì tác giả Vũ Kỳ từng là Thư ký riêng của Người suốt một thời gian dài và sau này trở thành Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cuốn sách trên là những ghi chép của tác giả khi tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm chính thức Liên Xô đầu tiên vào năm 1955 cùng những chuyến công tác khác của Người tại Liên Xô. Dịch giả E. Gla-du-nốp cho biết ông quyết định dịch cuốn sách vì bản thân từng vinh dự là phiên dịch viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian làm việc ở Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, cũng như trong thời gian ông giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Đông Dương của Đảng Cộng sản Liên Xô./.
Cần thể hiện rõ hơn nữa về cơ cấu hệ thống chính trị và phát huy quyền làm chủ của nhân dân  (01/07/2013)
Cộng gộp tạo cộng hưởng  (01/07/2013)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo Đảng ở Đồng bằng sông Cửu Long  (30/06/2013)
Nâng cao chất lượng tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên báo Đảng ở Đồng bằng sông Cửu Long  (30/06/2013)
Báo chí Thái Lan bình luận chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (30/06/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay